backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Đừng lo lắng quá khi bị trĩ sau sinh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thanh Thảo · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    Đừng lo lắng quá khi bị trĩ sau sinh

    Bị trĩ sau sinh không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng và thường biến mất với vài biện pháp điều trị tại nhà. Thế nhưng, trĩ cũng sẽ khiến cuộc sống bạn không được dễ chịu lắm nhất là đối với người mới sinh xong và đang trong thời gian ở cữ. Dưới dây là nguyên nhân cũng như cách chữa bệnh trĩ cho phụ nữ sau sinh tại nhà mà bạn cần biết.

    Bệnh trĩ là những búi tĩnh mạch giãn, tức là tĩnh mạch trở nên phình to và ứ máu. Những tĩnh mạch này ở vùng trực tràng và thay đổi nhiều kích thước từ quả lê đến quả nho. Có hai loại là trĩ nội (tĩnh mạch nằm bên trong cơ thắt) và trĩ ngoại (tĩnh mạch thò ra ngoài hậu môn).

    Tùy thuộc vào từng người, trĩ có thể có những biểu hiện khác nhau như từ ngứa ngáy đến đau đớn. Trong một vài trường hơp, sau khi đi đại tiện, sản phụ có thể bị chảy máu từ búi trĩ này. Nếu bị trĩ trước khi mang thai, thì khả năng tái phát bị trĩ sau sinh và gây khó chịu cao hơn. Nhưng nếu trĩ chỉ xuất hiện khi bạn mang thai thì bạn có thể tự điều trị tại nhà.

    Nguyên nhân gây bệnh trĩ khi mang thai và bị trĩ sau sinh

    Với những mẹ bầu hay sau khi sinh, trĩ thường là kết quả của tăng sức nặng lên vùng đáy chậu vài tháng trước, trong và sau khi sinh vì bạn đang mang trong mình một em bé nặng khoảng 3kg. Tĩnh mạch giống như một cái van giúp đẩy máu về tim. Khi những tĩnh mạch này trở nên yếu đi, chúng sẽ bị ứ máu và căng phồng lên. Các tĩnh mạch này bị đẩy ra ngoài trong quá trình bạn rặn đẻ. Từ đó, bạn có thể bị trĩ sau sinh.

    Bên cạnh đó, tất cả những hormone trong cơ thể người mẹ cũng ảnh hưởng đến sự hình thành trĩ. Mẹ bầu sẽ có nồng độ progesterone cao, khiến tĩnh mạch giãn ra và ngày càng ứ máu.

    Có nhiều nguyên nhân khiến mẹ sau sinh cũng đối mặt với tình trạng táo bón. Tình trạng này có thể khiến bạn cần nhiều áp lực để tống chất thải ra ngoài, tăng áp lực lên búi trĩ gây khó chịu và bạn sẽ không muốn đi đại tiện. Như thế, phân sẽ bị ứ lại, ngày càng cứng hơn và táo bón nặng hơn.

    Các dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ sau sinh

    Một số dấu hiệu nhận biết của bệnh trĩ mà phụ nữ sau khi sinh cần để ý bao gồm:

  • Đi ngoài ra máu. Ở giai đoạn đầu, máu xuất hiện với tần suất và số lượng tương đối ít. Bạn có thể vô tình nhận thấy vết máu trên giấy vệ sinh hoặc nhìn thấy tia máu có trong phân. Tuy nhiên, theo thời gian tình trạng chảy máu khi đi đại tiện sẽ xấu dần đi với lượng máu và tần suất tăng lên. Thậm chí bạn có thể cảm nhận rõ ràng tia máu chảy. Hơn thế nữa, máu chảy ra từ búi trĩ nhiều có khả năng bị đông lại trong hậu môn và xuất hiện những cục máu đông khi đi đại tiện.
  • Sa búi trĩ. Tùy theo mức độ mà người mẹ sẽ cảm thấy các biểu hiện bệnh khác nhau. Ở mức độ nhẹ (độ I hoặc II), bệnh trĩ thường không nhiều khó khăn đến các sinh hoạt thường ngày. Khi búi trĩ bắt đầu sa ở mức độ 3 trở lên sẽ gây khó chịu cho người bệnh, nhất là khi phải di chuyển nhiều hay bê vác đồ nặng.
  • Ngứa hậu môn. Đây là một triệu chứng thường thấy khi bị trĩ. Bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu và mất tự tin khi gặp mọi người.
  • Nứt và rát hậu môn. Khi tình trạng bệnh kéo dài mà không có biện pháp điều trị, hậu môn có thể bắt đầu bị nứt và gây cảm giác rát, khó chịu. Điều này cũng khiến bạn dễ bị chảy máu khi đi vệ sinh.
  • Một vài triệu chứng khác khi phụ nữ bị trĩ sau sinh có thể cảm nhận được là thấy hơi cộm khi ngồi khiến người bệnh không thoải mái. Bạn có thể cảm thấy đau khi búi trĩ bị tắc mạch, nứt kẽ hậu môn.

    Cách điều trị trĩ tại nhà

    Có một vài cách chữa bệnh trĩ cho phụ nữ sau sinh có thể thực hiện tại nhà như:

  • Chườm lạnh bằng miếng vải mềm có chứa đá.
  • Ngâm chậu nước ấm vài lần trong ngày hay bạn có thể ngâm mình trong bồn tắm.
  • Xen kẽ túi chườm đá và ngâm chậu nước ấm.
  • Lau nhẹ nhàng và sạch sẽ vùng đáy chậu. Bạn có thể dùng bình nước xịt để rửa sạch vùng này. Thay vì dùng giấy vệ sinh, bạn nên lau bằng khăn ướt.
  • Những vật dụng bạn dùng để vệ sinh như giấy, túi đá nên là đồ không mùi và đừng quá khô ráo.
  • Bạn nên nằm nhiều để giảm áp lực lên vùng đáy chậu.
  • Để giảm đau nhanh chóng, bạn có thể dùng acetaminophen (Tatanol hay Panadol) hay ibuprofen đúng liều. Cả hai đều an toàn với mẹ đang cho con bú.
  • Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về các thuốc điều trị trĩ tại nhà như thuốc bôi hay thuốc nhét hậu môn. Bạn không nên dùng thuốc lâu hơn 1 tuần và chỉ dùng các thuốc không ảnh hưởng đến sữa mẹ.
  • Bạn nên làm gì để đẩy nhanh quá trình lành trĩ?

    Nếu bạn muốn đẩy nhanh việc lành trĩ, bạn có thể làm những điều sau:

    • Phòng ngừa hay trị táo bón.
    • Bạn nên đi vệ sinh ngay nếu muốn đi đại tiện. Đừng nhịn đi vì sợ đau. Bạn càng để lâu, phân sẽ càng cứng hơn và trĩ sẽ càng nặng hơn.
    • Tập bài Kegel để săn chắc cơ vùng đáy chậu.

    Khi nào bạn nên khám bác sĩ?

    Nếu đang muốn điều trị trĩ tại nhà, bạn nên chú ý đến quá trình cải thiện từ từ trong vài tuần sau sinh. Tuy nhiên, nếu trĩ vẫn còn dai dẳng, ngày càng nặng nề hơn hay bạn bị chảy máu khi đại tiện, bạn nên đến bác sĩ khám ngay. Trong một vài trường hợp, bạn có thể cần phải phẫu thuật để điều trị hết trĩ.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thanh Thảo · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo