backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nội tiết tố nữ và ảnh hưởng không ngờ đến làn da

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Yến Dương · Ngày cập nhật: 08/01/2020

    Nội tiết tố nữ và ảnh hưởng không ngờ đến làn da

    Nội tiết tố là hormone tham gia vào hầu hết quá trình sinh hóa, trao đổi chất trong cơ thể. Nội tiết tố nữ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sắc đẹp của chị em phụ nữ.

    Khi ở trạng thái cân bằng, nội tiết tố nữ mang đến vẻ đẹp, sự trẻ trung, quyến rũ cho cơ thể và làn da. Tuy nhiên, khi mất đi sự cân bằng nội tiết tố, làn da của bạn sẽ bắt đầu “xuống cấp”. Chính vì thế, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu đúng và đủ về vấn đề này nhé!

    Vai trò của nội tiết tố với da

    Hệ thống nội tiết là một trong những yếu tố liên quan mật thiết đến các tình trạng của làn da như lão hóa, mụn, thâm nám… Các nội tiết tố được sản xuất ở các cơ quan như buồng trứng, tuyến thượng thận và tuyến giáp… có nhiệm vụ giống như “người đưa thư’. Chúng gửi các tín hiệu đến các cơ quan, các mô và tế bào nhất định thông qua đường máu để thực hiện chức năng vốn có tại khu vực tiếp nhận.

    Chúng tác động một cách chậm rãi, không ngừng nghỉ đến rất nhiều quá trình, cơ quan khác nhau của cơ thể như lão hóa da và cơ, quá trình tăng trưởng và phát triển, quá trình trao đổi chất, chức năng sinh sản và tình dục, điều chỉnh tâm trạng, kiểm soát stress… Theo độ tuổi, hầu hết các hormone đều sụt giảm nhanh chóng.

    Bên cạnh đó, nội tiết tố nữ có vai trò giữ nước trong cơ thể và lớp mỡ dưới da, giúp cho bề mặt da của nữ giới trở nên mềm mỏng và hồng hào, giúp giảm mụn trứng cá.

    Hormone estrogen giúp da căng mọng và mịn màng
    Hormone estrogen giúp da căng mọng và mịn màng

    Các loại nội tiết tố quan trọng

    1. Estrogen

    Đa số mọi người đều biết đến estrogen là nội tiết tố nữ. Tuy nhiên, có nhiều quan niệm sai lầm khiến nhiều người hiểu sai về loại hormone quan trọng này.

    Thứ nhất, nó không hoàn toàn là nội tiết tố nữ. Đúng là nó chủ yếu được tạo ra trong buồng trứng và có nhiều ở nữ giới, nhưng nó cũng được tìm thấy ở nam giới và được tạo ra trong các mô khác nhau bên ngoài buồng trứng.

    Thứ hai, estrogen bao gồm một nhóm các hormone tương tự về mặt hóa học, vì vậy nó không phải là một hormone duy nhất. Estrogen bao gồm:

    • Estradiol là dạng nội tiết tố phổ biến nhất ở phụ nữ trưởng thành.
    • Estriol là hormone chính được sản xuất trong thời kỳ mang thai
    • Estrone là hormone được sản xuất trong thời kỳ mãn kinh.

    Đối với da, estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất collagen và elastin, những loại protein có tác dụng duy trì sự săn chắc và đàn hồi da.

    Ngoài ra, hormone này còn giúp phục hồi và duy trì độ ẩm cho da. Do đó, suy giảm estrogen khiến da trở nên khô hơn, không còn giữ được sự đàn hồi, nên bắt đầu xuất hiện các nếp nhăn và chảy xệ. Bên cạnh đó những vết nám, sạm da, đồi mồi, tàn nhang… cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Đây là hiện tượng thường thấy ở thời kì mãn kinh, lúc đó lượng estrogen giảm mạnh, cơ thể chúng ta sẽ không thể chống lại tác hại của testosterone. Do đó, testosterone sẽ phát huy tác động rõ rệt hơn, khiến da ngày càng khô ráp, gây bít tắc lỗ chân lông và tích tụ bã nhờn.

    Lượng estrogen suy giảm dần theo mức độ tuổi tác
    Lượng estrogen suy giảm dần theo mức độ tuổi tác

    Estrogen cũng tác động quan trọng đến da trong quá trình người phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, lúc này làn da thay đổi như thế nào lại hoàn toàn tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Lượng estrogen tăng đột biến giúp một vài người sở hữu làn da rạng rỡ cùng mái tóc suôn mượt.

    Trong giai đoạn mang thai, nội tiết tố nữ thay đổi khiến một số người sẽ có làn da sáng đẹp
    Trong giai đoạn mang thai, nội tiết tố nữ thay đổi khiến một số người sẽ có làn da sáng đẹp

    Một số khác lại phải trải qua vô số vấn đề. Trong đó, hiện tượng da không đều màu là phổ biến nhất. Nám sạm, những đốm nâu hoặc thậm chí là những vùng da lớn không đều màu có thể xuất hiện do sự thay đổi hormone làm gia tăng quá trình sản sinh melanin.

    Melanin là những sắc tố quy định màu da và là một cơ chế tự nhiên giúp da chống lại các tác nhân gây hại từ ánh nắng mặt trời. Do đó, lượng melanin sản sinh càng nhiều, làn da càng trở nên sạm màu. Bệnh nám da là một ví dụ cho trường hợp này. Bạn có thể nhìn thấy các đốm nâu, vùng da loang lổ xuất hiện ở những nơi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng; điển hình như vùng trán, mũi và má. Hiện tượng này còn được gọi bằng một thuật ngữ khá phổ biến là “mặt nạ thai kỳ” (mask of pregnancy).

    2. Testosterone

    Testosterone là nội tiết tố quan trọng đối với nam giới có vai trò trong việc duy trì và phát triển các đặc điểm thể chất và sinh lý điển hình ở nam giới, chẳng hạn như sức mạnh của cơ bắp hay chức năng sinh dục sau tuổi dậy thì. Nhiều người cho rằng khái niệm testosterone chỉ có ở nam giới, nhưng thực chất loại hormone này cũng có ở phái nữ. Thậm chí, nồng độ testosterone ở phụ nữ quá thấp hoặc quá cao cũng là một vấn đề sức khỏe đáng lưu tâm.

    Testosterone ở nam giới được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn (chiếm đến 95%) và một phần nhỏ ở tuyến thượng thận (khoảng 4%). Ở phụ nữ, tuyến thượng thận và buồng trứng là nơi sản xuất testosterone (một lượng nhỏ). Một phụ nữ trẻ trung bình có mức độ testosterone bằng khoảng 10% của nam giới, nhưng đến độ tuổi 40, họ bằng khoảng một nửa của nam giới. Và sau tuổi mãn kinh, một số phụ nữ có thể có nồng độ testosterone cao hơn cả nam giới cùng độ tuổi. Đương nhiên, điều này sẽ tác động lớn đến cơ thể và làn da của chúng ta.

    Testosterone và estrogen là hai hormone sản sinh trong cả nam và nữ
    Testosterone và estrogen là hai hormone sản sinh trong cả nam và nữ

    Ở giai đoạn dậy thì, cơ thể bắt đầu sản sinh estrogen và testosterone, hàm lượng các loại hormone này sẽ tăng cao hơn trước kia. Nếu estrogen mang đến các lợi ích thần kỳ trên da, thì testosterone lại có tác động hoàn toàn ngược lại.

    Nồng độ testosterone tăng nhanh không chỉ làm lỗ chân lông trông to hơn, mà còn khiến da dễ đổ dầu hơn do tác động thúc đẩy quá trình sản sinh bã nhờn. Đặc biệt là khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu diễn ra trong độ tuổi dậy thì, lượng hormone sản sinh tương đối thất thường. Nghĩa là có những lúc cơ thể sinh ra hàm lượng estrogen đạt đỉnh điểm, nhưng cũng có những ngày testosterone sẽ chiếm ưu thế vượt trội. Kết quả tất yếu của sự biến đổi đột ngột này là tuyến nang lông bắt đầu giãn nở, gây tích tụ bã nhờn dưới da. Từ đó, bạn phải chấp nhận những năm tháng “sống chung” với mụn.

    3. Hormone tuyến giáp

    Tuyến giáp là một bộ phận quan trọng đóng vai trò giải phóng các hormone, có hình dạng con bướm ở phía trước cổ. Tuyến giáp tạo ra hai loại hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, phát triển trí não, hô hấp, nhiệt độ cơ thể, sức mạnh cơ bắp, sức khỏe của xương, khô da, chu kỳ kinh nguyệt, cân nặng và thay đổi lượng cholesterol.

    Sự cân bằng là yếu tố quan trọng để hạn chế ảnh hưởng của hormone này đến làn da. Quá nhiều, da có thể trở nên nóng, đổ mồ hôi và đỏ ửng. Quá ít, da trở nên khô, thô, dày và thậm chí lượng mồ hôi cũng giảm. Rối loạn chức năng tuyến giáp cũng có thể dẫn đến tóc mỏng và rụng tóc.

    Các biện pháp cải thiện sự tác động

    1. Đối với bạn gái ở lứa tuổi dậy thì

    Có 3 giải pháp chính giúp bạn chống lại hiện tượng nổi mụn: làm sạch da để lấy đi mọi bã nhờn, bụi bẩn. Tẩy tế bào chết để loại bỏ những tác nhân gây bít tắc lỗ chân lông. Cuối cùng, sử dụng một loại gel dưỡng ẩm có kết cấu nhẹ để ngăn ngừa tình trạng mụn diễn ra thêm trầm trọng. Dù việc cấp ẩm cho da dầu nghe có vẻ thiếu hợp lý, nhưng bạn nên nhớ rằng dầu nhờn và độ ẩm là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

    2. Đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai

    Việc đầu tiên là bạn luôn cần dùng kem chống nắng và thoa sau mỗi hai giờ. Nên dùng kem chống nắng sau khi thoa kem dưỡng ngày và tìm kiếm các sản phẩm trang điểm, chăm sóc da có chỉ số SPF ít nhất là 30.

    3. Đối với phụ nữ thời kỳ mãn kinh

    Bạn nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da được thiết kế dành riêng cho độ tuổi trung niên với thành phần giúp bổ sung collagen và elastin. Chúng giúp bảo vệ da khỏi tình trạng thiếu hụt collagen, khắc phục hiện tượng da khô ráp, thiếu độ săn chắc, đàn hồi và xuất hiện các nếp nhăn. Bạn cũng cần bôi kem chống nắng để ngăn hiện tượng tích tụ melanin thành đốm đồi mồi.

    Khi bắt đầu vào giai đoạn mãn kinh bạn cần phải chăm sóc và dưỡng da thường xuyên để duy trì vẻ đẹp của làn da
    Khi bắt đầu vào giai đoạn mãn kinh, bạn cần phải chăm sóc và dưỡng da thường xuyên để duy trì vẻ đẹp của làn da

    Việc đảm bảo cân bằng nội tiết tố nữ rất quan trọng. Một chế độ ăn uống cân bằng cũng là một yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe tổng thể của bạn. Hãy chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, hướng tới lối sống xanh và tránh xa các thực phẩm có hại để giữ các hormone ổn định trong cơ thể bạn.

    Bên cạnh đó, bạn cũng nên đảm bảo việc chăm sóc da hằng ngày để giúp da luôn được hồng hào và tươi trẻ. Hãy tìm hiểu thêm trong bài viết: “Các bước chăm sóc da cơ bản” để có cách chăm sóc da đúng và hiệu quả hơn nhé.

    YẾN DƯƠNG / HELLO BACSI 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Yến Dương · Ngày cập nhật: 08/01/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo