backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tập thể dục thế nào khi bạn đang chạy thận?

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    Tập thể dục thế nào khi bạn đang chạy thận?

    Tập thể dục đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Những người bị suy thận thường phải phụ thuộc vào gia đình và bạn bè nhiều hơn và có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch. Bằng việc tập thể dục khi đang chạy thận thường xuyên, bạn có thể tránh khỏi nhiều vấn đề sức khỏe thường gặp khi đang mắc bệnh thận.

    Khi bạn mắc bệnh thận mạn (BTM) và được lọc máu, bác sĩ có thể khuyên bạn nên đi ra ngoài vận động, chẳng hạn như đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nhưng nếu thời tiết không phù hợp để đi bộ quanh khu phố hoặc tập luyện ngoài trời thì sao? Khi bên ngoài quá lạnh hoặc quá nóng, bạn hãy tập ngay trong nhà của mình.

    Tại sao tập thể dục lại quan trọng với những người chạy thận nhân tạo?

    Tập thể dục rất quan trọng đối với người đang lọc máu vì nó khuyến khích một lối sống lành mạnh. Tập thể dục có thể giúp bạn ở nhiều phương diện khác nhau. Nếu bạn thừa cân và bác sĩ có thể yêu cầu bạn cần giảm vài ký, tập thể dục kết hợp với chế độ ăn uống ít calo phù hợp với bệnh thận sẽ giúp cải thiện cân nặng. Bạn cũng có thể tăng cường cơ bắp bằng việc tập thể dục. Một trong những cơ quan trọng nhất để tập thể dục là trái tim. Một trái tim khỏe mạnh rất quan trọng vì những người mắc bệnh thận thường có nguy cơ mắc bệnh tim. Tập thể dục cũng có thể làm giảm trầm cảm và giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn.

    Dưới đây là một số lợi ích của việc tập thể dục:

    • Cải thiện tiêu hóa
    • Tăng cường năng lượng
    • Ngủ ngon
    • Giảm nồng độ cholesterol
    • Giảm stress
    • Kiểm soát huyết áp và lượng đường trong máu tốt hơn
    • Giảm nguy cơ bệnh tim.

    Liệu có bất kỳ quy tắc tập thể dục cơ bản nào cho người chạy thận nhân tạo?

    Nhiều người chạy thận còn mắc những bệnh lý nghiêm trọng khác như bệnh tim hoặc tiểu đường, làm ảnh hưởng đến khả năng chịu đựng và khả năng luyện tập. Khi bạn bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào, bạn cũng cần phải bắt đầu từ từ, và sau đó dần dần tăng mức vận động để đạt được cường độ cao và thời gian lâu hơn. Tốt nhất là không tập khi mới ăn no, nhất là người suy thận đang lọc máu bằng phương pháp thẩm phân phúc mạc sẽ thấy việc tập thể dục với một bụng rỗng dễ dàng hơn nhiều so với việc vận động trong khi bụng chứa đầy dịch.

    Tập thể dục có thể khiến lượng đường trong máu giảm, vì vậy những người bị bệnh tiểu đường cần phải xem lượng đường trong máu và nếu cần, họ phải điều chỉnh liều lượng thuốc. Việc tập thể dục một lần hoặc hai lần mỗi tuần sẽ không đem lại nhiều tiến triển, do đó bạn nên nâng tần số lên 3–4 lần mỗi tuần nếu có thể.

    Ban đầu bạn nên bắt đầu tập thể dục tại những chỗ bạn còn thấy yếu, sau đó làm nóng cơ thể và cuối cùng là tập ở khu vực cơ bắp bị đau. Tuy nhiên, bạn không nên tập thể dục đến mức kiệt sức. Nếu gặp các triệu chứng như đau ngực, khó thở bất ngờ, hoặc đau cơ khớp nặng, bạn nên dừng tập lại và nhờ đến sự tư vấn hỗ trợ của bác sĩ ngay lập tức.

    Nếu bạn tập thể dục dù chỉ trong nhà, bạn sẽ có khả năng toát mồ hôi. Điều quan trọng là phải nhận thức được việc uống nước khi đang chạy thận nhân tạo. Trước khi bạn thực hiện bất kỳ thay đổi lượng nước bạn uống, hãy nói chuyện với các chuyên gia dinh dưỡng về kế hoạch tập thể dục trong nhà của bạn. Chuyên gia dinh dưỡng có thể cho bạn biết bạn cần lượng nước bao nhiêu để giữ cho cơ thể đủ nước, và có thể yêu cầu bạn theo dõi lượng và trọng lượng thay đổi chất lỏng.

    Bài thể dục tăng tính mềm dẻo

    Bài thể dục mềm dẻo là những bài tập được thiết kế để giúp tăng cường và cải thiện tính linh hoạt của cơ thể bằng cách sử dụng trọng lượng của riêng bạn. Tương tự như các bài căng cơ, các bài thể dục mềm dẻo không cần sử dụng thiết bị tập luyện và bạn có thể thêm các hình thức tập luyện khác sau khi đã quen với thể dục mềm dẻo. Chương trình các bài thể dục mang tính mềm dẻo bao gồm:

    • Chống đẩy (hay còn gọi là hít đất)
    • Hít xà đơn
    • Nhảy “jumping jacks” (nhảy cao và khi nhảy nâng cao tay và chân)
    • Các bài tập gập bụng
    • Động tác xoạc chân
    • Các động tác squat
    • Các bài tập tăng bắp chân
    • Video thể dục cho người chạy thận nhân tạo.

    Các động tác duỗi cơ

    Nhiều bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thể tập căng cơ. Những bài tập này giúp làm ấm phần cơ bắp chuẩn bị tập luyện nhờ tăng lưu lượng máu lưu thông khắp cơ thể.

    Một trong những điều thú vị nhất của bài tập duỗi cơ chính là bạn có thể làm điều đó bất cứ nơi nào mà không cần trang thiết bị tập luyện đặc biệt. Bạn có thể căng cơ trước khi tập thể dục, cũng như sau đó để thư giãn. Hãy nhờ bác sĩ tư vấn về các loại bài tập căng cơ mà bạn có thể làm và cách để làm điều đó. Ngoài ra, bạn nên hỏi thêm nếu có bất kỳ biện pháp phòng ngừa nào mà bạn cần phải thực hiện để không làm hại cơ bắp.

    Bài tập tim mạch (cardio)

    Các bài tập tim mạch rất quan trọng cho những người chạy thận nhân tạo. Các bài tập này mục đích là tăng cường sử dụng các nhóm cơ lớn để giữ tim hoạt động ở mức 50% so với tối đa. Nếu bạn có một phòng tập thể dục tại nhà, bạn nên trang bị một máy chạy bộ hay đi xe đạp. Nếu nhà bạn không đủ lớn để chứa thiết bị tập thể dục, bạn có thể thay thế bằng cách chạy bộ tại chỗ để tăng nhịp tim.

    Bạn có thể nhận ra bạn tiến bộ từng ngày bằng cách tính thời gian luyện tập. Nếu trong nhà bạn có một cầu thang, hãy tận dụng ngay bằng việc đi bộ lên xuống cầu thang để tăng sức khỏe cho tim. Nếu bạn không có cầu thang, hãy thử đến một trung tâm trong nhà ở địa phương để thực hiện đi bộ nhanh. Bạn có thể rủ một người bạn hoặc một người thân trong gia đình để đi cùng bạn. Hãy nói với họ rằng bạn có ý định đi bộ quanh khu mua sắm một vài lần trước khi thực sự bước vào một cửa hàng. Bạn sẽ được tập luyện trước khi tiến bước vào cửa hàng yêu thích của mình.

    Bài tập nâng tạ

    Nếu bạn đang lọc máu hoặc là đã có một lỗ dò động tĩnh mạch (AV) trên cánh tay khi chạy thận nhân tạo, hoặc đã từng phải dùng ống thông bụng để lọc máu bằng mạch máu, hãy thảo luận về mức trọng lượng có thể nâng được với bác sĩ trước tiên. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên nâng trọng lượng nhẹ để tránh gây tổn hại đến mạch máu.

    Việc nâng trọng lượng nhẹ mỗi ngày vẫn có thể giúp tăng lưu lượng máu, xây dựng cơ bắp và giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Nâng hạ tạ có thể được thực hiện trong khi xem truyền hình tại nhà hoặc tại câu lạc bộ thể thao gần nhà bạn.

    Công việc nhà

    Có vô số hoạt động trong nhà mà người chạy thận nhân tạo có thể thực hiện như là một hình thức tập thể dục. Làm các công việc nhà, chơi với con cháu, hoặc sắp xếp phòng có thể giúp bạn đứng lên và vận động trên đôi chân của mình. Dưới đây là gợi ý về một số hoạt động khi ở nhà dành cho bạn:

    • Quét nhà
    • Lau nhà
    • Phủi bụi
    • Hút bụi
    • Giặt giũ
    • Sắp xếp lại ngăn kéo tủ quần áo hay tủ quần áo
    • Sắp xếp lại đồ nội thất trong phòng.

    Và ngay cả khi bạn ở trong nhà, hãy cân nhắc việc đeo máy đếm bước để theo dõi các bước xung quanh nhà hoặc khi đi mua sắm. Bạn có thể ghi số bước hàng ngày của bạn trong một cuốn sổ tập thể dục để theo dõi sự tiến bộ của bản thân.

    Bên cạnh đó, bạn có thể thực hiện bất kỳ các hoạt động khác như chơi loại nhạc yêu thích. Bạn có thể đeo tai nghe, bật âm thanh nổi tại nhà hoặc những giai điệu trên máy tính của bạn. Chính những hoạt động nhỏ bé hàng ngày như vậy lại đem lại những tác dụng vô cùng tích cực cho bạn đấy.

    Nói chung, việc vận động ở những người bị bệnh thận mạn phải chạy thận nhân tạo vô cùng quan trọng cho sức khỏe. Nếu thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng khiến bạn cảm thấy khó để tìm thấy động lực đi ra ngoài tập thể dục thì những bài tập trong nhà là cách tuyệt vời để giúp bạn di chuyển. Đừng quên biến chúng thành hoạt động vui vẻ bằng cách mở bài hát yêu thích hoặc cùng tập với bạn thân của bạn. Cho dù bạn có một phòng tập thể dục tại nhà, tập thể dục trong phòng khách, đi đến một câu lạc bộ sức khỏe hoặc đi bộ chạy xung quanh một trung tâm mua sắm trong nhà, bạn nên duy trì tập thật đều đặn nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Thương Trần · Ngày cập nhật: 15/11/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo