backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Hen suyễn do tập thể dục: Những điều bạn cần biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Huynh Dat · Ngày cập nhật: 30/11/2020

    Hen suyễn do tập thể dục: Những điều bạn cần biết

    Nhiều nhân tố khác nhau có thể gây bộc phát cơn hen suyễn, bao gồm cả việc luyện tập thể dục. Vậy tại sao tập thể dục lại gây khởi phát cơn hen và có phải những người mắc bệnh hen suyễn do tập thể dục phải nói “không” với các môn thể thao suốt đời?

    Tập thể dục là một trong những nguyên nhân có thể gây khởi phát các cơn hen. Do đó, nhiều người cho rằng bệnh nhân hen suyễn không nên luyện tập thể dục thường xuyên. Tuy nhiên, quan điểm này là hoàn toàn sai lầm, bởi vì việc thiếu vận động sẽ khiến bạn dễ mắc nhiều căn bệnh khác nữa.

    Hen suyễn do tập thể dục là gì?

    Bệnh hen suyễn do tập thể dục là hiện tượng đường hô hấp bị hẹp đi do bệnh nhân luyện tập quá sức. Điều này sẽ gây ra tình trạng khó thở, thở khò khè hoặc tức ngực trong suốt quá trình tập và sau khi tập.

    Hiện tượng trên còn được gọi là co thắt phế quản do tập thể dục. Cụm từ này thường được giới chuyên môn dùng nhiều hơn, bởi vì tập thể dục có thể dẫn đến co thắt phế quản nhưng lại không phải là nguyên nhân gốc rễ gây ra bệnh hen suyễn. Đối với những người mắc bệnh hen suyễn, tập thể dục chỉ là một trong những nhân tố gây khó thở.

    Trong hầu hết các trường hợp hen suyễn do tập thể dục, những biện pháp phòng ngừa và các loại thuốc trị hen suyễn thông thường đều có thể giúp bệnh nhân luyện tập thể dục bình thường.

    Tại sao tập thể dục lại có thể gây hen suyễn?

    Trong quá trình hô hấp bình thường, luồng không khí mà chúng ta hít vào sẽ được đường mũi làm ấm và làm ẩm trước khi đi vào phế quản. Tuy nhiên, khi tập thể dục, chúng ta thường có xu hướng thở bằng miệng. Do đó, luồng khí hít vào sẽ lạnh và khô hơn.

    Đối với bệnh nhân hen suyễn, các bó cơ xung quanh đường hô hấp rất nhạy cảm với những thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm. Kết quả là các bó cơ này sẽ phản ứng bằng cách co thắt lại, gây hẹp đường hô hấp, dẫn đến một số triệu chứng điển hình như:

  • Ho
  • Tức ngực
  • Thở khò khè
  • Thường xuyên bị đuối sức khi tập thể dục
  • Thở ngắn trong lúc tập thể dục
  • Ho là một triệu chứng của hen suyễn do tập thể dục

    Các triệu chứng hen suyễn do tập thể dục thường xuất hiện sau khi bạn bắt đầu tập khoảng 5–20 phút hoặc sau khi bạn ngưng tập 5–20 phút.

    Bệnh nhân hen suyễn có nên tập thể dục không?

    Một số người chỉ lên cơn hen khi tập thể dục. Tuy nhiên, bệnh hen suyễn không phải là lý do khiến bạn nên tránh các hoạt động thể dục thể thao. Trên thực tế, nhiều vận động viên thể thao, kể cả vận động viên Olympic, mắc bệnh hen suyễn cũng có thể tham gia thi đấu.

    Đối với những người mắc bệnh hen suyễn do tập thể dục, việc lựa chọn các môn thể thao phù hợp là điều vô cùng quan trọng. Các bác sĩ khuyên bạn nên luyện tập các môn thể thao có thời gian vận động ngắn và gián đoạn như bóng chuyền, bóng chày, đi bộ và bơi lội. Đồng thời, bạn nên tránh những môn thể thao có thời gian vận động dài như đá bóng, chạy bền và bóng rổ.

    Ngăn ngừa tình trạng hen suyễn do tập thể dục

    Để ngăn ngừa tình trạng hen suyễn do tập thể dục, bạn nên lưu ý những điều sau:

  • Luôn dùng các loại thuốc dạng xịt trước khi bắt đầu tập thể dục
  • Thực hiện các bài tập khởi động trước khi tập và cho cơ thể nghỉ ngơi hợp lý sau khi tập
  • Nếu thời tiết lạnh, bạn nên tập luyện ở trong nhà
  • Tránh tập luyện ngoài trời khi không khí bị ô nhiễm hoặc mật độ phấn hoa trong không khí cao
  • Hạn chế tập thể dục khi bạn bị nhiễm virus
  • Tập các bài tập phù hợp với thể chất của mình
  • Các loại thuốc dùng để ngăn ngừa và điều trị tình trạng hen suyễn do tập thể dục

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

    Có 3 loại thuốc có thể được dùng để ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng của hen suyễn do tập thể dục. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn các loại thuốc phù hợp dựa trên tiền sử bệnh và các hoạt động thể chất mà bạn tham gia.

    • Thuốc chủ vận beta/thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh: Bạn có thể ngăn ngừa các triệu chứng hen suyễn bằng cách dùng thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh từ 10-15 phút trước khi tập thể dục. Tác dụng của các loại thuốc này sẽ kéo dài đến khoảng 4 tiếng. Ngoài ra, thuốc chủ vận beta cũng giúp điều trị và đảo ngược các triệu chứng của bệnh.
    • Thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài: Bạn có thể sử dụng loại thuốc này từ 30 – 60 phút trước khi tập thể dục. Chúng có tác dụng bảo vệ và ngăn ngừa các triệu chứng hen suyễn trong thời gian dài, khoảng 12 tiếng. Tuy nhiên, vì không tác dụng nhanh nên loại thuốc này không được dùng để điều trị khi triệu chứng xuất hiện.
    • Chất ổn định tế bào mast: Cromolyn natri hoặc nedocromil natri cần được uống trước khi tập thể dục từ 15-20 phút. Các loại thuốc này cũng chỉ giúp ngăn ngừa triệu chứng chứ không điều trị bệnh khi chúng xảy ra.

    Vận động cơ thể thường xuyên là cách giúp bạn có một sức khỏe dẻo dai, ngay cả đối với những bệnh nhân hen suyễn. Chỉ cần lựa chọn chế độ luyện tập phù hợp, bạn sẽ có thể nâng cao sức khỏe của mình mà không cần phải lo lắng về các triệu chứng hen suyễn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Huynh Dat · Ngày cập nhật: 30/11/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo