backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nhịp tim bình thường là bao nhiêu? Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 30/09/2021

    Nhịp tim bình thường là bao nhiêu? Khi nào cần gặp bác sĩ?

    Nhiều người luôn tự hỏi như thế nào là nhịp tim bình thường, nhịp tim của mình như vậy là nhanh hay chậm? Hoặc nhịp tim phản ánh gì về sức khỏe của bạn? Nếu bạn cũng có những thắc mắc như vậy, hãy cùng khám phá câu trả lời qua bài viết này nhé.

    Cách xem nhịp tim như thế nào? Mẹo kiểm tra mạch đập ngay tại nhà

    Nhìn chung, nếu một người có nhịp tim thấp lúc cơ thể không vận động thì họ có biểu hiện hiệu quả hơn về chức năng tim và cho thấy người đó có một chế độ luyện tập tim mạch thường xuyên và hiệu quả. Ví dụ, một vận động viên chuyên nghiệp có thể duy trì nhịp tim nghỉ ngơi bình thường gần 40 nhịp một phút.

    Để đo nhịp tim, bạn chỉ cần kiểm tra mạch đập bằng cách đặt ngón trỏ và ngón giữa lên cổ, lệch về phía khí quản của mình. Bạn cũng có thể áp dụng cách đo mạch bằng tay để đếm nhịp tim. Với cách đo nhịp tim tại nhà này, bạn đặt hai ngón tay ngay ở cổ tay, bên dưới ngón cái.

    Khi đã tìm thấy nhịp đập, bạn hãy bắt đầu đếm nhịp tim số lần đập trong vòng 15 giây. Sau đó, bạn nhân kết quả đếm được cho 4 để ra được nhịp tim trong một phút của mình.

    Sự thật là có rất nhiều điều bạn đang hiểu sai về nhịp tim của bản thân. Dưới đây là một số thông tin về nhịp tim mà có lẽ bạn chưa biết hoặc đã hiểu sai.

    Nhịp tim bình thường của một người nằm ở mức nào?

    Sau khi bạn thực hiện cách đo mạch đập như trên, bạn phải cần biết rằng nhịp tim bình thường của một người thường là bao nhiêu. Trước đây, nhịp tim trung bình 60–100 nhịp mỗi phút là tiêu chuẩn kinh điển cho một người trưởng thành. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tim mạch cho rằng, nhịp tim ổn định nên thấp hơn mức đó, rơi vào khoảng 50–70 nhịp/phút. Nhiều nghiên cứu hiện nay đã chỉ ra rằng, nhịp tim của một người ở trạng thái nghỉ ngơi, không vận động nếu cao hơn 76 nhịp trên một phút sẽ dẫn đến nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim.

    Nếu rèn luyện thể lực thường xuyên và hiệu quả thì tim của bạn lúc nghỉ ngơi sẽ đập chậm và ổn định hơn. Nếu nhịp tim ở trạng thái nghỉ ngơi của bạn rơi vào khoảng 80 nhịp/phút thì vẫn có thể được xem là bình thường, tuy nhiên điều này không có nghĩa là cơ thể của bạn đang khỏe mạnh.

    Nhịp tim bất thường không có nghĩa là bạn có nguy cơ bị đau tim (nhồi máu cơ tim)

    Nhịp tim không bình thường không có nghĩa là bạn sẽ bị đau tim

    Thỉnh thoảng, bạn nhận thấy nhịp tim của mình đập không theo nguyên tắc, nhanh chậm bất thường và khó bắt mạch hoặc bạn cảm thấy lồng ngực mình như đang đánh trống ngực liên hồi, tim đập hụt nhịp hoặc tăng tốc đột ngột. Theo các chuyên gia tim mạch, những hiện tượng này phần lớn sẽ không đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của bạn.

    Những nguyên nhân gây nên tình trạng đánh trống ngực có thể bao gồm:

    • Các chất kích thích như bia rượu, caffeine, thuốc lá
    • Tập thể dục
    • Căng thẳng
    • Mất nước
    • Thuốc men
    • Sốt
    • Rối loạn tuyến giáp
    • Dùng thuốc Đông y như cây mao lương hoa vàng, cây tùng gỗ, ích mẫu hoặc chi ma hoàng.

    Bạn đừng quá lo lắng khi nhịp tim của mình nhanh chậm bất thường nhé. Nhịp tim bất thường không có nghĩa là bạn sẽ bị đau tim. Nhưng nếu đó là một triệu chứng mới hoặc bạn bị tức ngực và khó thở, hãy đến bác sĩ để được kiểm tra và có phương pháp điều trị phù hợp.

    Có cần lo lắng khi nhịp tim bất thường không?

    Đôi khi, tình trạng nhịp tim bất thường xảy ra do lỗi ở xung điện, tín hiệu giúp các buồng tim co bóp để sẵn sàng bơm máu. Bạn chỉ có thể nhận biết tình trạng này khi bị đánh trống ngực hay có cảm giác “hẫng” nhẹ ở ngực do tim bỏ lỡ một nhịp. Thông thường, cảm giác này sẽ biến mất và bạn không cần quá lo lắng, nhưng nếu nó xảy ra thường xuyên thì đây có thể là biểu hiện của các tình trạng nghiêm trọng hơn.

    Ví dụ nhịp tim có thể cho biết bạn bị rung nhĩ, nguyên nhân phổ biến nhất của nhịp tim không đều. Tình trạng này do bệnh tim tiềm ẩn hoặc bệnh huyết áp cao gây nên. Tuy nhiên, nó có thể được điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hoặc thậm chí lắp máy tạo nhịp để khôi phục nhịp tim tự nhiên.

    Sự bất thường xảy ra với hệ thống điện tim cũng có thể khiến tim đập quá chậm. Ví dụ như một tình trạng gọi là block tim – khi xung điện khiến tim co bóp bị trễ – đồng nghĩa với việc nhịp tim bị chậm ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau, thường là bẩm sinh. Tình trạng này có thể được phát hiện qua điện tâm đồ (ECG).

    Nhịp tim không chỉ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng

    Căng thẳng chỉ là một trong những yếu tố có thể làm tăng nhịp tim. Nhịp tim cũng có thể tăng nhanh khi bạn tập thể dục, tinh thần bị kích động, hoặc cảm thấy lo lắng hay buồn bã. Tuy nhiên, tinh thần không phải là yếu tố duy nhất khiến tim đập nhanh. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến nhịp tim của bạn:

  • Mức độ hoạt động
  • Cấp độ luyện tập
  • Nhiệt độ không khí
  • Vị trí cơ thể (đứng lên hoặc nằm xuống)
  • Kích thước cơ thể
  • Thuốc men
  • Khi bạn đứng lên đột ngột sau khi nằm hoặc ngồi lâu, nhịp tim của bạn có thể tăng lên khoảng 15–20 giây trước khi nó trở lại bình thường. Ngay cả thời tiết, như nhiệt độ cao hoặc độ ẩm, cũng có thể làm tăng nhịp tim. Nếu bạn dùng thuốc tuyến giáp, tim đập nhanh bất thường có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang dùng quá nhiều. Hãy thảo luận với bác sĩ để được cung cấp những lời khuyên phù hợp nhé.

    >>> Bạn có thể quan tâm: Nhịp tim nhanh tư thế đứng: Khái niệm và cách điều trị

    Nhịp tim bình thường không đồng nghĩa với huyết áp cũng bình thường

    Nhịp tim bình thường không đồng nghĩa với huyết áp cũng bình thường

    Đôi khi nhịp tim và huyết áp của bạn đi đôi với nhau. Ví dụ như khi bạn tập thể dục, tức giận hoặc sợ hãi thì nhịp tim và huyết áp sẽ đồng thời tăng lên. Hoặc trong một số trường hợp, có thể cả huyết áp nhịp tim bình thường.

    Tuy nhiên, nhịp tim và huyết áp không phải luôn luôn tỉ lệ thuận với nhau. Nếu nhịp tim của bạn bình thường, huyết áp vẫn có thể tăng quá cao hoặc giảm quá thấp mà bạn không hề nhận ra. Nếu nhịp tim bình thường, bạn vẫn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên.

    >>> Bạn có thể quan tâm: Huyết áp cao uống gì để hạ? Điểm qua TOP 9 loại thức uống giúp hạ huyết áp tại nhà!

    Tim đập chậm có nghĩa là tim bạn yếu?

    Nhịp tim chậm có thể là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn khỏe mạnh và cân đối. Cơ tim của vận động viên có hình dạng tốt hơn, vì vậy chúng không phải làm việc chăm chỉ để đạt được nhịp điệu ổn định.

    Nói chung, nhịp tim chậm chỉ đáng quan ngại nếu bạn bị ngất, cảm thấy chóng mặt, thở hổn hển hoặc đau ngực. Hoặc nếu bạn không phải là vận động viên luyện tập, nhịp tim nghỉ ngơi của bạn thấp hơn 60 nhịp một phút (nhịp tim chậm). Bạn hãy đi khám bác sĩ nếu nhận thấy có bất kỳ triệu chứng nào kể trên nhé.

    Nhịp tim 120 có sao không?

    Nhịp tim cao hoặc thấp bất thường có thể cho thấy nhiều vấn đề tiềm ẩn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu nhịp tim nghỉ ngơi của bạn luôn ở trên 100 nhịp mỗi phút (đặc biệt 120 nhịp mỗi phút – nhịp tim nhanh). Ngoài ra, nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khác kèm theo như ngất xỉu, chóng mặt hoặc thở dốc, thì bạn cần được đưa đi khám bác sĩ để tìm hướng giải quyết tốt nhất.

    >>> Bạn có thể quan tâm: Nhịp tim nhanh có nguy hiểm không? Có đáng báo động?

    Cần làm gì để lấy lại nhịp tim chuẩn?

    Để điều chỉnh trạng thái nhịp tim bình thường, bạn cần thực hiện một số biện pháp sau:

    • Từ bỏ thói quen rượu bia, thuốc lá sẽ giúp bạn cải thiện chứng rối loạn nhịp tim
    • Cân bằng công việc, giảm bớt stress trong cuộc sống
    • Thường xuyên luyện tập thể chất
    • Giảm thiểu mỡ động vật và các loại thức ăn chứa nhiều cholesterol (trứng, sữa béo,…). Tăng cường các loại thực phẩm có lợi cho tim mạch (rau xanh, cá hồi, cá thu,…) 
    • Tập cai thuốc lá và tránh sử dụng các loại thuốc hay chất kích thích
    • Điều trị các bệnh lý nền như: bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, cường giáp,…

    Bài viết trên đã giúp bạn hiểu thêm về cách kiểm tra nhịp tim bằng cách đo mạch bằng tay, để xác định nhịp tim của bạn có đang thực sự ổn định hay không. Qua đó, bạn có thể thay đổi lối sống tích cực hơn, hoặc thăm khám bác sĩ để nhận được sự tư vấn tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 30/09/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo