backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh thận IgA và những điều bạn cần biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 28/08/2020

    Bệnh thận IgA và những điều bạn cần biết

    Bạn sẽ cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt khi phát hiện có máu lẫn trong nước tiểu. Chảy máu đường tiết niệu có thể là nguyên nhân của tình trạng này. Tuy nhiên, đôi khi nó có thể xuất phát từ vấn đề nghiêm trọng hơn, ví dụ như bệnh thận IgA. 

    Thông thường, bệnh thận IgA cần nhiều năm để phát triển. Tuy nhiên, quá trình tiến triển bệnh của mỗi người lại không giống nhau, chẳng hạn như khi máu rò rỉ vào nước tiểu:

    • Một số người có thể không gặp phải vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
    • Số khác có thể bị bệnh nhưng rồi nhanh chóng thuyên giảm.
    • Vài người tiến triển thành bệnh thận giai đoạn cuối hay thậm chí là suy thận.

    Ngoài ra, bệnh thận IgA còn được xem là một vấn đề sức khỏe nguy hiểm khi hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra giải pháp điều trị tận gốc. Vậy, bạn đã biết gì về căn bệnh này cũng như làm thế nào để kiểm soát hiệu quả? Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

    Bệnh thận IgA là gì?

    Bệnh Berger, còn được biết đến qua tên gọi bệnh thận IgA, đề cập đến tình trạng sức khỏe của thận liên quan đến sự tích tụ của các globulin miễn dịch A (IgA) ở cơ quan bài tiết này.

    Hàm lượng IgA tăng dần theo thời gian tại đây có nguy cơ gây viêm cục bộ, từ đó cản trở nhiệm vụ lọc và loại bỏ chất thải của thận.

    Vì sao bạn có thể mắc bệnh thận IgA?

    Globulin miễn dịch A là một kháng thể đóng vai trò chủ đạo trong hệ miễn dịch với nhiệm vụ tấn công các mầm bệnh xâm nhập cơ thể và đối phó với nhiễm trùng.

    Tuy nhiên, khi bệnh thận IgA phát sinh, những kháng thể này lại “tụ tập” với số lượng lớn tại các tiểu cầu thận. Từ đó, tình trạng viêm tiểu cầu thận sẽ xảy ra và tác động tiêu cực đến khả năng hoạt động của bộ phận này.

    Các nhà nghiên cứu đã dành nhiều năm để tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh chính xác nhưng vẫn chưa có kết quả khả thi. Tuy vậy, họ vẫn tìm thấy một số yếu tố có mối liên hệ chặt chẽ với căn bệnh này như:

    • Gene: bệnh thận IgA chủ yếu xảy ra trong gia đình và một số nhóm dân tộc cụ thể.
    • Các bệnh về gan: viêm gan B, viêm gan C mạn tính hay thậm chí là xơ gan (tình trạng mô sẹo thay thế phần lớn tế bào gan khỏe mạnh) dường như có liên quan đến bệnh thận IgA.
    • Bệnh Celiac (không dung nạp gluten): cơ thể không thể hấp thụ gluten, một loại protein có trong các loại ngũ cốc.
    • Nhiễm trùng: chủ yếu các trường hợp nhiễm khuẩn và bao gồm cả HIV.

    Các yếu tố rủi ro

    Mặt khác, không ít chuyên gia cho rằng những yếu tố sau đây cũng góp phần gia tăng tỷ lệ phát sinh bệnh thận IgA, ví dụ như:

    • Giới tính: ở Bắc Mỹ và Tây Âu, tỷ lệ đàn ông gặp phải căn bệnh này gấp đôi tỷ lệ ở phụ nữ.
    • Chủng tộc: so với người da đen, bệnh thận IgA dường như phổ biến hơn ở người da trắng, da vàng.
    • Tuổi tác: một số nghiên cứu cho thấy trẻ vị thành niên ở độ tuổi 17 – 18 hoặc người trưởng thành tầm 30 tuổi rất dễ mắc phải căn bệnh trên.
    • Tiền sử gia đình: bạn càng dễ mắc phải bệnh lý trên nếu người thân trong gia đình bạn đã từng rơi vào trường hợp này.
    Bệnh thận IgA chạy trong gia đình
    Nếu một người trong gia đình mắc bệnh thận IgA, rủi ro phát bệnh ở những người còn lại sẽ cao hơn nhiều lần so với người khác.

    Người bệnh bộc lộ triệu chứng như thế nào?

    Bệnh thận IgA thường không gây ra các triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu. Do đó, bạn có thể không phát hiện bản thân mắc bệnh trong nhiều năm hay thậm chí nhiều thập kỷ.

    Tuy vậy, đôi khi bác sĩ cũng sẽ nghi ngờ đến trường hợp này nếu kết quả xét nghiệm cho thấy có protein và tế bào hồng cầu lẫn trong nước tiểu của bạn.

    Như vậy, một số triệu chứng bệnh thận IgA gồm:

    • Nước tiểu có màu trà hoặc cola (hồng cầu lẫn vào nước tiểu)
    • Thời gian hiện tượng trên xuất hiện kéo dài
    • Đôi khi có thể thấy máu lẫn trong nước tiểu
    • Nước tiểu sủi bọt nhiều do có lượng lớn protein rò rỉ vào đó
    • Đau ở một hoặc cả hai bên phần lưng dưới xương sườn
    • Sưng phù ở tay và chân
    • Huyết áp tăng cao

    Làm thế nào để chẩn đoán bệnh thận IgA?

    Để kiểm tra một người có bị bệnh thận IgA hay không, bác sĩ sẽ yêu cầu người đó thực hiện một số xét nghiệm đơn giản để kiểm tra nồng độ protein hoặc hồng cầu trong nước tiểu. Ngoài ra, chúng còn có khả năng xác định vấn đề sức khỏe về thận mà bạn đang gặp phải.

    Những xét nghiệm trên có thể bao gồm:

    • Xét nghiệm nước tiểu
    • Xét nghiệm máu
    • Sinh thiết thận
    Xét nghiệm máu
    Trong trường hợp này, mục đích chính của xét nghiệm máu là định lượng mức creatinine tại đây, từ đó đánh giá khả năng hoạt động của thận.

    Vì sao bạn cần điều trị bệnh thận IgA?

    Quá trình phát triển của bệnh thận IgA ở mỗi người khác nhau. Một số người có thể “chung sống hòa bình” với tình trạng này trong nhiều năm. Ngược lại, trong vài trường hợp, bệnh lý trên có nguy cơ kéo theo các biến chứng nguy hiểm như:

    • Tăng huyết áp: tình trạng tổn thương thận do IgA tích tụ có thể gây tăng cường độ áp lực máu trong mao mạch. Sau đó, huyết áp cao lại tiếp tục gây thương tổn cho các tế bào thận.
    • Nồng độ cholesterol cao: chỉ số cholesterol cao rất dễ dẫn đến cơn đau tim, trực tiếp đe dọa tính mạng của người bệnh.
    • Suy thận cấp: lúc này, thận đã hoàn toàn mất khả năng lọc máu, khiến chất thải cũng như độc tố tồn đọng trong máu.
    • Bệnh thận mạn tính: sự tích tụ IgA ở tiểu cầu thận có thể khiến chức năng của bộ phận này suy giảm dần theo thời gian. Khi đó, bạn chỉ còn hai lựa chọn điều trị là thẩm tách (chạy thận nhân tạo) hoặc ghép thận.
    • Hội chứng thận hư: khả năng lọc của thận hoạt động không tốt, dẫn đến một lượng lớn protein hao hụt ra ngoài thông qua đường tiểu. Lúc này, không chỉ sức khỏe thận mà cả sức khỏe tổng thể cũng chịu tác động nặng nề.

    Các phương pháp điều trị bệnh IgA hiệu quả

    Thực tế, ngày nay các chuyên gia vẫn chưa nghiên cứu được phương pháp điều trị bệnh lý này triệt để. Tuy vậy, bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc giúp bạn giảm tốc độ quá trình tiến triển của bệnh, đồng thời kiểm soát tốt các triệu chứng.

    Những loại thuốc này có thể bao gồm:

    Thuốc điều trị tăng huyết áp

    Thuốc ức chế men chuyển (ACE) hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB) có công dụng hạ huyết áp xuống phạm vi lý tưởng, đồng thời cải thiện tình trạng hao hụt protein.

    Axit béo omega-3

    Axit béo omega-3 có khả năng giảm viêm ở cầu thận. Thêm vào đó, hoạt chất dường như không có tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe của bạn.

    Bạn có thể bổ sung omega-3 bằng chế độ ăn uống hàng ngày hoặc sử dụng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bạn dùng bất kỳ chất bổ sung nào nhé.

    Thuốc ức chế miễn dịch

    Trong một số trường hợp, các loại thuốc corticosteroid, chẳng hạn như prednisone, có thể cần thiết để ngăn cản hệ miễn dịch tiếp tục tấn công cầu thận. Tuy vậy, bạn cần lưu ý nhóm thuốc ức chế miễn dịch có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, ví dụ như:

    • “Đẩy” chỉ số huyết áp cũng như lượng đường trong máu lên cao
    • Tăng rủi ro nhiễm trùng

    Vì vậy, khi áp dụng phương pháp kiểm soát này, bạn nhất định phải tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ.

    Thuốc statin

    Nếu chỉ số cholesterol của bạn cao, thuốc statin có thể hỗ trợ hạ nồng độ hoạt chất này xuống mức cho phép. Nhờ đó, tốc độ của quá trình tổn thương thận cũng chậm lại.

    Thuốc lợi tiểu

    Tác dụng chính của thuốc lợi tiểu là loại bỏ lượng chất lỏng dư thừa trong cơ thể. Điều này không chỉ hỗ trợ thận hoạt động mà còn có thể giúp bạn cải thiện tình trạng cao huyết áp.

    Biện pháp hỗ trợ điều trị

    Chăm chỉ tập thể dục
    Áp dụng lối sống lành mạnh không chỉ cải thiện sức khỏe của thận mà còn nâng cao sức khỏe tổng thể của bạn.

    Một lối sinh hoạt lành mạnh sẽ giúp cải thiện đáng kể sức khỏe của thận, chẳng hạn như:

    • Duy trì mức huyết áp trong phạm vi cho phép: hạn chế lượng muối tiêu thụ, thường xuyên rèn luyện thể chất, duy trì cân nặng lý tưởng, tránh xa thức uống chứa cồn…
    • Theo dõi chỉ số huyết áp tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ
    • Giảm lượng protein cũng như cholesterol tiêu thụ

    Mục tiêu cuối cùng của các biện pháp trên là giảm thiểu khả năng người bệnh cần đến phương pháp chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đây sẽ là hai biện pháp điều trị mang tính khả quan duy nhất mà bạn có thể lựa chọn.

    Phòng ngừa bệnh thận IgA bằng cách nào?

    Thực tế, theo nhiều nhà nghiên cứu, bệnh thận IgA không phải là tình trạng sức khỏe có thể phòng ngừa như những bệnh lý khác. Nếu trong gia đình đã có người từ mắc phải căn bệnh này, bạn nên tham vấn cùng bác sĩ về những biện pháp giúp nâng cao và duy trì sức khỏe thận, ví dụ như:

    Ngăn chặn viêm gan B hoặc viêm gan C phát sinh:

    • Duy trì chỉ số huyết áp cũng như chỉ số cholesterol trong phạm vi cho phép
    • Hạn chế nhiễm trùng

    Bệnh thận IgA là một trong nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm khi hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị triệt để cũng như phòng ngừa cụ thể. Do đó, những gì bạn cần làm là cố gắng kiểm soát những tình trạng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của thận.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 28/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo