backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Dấu hiệu bệnh thận giai đoạn cuối và những cách để kéo dài cuộc sống

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Võ Duy Tâm · Nam khoa · Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men's Health


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 24/04/2023

    Dấu hiệu bệnh thận giai đoạn cuối và những cách để kéo dài cuộc sống

    Nếu không sớm được điều trị hoặc kiểm soát hiệu quả, bệnh thận giai đoạn cuối có nguy cơ cao đe dọa đến tính mạng của người bệnh. 

    Thận là cơ quan chịu trách nhiệm lọc và đào thải độc tố cũng như lượng dịch dư thừa từ máu ra ngoài cơ thể. Khi bệnh thận tiến đến giai đoạn cuối, chức năng thận suy yếu đến mức gần như không thể lọc máu được nữa.

    Chính vì lý do này, bác sĩ luôn đánh giá cao mức độ nguy hiểm của bệnh thận giai đoạn cuối. Vậy, bạn đã biết gì về dấu hiệu bệnh thận giai đoạn cuối hay chưa, bạn sẽ được điều trị thế nào và nên làm gì để kéo dài tuổi thọ?

    Bệnh thận giai đoạn cuối là gì

    Bệnh thận được chia thành 5 giai đoạn từ 1 đến 5, tương ứng với mức độ suy yếu của thận. Theo nhiều chuyên gia, bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD) diễn ra khi chức năng thận suy giảm quá 90%. Điều này đồng nghĩa với việc thận dường như ngưng hoạt động.

    suy thận giai đoạn cuối

    Trong y khoa, những giai đoạn của bệnh thận được xác định thông qua mức lọc cầu thận (GFR). Ở giai đoạn cuối (độ 5), giá trị GFR chỉ còn từ 14 trở xuống và suy thận trầm trọng cũng phát sinh vào lúc này.

    Có 3 nhóm nguyên nhân chính gây nên bệnh thận mạn tính bao gồm đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh cầu thận. Ở những nước đang phát triển như Việt Nam, nguyên nhân hàng đầu là bệnh cầu thận, chiếm từ 30 – 48%.

    Triệu chứng bệnh thận mạn giai đoạn cuối

    Vì thận có chức năng lọc bỏ dịch cùng chất thải dư thừa trong máu, nên khi khả năng lọc mất đi sẽ gây nhiều triệu chứng tại thận và toàn bộ cơ thể. Bởi dịch cùng chất thải trong máu sẽ khiến các cơ quan, bộ phận khác đều rối loạn.

    Một số dấu hiệu của bệnh thận giai đoạn cuối thường thấy có thể là:

    • Lượng nước tiểu giảm đáng kể hay thậm chí bạn không thể đi tiểu
    • Mệt mỏi và cảm thấy khó chịu
    • Đau đầu
    • Sụt cân không rõ nguyên nhân
    • Mất khẩu vị, chán ăn
    • Buồn nôn và nôn
    • Da có xu hướng trở nên khô và ngứa
    • Màu da dường như thay đổi
    • Cảm thấy đau nhức xương
    • Khó tập trung và có xu hướng lú lẫn

    Ngoài ra, bạn cũng có khả năng gặp những triệu chứng suy thận giai đoạn cuối ít phổ biến hơn như:

  • Dễ bầm tím
  • Thường xuyên chảy máu cam hoặc nấc cụt
  • Cảm thấy tê hoặc sưng phù ở tay và chân
  • Hôi miệng
  • Khát nước liên tục
  • Chu kỳ kinh nguyệt ở nữ không đều
  • Chứng ngưng thở khi ngủ hay hội chứng chân không yên
  • Mất ham muốn tình dục, bất lực
  • Các bước cần làm để chẩn đoán bệnh thận giai đoạn cuối

    Bạn nên tìm gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào gây cản trở lối sinh hoạt thường ngày của mình, đặc biệt nếu bạn:

    • Không thể đi tiểu hay ngủ yên giấc
    • Nôn mửa liên tục
    • Gặp khó khăn trong các công việc hàng ngày
    Bệnh thận giai đoạn cuối ảnh hưởng đến giấc ngủ

    Để chẩn đoán bệnh thận giai đoạn cuối, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất, đồng thời yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm chức năng thận bao gồm:

    • Xét nghiệm nước tiểu: kiểm tra protein và máu trong nước tiểu của bạn.
    • Xét nghiệm định lượng creatinin máu: kiểm tra xem liệu creatinin, một sản phẩm thải cần được thận bài tiết, có tích tụ trong máu hay không.
    • Xét nghiệm urê máu: kiểm tra lượng nitơ lẫn trong máu của bạn.
    • Ước tính mức lọc cầu thận (GFR): đo lượng máu lọc qua cầu thận trong một đơn vị thời gian nhất định.

    Bệnh thận giai đoạn cuối có nguy hiểm không?

    Nếu bạn không sớm có biện pháp điều trị cũng như kiểm soát tốt, một loạt biến chứng bệnh thận giai đoạn cuối có nguy cơ xảy ra gồm:

    • Nhiễm trùng da
    • Rối loạn điện giải
    • Đau cơ, xương hoặc khớp
    • Xương yếu
    • Ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thần kinh
    • Thay đổi mức đường huyết

    Trong một số trường hợp hi hữu sẽ xuất hiện vài biến cố nghiêm trọng hơn, có thể trực tiếp đe dọa đến tính mạng của bạn như:

    • Suy gan
    • Vấn đề liên quan đến hệ tim mạch
    • Phù phổi (dịch trong phổi)
    • Cường cận giáp
    • Suy dinh dưỡng nặng
    • Thiếu máu nghiêm trọng
    • Xuất huyết dạ dày và ruột
    • Rối loạn chức năng não và mất trí nhớ
    • Co giật
    • Rối loạn xương khớp
    • Gãy xương

    Điều trị suy thận giai đoạn cuối

    Đối với bệnh thận giai đoạn cuối, trừ khi người bệnh từ chối, đều có chỉ định thay thế thận.

    Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng tìm được thận hiến tặng phù hợp. Vì vậy, nếu không thể ghép thận, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị thay thế gồm:

    Lọc máu

    Bạn có hai lựa chọn nếu muốn áp dụng biện pháp này, bao gồm:

    • Chạy thận nhân tạo: sử dụng thiết bị chuyên dụng để lọc chất thải khỏi máu. Nếu chọn cách này, bạn thường sẽ cần áp dụng liên tục mỗi tuần ba lần. Mỗi lần chạy thận nhân tạo cần 3–4 giờ. Có thể thực hiện chạy thận bằng mạch máu lớn tại đùi, cổ trong tình huống cấp cứu và phẫu thuật tạo thông nối động tĩnh mạch ở tay để chạy thận.
    • Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc): sử dụng lớp phúc mạc (màng bụng) làm màng lọc thay thế thận, sau đó loại bỏ chất thải và độc tố ra ngoài bằng ống thông. Để thực hiện được phương pháp này, cần phẫu thuật đặt ống thông vào trong ổ bụng để cho dịch thẩm phân đi vào và ra để lọc.

    Thuốc kiểm soát triệu chứng và biến chứng

    Thuốc điều trị bệnh thận giai đoạn cuối

    Nếu bạn bị đái tháo đường hoặc tăng huyết áp, bác sĩ sẽ kê thuốc giúp bạn kiểm soát hai tình trạng trên, từ đó ngăn chặn thận chịu thêm thương tổn. Thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) là hai nhóm thuốc huyết áp thường thấy nhất trong trường hợp này.

    Mặt khác, bạn cũng có thể cần tiêm chủng một số loại vắc xin nhằm phòng ngừa biến chứng nhiễm trùng của bệnh thận giai đoạn cuối. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, vắc xin viêm gan B và phế cầu khuẩn polysaccharide (PPSV23) có thể đem đến kết quả tích cực nếu được dùng trước và trong quá trình thẩm tách máu.

    Ngoài ra, tùy vào thể trạng mỗi người, bác sĩ sẽ lựa chọn loại vắc xin hiệu quả và thích hợp nhất.

    Chế độ dinh dưỡng phù hợp

    Tình trạng trữ nước trong cơ thể có khả năng khiến cân nặng của bạn tăng nhanh chóng. Do đó, thường xuyên theo dõi trọng lượng cũng là một cách giúp bạn kiểm soát bệnh thận giai đoạn cuối.

    Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến thận

    Lúc này, thực đơn hàng ngày của bạn nên:

    • Tăng lượng thức ăn
    • Giảm thực phẩm giàu chất đạm
    • Hạn chế muối và các thực phẩm giàu natri, kali như chuối, cam, socola, các loại hạt, bơ đậu phộng, cải bó xôi, bơ
    • Giảm chất lỏng như nước, canh,…

    Bệnh thận giai đoạn cuối có khả năng gây tử vong cao bằng cách kéo theo một loạt vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác, làm ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, bạn cần sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp ngay từ đầu để ngăn ngừa các bệnh về thận tiến triển đến giai đoạn này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Võ Duy Tâm

    Nam khoa · Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men's Health


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 24/04/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo