backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Viêm xung huyết dạ dày - Điều trị sớm để tránh biến chứng ung thư

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 26/07/2021

    Viêm xung huyết dạ dày - Điều trị sớm để tránh biến chứng ung thư

    Viêm xung huyết dạ dày là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nếu bạn không có biện pháp điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng phức tạp, thậm chí có thể là ung thư dạ dày.

    Ngày nay, với nhịp sống vội vã, nhiều người lơ là vấn đề ăn uống của bản thân và từ đó vô tình tạo “áp lực” lên dạ dày. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, tiêu biểu nhất chính là viêm sung huyết dạ dày.

    Xung huyết dạ dày là gì?

    Viêm sung huyết dạ dày là thuật ngữ mô tả tình trạng axit trong bao tử gây tổn thương lớp bảo vệ niêm mạc, từ đó dẫn đến hiện tượng viêm và xuất huyết.

    Bệnh xung huyết dạ dày có nguy hiểm không? Nếu bạn không có biện pháp can thiệp y tế kịp thời, theo thời gian bệnh có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng khác, bao gồm cả ung thư dạ dày.

    Bạn có thể xem thêm: Cùng tìm hiểu về nguyên nhân và cách điều trị viêm hang vị

    Nguyên nhân viêm xung huyết dạ dày

    Bạn có thể mắc bệnh viêm xung huyết dạ dày bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như:

    • Sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) trong thời gian dài
    • Chế độ ăn uống không lành mạnh, đặc biệt là nghiện rượu
    • Yếu tố thần kinh (gặp nhiều áp lực trong cuộc sống, căng thẳng, lo âu…)
    • Nhiễm khuẩn HP (Helicobacter pylori) hoặc nhiễm virus cytomegalo
    • Mạch máu tổn thương
    • Những chấn thương tác động trực tiếp đến dạ dày

    Mối liên hệ giữa nhóm thuốc NSAIDs và viêm xung huyết dạ dày

    thuốc trị viêm dạ dày

    Cơ chế hoạt động của nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) là tác nhân chủ yếu khiến việc dùng các loại thuốc này thường xuyên trở thành một trong hai nguyên nhân viêm xung huyết dạ dày phổ biến nhất, bên cạnh yếu tố nhiễm trùng. Công dụng chính của NSAIDs là đối phó với tình trạng viêm trong cơ thể bằng cách ức chế prostaglandin, một chất dẫn truyền thần kinh cho quá trình viêm. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến chúng ức chế cả sự sản sinh của chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày.

    Nếu sử dụng thuốc NSAIDs lâu dài, bạn sẽ vô tình khiến lớp nhầy bảo vệ trong dạ dày suy giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho axit trong bao tử tiếp xúc trực tiếp với lớp niêm mạc. Từ đó, tình trạng viêm xung huyết dạ dày sẽ sớm xảy ra.

    Triệu chứng viêm xung huyết dạ dày

    Các triệu chứng của bệnh xung huyết dạ dày thường khiến bạn cảm thấy rất khó chịu, bao gồm:

    • Đầy hơi, khó tiêu và thường xuyên ợ hơi hoặc ợ chua
    • Đau bụng, có thể đau âm ỉ hoặc dữ dội
    • Đột nhiên chán ăn
    • Sụt cân trong thời gian ngắn
    • Buồn nôn và nôn

    Ngoài ra, những dấu hiệu trên cũng có thể liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác. Điều này khiến người bệnh mang tâm lý chủ quan, từ đó dẫn đến nhiều hệ quả nguy hiểm không đáng có.

    Trong một số ít trường hợp, bạn có thể bắt gặp các triệu chứng xuất huyết bao tử như nôn ra máu hoặc phân hắc ín trong vòng 2 – 5 ngày kể từ lúc viêm xung huyết dạ dày phát sinh. Lúc này, bạn cần tìm đến bác sĩ ngay lập tức để có biện pháp điều trị kịp thời.

    Chẩn đoán và điều trị viêm xung huyết dạ dày

    Nếu nghi ngờ bạn bị viêm xung huyết dạ dày, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một loạt xét nghiệm chẩn đoán để có thể đưa ra kết quả chính xác nhất, đồng thời nhanh chóng có phương pháp điều trị thích hợp. Các xét nghiệm bạn cần làm có thể là:

    • Xét nghiệm máu
    • Kiểm tra mẫu phân
    • Chụp X-quang dạ dày
    • Xét nghiệm H.pylori

    Trong một số trường hợp nghiêm trọng, chẩn đoán nội soi và thủ tục sinh thiết có thể diễn ra cùng lúc.

    Chẩn đoán nội soi dạ dày

    Kết quả chẩn đoán nội soi dạ dày có khả năng hỗ trợ bác sĩ kiểm tra những thương tổn trên lớp niêm mạc dạ dày, từ đó xác định rõ tình trạng bệnh tiến triển cũng như có hướng điều trị chính xác.

    Hiện nay, bạn có thể lựa chọn một trong ba cách nội soi dạ dày như sau để thực hiện:

    Nội soi qua đường miệng và không dùng thuốc gây mê

    Một số người có thể cảm thấy đau đớn khi thực hiện thủ thuật này. Cảm giác buồn nôn do dây soi chặn ở cổ cũng thường xuyên xuất hiện hơn. Để giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực như trên, bạn nên thả lỏng cơ thể và tuân theo chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình nội soi. Bên cạnh đó, hít thở sâu và chậm có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.

    Nội soi qua đường miệng và có thuốc gây mê

    Nếu lựa chọn thủ thuật này, bạn sẽ được gây mê trước khi tiến hành nội soi dạ dày. Ưu điểm của nội soi qua đường miệng có gây mê là giúp người thực hiện giảm thiểu cảm giác khó chịu trong suốt quá trình. Tuy nhiên, nó cũng đem đến một số tác dụng phụ như tăng nguy cơ dị ứng thuốc hoặc sốc thuốc gây mê. Vì vậy, trước khi gây mê, các bác sĩ sẽ kiểm tra thuốc trước để đảm bảo bạn không có bất kỳ phản ứng dị ứng nào.

    Nội soi qua đường mũi

    Đối với thủ tục nội soi dạ dày qua đường mũi, người thực hiện sẽ tỉnh táo và có khả năng trò chuyện với bác sĩ. Ngoài ra, cảm giác khó chịu cũng sẽ giảm đáng kể so với trường hợp nội soi qua đường miệng không gây mê. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là giá thành tương đối cao.

    Điều trị bằng dinh dưỡng

    điều trị viêm dạ dày bằng dinh dưỡng

    Các bác sĩ thường dựa trên kết quả chẩn đoán viêm xung huyết dạ dày để đưa ra phương hướng điều trị thích hợp, kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh hỗ trợ tăng hiệu quả cũng như đẩy nhanh tiến độ phục hồi.

    Xung huyết dạ dày nên ăn gì? Điều quan trọng nhất là bạn cần ăn uống đầy đủ, không bỏ bữa và mỗi bữa ăn nên có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết. Bạn nên ăn nhiều hoa quả, đặc biệt là nhóm trái cây không thuộc họ cam quýt, để bổ sung vitamin và chất khoáng, ví dụ như táo, lê… Hãy nhớ tránh xa các thức uống chứa cồn hoặc caffeine vì chúng có thể khiến tình trạng dạ dày của bạn trở nên tồi tệ hơn.

    Thêm vào đó, chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao cũng là một cách giúp bạn tăng cường sức đề kháng nhằm chống lại các bệnh lý thường gặp.

    Nhiều chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến nghị người đang gặp vấn đề ở hệ tiêu hóa nói chung cũng như viêm xung huyết dạ dày nói riêng nên thường xuyên sử dụng tinh bột nghệ. Dùng tinh bột nghệ kèm với mật ong là bài thuốc dân gian lâu đời có thể cải thiện những thương tổn ở dạ dày. Curcumin có trong nghệ chính là hoạt chất đóng vai trò chủ đạo giúp chữa lành dạ dày. Hiện nay, sự xuất hiện của nano curcumin được điều chế từ củ nghệ tươi có thể giúp người dùng tăng khả năng hấp thụ hoạt chất hữu dụng này. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy nano curcumin ở một số loại thực phẩm chức năng.

    tinh bột nghệ

    Điều trị bằng thuốc và thực phẩm chức năng

    Nếu nguyên nhân gây bệnh là nhiễm trùng, các chuyên gia sẽ chỉ định thuốc kháng sinh kết hợp với một số loại thuốc đặc hiệu khác để điều trị viêm xung huyết dạ dày. Quá trình điều trị có thể kéo dài cho đến khi các dấu hiệu của bệnh hoàn toàn biến mất.

    Mặt khác, bạn có thể sử dụng một số thực phẩm chức năng để hỗ trợ quá trình điều trị. Những sản phẩm chứa nano curcumin có thể hữu ích với những công dụng như:

    • Ức chế vi khuẩn HP tăng trưởng
    • Tăng lượng chất nhầy sản sinh
    • Đẩy nhanh tốc độ phục hồi vết thương
    • Hỗ trợ bảo vệ niêm mạc dạ dày

    Tuy nhiên, bạn cần lưu ý tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ thực phẩm chức năng nào để tránh gặp phải những tác dụng phụ ngoài ý muốn.

    Viêm xung huyết dạ dày có nguy hiểm không?

    Khi rơi vào trường hợp viêm xung huyết dạ dày, bạn nên chú trọng đến việc điều trị tình trạng này hiệu quả. Vì nếu không giải quyết triệt để, những biến chứng nghiêm trọng hơn có nguy cơ cao sẽ xảy ra, bao gồm:

    • Loét tá tràng
    • Ung thư dạ dày

    Viêm xung huyết dạ dày kiêng ăn gì?

    viêm xung huyết dạ dày

    Ngoài những thức uống chứa cồn và caffeine, bạn cần lưu ý hạn chế hoặc tốt nhất là không dùng những thực phẩm sau nhằm giảm thiểu áp lực lên hoạt động của dạ dày:

    • Những thực phẩm dai và nhiều chất xơ, chẳng hạn như gân bò, sách bò, ngũ cốc nguyên hạt
    • Rau củ quả và trái cây có tính axit, ví dụ như cà chua, cam, chanh…
    • Các món chiên, nhiều dầu mỡ và khó tiêu
    • Những món ăn chua hoặc cay.

    Bạn có thể xem thêm: Người bị đau dạ dày nên ăn gì

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 26/07/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo