backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Chụp X-quang trong COPD có hiệu quả?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    Chụp X-quang trong COPD có hiệu quả?

    Một trong những xét nghiệm đầu tiên giúp chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là chụp X-quang COPD. Thông qua đó, bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng phổi và phát hiện nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp.

    Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh phổi nghiêm trọng liên quan đến các tình trạng khác nhau về đường hô hấp, gây khó thở.

    Biểu hiện bệnh liên quan đến COPD phổ biến nhất là khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính. Khí phế thũng làm tổn thương các túi khí nhỏ trong phổi. Viêm phế quản mạn tính khiến đường hô hấp liên tục bị kích thích và viêm do tăng sản xuất chất nhầy.

    Người bệnh COPD thường cảm thấy khó thở, tăng tiết chất nhầy, cảm thấy tức ngực và một vài triệu chứng khác tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

    Khi nghi ngờ mắc phải COPD, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một vài xét nghiệm, chẳng hạn như chụp X-quang để giúp chẩn đoán COPD (gọi tắt là X-quang COPD) chính xác hơn.

    Chụp X-quang ngực là một phương pháp không gây xâm lấn, không đau và thực hiện nhanh chóng. Phương pháp này sử dụng sóng điện từ để tạo ra hình ảnh của phổi, tim, cơ hoành và lồng ngực. Đây chỉ là một trong một số nhiều xét nghiệm được sử dụng trong chẩn đoán COPD.

    Chuẩn bị trước khi chụp X-quang COPD

    Bạn sẽ được mặc áo theo quy định của bệnh viện thay vì quần áo thông thường. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể cung cấp một tấm bảo vệ có hình dạng giống như tạp dề và được làm bằng chì để bảo vệ cơ quan sinh sản khỏi bức xạ từ tia X khi chụp X-quang.

    Bạn cũng cần tháo bỏ tất cả các trang sức có thể gây can thiệp trong quá trình kiểm tra.

    Thông thường, chụp X-quang lồng ngực sẽ được thực hiện khi bạn đang đứng.

    Nếu bác sĩ lo ngại rằng có chất lỏng xung quanh phổi, được gọi là tràn dịch màng phổi, họ có thể muốn xem các hình ảnh bổ sung về phổi trong khi bạn nằm nghiêng.

    Hình ảnh X-quang COPD thể hiện điều gì?

    Một trong những dấu hiệu của COPD có thể xuất hiện trên kết quả chụp X-quang là phổi bị phì đại. Khi đó, hình ảnh phổi sẽ lớn hơn bình thường. Ngoài ra, cơ hoành có thể trông thấp và phẳng hơn, tim có khả năng trông dài hơn bình thường.

    x quang copd phổi phì đại
    Hình ảnh X-quang của phổi phì đại. Nguồn: radiopaedia.org

    X-quang COPD sẽ không biểu hiện nhiều nếu tình trạng bệnh chủ yếu là viêm phế quản mạn tính. Tuy nhiên, trường hợp bị khí phế thũng, bác sĩ có thể nhìn thấy nhiều vấn đề về cấu trúc của phổi hơn trên kết quả hình ảnh chụp X-quang.

    Tia X có thể phát hiện các bóng khí ở trong phổi, đó là túi không khí hình thành gần bề mặt phổi. Bóng khí có khi khá lớn (hơn 1cm) và chiếm nhiều không gian trong phổi.

    Khi các bóng khí bị vỡ, không khí sẽ tràn ra xung quanh phổi, còn gọi là tràn khí màng phổi tự phát. Lúc đấy, bạn cần được điều trị y tế khẩn cấp. Triệu chứng biểu hiện thường thấy là đau ngực rõ rệt và tình trạng khó thở tăng mạnh.

    Trường hợp không phải COPD

    Cảm giác khó chịu ở ngực có thể do một nguyên nhân khác gây nên. Nếu kết quả chụp X-quang không có những dấu hiệu của bệnh COPD, bác sĩ sẽ kiểm tra xem liệu có vấn đề nào khác gây tức ngực không.

    Đau ngực, khó thở và giảm khả năng tập thể dục có thể là triệu chứng của bệnh về phổi, nhưng cũng có khả năng là dấu hiệu của vấn đề về tim.

    Hình ảnh chụp X-quang lồng ngực sẽ cung cấp cho bác sĩ những thông tin giá trị về tình trạng tim cũng như mạch máu xung quanh; chẳng hạn như nó cho thấy kích thước của tim, kích thước mạch máu, dấu hiệu tràn dịch quanh tim hay dấu hiệu vôi hóa, xơ cứng van và mạch máu.

    Ngoài ra, kết quả chụp X-quang còn cho biết liệu xương sườn có bị gãy hay lồng ngực có vấn đề về xương hay không. Tất cả tình trạng trên đều có thể dẫn đến biểu hiện đau tức ngực.

    Điểm khác biệt giữa phương pháp chụp X-quang và CT

    Chụp cắt lớp vi tính (CT) lồng ngực thường thực hiện ở những người có vấn đề về hô hấp.

    Không giống như chụp X-quang cổ điển chỉ cho thấy hình ảnh phẳng, một chiều, quét CT đưa ra một loạt hình ảnh được chụp từ nhiều góc khác nhau. Phương pháp này còn cung cấp cho bác sĩ mặt cắt ngang vào các cơ quan và mô mềm khác trong cơ thể.

    Do đó, chụp CT cho hình ảnh chi tiết hơn so với chụp X-quang thông thường. Nó có thể được sử dụng để kiểm tra các cục máu đông trong phổi hay thể hiện các chi tiết nhỏ hơn nhiều như phát hiện ung thư sớm.

    Các xét nghiệm hình ảnh thường được sử dụng để theo dõi dấu hiệu tổn thương phổi.

    Bạn có thể được yêu cầu chụp cả X-quang và CT trong quá trình chẩn đoán COPD. Trong đó, X-quang COPD sẽ tiến hành trước vì thời gian thực hiện nhanh và cung cấp thông tin sơ bộ giúp bác sĩ quyết định nhanh chóng hướng điều trị, chăm sóc cho bạn.

    Kết luận

    Phương pháp chụp X-quang không thể xác nhận chính xác nhất tình trạng COPD nhưng có thể cung cấp thông tin về tình trạng tim và phổi.

    Xét nghiệm đánh giá chức năng phổi cũng rất cần thiết để đưa ra chẩn đoán COPD đáng tin cậy, cùng với việc đánh giá cẩn thận các triệu chứng và tác động của chúng đối với cuộc sống.

    Tuy nhiên, cả hai phương pháp chụp X-quang và quét CT đều có liên quan đến sử dụng tia bức xạ. Vậy nên bạn cần thông báo với bác sĩ nếu như đã từng thực hiện các kiểm tra này gần đây.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo