backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Khám phá bí mật về khung xương cơ thể

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Đăng Khương · Ngày cập nhật: 04/08/2020

    Khám phá bí mật về khung xương cơ thể

    Một trong những bộ phận quan trọng và phức tạp nhất trong cơ thể của bạn là khung xương. Nhiều người nghĩ rằng xương chỉ đơn thuần là một chất rất cứng. Nhưng thực ra, khung xương được cấu tạo từ các tế bào sống có khả năng phát triển, sửa chữa, và tương tác với các bộ phận khác của cơ thể.

    Hình dạng của xương

    Hình dạng và cấu trúc khung xương của chúng ta được quyết định bởi nhiều yếu tố: Di truyền, sự chuyển hóa trao đổi chất và các yếu tố cơ học. Xương bắt đầu phát triển ngay từ trong bụng mẹ, trước khi chúng ta được sinh ra. Các yếu tố chuyển hóa trao đổi chất đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển xương. Các chất như: Canxi, phốt pho, vitamin A, C, D và các chất tiết ra từ tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận cận giáp và tuyến sinh dục đều có liên quan đến quá trình hình thành và phát triển xương của chúng ta. Ngay cả sau khi bạn chào đời và lớn lên sau này, các chất này vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra xương mới. Thiếu vitamin D và đặc biệt là thiếu canxi có thể dẫn đến nhiều bệnh về xương như bệnh còi xương, loãng xương, v.v.. hậu quả là xương dễ bị gãy. Nói chung, hình dạng của xương được hình thành để phù hợp với việc di chuyển và nhu cầu của cơ thể.

    Chức năng của xương

    Khung xương trong cơ thể cũng giống như trụ cột trong căn nhà, bạn cần phải có một khung xương khỏe mạnh để hỗ trợ bảo vệ các cơ quan nội tạng và phần còn lại của cơ thể. Nếu không có xương, bạn sẽ không thể nào đứng lên được. Các xương của chi trên và dưới cùng với các cơ bắp sẽ kết hợp với nhau giúp bạn di chuyển và vận động.

    Xương còn đóng vai trò như nơi tích trữ chất béo và những khoáng chất quan trọng để sử dụng khi cần. Có đến 97% lượng canxi của cơ thể được lưu trữ trong xương. Khi cơ thể cần, xương sẽ giải phóng các khoáng chất đưa vào máu để đi đến các cơ quan.

    Xương giúp bảo vệ các cơ quan trọng trong cơ thể. Chúng tạo thành một lớp khung vững chắc bao bọc các cơ quan nội tạng. Xương đôi khi cũng cần thiết để giúp các cơ quan nội tạng hoạt động. Ví dụ, để thở được bạn cần phải dùng tới xương sườn, đồng thời khung xương sườn cũng đóng vai trò như một lá chắn bảo vệ phổi và tim.

    Xương cũng là nơi chứa tủy. Tủy đóng một phần quan trọng trong việc tạo ra các tế bào máu. Các tế bào gốc tạo ra hồng cầu và bạch cầu thường được tìm thấy chủ yếu ở tủy xương.

    Phân loại xương

    Một bộ xương được tạo thành từ nhiều xương khác nhau, mỗi loại lại có các hình dạng, chức năng, vị trí, chiều dài và trọng lượng khác nhau. Cách đơn giản nhất để phân loại xương là phân theo hình dạng của xương, bao gồm 5 loại:

    Xương dài

    khung-xuong

    Xương dài là xương ở các chi có chiều dài vượt trội hẳn so với chiều rộng. Vì xương dài chủ yếu ở chân và tay nên chúng có nhiệm vụ định hình, đồng thời giúp chân tay hoạt động dễ dàng. Mặc dù phần ngoài rất cứng, phần bên trong của xương lại khá xốp. Phần xương xốp chứa nhiều tủy xương vàng và tủy xương đỏ, đây là nơi sản xuất các tế bào máu.

    Các xương dài bao gồm xương đùi, xương chày (xương ống chân) và xương mác ở chân, xương cánh tay, xương quay, xương trụ ở tay, xương bàn tay và bàn chân, các xương đốt ngón tay và ngón chân. Cấu tạo của một xương dài gồm một trục dài và hai đầu.

    Xương ngắn

    khung-xuong

    Xương ngắn là loại xương có chiều dài gần bằng chiều rộng, thường có hình khối giúp tạo nên các khớp xương. Điều thú vị là khi bạn lớn lên, kích thước của các xương ngắn sẽ không thay đổi nhiều như các xương dài. Cấu tạo của xương ngắn gồm một lớp vỏ ngoài cứng và bên trong phần lớn là xương xốp. Xương ngắn giữ chức năng hỗ trợ cơ thể chuyển động.

    Xương ngắn được tìm thấy ở cổ tay, mắt cá chân, ngón tay, ngón chân.

    Xương phẳng

    khung-xuong

    Xương phẳng là những tấm xương cứng và phẳng. Chúng được tạo thành bởi hai lớp xương mỏng kẹp chính giữa một lớp xương xốp. Xương phẳng là nơi có số lượng tế bào hồng cầu được hình thành nhiều nhất.

    Các loại xương phẳng bao gồm xương bả vai, xương ức, xương sọ và xương chậu.

    Xương có hình dáng phức tạp

    Những loại xương không nằm trong ba nhóm trên được gọi là xương đặc biệt, giữ chức năng chính bảo vệ hệ thần kinh, duy trì hình dáng đầu, gắn lưỡi với hàm v.v..

    Các xương có hình dáng phức tạp điển hình là xương đốt sống và xương hàm dưới. Cột sống là nơi có rất nhiều loại xương có hình dáng phức tạp này, tổng cộng có 33 xương.

    Xương vừng

    Xương vừng thường được gắn với dây chằng hoặc cơ bắp. Những xương này hỗ trợ cho các dây chằng, đặc biệt là nơi dây chằng dễ bị ma sát, chẳng hạn như đầu gối, cổ tay. Chức năng chính của xương vừng là để bảo vệ các dây chằng.

    Ngày càng có nhiều người mắc các bệnh về xương. Hiểu rõ hơn về xương sẽ giúp bạn nắm vững cách để phòng tránh những cơn đau xương. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý các vấn đề về bàn chân vì bàn chân tốt cũng sẽ nâng đỡ khung xương chắc chắn hơn.

    Bạn có thể quan tâm đến các bài viết:

    • Giảm đau hiệu quả nhất như thế nào
    • Chi tiết về thuốc kháng viêm không chứa steroid NSAIDs

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Đăng Khương · Ngày cập nhật: 04/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo