backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh glôcôm (cườm nước) có phải mổ không? Những điều bạn cần biết về mổ cườm nước

Tham vấn y khoa: Bệnh viện Mắt Bà Rịa - Vũng Tàu · Nhãn khoa · BV Mắt Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 19/04/2022

    Bệnh glôcôm (cườm nước) có phải mổ không? Những điều bạn cần biết về mổ cườm nước

    Mổ cườm nước thường không phải là lựa chọn đầu tiên để điều trị tình trạng tăng nhãn áp. Tuy nhiên, khi các phương thức điều trị khác không hiệu quả hoặc vì lý do khác thì phẫu thuật là cách để bảo tồn thị lực cho người bệnh. 

    Cườm nước là tên thường gọi của bệnh glôcôm, một số nơi còn gọi bệnh lý này với tên “thiên đầu thống”. Đây là một căn bệnh nguy hiểm dẫn đến mù lòa không hồi phục, đặc biệt là dạng glôcôm góc mở, thường diễn tiến một cách âm thầm và không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, nên người bệnh ít được phát hiện để điều trị. Do đó, bệnh còn được mệnh danh là “kẻ đánh cắp thị lực thầm lặng”.

    Mục tiêu của tất cả các phương pháp, kể cả nội khoa và phẫu thuật trong điều trị cườm nước là hạ nhãn áp xuống tới mức không gây thêm thương tổn cho dây thần kinh thị giác, duy trì thị lực và thị trường của mắt.

    Khi nào người bệnh nên mổ cườm nước?

    Khi nào người bệnh nên mổ cườm nước?

    Bình thường, nếu việc sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc kết hợp mà không giúp đạt được nhãn áp đích, người bệnh sẽ tiếp tục điều trị bằng laser mống mắt chu biên hoặc laser tạo hình vùng bè. Tuy nhiên, sau khi điều trị tích cực bằng các phương thức này mà nhãn áp vẫn không điều chỉnh thì phẫu thuật sẽ là phương án tiếp theo.

    Trong một số ít trường hợp, phẫu thuật là lựa chọn bắt buộc, ví dụ như bị glôcôm góc đóng cấp tính, glôcôm thứ phát sau phẫu thuật thể thủy tinh. Ngoài ra, một số trường hợp người bệnh không có đủ điều kiện điều trị bằng thuốc, không có điều kiện đi lại tái khám và  theo dõi, không thể tuân thủ chế độ điều trị thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, hoặc cơ sở y tế địa phương không đủ điều kiện để thực hiện các bước điều trị, thì bác sĩ thường chỉ định làm phẫu thuật sớm.

    Có nhiều phương pháp phẫu thuật cườm nước, với mỗi ca bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp mổ phù hợp với tình trạng bệnh lý. Những phương pháp điều trị laser và phẫu thuật phổ biến trong điều trị cườm nước gồm:

  • Phẫu thuật cắt mống mắt chu biên bằng laser
  • Phẫu thuật tạo hình vùng bè bằng laser
  • Phẫu thuật tạo hình vùng bè bằng laser chọn lọc
  • Phẫu thuật tạo hình mống mắt
  • Phẫu thuật cắt bè củng giác mạc
  • Phẫu thuật cắt củng mạc sâu
  • Phẫu thuật đặt van dẫn lưu tiền phòng
  • Quang đông thể mi
  • Phẫu thuật lỗ dò kèm đặt ologen, áp 5FU, áp mitomycin
  • Lưu ý, sau khi điều trị laser, người bệnh vẫn cần tiếp tục dùng thuốc và theo dõi nhãn áp định kỳ. Kể cả khi đã mổ cườm nước thì tình trạng tăng nhãn áp vẫn có thể tái phát khiến bạn phải dùng thuốc hạ nhãn áp hoặc phẫu thuật bổ sung.

    Chi phí mổ glôcôm (cườm nước) ở mắt là bao nhiêu?

    Giá mổ cườm nước sẽ dao động tùy phương pháp, tình trạng nghiêm trọng của mỗi bệnh nhân và bảng giá ở từng bệnh viện. Bảo hiểm y tế sẽ chi trả một phần hoặc toàn bộ viện phí nếu bệnh nhân có tham gia bảo hiểm. Tham khảo một số bệnh viện, chi phí này thường nằm trong khoảng 2–5 triệu đồng. Nếu có bảo hiểm y tế, mức giá cần chi trả sẽ giảm bớt dựa theo mức quyền lợi quy định. Riêng đối với các loại phẫu thuật cao cấp cần đặt van hoặc shunt dẫn lưu thì giá phẫu thuật có thể lên đến hàng chục triệu đồng.

    Nhìn chung, nếu bạn cần phải mổ cườm nước, bác sĩ sẽ đánh giá bệnh tình và lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp. Sau đó, họ sẽ trao đổi với bạn về các bước tiếp theo cần thực hiện, bao gồm tổng chi phí cần trả.

    Những rủi ro có thể gặp khi mổ cườm nước

    rủi ro khi mổ cườm nước

    Bất kỳ loại phẫu thuật nào cũng đều có tỷ lệ gặp rủi ro nhất định, mổ cườm nước cũng không ngoại lệ. Dù các phẫu thuật trong điều trị cườm nước có lợi ích lớn hơn nguy cơ nhưng bạn cũng nên trao đổi trước với bác sĩ để biết thêm về một số tác động không mong muốn có thể gặp phải. Những rủi ro ít khi xảy ra sau phẫu thuật cườm nước gồm:

    • Các biến chứng liên quan tới phẫu thuật vào nội nhãn: hở mép phẫu thuật, xuất huyết mắt, nhiễm trùng nội nhãn, đục thủy tinh thể…
    • Các biến chứng liên quan đến hạ nhãn áp quá nhiều sau phẫu thuật: xẹp tiền phòng, bong hắc mạc, teo nhãn cầu..
    • Các biến chứng khác như tăng nhãn áp sau phẫu thuật, biến chứng liên quan đến van dẫn lưu…

    Một điều nữa bạn cần biết là mổ cườm nước giúp bạn hạ nhãn áp nhưng không giúp bạn lấy lại thị lực đã mất. Vậy nên, điều quan trọng nhất là bạn nên chú ý đến sức khỏe đôi mắt, luôn kiểm tra mắt (bao gồm cả đo nhãn áp) định kỳ để phát hiện và điều trị sớm ngay từ giai đoạn đầu. Lúc đó, các phương pháp dùng để hạ nhãn áp (như dùng thuốc nhỏ mắt), laser mống mắt chu biên sẽ đơn giản và có hiệu quả tốt hơn.

    Bạn nên đi khám mắt ở đâu?

    Bạn có thể đi thăm khám, tầm soát và điều trị bệnh cườm nước (hay glôcôm) ở các bệnh viện chuyên khoa Mắt, khoa Mắt tại các bệnh viện đa khoa hay phòng khám chuyên khoa trên cả nước.

    Trước khi đi khám mắt, bạn có thể tìm kiếm thông tin về địa chỉ, quy trình khám chữa bệnh, giờ hoạt động của các bệnh viện dự tính đến thông qua website hoặc số điện thoại liên lạc. Đồng thời, đừng quên chuẩn bị các giấy tờ cần thiết như bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân/ căn cước công dân, sổ khám bệnh, đơn thuốc trước đây (nếu đi tái khám). Nếu được chẩn đoán mắc bệnh, bạn hãy tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa mắt.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bệnh viện Mắt Bà Rịa - Vũng Tàu

    Nhãn khoa · BV Mắt Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 19/04/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo