backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ nhẹ (đột quỵ nhỏ)

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 17/04/2023

    Nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ nhẹ (đột quỵ nhỏ)

    Những người ở độ tuổi 40, 50 hay thậm chí 30 thường phớt lờ những cơn đột quỵ nhẹ – dấu hiệu cảnh báo cho những cơn đột quỵ nặng sắp xuất hiện.

    Các nhà khoa học đã chứng minh được cơn đột quỵ nhẹ chính là tín hiệu sớm của bệnh đột quỵ. Theo số liệu thống kê, sau khi gặp cơn đột quỵ nhẹ, có tới 50% bệnh nhân bị ít nhất 1 lần đột quỵ trong vòng 5 năm. Vì vậy, bệnh nhân và người nhà cần hiểu rõ tầm nguy hiểm của căn bệnh này qua các dấu hiệu đột quỵ nhẹ sau đây.

    Đột quỵ nhẹ là gì?

    Đột quỵ nhẹ, hay còn gọi đột quỵ nhỏ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), là tình trạng máu ngưng chảy tới não trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, đột quỵ nhẹ không giết chết các tế bào não như cơn đột quỵ thực sự. Đột quỵ nhẹ cũng gây ra các triệu chứng giống như đột quỵ và là một dấu hiệu cảnh báo những cơn đột quỵ thật sự có thể xảy ra trong tương lai. Thông thường các cơn đột quỵ nhỏ tồn tại dưới 24 giờ, và chỉ xuất hiện trong vài phút hoặc chỉ từ 1-2 giờ.

    Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), thiếu máu não thoáng qua làm giảm 20% tuổi thọ của bạn. Vì vậy, nếu bạn gặp một số dấu hiệu đột quỵ nhẹ,bạn cần phải được điều trị ngay lập tức để ngăn chặn những cơn đột quỵ thật sự có thể xảy ra trong tương lai.

    Các dấu hiệu đột quỵ nhẹ là gì?

    Rất khó để xác định được triệu chứng của thiếu máu não thoáng qua. Các triệu chứng tương tự như đột quỵ thực sự, nhưng nhiều người không đi khám vì các triệu chứng rất ít nghiêm trọng và không kéo dài lâu. Đột quỵ thực sự có thể kéo dài 1–2 ngày, nhưng đột quỵ nhỏ chỉ kéo dài từ một đến 24 giờ.

    Một số dấu hiệu đột quỵ thoáng qua do tình trạng thiếu máu não:

    • Huyết áp tăng đột biến
    • Cơ bắp bị yếu
    • Tê tay hoặc chân
    • Chóng mặt
    • Đột nhiên thấy chóng mặt
    • Bất tỉnh
    • Thay đổi tri giác
    • Mất trí nhớ tạm thời
    • Cơ thể ngứa ran
    • Thay đổi tính tình
    • Khó phát âm
    • Mất thăng bằng
    • Mất thị lực.

    Rất nhiều bệnh nhân đột quỵ trải qua các dấu hiệu đột quỵ nhẹ như trên. Hãy gọi cấp cứu nếu bạn nghi ngờ bạn hoặc người thân đang bị thiếu máu cục bộ tạm thời hoặc đột quỵ.

    >>> Bạn có thể quan tâm: 30 yếu tố nguy cơ có thể gây ra đột quỵ

    Nguyên nhân và nguy cơ

    Tăng huyết áp (cao huyết áp) là nguyên nhân phổ biến nhất của đột quỵ nhỏ. Cao huyết áp cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ thực sự, vì vậy nên một cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu đột quỵ nhẹ cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn trong tương lai. Kiểm soát huyết áp rất quan trọng trong việc phòng chống thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ trong tương lai.

    Nguyên nhân phổ biến và các nguy cơ khác bao gồm:

    Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như:

    • Tuổi tác: Bất cứ ai cũng có nguy cơ cao bị đột quỵ. Đặc biệt, người già có nguy cơ đột quỵ cao hơn người trẻ. Kể từ sau 55 tuổi, nguy cơ bị đột quỵ lại tăng lên gấp đôi sau mỗi 10 năm.
    • Giới tính: Nam giới có nguy cơ cao bị đột quỵ hơn so với nữ giới.

    Theo AHA, bệnh nhân trên 65 tuổi có nguy cơ tử vong do đột quỵ sau khi bị thiếu máu tạm thời.

    Nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ nhẹ

    Thiếu máu não thoáng qua có nguy hiểm không?

    Tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không giết chết các tế bào não như các cơn đột quỵ thực sự, nhưng các dấu hiệu đột quỵ nhẹ vẫn là mối nguy tiềm tàng cho sức khỏe bạn trong tương lai. 

    Như đã đề cập, những người đã từng mắc phải cơn thiếu máu não thoáng qua thường phải đối mặt với nguy cơ tuổi thọ bị giảm 20%. Khoảng 10-15% người bệnh sẽ bị đột quỵ thực sự trong 3 tháng sau khi mắc phải cơn thiếu máu não thoáng qua. 50% những bệnh nhân này bị đột quỵ trong 48 giờ sau khi gặp tình trạng trên.

    Nếu không được điều trị sớm, những cơn đột quỵ thực sự có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong tương lai. Tuy nhiên, các dấu hiệu đột quỵ nhẹ này thường bị bỏ qua, từ đó khiến các cơn đột quỵ thực sự có thể xảy ra sớm hơn.

    Bác sĩ chẩn đoán thiếu máu não thoáng qua như thế nào?

    Bạn nên đến bệnh viện cấp cứu nếu đang bị thiếu máu não thoáng qua. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra để xác định liệu bạn có đang phải trải qua thiếu máu não thoáng qua hay không. Chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) đều có thể chẩn đoán được nguyên nhân thiếu máu não thoáng qua. Ví dụ, nguyên nhân có thể là do động mạch tim bị tắc nghẽn hoặc máu đông ở cổ.

    Nếu nghi ngờ tim bạn có vấn đề do một số dấu hiệu đột quỵ nhẹ, bác sĩ sẽ đo điện tâm đồ để có được hình ảnh rõ hơn về tim. Quan trọng là tìm ra nguyên nhân sâu xa gây bệnh thì bác sĩ mới có thể điều trị ngăn chặn thiếu máu tạm thời và đột quỵ trong tương lai.

    Khi bạn đã có kết quả từ phòng kiểm tra, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị cho bạn. Tùy thuộc vào nguyên nhân chính xác của đột quỵ nhẹ, bạn có thể cần đến một chuyên gia.

    >>> Bạn có thể quan tâm: Bệnh mạch máu não có thể gây ra đột quỵ

    Bạn nên ngăn ngừa khả năng đột quỵ trong tương lai như thế nào?

    Đột quỵ nhẹ thường không gây tổn thương não vĩnh viễn. Tuy vậy bệnh nhân cũng gặp một số dấu hiệu đột quỵ nhẹ, thì cũng không nên xem nhẹ bệnh này. Thiếu máu não thoáng qua thường là dấu hiệu báo động rằng các bệnh tiềm ẩn trong cơ thể bạn có thể gây ra cơn đột quỵ thực sự trong tương lai. Hơn 10% bệnh nhân đột quỵ nhỏ có nguy cơ cao bị đột quỵ thực sự trong vòng ba tháng sau. Đột quỵ nhẹ nên được chữa trị nghiêm túc để phòng tránh các mối nguy hiểm đe dọa tính mạng trong tương lai.

    Phương pháp điều trị cũng sẽ giúp ngăn ngừa đột quỵ trong tương lai, như là:

    • Uống thuốc kiểm soát cao huyết áp
    • Thuốc hạ cholesterol
    • Kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường
    • Uống aspirin để ngăn ngừa máu đông
    • Phẫu thuật động mạch bị tắc nghẽn ở cổ.

    Nếu bác sĩ kê toa thuốc cho bạn, bạn nên tuân thủ trong một thời gian dài để ngăn ngừa đột quỵ. Bác sĩ sẽ thường xuyên theo dõi kiểm soát tình trạng của bạn. Thay đổi lối sống, chẳng hạn như một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục, cũng có thể bổ sung cho kế hoạch điều trị phòng ngừa đột quỵ.

    Một số phương pháp phòng ngừa bệnh đột quỵ khác

    Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Nguyên nhân gây bệnh đột quỵ đến từ các vấn đề về bệnh tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu... Do đó, chế độ dinh dưỡng là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến việc hình thành các bệnh lý này. Một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý là cách phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

    • Ăn nhiều các loại rau củ quả, hay các loại đậu, ngũ cốc
    • Bổ sung thịt trắng, hải sản, trứng để cung cấp protein cho cơ thể. Đồng thời, bạn cần hạn chế ăn các loại thịt đỏ
    • Cắt giảm các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, hay thức ăn nhanh
    • Giảm bớt các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường
    • Bổ sung nhiều nước lọc, nước trái cây, hay sữa đậu nành…

    Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục giúp thúc đẩy tuần hoàn máu trong cơ thể, từ đó nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh. Bạn nên tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần có khả năng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hạn chế tình trạng đột quỵ.

    Giữ ấm cơ thể: Nhiễm lạnh có thể gây huyết áp cao, tăng áp lực từ đó khiến mạch máu bị vỡ. Do đó, bạn cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi trong thời điểm giao mùa.

    Hút thuốc lá: Hút thuốc là một trong những nguy cơ hàng đầu dẫn đến đột quỵ. Nếu bạn ngưng thuốc lá từ 2 – 5 năm, nguy cơ bị đột quỵ sẽ giảm ngang bằng so với người chưa từng hút thuốc.

    Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm giúp phát hiện các yếu tố gây đột quỵ, từ đó chủ động can thiệp giúp ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả.

    Những người mắc các vấn đề như đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu nên đi khám sức khỏe định kỳ để giúp kiểm soát tình trạng bệnh, nhằm giảm thiểu khả năng gây ra đột quỵ.

    Bài viết trên đây đã chia sẻ đến bạn các dấu hiệu đột quỵ nhẹ, nguyên nhân, và cách phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Mong rằng qua bài viết này, sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm về các triệu chứng bệnh mình đang mắc phải, từ đó có cho mình những giải pháp điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 17/04/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo