backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não nhẹ đến nặng cần lưu ý những gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 06/12/2021

    Chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não nhẹ đến nặng cần lưu ý những gì?

    Chấn thương sọ não có thể nặng hoặc nhẹ. Nhưng đôi khi nó nghiêm trọng tới mức gây hôn mê và dẫn đến tử vong bất cứ lúc nào. Vì vậy, việc chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp tăng tỷ lệ hồi phục của bệnh nhân sau chấn thương.

    Bệnh nhân chấn thương sọ não từ trung bình đến nặng thường bị suy giảm nhận thức đáng kể và cần người chăm sóc luôn kề cận ở bên. Vậy, lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não nên lưu ý gì trong từng trường hợp nhẹ hoặc nặng? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu và khám phá trong bài viết này nhé!

    1. Đưa bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám

    Nếu trong gia đình có người bị thương hoặc bị va chạm mạnh ở đầu, bạn nên đưa họ đến bác sĩ để thăm khám sớm. Bởi triệu chứng chấn thương sọ não có thể không biểu hiện ngay lập tức nhưng để lại hậu quả về lâu dài nếu không được điều trị kịp thời.

    Hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện và cung cấp cho bác sĩ những thông tin chi tiết nhất về chấn thương và các triệu chứng. Cụ thể như: 

    • Quá trình xảy ra chấn thương ở đầu, vật gì đập vào đầu bệnh nhân, bệnh nhân bị ngã bao xa…
    • Bệnh nhân có bất tỉnh không và đã bất tỉnh trong bao lâu? 
    • Bệnh nhân có bất kỳ thay đổi nào về sự tỉnh táo, khả năng nói, đi lại hay có bất cứ dấu hiệu bất thường nào khác không?

    Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ đánh giá mức độ nghiêm trọng của chấn thương sọ não là nặng, nhẹ hay trung bình, đồng thời đưa ra phương pháp điều trị và hỗ trợ bạn lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân về lâu dài.

    2. Chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não nhẹ

    chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não nhẹ

    Đối với bệnh nhân chấn thương sọ não nhẹ, việc chăm sóc thường không quá phức tạp. Điều quan trọng là cho bệnh nhân nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động thể chất và dùng thuốc giảm đau không kê đơn để điều trị đau đầu. 

    Tuy nhiên, hãy theo dõi chặt chẽ bệnh nhân. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào dai dẳng kéo dài, nặng hơn hoặc có triệu chứng mới, cần đưa bệnh nhân đến bác sĩ để tái khám sớm. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thời điểm thích hợp cho bệnh nhân trở lại làm việc, đi học hoặc tham gia các hoạt động hàng ngày khác.

    3. Chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não từ trung bình đến nặng

    Chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não từ trung bình đến nặng cần được tiến hành ngay lập tức, tập trung vào việc đảm bảo người bệnh có đủ oxy và nguồn cung cấp máu đầy đủ, duy trì huyết áp và ngăn ngừa bất kỳ chấn thương nào thêm ở đầu hoặc cổ.

    Cụ thể như sau:

    Chăm sóc hô hấp

    Tình trạng thiếu oxy sau chấn thương đầu khá phổ biến bởi một số lý do như sau: đường thở bị tắc nghẽn, chấn thương lồng ngực và tình trạng tăng trao đổi chất sau chấn thương, sẽ làm tăng nhu cầu oxy của mô trong cơ thể. Điều này dẫn đến việc hít thở của bệnh nhân gặp nhiều khó khăn.

    Vì vậy, hầu hết bệnh nhân phải sử dụng máy thở hoặc đặt nội khí quản. Người chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não sau mổ cần quan tâm chăm sóc vấn đề hô hấp cho bệnh nhân, theo dõi các phản ứng bất thường và thông báo ngay cho bác sĩ nếu cần. Nếu bệnh nhân đã về nhà, hãy tuân thủ việc vệ sinh máy theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

    Theo dõi huyết áp và nhiệt độ cơ thể

    chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não nặng

    Bệnh nhân chấn thương sọ não từ trung bình đến nặng có thể bị loạn nhịp tim do hạ thân nhiệt hoặc mất cân bằng điện giải trong cơ thể. Ngoài ra, tình trạng thiếu oxy có thể đi kèm với thiếu máu cục bộ do nhu cầu oxy của mô não tăng cao. Tỷ lệ trao đổi chất của não tăng khoảng 7% khi nhiệt độ cơ thể tăng lên mỗi độ C. 

    Vì vậy, việc người chăm sóc cần theo dõi huyết áp và đo nhiệt độ cơ thể cho bệnh nhân liên tục, đồng thời báo với bác sĩ điều trị ngay khi có những dấu hiệu bất thường.

    Hỗ trợ dinh dưỡng

    Chấn thương nặng ở đầu có liên quan đến tình trạng tăng trao đổi chất, trong một số trường hợp, tỷ lệ trao đổi chất tăng từ 40 đến 100%. Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân được nuôi ăn bằng ống nuôi đưa trực tiếp vào dạ dày.

    Người chăm sóc nên chuẩn bị thức ăn dạng lỏng, nhẹ và dễ tiêu hóa theo hướng dẫn của bác sĩ.

    Tuân thủ chỉ định của bác sĩ

    Thuốc an thần propofol thường được bác sĩ chỉ định cho những bệnh nhân bị chấn thương đầu, vì nó làm giảm tốc độ chuyển hóa não và lưu lượng máu não. Hãy tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc dùng thuốc cho bệnh nhân. Tránh việc bỏ quên liều hay dùng quá liều hoặc tự ý cho bệnh nhân ngưng dùng thuốc khi không có sự chỉ định của bác sĩ.

    Hỗ trợ bệnh nhân phục hồi chức năng

    Hầu hết những bệnh nhân chấn thương não nghiêm trọng sẽ cần phục hồi chức năng để lấy lại các kỹ năng sinh hoạt cơ bản, chẳng hạn như đi bộ hoặc giao tiếp. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương và phần não bị ảnh hưởng, bác sĩ sẽ lên kế hoạch phục hồi chức năng phù hợp cho từng bệnh nhân. 

    Người chăm sóc nên phối hợp tốt với bác sĩ điều trị, đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc các cơ sở phục hồi chức năng để tiến hành trị liệu. Đồng thời, luôn động viên tinh thần bệnh nhân trong quá trình hồi phục.

    Khi về nhà, bác sĩ có thể hướng dẫn một số bài tập giúp bệnh nhân rèn luyện chức năng cơ bản. Hãy cùng đồng hành và giúp đỡ họ trong giai đoạn này nhé!

    Chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não bằng cách phòng tránh té ngã

    chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não và phòng tránh té ngã

    Việc phòng tránh té ngã là điều đặc biệt quan trọng nhằm ngăn ngừa bất kỳ chấn thương nào thêm ở đầu hoặc cổ. Bạn nên thực hiện một số mẹo sau đây để phòng tránh bệnh nhân có thể bị té ngã ngay tại nhà:

  • Lắp đặt tay vịn trong phòng tắm
  • Đặt một tấm thảm chống trượt trong bồn tắm hoặc vòi hoa sen
  • Lắp tay vịn hai bên cầu thang
  • Tăng cường đèn để cung cấp ánh sáng trong nhà, đặc biệt là xung quanh cầu thang
  • Giữ cho cầu thang và sàn nhà không bị bừa bộn
  • Kiểm tra thị lực cho bệnh nhân thường xuyên
  • Khuyến khích bệnh nhân tập thể dục nếu có thể.
  • Những lưu ý khác

    Đối với bệnh nhân phải nằm liệt giường, người chăm sóc bệnh nhân chấn thương sọ não nên thường xuyên vệ sinh thân thể, đổi tư thế nằm để tránh lở loét. Nếu có thể hãy xoa bóp thay chân cho bệnh nhân để kích thích máu huyết lưu thông. Cuối cùng là quan tâm đến không gian và môi trường sống, tránh tiếng ồn và luôn phải sạch sẽ, thông thoáng để giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 06/12/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo