backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Các liệu pháp trị ngứa tự nhiên áp dụng tại nhà

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 27/08/2020

    Các liệu pháp trị ngứa tự nhiên áp dụng tại nhà

    Cảm giác ngứa ngáy đôi khi khiến chúng ta khó chịu đến độ bực bội. Nhưng may mắn thay, bạn có thể áp dụng các phương liệu pháp trị ngứa tự nhiên hiệu quả ngay tại nhà.

    Ngứa là gì? Nguyên nhân gây ra ngứa?

    ♦ Ngứa là cảm giác khó chịu diễn ra trên cơ thể, khiến chúng ta phản ứng lại bằng cách gãi.

    Theo Hiệp hội Eczema Quốc gia (NEA), những người thường xuyên bị ngứa da có thể bị khó ngủ và lo lắng, thậm chí trầm cảm. Vì quá khó chịu nên họ hay tự làm trầy xước da chính mình khi gãi quá thô bạo, dẫn đến dễ bị nhiễm trùng.

    ♦ Các nguyên nhân phổ biến gây ngứa da bao gồm vết côn trùng cắn, dị ứng, căng thẳng, các bệnh về da, chẳng hạn như chàm và bệnh vẩy nến.

    Hãy tham khảo một số nguyên liệu trị ngứa tự nhiên mà bạn có thể làm tại nhà để giải quyết những cơn ngứa không mời mà đến.

    Một số nguyên liệu trị ngứa tự nhiên

    Tinh dầu bạc hà

    Bạc hà có mùi hương the mát và dễ chịu. Tinh dầu bạc hà được chiết xuất từ cây, lá của bạc hà và có rất nhiều công dụng như điều trị hôi miệng, giải tỏa căng thẳng cũng như giúp bạn giảm cơn ngứa nhanh chóng.

    Một nghiên cứu năm 2012 đã điều tra xem liệu tinh dầu bạc hà có điều trị hiệu quả làn da ngứa ở phụ nữ mang thai hay không. Nghiên cứu được thực hiện bằng cách chia những người tham gia thành hai nhóm: nhóm đầu tiên nhận được một chai dầu mè với nồng độ 0,5% dầu bạc hà, nhóm khác nhận được một chai pha giữa dầu mè và dầu ô liu.

    Những người tham gia đã thoa dầu lên vùng da ngứa 2 lần/ngày trong vòng 2 tuần. Những người sử dụng dầu ngâm bạc hà nhận thấy tình trạng ngứa giảm đáng kể so với những người sử dụng sản phẩm còn lại.

    Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là luôn pha loãng tinh dầu với loại dầu khác, dầu mè chẳng hạn, rồi mới thoa lên da.

    Bột yến mạch

    liệu pháp trị ngứa

    Sử dụng bột yến mạch đã xay mềm mịn và hòa tan trong nước sẽ giúp giảm khô và ngứa. Bột yến mạch dạng đặc cũng có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, cả hai tác dụng này đều giúp giảm kích ứng da.

    Một nghiên cứu nhỏ từ năm 2015 đã cho thấy bột yến mạch ở dạng đặc sẽ làm giảm vảy, cải thiện da khô và thô ráp, ngoài ra nó còn giúp giảm cường độ ngứa.

    Bột yến mạch thường có sẵn trong các loại kem và sản phẩm dưỡng ẩm mà bạn sử dụng. Ngoài ra, bạn có thể nghiền bột yến mạch ra rồi pha với nước tắm hàng ngày.

    Giấm táo

    Giấm táo chứa acetic acid nên mọi người thường sử dụng nó tương tự như chất khử trùng để sát trùng vết thường. Theo Tổ chức Bệnh vẩy nến Quốc gia (NPF), giấm táo rất hữu ích trong việc làm giảm ngứa da đầu.

    Nếu sử dụng giấm táo để giảm cơn ngứa, bạn cần pha giấm táo với nước theo tỷ lệ 1:1. Thoa dung dịch lên da đầu và để khô, sau đó rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm.

    Tuy nhiên, giấm táo có thể gây ra cảm giác nóng và đau rát trên vết thương hở. Vì vậy, những người bị nứt nẻ và chảy máu da nên tránh sử dụng nguyên liệu này.

    Baking soda

    Baking soda có đặc tính kháng nấm. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả cho một loạt tình trạng như nấm da, ngứa da…

    Bạn nên thêm 1/4 cốc baking soda vào bồn nước ấm trước khi tắm. Một lựa chọn khác cho bạn là trộn baking soda với một ít nước để tạo thành hỗn hợp sệt rồi thoa trực tiếp lên vùng bị ngứa.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: 23 công dụng baking soda và cách sử dụng

    Bên cạnh việc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên làm thuốc trị ngứa tại nhà, bạn có thể áp dụng những liệu pháp sau để giúp xoa dịu cơn ngứa:

    Làm mát vùng da bị ngứa

    Học viện Da liễu Hoa Kỳ gợi ý một cách tốt để giảm ngứa da, đó là áp một miếng vải lạnh hoặc băng ướt vào vùng bị ngứa trong 5-10 phút.

    Viêm là một trong những tình trạng khiến bạn bị ngứa và cách làm mát này sẽ giúp giảm viêm, từ đó làm giảm cơn ngứa đáng kể.

    Một lựa chọn khác là hãy để kem dưỡng ẩm của bạn vào tủ lạnh. Chúng sẽ mát lạnh khi bạn thoa lên vùng bị ngứa, làm dịu cơn ngứa nhanh chóng.

    Liệu pháp quấn ướt (WWT)

    Để thực hiện liệu pháp này, bạn cần sử dụng một tấm vải bọc thấm nước như thấm ướt băng gạc hoặc lưới phẫu thuật, sau đó đặt chúng lên vùng da bị ngứa.

    Cách này giúp bạn bù nước và làm dịu da, ngoài ra nó còn trở thành một “hàng rào” để bảo vệ và chống trầy xước trên vùng da này. Đây là liệu pháp khá hiệu quả và đặc biệt có lợi cho trẻ nhỏ.

    Liệu pháp quấn ướt cũng giúp da hấp thụ thuốc tối đa. Bạn chỉ cần cho thuốc vào mặt trong của vải bọc, sau đó nhẹ nhàng chà hoặc vỗ thuốc lên khu vực mình muốn.

    Nếu bạn sử dụng phương pháp này, hãy làm theo các bước sau:

    • Làm ẩm một phần gạc trong nước ấm
    • Quấn băng gạc quanh vùng da bị ngứa
    • Quấn một miếng gạc khô lên trên miếng gạc ẩm
    • Mặc đồ ngủ bằng vải cotton mềm mại, cẩn thận không đụng phải băng
    • Để băng trong vài giờ hoặc qua đêm.

    Một người có thể sử dụng liệu pháp quấn ướt trong vài ngày để kiểm soát cơn ngứa dữ dội. Nếu ngứa không giảm, tốt nhất là bạn nói chuyện với bác sĩ da liễu để được tư vấn một phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

    Dưỡng ẩm

    Dưỡng ẩm là một việc làm cần thiết để kiểm soát tình trạng da bị khô và ngứa.

    Một loại kem dưỡng ẩm tốt sẽ chứa chất làm ẩm và chất làm mềm da. Chất làm ẩm hấp thụ vào da, trong khi các chất làm mềm tạo thành lớp màng bảo vệ trên bề mặt da, giúp khóa độ ẩm.

    Tốt nhất nên thoa kem dưỡng ẩm ngay khi da còn độ ẩm, chẳng hạn như thoa ngay sau khi tắm.

    Các mẹo giúp bạn xây dựng thói quen dưỡng ẩm cho da:

    • Sử dụng kem dưỡng ẩm có hàm lượng dầu cao
    • Luôn giữ ẩm tay sau khi tiếp xúc với nước
    • Dưỡng ẩm trước khi ngủ để giúp da ngậm nước suốt đêm.

    Tránh các chất gây kích ứng

    Mọi người nên tránh sử dụng các chất gây kích ứng cho da vì chúng có thể làm cho tình trạng ngứa trở nên tồi tệ hơn. Các chất kích ứng thường là:

    Nước nóng

    Tắm nước nóng sẽ gây khô da, loại bỏ độ ẩm khỏi da nên khiến da dễ bị khô, đỏ và thậm chí là ngứa hơn. Giảm nhiệt độ nước càng nhiều thì càng đảm bảo việc duy trì độ ẩm cho da của bạn.

    Thay đổi nhiệt độ và độ ẩm

    Những thay đổi đột ngột về nhiệt độ và độ ẩm có thể làm khô da, gây bong tróc và ngứa.

    Máy tạo độ ẩm sẽ giúp duy trì độ ẩm trong nhà vào những tháng mùa hè khô. Nó cũng giúp chống lại các tác động làm khô của việc sưởi ấm vào mùa đông.

    Mỹ phẩm có mùi thơm

    liệu pháp trị ngứa

    Một số sản phẩm chăm sóc cơ thể có chứa các chất phụ gia, ví dụ như nước hoa và màu nhân tạo, sẽ gây kích ứng cho da. Chúng thực sự không tốt cho da bạn chút nào.

    Những người có làn da ngứa hoặc nhạy cảm nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không mùi và không có phẩm nhuộm.

    Len và sợi tổng hợp

    Quần áo làm từ len hoặc sợi tổng hợp thường tạo cảm giác thô ráp với da, gây ngứa và kích ứng. Một số người sở hữu làn da nhạy cảm, dễ dàng bị kích ứng bởi len và các sợi tổng hợp. Nên mặc quần áo cotton hoặc bông với kiểu dáng rộng rãi bất cứ khi nào có thể.

    Stress

    Các nghiên cứu cho thấy căng thẳng tâm lý có thể gây ngứa ngáy trên da. Những người bị ngứa bởi stress nên cải thiện tình trạng này bằng cách tập yoga hoặc thiền để giảm căng thẳng.

    Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

    Cần đến gặp bác sĩ nếu bạn gặp các triệu chứng sau:

    • Ngứa kéo dài hơn 2 tuần hoặc thường xuyên bị ngứa
    • Ngứa kèm theo phát ban bất thường
    • Va đập hoặc sưng tấy
    • Dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như viêm hoặc lở loét
    • Ngứa ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 27/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo