backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Hệ cơ hoạt động như thế nào, bạn đã biết?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 09/10/2023

    Hệ cơ hoạt động như thế nào, bạn đã biết?

    Hệ cơ có nhiều vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt của con người. Vậy cấu tạo hệ cơ là gì? hệ cơ hoạt động như thế nào, bạn đã biết? Những thông tin cần thiết và bổ ích dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể mình để lựa chọn những hoạt động ở mức độ phù hợp.

    Hệ cơ là gì?

    Cơ là mô mềm có ở hầu hết các loài động vật. Tế bào cơ có các sợi protein actin và myosin trượt lên nhau, tạo độ co giãn, làm thay đổi chiều dài và hình dạng của tế bào cơ. Cơ có chức năng tạo ra lực và chuyển động, chủ yếu là duy trì và thay đổi tư thế cũng như hoạt động của các cơ quan nội tạng, chẳng hạn như sự co bóp của tim và di chuyển thức ăn trong ruột.

    Cấu tạo hệ cơ

    cơ vân

    Cấu tạo hệ cơ có 3 loại cơ chính: cơ tim, cơ trơn và cơ vân, trong đó:

    Cơ vân

    Cơ vân là một phần của hệ thống cơ xương, các cơ này hoạt động với xương, gân và dây chằng. Gân gắn các cơ vân vào xương trên khắp cơ thể. Cùng nhau, chúng hỗ trợ trọng lượng cơ thể và giúp bạn di chuyển. Một số sợi cơ có thể co lại nhanh chóng và sử dụng các đợt năng lượng ngắn (cơ co giật nhanh). Những sợi cơ khác di chuyển chậm, chẳng hạn như cơ lưng giúp bạn giữ tư thế.

    Cơ trơn

    Những cơ này ở bên trong các cơ quan như bàng quang, dạ dày và ruột. Cơ trơn đóng vai trò quan trọng trong nhiều hệ thống cơ thể, bao gồm hệ sinh sản nữ, hệ sinh sản nam, hệ tiết niệu và hệ hô hấp. Cơ trơn thực hiện những công việc thiết yếu như di chuyển chất thải qua ruột và giúp phổi nở ra khi bạn thở.

    Cơ tim

    Những cơ này nằm dọc theo thành tim, giúp tim bơm máu đi qua hệ thống tim mạch.

    Các cơ tim hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Chúng hoạt động một cách tự động để tạo ra các cơn co thắt của tim, nhưng các kích thích từ hệ thần kinh cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động cơ bóp của tim, chẳng hạn như khi bạn sợ hãi, nhịp tim của bạn tăng lên.

    Chức năng của hệ cơ

    Chuyển động

    Chức năng chính của hệ cơ là cho phép các cơ chuyển động. Khi cơ co lại sẽ tạo ra chuyển động thô và chuyển động tinh tế.

    Chuyển động thô liên quan đến các chuyển động lớn, có phối hợp bao gồm:

    • Đi dạo
    • Chạy
    • Bơi lội

    Chuyển động tinh tế bao gồm các chuyển động nhỏ hơn, chẳng hạn như:

  • Viết
  • Nói
  • Nét mặt
  • Các cơ xương nhỏ hơn thường chịu trách nhiệm cho chuyển động tinh tế. Hầu hết các chuyển động cơ của cơ thể đều được kiểm soát có ý thức. Tuy nhiên, một số chuyển động mang tính phản xạ, chẳng hạn như rút tay ra khỏi nguồn nhiệt.

    Tính ổn định

    Gân cơ kéo dài trên khớp và góp phần ổn định khớp. Gân cơ ở khớp gối và khớp vai rất quan trọng trong việc ổn định.

    Các cơ cốt lõi là các cơ ở bụng, lưng và xương chậu, chúng cũng giúp ổn định cơ thể và hỗ trợ các nhiệm vụ, chẳng hạn như nâng tạ.

    Tư thế

    Một chức năng khác của hệ cơ là giúp giữ cơ thể ở đúng tư thế khi chúng ta ngồi hoặc đứng. Tư thế tốt phụ thuộc vào cơ bắp khỏe mạnh và linh hoạt. Cơ bắp cứng, yếu hoặc căng sẽ góp phần tạo nên tư thế xấu và cơ thể bị lệch. Việc duy trì tư thế xấu trong thời gian dài dẫn đến đau khớp và cơ ở vai, lưng, cổ và các nơi khác.

    Lưu thông

    Cơ tim có chức năng bơm máu đi khắp cơ thể. Chuyển động của tim nằm ngoài tầm kiểm soát của ý thức và nó tự động co bóp khi được kích thích bởi các xung điện.

    Ngoài ra, cơ trơn trong động mạch và tĩnh mạch đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông máu đi khắp cơ thể. Những cơ này duy trì huyết áp và tuần hoàn trong trường hợp mất máu hoặc mất nước.

    Các cơ này có thể giãn rộng để tăng lưu lượng máu trong thời gian tập luyện cường độ cao khi cơ thể cần nhiều oxy hơn.

    Hô hấp

    Hơi thở liên quan đến việc sử dụng cơ hoành – một cơ hình vòm nằm bên dưới phổi. Khi cơ hoành co lại sẽ khiến khoang ngực ngày càng to ra và lấp đầy không khí trong phổi. Khi cơ hoành giãn ra, nó sẽ đẩy không khí ra khỏi phổi.

    Để thực hiện được động tác hít thở sâu, cơ thể cần có sự trợ giúp từ các cơ khác, bao gồm cả các cơ ở bụng, lưng và cổ.

    Tiêu hóa

    Các cơ trơn giúp kiểm soát các chuyển động trong cơ thể, chẳng hạn như quá trình tiêu hóa hoặc đi tiểu.

    Khi thức ăn đi vào cơ thể, các cơ trơn sẽ co lại và giãn ra để tạo ra chuyển động đẩy thức ăn qua thực quản vào dạ dày. Cơ trên của dạ dày sẽ giãn ra để thức ăn đi vào, trong khi cơ dưới sẽ giúp trộn thức ăn với axit và enzyme trong dạ dày.

    Thức ăn được tiêu hóa di chuyển từ dạ dày đến ruột nhờ nhu động. Từ đây, nhiều cơ co bóp hơn để đưa thức ăn ra khỏi cơ thể dưới dạng phân.

    Đi tiểu

    Hệ tiết niệu bao gồm cả cơ trơn và cơ vân ở các cơ quan như:

  • Bọng đái
  • Thận
  • Dương vật hoặc âm đạo
  • Tuyến tiền liệt
  • Niệu quản
  • Niệu đạo
  • Các cơ và dây thần kinh phải phối hợp với nhau để giữ và giải phóng nước tiểu từ bàng quang. Các vấn đề về tiết niệu, chẳng hạn như kiểm soát bàng quang kém hoặc bí tiểu, là do tổn thương các dây thần kinh truyền tín hiệu đến cơ.

    Chức năng của tế bào cơ: Sinh con

    Các cơ trơn trong tử cung giãn ra và co lại trong quá trình sinh nở để giúp đẩy em bé qua âm đạo. Ngoài ra, các cơ sàn chậu giúp hướng đầu em bé xuống ống sinh.

    Tầm nhìn

    Sáu cơ vân xung quanh mắt giúp kiểm soát chuyển động của cơ quan này. Các cơ vân hoạt động nhanh chóng, chính xác và cho phép mắt:

    • Duy trì hình ảnh ổn định
    • Nhìn xung quanh
    • Theo dõi các vật thể chuyển động

    Nếu ai đó bị tổn thương cơ mắt có thể bị giảm thị lực.

    Bảo vệ nội tạng

    Một chức năng khác của hệ cơ là bảo vệ các cơ quan nội tạng ở phía trước, hai bên và phía sau cơ thể. Xương cột sống và xương sườn cũng giúp bảo vệ các nội tạng tốt hơn.

    Cơ bắp cũng bảo vệ xương và các cơ quan bằng cách hấp thụ sốc và giảm ma sát ở khớp.

    Điều chỉnh thân độ

    Duy trì nhiệt độ cơ thể bình thường là một chức năng quan trọng của hệ thống cơ bắp. Gần 85% nhiệt lượng mà một người tạo ra trong cơ thể đến từ việc co cơ.

    Khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới mức tối ưu, các cơ vân sẽ tăng cường hoạt động để tạo nhiệt, chẳng hạn như run rẩy Các cơ trong mạch máu cũng co lại để duy trì nhiệt độ cơ thể.

    Nhiệt độ cơ thể có thể được đưa trở lại mức bình thường thông qua việc giãn cơ trơn trong mạch máu. Hành động này làm tăng lưu lượng máu và giải phóng nhiệt dư thừa qua da.

    Hệ cơ hoạt động như thế nào?

    cơ tim

    Đầu tiên, tín hiệu sẽ được truyền từ hệ thần kinh trung ương xuống các dây thần kinh ngoại biên và đến vùng tiếp xúc giữa thần kinh và cơ gọi là synap thần kinh cơ, chất dẫn truyền thần kinh sẽ được tiết ra ở đây:

    • Chất dẫn truyền thần kinh vượt qua khoảng synap, liên kết với một protein trên màng tế bào cơ và tạo ra một điện thế hoạt động trong tế bào cơ.
    • Điện thế hoạt động nhanh chóng lan rộng dọc theo tế bào cơ và đi vào tế bào cơ thông qua ống T.
    • Các điện thế hoạt động mở cửa các kênh canxi của cơ. Các ion canxi sẽ chảy vào tế bào chất, nơi chứa các sợi actin và myosin.
    • Các ion canxi liên kết với các phân tử troponin-tropomyosin nằm trong các rãnh của các sợi actin, troponin sẽ thay đổi hình dạng và trượt tropomyosin ra khỏi rãnh, làm lộ các vị trí gắn actin-myosin.
    • Myosin tương tác với actin bằng các cầu nối chéo. Do đó, cơ tạo ra lực và rút ngắn lại.
    • Sau khi các điện thế hoạt động đã qua, các cửa canxi đóng lại và bơm canxi nằm trên lưới nội bào sẽ loại bỏ canxi từ tế bào chất.
    • Khi canxi được bơm lại vào lưới nội bào, các ion canxi đi ra khỏi troponin, làm cho troponin trở lại hình dạng bình thường và cho phép tropomyosin phủ lên các vị trí liên kết actin-myosin trên sợi actin.
    • Vì không có sự liên kết, cầu nối chéo không thể hình thành và cơ giãn ra.

    Những sự thật thú vị về hệ cơ

    • Cơ bắp chiếm khoảng 40% tổng trọng lượng cơ thể.
    • Tim là cơ làm việc chăm chỉ nhất trong cơ thể. Nó bơm 5 lít máu mỗi phút và 2.000 gallon mỗi ngày.
    • Cơ mông lớn là cơ lớn nhất của cơ thể. Nó nằm ở mông và giúp con người duy trì tư thế thẳng đứng.
    • Tai chứa các cơ nhỏ nhất trong cơ thể cùng với các xương nhỏ nhất.
    • Cơ cắn ở hàm là cơ khỏe nhất tính theo trọng lượng.

    Hy vọng với những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về chức năng của hệ cơ và cơ chế hoạt động của hệ cơ nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 09/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo