backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Viêm đại tràng co thắt: Nguy cơ của người hay bị stress

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 10/05/2021

    Viêm đại tràng co thắt: Nguy cơ của người hay bị stress

    Nếu bạn thường xuyên cảm thấy đau quặn bụng và có những biểu hiện đại tiện thất thường thì có thể bạn đã mắc phải bệnh viêm đại tràng co thắt. Bệnh thường gặp phải ở những người hay bị stress và làm việc căng thẳng trong thời gian dài.   

    Bệnh viêm đại tràng co thắt là căn bệnh lành tính, không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây rối loạn chức năng đại tràng khiến ruột co bóp thất thường. Bệnh không làm thay đổi cấu trúc hay yếu tố sinh hóa của dạ dày hoặc ruột nên các bác sĩ thường không tìm thấy tổn thương thực thể ở đường ruột khi nội soi. Tuy nhiên, người bệnh có thể cảm thấy đau bụng dữ dội và đại tiện thất thường.

    Hãy cùng tìm hiểu thêm về các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị bệnh viêm đại tràng co thắt để tìm lại cuộc sống sinh hoạt khỏe mạnh trước đây nhé!

    Triệu chứng viêm đại tràng co thắt

    bệnh viêm đại tràng co thắt

    Viêm đại tràng co thắt thường giống với một số bệnh đường tiêu hóa khác nên khiến nhiều người lầm tưởng. Song bệnh thường có một số biểu hiện đặc trưng như:

    1. Đau bụng quặn thắt: Cơn đau bụng thường kéo dài âm ỉ và quặn thắt kèm theo hiện tượng đầy hơi, ợ nóng. Chúng đặc biệt xuất hiện khi bạn cảm thấy lo âu và căng thẳng. Đồng thời, bạn cũng có thể bị đau bụng và đầy hơi sau khi ăn những món ăn chua, cay, chưa chín hoặc hải sản. Thông thường, tình trạng này sẽ thuyên giảm sau khi bạn đi đại tiện hoặc xì hơi. 

    2. Rối loạn đại tiện: Người bệnh thường đi ngoài nhiều lần trong ngày, táo bón xen kẽ với các đợt tiêu chảy. Không những vậy, sau khi đi ngoài xong, họ có thể vẫn thấy đau bụng và muốn đi tiếp. Phân thường có đầu rắn, đuôi nát lẫn chất nhầy kèm mùi hôi khó chịu. 

    3. Triệu chứng toàn thân: Viêm đại tràng co thắt kéo dài làm người bệnh xanh xao, mệt mỏi và suy nhược cơ thể. Một số người còn gặp tình trạng khó thở, hồi hộp, căng thẳng và mất ngủ. 

    Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy những biểu hiện nghiêm trọng hơn, bao gồm: 

    • Khó nuốt thức ăn 
    • Chảy máu trực tràng
    • Thiếu máu do thiếu sắt
    • Tiêu chảy vào ban đêm
    • Nôn không giải thích được
    • Sụt cân nhanh và không rõ lý do 
    • Có sự thay đổi liên tục trong thói quen đi đại tiện
    • Cơn đau dai dẳng không thuyên giảm dù có xì hơi hay đi tiêu

    Đối tượng dễ mắc bệnh viêm đại tràng co thắt

    Mỗi người bệnh sẽ có những biểu hiện và triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, một số yếu tố nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm đại tràng co thắt, bao gồm: 

    • Độ tuổi: Bệnh viêm đại tràng co thắt thường xảy ra ở người dưới 50 tuổi.
    • Giới tính: Ở Mỹ, phụ nữ mắc bệnh viêm đại tràng co thắt nhiều hơn nam giới. Liệu pháp estrogen trước hoặc sau kỳ mãn kinh cũng có thể là một yếu tố gây bệnh.
    • Gia đình: Nếu có bất kỳ thành viên nào trong gia đình bị viêm đại tràng co thắt thì bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này.
    • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống không lành mạnh sẽ dễ gây đầy hơi và đi ngoài. 
    • Sức khỏe tâm lý: Những người hay bị căng thẳng, lo âu hay sống trong môi trường quá áp lực làm gia tăng những triệu chứng của bệnh viêm đại tràng co thắt. Người bị trầm cảm, ám ảnh, stress… cũng có nguy cơ cao mắc bệnh này.

    Bạn nên tìm hiểu thêm các nguyên nhân gây bệnh để từ đó tìm cách phòng ngừa và hạn chế những lối sống sai lầm khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

    Nguyên nhân gây bệnh viêm đại tràng co thắt

    bệnh viêm đại tràng co thắt

    Hiện nay, bác sĩ vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh viêm đại tràng co thắt. Tuy nhiên, rối loạn nhu động ruột, lối sống sinh hoạt không khoa học và căng thẳng có thể dẫn đến tình trạng này. 

    1. Yếu tố tâm lý

    Bệnh về tâm lý thường ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở đường tiêu hóa, làm bạn cảm thấy khó chịu hơn khi bụng căng tức. Căng thẳng và lo âu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng viêm đại tràng co thắt. Áp lực công việc, mệt mỏi và mất ngủ có thể làm triệu chứng bệnh trở nên rõ ràng hơn. 

    2. Rối loạn nhu động đường tiêu hóa

    Nhu động ruột là yếu tố giúp đảm bảo chức năng co bóp nhịp nhàng và vận chuyển thức ăn của đường tiêu hóa. Đối với người mắc bệnh viêm đại tràng co thắt, nhu động ruột sẽ làm thay đổi cường độ co bóp.

    Các cơn co thắt diễn ra liên tục và kéo dài hơn bình thường sẽ gây đầy hơi chướng bụng và tiêu chảy. Ngược lại, các cơn co thắt nhẹ và yếu có thể làm chậm quá trình vận chuyển thức ăn khiến phân trở nên cứng và khô, từ đó gây táo bón.

    3. Viêm ruột và nhiễm trùng nặng

    Một số người mắc bệnh viêm đại tràng co thắt có số lượng tế bào miễn dịch trong ruột tăng lên gây ra cơn đau bụng và tiêu chảy. Bên cạnh đó, ruột có thể bị nhiễm trùng nặng do vi khuẩn và virus tấn công, từ đó dẫn đến tiêu chảy nặng. 

    4. Ăn uống không khoa học

    Sử dụng các loại thực phẩm hoặc đồ uống không lành mạnh có thể làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh, ví dụ như:

    • Bia, rượu
    • Đồ ăn nhanh, đồ chiên xào
    • Chất kích thích
    • Nước ngọt có ga
    • Trái cây họ cam quýt
    • Các sản phẩm từ sữa

    Bên cạnh đó, những thói quen ăn uống xấu như ăn quá nhanh và bỏ bữa cũng ảnh hưởng đến hoạt động của ruột. 

    5. Phụ nữ thay đổi nội tiết tố

    Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần đàn ông vì thường bị rối loạn nội tiết tố. Nhiều phụ nữ nhận thấy dấu hiệu và triệu chứng của bệnh trở nên tồi tệ hơn trong kỳ kinh nguyệt.

    Cách điều trị viêm đại tràng co thắt

    Bạn có thể kiểm soát triệu chứng của bệnh viêm đại tràng co thắt bằng cách giảm bớt căng thẳng, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và lối sống sinh hoạt lành mạnh. Tuy nhiên, các triệu chứng nghiêm trọng hơn cần được điều trị bằng thuốc dưới sự tư vấn của bác sĩ.

    Thuốc điều trị viêm đại tràng co thắt

    Các loại thuốc sau đây được sử dụng để làm dịu triệu chứng bệnh:

    • Thuốc chống co thắt đại tràng: Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm đau bụng nhờ cơ chế thư giãn các cơ trong ruột.
    • Thuốc nhuận tràng: Thuốc nhuận tràng giúp điều hòa nhu động ruột và làm giảm táo bón. 
    • Thuốc cầm tiêu chảy: Các thuốc cầm tiêu chảy như actapulgite và loperamid giúp làm chậm sự co bóp của cơ ruột. 
    • Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs): Thuốc chống trầm cảm thường giúp giảm đau bụng do căng thẳng và lo âu.

    Các loại thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh viêm đại tràng co thắt, bao gồm:

  • Alosetron: Alosetron là thuốc được sử dụng để điều trị tiêu chảy nặng ở phụ nữ
  • Geliprostone: Geliprostone thường dùng để điều trị táo bón ở phụ nữ
  • Đây thường là dòng điều trị cuối cùng khi đã dùng các lối sống sinh hoạt hoặc can thiệp trị liệu khác mà các triệu chứng vẫn nghiêm trọng.

    Cách điều trị bằng thuốc thường ẩn chứa những nguy cơ gây ra những tác dụng phụ. Vì thế, bạn không nên tự ý mua thuốc về điều trị.

    Chế độ ăn uống khoa học

    Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng giúp giảm tình trạng viêm đại tràng co thắt. Bạn nên bổ sung thêm thực phẩm nhuận tràng ngừa táo bón và tiêu thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng dưới đây: 

    • Thịt, cá, trứng và sữa không chứa lactose. 
    • Bột yến mạch có thể giúp bạn giảm chướng bụng và đầy hơi.
    • Uống khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày, có thể thay bằng nước ép trái cây.
    • Rau xanh và trái cây, nhằm bổ sung chất xơ và giúp ngăn chặn táo bón. 
    • Sữa chua và thực phẩm giàu prebiotic để tăng cường lợi khuẩn cho đường ruột.

    Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh những loại thực phẩm có thể làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh như:

    • Sorbitol: Sorbitol làm tình trạng tiêu chảy trở nên nặng hơn. Hợp chất này thường được tìm thấy trong một số loại kẹo cao su, thực phẩm ăn kiêng và đồ ngọt không đường.  
    • Thức uống có cồn và chất kích thích: Bạn nên tránh xa các loại đồ uống có cồn và caffeine như rượu, bia, cà phê, ca cao và nước ngọt có ga vì chúng sẽ làm tăng cơn co thắt ở ruột.
    • Thực phẩm gây khó tiêu: Các loại thực phẩm khó tiêu như đậu, cần tây, hành tây, cà rốt, nho khô, chuối và mơ có thể làm tăng chứng đầy hơi ở người bệnh. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh các loại đồ ăn như hải sản, bánh ngọt, bánh mì, bánh quy, sữa có chứa lactose và dưa muối vì chúng sẽ làm tăng nguy cơ táo bón. 
    • Đồ ăn không lành mạnh: Những thực phẩm đã qua chế biến sẵn, đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay và chua cũng làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bạn. 

    Bạn không nên bỏ bữa hoặc ăn quá nhiều thức ăn cùng một lúc mà nên chia nhỏ các bữa và nhai chậm trong khi ăn. 

    Cách quản lý stress

    bệnh viêm đại tràng co thắt

    Có thể thấy, tâm lý cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành viêm đại tràng co thắt. Bạn có thể áp dụng những cách sau để kiểm soát căng thẳng và ngăn ngừa bệnh hiệu quả:

    • Kỹ thuật thư giãn: Các bài tập thư giãn cơ thể như thiền hoặc yoga sẽ giúp bạn kiểm soát cảm xúc hiệu quả hơn.  
    • Tập hít thở sâu: Bài tập hít thở rất hữu ích đối với bệnh nhân bị viêm đại tràng. Để thực hiện động tác này, bạn căng bụng và hít sâu, sau đó hóp bụng và thở ra đều đặn. Thực hiện động tác này trong khoảng 3-5 phút có thể giúp kích thích ruột đào thải các chất cặn bã dễ dàng hơn.
    • Massage bụng: Massage bụng sẽ giúp làm dịu các cơn đau do co thắt đại tràng, điều hòa nhu động ruột và cải thiện chứng đầy hơi cũng như táo bón hiệu quả. Bạn dùng bàn tay ấn và xoa đều quanh rốn rồi mở rộng dần ra xung quanh, làm như vậy trong khoảng 2-3 phút để giúp đào thải khí thừa ra ngoài cơ thể. Đây cũng là cách giúp bạn thư giãn hiệu quả sau một ngày dài căng thẳng. 
    • Tập thể dục nhẹ nhàng: Bạn có thể tập các môn thể thao như đi bộ, đạp xe và bơi lội. Các bài tập nhẹ nhàng không chỉ giúp tăng cường tiêu hóa mà còn giúp đẩy lùi stress hiệu quả. 

    Phòng ngừa bệnh viêm đại tràng mãn tính

    Bên cạnh việc kiểm soát stress, bạn có thể thực hiện những cách dưới đây để phòng ngừa bệnh: 

    • Bác sĩ tâm lý: Bác sĩ tâm lý có thể hướng dẫn bạn cách kiểm soát hoặc đối phó với căng thẳng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp tâm lý giúp cải thiện sức khỏe tinh thần đáng kể. 
    • Liệu pháp phản hồi sinh học: Liệu pháp phản hồi sinh học giúp bạn theo dõi và kiểm soát cách cơ thể phản ứng với các kích thích bên ngoài. 
    • Bài tập thư giãn cơ chuyên sâu: Những bài tập này sẽ giúp bạn thư giãn cơ bắp hiệu quả.
    • Bài tập chánh niệm: Kỹ thuật giảm căng thẳng này sẽ giúp bạn kiểm soát những lo lắng và stress từ cuộc sống thường ngày.

    Căng thẳng hàng ngày không những tác động đến sức khỏe tinh thần mà còn ảnh hưởng đến thể chất và có thể gây ra nhiều bệnh lý khác nhau, chẳng hạn như bệnh viêm đại tràng co thắt. Nếu thường xuyên gặp phải các triệu chứng của bệnh như đau bụng quặn thắt, ợ hơi hoặc đi ngoài, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, bạn cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với trị liệu tâm lý để hỗ trợ giảm thiểu triệu chứng bệnh một cách hiệu quả nhất.

    Hoa Vũ HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoa Vũ · Ngày cập nhật: 10/05/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo