backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Người bị thoái hóa cột sống có nên tập yoga?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Trinh Nguyễn · Ngày cập nhật: 25/06/2021

    Người bị thoái hóa cột sống có nên tập yoga?

    Yoga rất tốt cho sức khoẻ, đồng thời giúp bạn sử dụng lưng và cổ của mình thường xuyên. Tuy nhiên, khi được chẩn đoán bị thoái hóa cột sống, có thể bạn thắc mắc liệu yoga có phù hợp với tình trạng bệnh hay không? Rất may mắn, các chuyên gia cơ xương khớp đã khẳng định: bộ môn yoga hỗ trợ bạn cải thiện chứng thoái hóa cột sống rất hiệu quả.

    Vậy, bạn nên tập yoga như thế nào khi mắc bệnh này? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Xác định tình trạng thoái hóa cột sống của bạn trước khi bước vào tập luyện

    Đĩa đệm cột sống của bạn nằm giữa hai xương cột sống, có chức năng hấp thụ các chấn động, gắn kết hai xương và góp phần vào sự ổn định của cột sống, giúp cho bạn di chuyển linh hoạt. Theo thời gian, các bộ phận của cơ thể lão hóa dần. Đĩa đệm cũng mất nước dần và hỗ trợ nâng đỡ kém hơn. Kết quả là, cột sống thiếu đi tính linh hoạt.

    Các protein trong đĩa đệm có thể gây ra viêm và viêm có thể gây ra co thắt cơ lưng hoặc cổ, những cơ có vai trò giữ cột sống được ổn định. Do đó, cơn đau có thể xuất hiện và chức năng có thể bị ảnh hưởng bởi sự kích thích các dây thần kinh.

    Bạn có thể cảm thấy đau khi ngồi hoặc đứng hoặc khi bạn sử dụng lưng hoặc cổ của mình. Đau có liên quan đến các cử động.

    Thoái hóa cột sống cũng có thể dẫn đến một số vấn đề về cột sống khác nặng nề hơn, chẳng hạn như:

    • Hẹp cột sống: sự thu hẹp của ống chứa tủy sống, gây tổn hại dến các dây thần kinh;
    • Thoái hóa khớp ở cột sống: các bề mặt khớp bị tổn thương, gây đau lưng;
    • Trượt đốt sống: khi đĩa đệm bị thoái hóa và không thể gắn kết hai xương lại, một xương có thể trượt lên xương còn lại.

    Những tình trạng này đều gây đau và hạn chế chuyển động của bạn.

    Yoga có thể hỗ trợ chữa bệnh thoái hóa cột sống của bạn như thế nào?

    thoái hóa cột sống có nên tập yoga

    Thoái hóa cột sống có thể dẫn đến đau khi cử động và hạn chế vận động, do đó, nhiều người lo sợ và cho rằng không nên thực hiện bất kỳ hoạt động nào có nguy cơ tác động đến cột sống. Tuy nhiên, việc thiếu các hoạt động thể chất có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này và làm chậm quá trình lành bệnh. Do đó, các bài tập thích hợp có thể cải thiện vấn đề này. Những bài tập nhịp chậm thường rất phù hợp và yoga là một phương pháp điều trị khá hiệu. Vì sao yoga lại có tác dụng thần kỳ như vậy đối với người bị thoái hóa cột sống?

    Tăng cường cơ bắp

    Việc tăng cường một số cơ nhất định rất quan trọng trong điều trị thoái hóa cột sống. Các cơ bị suy yếu có thể giảm hỗ trợ nâng đỡ cho cột sống, tăng áp lực đè lên đĩa đệm. Đĩa đệm không còn tốt như trước và sẽ không thể chịu được áp lực này. Một số tư thế yoga có thể giúp cho bạn tập trung vào những cơ đặc hiệu, các nhóm cơ ở cổ, lưng và vùng bụng, qua đó tăng cường sức mạnh cho cơ.

    Yoga giúp bạn giữ bạn ở vị trí và tư thế đúng, do đó giảm thiểu tình trạng đau nhức ở cột sống.

    Căng và thư giãn cơ

    Việc kéo dãn một số cơ có thể giúp tăng giới hạn chuyển động và tính linh hoạt của lưng, cổ. Trong yoga, bạn phải giữ các tư thế trong khoảng từ 10-60 giây và một số cơ căng ra trong khi vài cơ khác được thư giãn. Yoga cũng có thể thúc đẩy máu mang chất dinh dưỡng chảy vào và thải các chất độc thoát ra khỏi đĩa đệm, thúc đẩy đĩa đệm tự chữa lành.

    Yoga tập trung vào hơi thở. Hít thở tự do, sâu và khỏe mạnh có thể thư giãn cơ thể và cải thiện lưu thông trong cơ thể của bạn.

    Cải thiện độ cong của cột sống

    Tập yoga rất tốt cho người bị thoái hóa cột sống bởi nó có thể giúp cải thiện tư thế và làm tăng thăng bằng với các bộ phận của cơ thể trong mối liên kết hợp lý. Yoga tăng cường sức mạnh cả hai bên của cơ thể. Điều này cũng góp phần vào việc cải thiện sự thăng bằng của cơ thể. Kết quả là, độ cong của cột sống có thể được giữ trong tình trạng khỏe mạnh, giúp làm giảm áp lực lên đĩa đệm.

    Tăng mức độ tự nhận thức về cơ thể

    Yoga cũng có thể giúp bạn nhận biết giới hạn của mình. Bạn sẽ biết tư thế nào tốt cho cơ thể và tư thế nào thì không. Điều này giúp làm giảm nguy cơ bị thương các đĩa đệm do việc sử dụng quá mức hoặc sai tư thế.

    Kiểm soát cân nặng

    Béo phì có thể gây áp lực lên đĩa đệm vốn đã bị thoái hóa của bạn, đồng thời nó lại hấp thụ ít chấn động hơn. Yoga nổi tiếng là một phương thức tập thể dục hiệu quả trong việc giúp bạn có được vóc dáng chuẩn và khỏe mạnh.

    Suy nghĩ tích cực

    Suy nghĩ của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình chữa bệnh của cơ thể, bao gồm cả chứng thoái hóa cột sống. Yoga giúp bạn thư giãn tâm trí, suy nghĩ một cách tích cực và giảm thiểu các áp lực hay cảm xúc tiêu cực, giúp giảm đau cột sống. Hoặc nếu không, ít nhất yoga cũng có thể giúp bạn sống với căn bệnh này một cách thoải mái hơn.

    Một số tư thế Yoga cần tránh cho người bị thoái hóa cột sống

    một số tư thế yoga mà người thoái hóa cột sống nên tránh

    Mặc dù các nhà khoa học đã chứng minh rằng bạn có thể tập yoga khi bị thoái hóa cột sống, tuy nhiên, có một số trường hợp mà bạn nên cân nhắc:

    • Nếu thoái hóa cột sống dẫn đến hẹp ống sống, bạn nên tránh tư thế yoga phải uốn cong lưng;
    • Nếu bạn bị thoái hóa cột sống ở cổ, bạn nên tránh thực hiện một số tư thế buộc phải trồng chuối trên đầu hoặc vai.

    Yoga khá hiệu quả trong vấn đề điều trị thoái hóa cột sống, do đó bạn không cần quá lo lắng. Nếu bạn đang tập yoga thì hãy tiếp tục duy trì, tuy nhiện bạn hãy điều chỉnh tư thế tập cho phù hợp với tình trạng bệnh. Nếu bạn đã thử tập yoga trước đây, hãy tập lại để cảm nhận sự cải thiện.

    Bạn rất cần thảo luận với bác sĩ và cả huấn luyện viên yoga của bạn để gia giảm động tác, tư thế phù hợp với căn bệnh của bạn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Trinh Nguyễn · Ngày cập nhật: 25/06/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo