backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Nguyên nhân gây mụn mủ và cách điều trị hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Linh Hồ · Ngày cập nhật: 22/03/2023

    Nguyên nhân gây mụn mủ và cách điều trị hiệu quả

    Mụn mủ (mụn đầu trắng có mủ hay mụn có mủ trắng) dễ lây lan, khiến bạn mất tự tin khi giao tiếp. Điều trị mụn mủ viêm không đúng cách có thể gây nhiễm trùng da và để lại sẹo. Nguyên nhân gây mụn mủ là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu để bảo vệ da thật tốt! 

    Mụn mủ có kích thước từ 5-10 mm, chứa đầy mủ là các bạch cầu trung tính. Mụn mủ sinh trưởng bên dưới lỗ chân lông do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Một số mụn mủ mọc dưới lớp sừng là do các bệnh về da như bệnh chốc lở, nhiễm nấm Candida.

    Bạn có thể bị mụn mủ trắng ở mặt, mụn mủ ở cằm hoặc ở bất kỳ khu vực nào trên cơ thể. Chúng thường phát triển thành các cụm, phát sinh nhiều nhất ở độ tuổi thanh thiếu thiên và thanh niên, là một dạng của mụn trứng cá. Nguyên nhân gây mụn mủ thường là do mất cân bằng nội tiết tố hoặc do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.

    Bạn cần điều trị mụn mủ trắng bằng thuốc hoặc phẫu thuật trong trường hợp chúng bị biến chứng nặng. Xem ngay để biết nguyên nhân gây mụn mủ và cách điều trị hiểu quả.

    Mụn mủ là gì?

    Mụn mủ là những nốt sưng đỏ trên da, có đầu màu vàng hoặc trắng, bên trong chứa đầy dịch mủ gồm dầu nhờn, tế bào da chết và vi khuẩn.

    nguyên nhân gây mụn mủ
    Mụn mủ là gì? Nguyên nhân gây mụn mủ bạn cần biết

    Loại mụn này trông giống như mụn nhọt nhưng chúng phát triển với kích thước lớn hơn và dễ bị kích ứng hơn. Bạn thường bị mụn mủ ở mặt, mụn mủ ở cằm hoặc vùng đổ nhiều mồ hôi như nách và háng.

    Mụn mủ xuất hiện ở những đâu?

    Mụn mủ có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên khuôn mặt, mỗi vị trí lại thể hiện cho một vấn đề sức khỏe nhất định. Mụn mủ thường xuất hiện trên mặt ở những chỗ sau:

    • Mụn mủ ở cằm và xung quanh miệng
    • Mụn mủ ở mũi
    • Mụn mủ ở má
    • Mụn mủ ở trán
    • Mụn mủ mọc ở quai hàm
    • Mụn mủ ở thái dương

    Với bất kỳ vị trí nổi mụn mủ nào, khách hàng cũng cần có được cho mình giải pháp trị mụn phù hợp. Bởi lẽ, mụn mủ là một dạng mụn viêm nên khi không được xử lý đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng có hại cho sức khỏe.

    Nguyên nhân gây mụn mủ

    Nguyên nhân gây mụn mủ là gì? Mụn mủ nhỏ hoặc lớn là hậu quả viêm da dị ứng do thực phẩm, tác động của môi trường hoặc bị côn trùng độc cắn.

    Mụn trứng cá là nguyên nhân gây mụn mủ phổ biến nhất. Mụn trứng cá phát triển khiến dầu thừa và tế bào da chết tắc nghẽn bên trong lỗ chân lông làm viêm lỗ chân lông tạo thành dịch mủ.

    Đôi khi mụn mủ hình thành do mụn trứng cá bị cứng và gây đau đớn. Nếu tình trạng này xảy ra, có thể mụn mủ đã biến chứng thành mụn nang.

    Ngoài ra, còn có một số bệnh về da khác cũng là Nguyên nhân gây mụn mủ như: bệnh vẩy nến, rosacea, bệnh thủy đậu, pemphigus IgA, bệnh đậu mùa.

    Cách điều trị mụn mủ tại nhà hiệu quả

    Sau khi biết nguyên nhân gây mụn mủ, bạn cần tìm hiểu cách điều trị mụn phù hợp. Da bị nổi mụn mủ cần được chăm sóc và điều trị kỹ lưỡng để tránh nhiễm trùng, biến chứng.

    1. Điều trị mụn mủ nhỏ

    Mụn mủ có tự khỏi không? Mặt nổi mụn mủ nhỏ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Nếu thấy mụn mủ lâu hết, bạn có thể rửa mặt bằng nước ấm và sữa rửa mặt dịu nhẹ. Thực hiện việc này mỗi ngày hai lần sẽ giúp loại bỏ dầu thừa tích tụ trên da bạn, giúp mụn mủ mau khỏi.

    Khi rửa mặt, bạn nên dùng tay massage nhẹ nhàng thay vì dùng khăn. Chà khăn lên da mặt có thể làm mụn mủ bị vỡ ra, khiến da tổn thương nhiều hơn.

    Bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc trị mụn, xà phòng trị mụn hoặc kem trị mụn không kê đơn để điều trị mụn mủ nhỏ.

    >>> Bạn có thể tham khảo:  Cách trị mụn bọc nhanh sau 1 đêm không cần nặn

    2. Trị mụn mủ bằng thuốc không kê đơn

    nguyên nhân gây mụn mủ

    Các sản phẩm đặc trị mụn mủ tốt nhất nên chứa thành phần như peroxide, axit salicylic và lưu huỳnh. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không nên dùng những phương pháp điều trị này ở vùng nhạy cảm như bộ phận sinh dục.

    Và nếu bạn dị ứng với lưu huỳnh, hãy tránh xa những sản phẩm có thành phần này để đảm bảo da không bị kích ứng nghiêm trọng.

    Các loại thuốc trị mụn không kê đơn OTC giúp điều trị mụn mủ bằng cách làm khô lớp da trên cùng và hấp thụ dầu thừa trên bề mặt da. Một số sản phẩm loại này rất mạnh, có thể khiến da bạn bị bong tróc. Nếu da bạn nhạy cảm, hãy tìm những sản phẩm được đặc chế riêng cho chúng để tránh kích ứng da.

    Bạn có thể tự nặn mụn để loại bỏ mụn mủ nhưng chỉ thực hiện khi mụn đã chín. Không dùng tay sờ, bóp, đè ép hoặc cố nặn mụn mủ khi chúng còn non. Làm thế sẽ gây tổn thương da hoặc làm da nhiễm trùng nặng thêm. Bạn cũng không nên sử dụng các sản phẩm gốc dầu ở vùng bị mụn mủ. Những sản phẩm rất dễ làm tắc lỗ chân lông và làm mụn mủ phát triển nhiều hơn.

    >>> Bạn có thể tham khảo: Top 5 cách trị mụn tại nhà cực hiệu quả trong thời gian ngắn

    Ngoài ra, điều trị mụn mủ tại nhà bằng các liệu pháp từ thiên nhiên như sử dụng nha đam tươi, hành tây, mặt nạ đất sét, hỗn hợp dầu ô liu và bắp cải cũng là một lựa chọn vừa tiết kiệm lại hiệu quả dành cho bạn.

    Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?

    Nếu mặt nổi nhiều mụn mủ nhỏ trong thời gian dài hoặc nếu nốt mụn mủ của bạn không khá lên được bằng cách điều trị tại nhà bằng thuốc không kê đơn, bạn nên đi khám ở các phòng khám da liễu uy tín và xin bác sĩ tư vấn về các phương pháp điều trị chuyên sâu hơn. Họ sẽ hút dịch mủ bên trong ra bằng liệu pháp an toàn hoặc kê toa thuốc có tác dụng mạnh hơn.

    nguyên nhân gây mụn mủ lâu khỏi

    Thuốc kê theo toa rất hữu hiệu trong việc điều trị mụn trứng cá, đặc biệt là với những người bị nhiễm trùng. Một số loại thuốc bác sĩ có thể kê toa như:

    • Kháng sinh dạng uống: doxycycline và amoxicillin
    • Thuốc bôi kháng sinh như dapsone
    • Salicylic acid

    Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp quang động (PDT) để điều trị mụn mủ. PDT là phương pháp trị liệu kết hợp giữa ánh sáng và chất hóa học nhạy sáng, cùng với phân tử oxy để điều trị mụn. Phương pháp này không chỉ được dùng để loại bỏ mụn, mủ mà còn giải quyết các vấn đề khác do mụn gây ra. PDT còn có thể làm mờ sẹo mụn và giúp da bạn mịn màng hơn.

    >>> Bạn có thể tham khảo: Mụn nhọt ở mông: Nguyên nhân và cách trị mụn tại nhà an toàn, hiệu quả cao

    Tình trạng khẩn cấp khi bị mụn mủ

    Nếu thấy mụn mủ đột nhiên vỡ ra, dịch mủ loang khắp mặt bạn hoặc ở những nơi khác nhau trên cơ thể, bạn hãy liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc đến bệnh viện ngay lập tức, vì rất có thể da bạn đang bị nhiễm khuẩn. Bạn cũng nên gọi cho bác sĩ điều trị nếu thấy nốt mụn mủ của bạn đau bất thường hoặc chảy mủ. Đây rất có thể là triệu chứng của việc nhiễm trùng da nghiêm trọng.

    Qua đây, hẳn là bạn đã biết nguyên nhân gây mụn mủ là gì và cách điều trị mụn mủ. Và nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào như sốt, vùng da bị mụn mủ nóng khác thường, da bết dính, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, vùng da bị mụn mủ đau rát, mụn mủ lớn bất thường gây đau nhức thì hãy đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời những biến chứng do mụn mủ gây ra nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Linh Hồ · Ngày cập nhật: 22/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo