backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Nếu tự đi mua thuốc, bạn nên hỏi gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 02/02/2021

    Nếu tự đi mua thuốc, bạn nên hỏi gì?

    Bên cạnh bác sĩ thì dược sĩ cũng là người đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người bệnh hiểu rõ hơn về thuốc và cách sử dụng chúng sao cho hiệu quả. Bạn có thể đi mua thuốc sau khi có đơn thuốc từ bác sĩ hoặc tự mua thuốc không kê đơn giúp điều trị những triệu chứng bệnh đơn giản. Vậy nên, bạn cần chuẩn bị một số câu hỏi cho dược sĩ để được tư vấn tường tận về cách dùng cũng như những lưu ý khi uống thuốc.

    Dược sĩ là những người được đào tạo chuyên môn về thuốc và có khả năng nhận diện, đánh giá những tương tác có thể xảy ra cũng như biết cách sử dụng từng loại thuốc như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất. Vậy làm sao để người bệnh có được những thông tin quan trọng như vậy? Đó chính là nhờ vào việc dám hỏi để được tư vấn từ những thầy thuốc tận tâm.

    Trường hợp mua thuốc theo đơn có sẵn, bạn cũng nên hỏi lại dược sĩ về cách sử dụng và những lưu ý khi uống thuốc cùng thức ăn, đồ uống khác nếu như chưa kịp hỏi rõ bác sĩ. Bạn cũng có thể thử đề nghị dược sĩ đổi cho bạn sang thuốc cùng chỉ định nhưng có chất lượng cao hơn, chẳng hạn như những biệt dược gốc từ các công ty dược đa quốc gia.

    Khi bạn có những triệu chứng bệnh thông thường như cảm cúm, đau họng hay sốt nhẹ và thường tự ra nhà thuốc mua các thuốc không kê đơn, hãy chuẩn bị vài câu hỏi về thuốc được bán. Bài viết sau đây sẽ gợi ý cho bạn 7 câu hỏi cơ bản khi đi mua thuốc không kê đơn.

    1. Tôi nên dùng thuốc gì khi bị những triệu chứng này?

    Để dược sĩ có thể tư vấn và bán cho bạn đúng thuốc điều trị thì đầu tiên bạn cần nêu rõ những biểu hiện đang gặp phải, ví dụ như bạn cảm thấy đau bụng thì nên mô tả rõ ràng hơn là đau ở phần nào của bụng, có kèm theo tiêu chảy hay có cảm giác buồn nôn hay không, có bị sốt không… Nguyên nhân là vì những triệu chứng này cũng có thể liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng khác và bạn cần phải thực hiện vài xét nghiệm để được chẩn đoán chính xác.

    Tuy nhiên, ban đầu dược sĩ vẫn bán một số thuốc để kiểm soát các triệu chứng và hướng dẫn bạn cách theo dõi tình trạng sức khỏe sau khi uống thuốc. Nếu sau một thời gian sử dụng thuốc mà bạn không thấy đỡ hơn hoặc diễn biến xấu đi, hãy đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.

    2. Thuốc này có cần dùng kèm với thuốc nào không? Tại sao?

    Một số thuốc không kê đơn có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện một vài tác dụng không mong muốn và để phòng ngừa thì dược sĩ sẽ bán kèm theo thuốc giúp điều trị triệu chứng có thể xảy ra đó. Ví dụ như bạn cần phải sử dụng thuốc giảm đau NSAIDs (như natri diclofenac) dài ngày và khi mua thuốc, dược sĩ thường cắt thêm cho bạn thuốc điều trị viêm loét dạ dày như omeprazol. Nếu không hỏi lại mà tự ý không sử dụng các thuốc bạn nghĩ không liên quan đến tình trạng sức khỏe, theo thời gian viêm loét dạ dày sẽ có nguy cơ phát triển.

    3. Nếu tôi chỉ sử dụng thuốc này mà không dùng thuốc hỗ trợ có được không?

    Một số thuốc có tác dụng hiệp đồng với nhau, khi sử dụng chung sẽ làm tăng tác dụng và giúp chữa trị bệnh hiệu quả hơn. Bạn có thể thấy khi sử dụng thuốc điều trị trĩ, dược sĩ thường cho bạn uống thêm một viên có hoạt chất rutin với tác dụng làm bền thành mạch. Việc này không những làm tăng tác dụng chữa trị mà còn giúp phòng ngừa bệnh tái phát.

    Nếu bạn chỉ sử dụng một thuốc mà không dùng thuốc hỗ trợ, quá trình lành bệnh có thể kéo dài hơn. Do đó, hãy hỏi dược sĩ ngay khi thấy thắc mắc về tác dụng của một loại thuốc nào đó để hiểu rõ hơn cơ chế hoạt động. Lúc ấy, bạn sẽ biết cách sử dụng thuốc thật hiệu quả.

    4. Đây có phải là thuốc tốt nhất không? Có thể đổi cho tôi sang thuốc có chất lượng cao như thuốc gốc (thuốc branded) được không?

    Nếu bạn thường xuyên đi mua thuốc, chắc có lẽ đã từng gặp tình trạng khi muốn mua thuốc có tên này nhưng lại được dược sĩ giới thiệu cho một biệt dược khác có cùng hoạt chất. Một ví dụ cụ thể như: bạn muốn mua thuốc Panadol để giảm đau, hạ sốt nhưng nhà thuốc lại bán cho bạn thuốc biệt dược X cũng có hoạt chất là paracetamol với hàm lượng tương tự. Nếu không để ý và hỏi lại rõ ràng, bạn sẽ không mua được thuốc với chất lượng cao đúng theo nhu cầu của mình.

    Thông thường, các thuốc tốt có chất lượng cao là những thuốc được sản xuất bởi các Công ty Dược uy tín, chẳng hạn như thuốc gốc. Bạn có biết những viên thuốc biệt dược gốc cần phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức và chi phí để nghiên cứu, phát triển ra hoạt chất đó? Muốn đạt được tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt từ FDA, EMA thì thuốc mới phải trải qua quá trình phê duyệt từ 10–14 năm cùng những nghiên cứu lâm sàng chi tiết. Thậm chí ngay cả khi thuốc đã lưu hành trên trị trường, các công ty dược phát minh vẫn phải theo dõi, đánh giá hiệu quả và mức độ an toàn khi sử dụng thuốc trên người bệnh. Trong vòng 20 năm, kể từ khi thuốc được phát minh thì công ty dược sở hữu bằng sáng chế được độc quyền sản xuất. Sau thời hạn đó, nhiều phiên bản generic ra đời để cạnh tranh và khiến người bệnh cảm thấy bối rối khi lựa chọn.

    Tuy nhiên, khi bạn có đủ điều kiện chi trả cho những biệt dược chất lượng cao, bạn có thể trao đổi với dược sĩ đổi sang loại thuốc tốt hơn lúc đi mua thuốc. Bạn cần hỏi cho quyền lợi sức khỏe của chính mình để được tư vấn từ các thầy thuốc tận tâm. Từ đó, bạn sẽ hiểu tường tận về công dụng thuốc và tăng cơ hội được dùng thuốc chất lượng cao, giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn.

    đặt câu hỏi khi mua thuốc

    5. Thuốc này có gây tác dụng phụ như mất ngủ, chóng mặt, buồn nôn hay chảy máu dạ dày không?

    Đây cũng là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất khi sử dụng thuốc. Bên cạnh công dụng chính, bất kể loại thuốc nào cũng đều sẽ có khả năng gây ra những tác dụng không mong muốn khiến người bệnh lo lắng. Thế nhưng, bạn có thể hạn chế hoặc phòng ngừa phần lớn những tác dụng phụ này xảy ra khi biết rõ về nguyên lý tác động của một thuốc. Đó cũng là nguyên do mà bạn nên đặt những câu hỏi xoay quanh về lợi ích và rủi ro mà thuốc mang lại.

    Việc đọc tờ hướng dẫn sử dụng có thể khiến bạn hơi hoảng hốt vì những tác dụng phụ được liệt kê ra. Thế nên, tốt hơn hết là bạn hãy hỏi dược sĩ khi mua thuốc để biết được những tác dụng không mong muốn nào thường hay xảy ra và cách “xử lý” chúng. Với những thuốc điều trị thường gây buồn ngủ, chóng mặt, hoa mắt thì bạn không nên vận hành tàu xe, máy móc khi đang dùng thuốc.

    6. Muốn điều trị hiệu quả thì nên dùng thuốc này trong bao lâu?

    Một số thuốc có thể chỉ cần sử dụng trong thời gian ngắn, ngược lại cũng có loại thuốc cần phải sử dụng đủ và đúng liều lượng theo quy định. Bạn cần hỏi dược sĩ về khoảng thời gian cần thiết sử dụng thuốc để mang lại hiệu quả tối ưu.

    Khi ngừng sử dụng thuốc đột ngột hoặc kéo dài thời gian sử dụng đều có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Một ví dụ phổ biến mà bạn thường nghe nhắc đến là thời gian sử dụng thuốc kháng sinh. Cho dù bạn cảm thấy các triệu chứng nhiễm khuẩn đã hết thì cũng không nên tự ý dừng uống kháng sinh trước thời gian quy định (thường từ 5-7 ngày) vì có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn còn sống sót biến đổi để đề kháng thuốc.

    Bên cạnh đó, lại có những thuốc không nên sử dụng liên tục, kéo dài vì sẽ khiến bạn lạm dụng thuốc hoặc làm tăng nguy cơ tác dụng phụ xảy ra trong cơ thể. Ví dụ như khi sử dụng thuốc nhuận tràng để điều trị táo bón, nếu bạn không thay đổi lối sống và chế độ ăn mà cứ “ỷ lại” vào thuốc mỗi lần đại tiện, lâu dần sẽ khiến nhu động ruột giảm và các cơ trực trànghậu môn mất chức năng tống phân ra ngoài. Việc này sẽ khiến bạn lệ thuộc vào thuốc, thậm chí khiến bệnh chuyển thành mạn tính.

    7. Khi dùng thuốc này, tôi cần kiêng cữ những gì?

    Nếu từng nghe nhắc đến tương tác thuốc, chắc chắn bạn sẽ biết có những loại thuốc khi dùng chung với thuốc khác (bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn), thực phẩm chức năng, thảo dược hay đồ ăn, thức uống có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc điều trị chính hoặc tăng tác dụng phụ.

    Đặc biệt, bạn phải thông báo những tình trạng sức khỏe đặc biệt và nhạy cảm như mang thai, cho con bú, suy thận, suy gan… hoặc mua thuốc sử dụng cho trẻ nhỏ cho dược sĩ vì sẽ có rất nhiều vấn đề nghiêm trọng có khả năng xảy ra nếu uống thuốc một cách tùy tiện. Dược sĩ sẽ dặn dò bạn nên kiêng cữ những gì để đảm bảo an toàn khi uống thuốc.

    Vậy làm sao mà bạn có thể biết hết những điều này khi mua thuốc? Câu trả lời thật ra vô cùng đơn giản: hãy hỏi dược sĩ – những người thầy thuốc tận tâm đã được đào tạo chuyên môn để có thể trả lời cụ thể những vấn đề mà bạn băn khoăn hay ít ra họ cũng hướng dẫn bạn cách tìm kiếm thông tin đáng tin cậy về những thuốc mà bạn đang dùng. Hãy trở thành một người sử dụng thuốc thông minh bằng cách luôn đặt câu hỏi để hiểu tường tận về thuốc, bạn nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 02/02/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo