backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Sinh thiết tủy xương và những điều bạn quan tâm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 13/12/2019

    Sinh thiết tủy xương và những điều bạn quan tâm

    Sinh thiết tủy xương là thủ thuật cắt một mẫu mô mềm bên trong xương với mục đích phục vụ chẩn đoán và theo dõi điều trị các rối loạn về huyết học cũng như xác định giai đoạn ung thư.

    Quá trình sinh thiết tủy xương có thể kéo dài khoảng một giờ. Tủy xương là phần mô xốp bên trong xương, được xem là “nhà’ của các mạch máu và tế bào gốc giúp sản sinh:

  • Hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu
  • Chất béo
  • Sụn
  • Xương
  • Tủy xương được chia thành hai loại: tủy đỏ và tủy vàng. Tủy đỏ chủ yếu được tìm thấy trong xương dẹt. Khi cơ thể già đi, đa số tủy đỏ sẽ chuyển hóa thành tủy vàng do sự gia tăng các tế bào mỡ. Bác sĩ sẽ lấy sinh thiết tủy đỏ làm mẫu, thường là từ mặt sau xương chậu. Mẫu tủy này sẽ được đem đi xét nghiệm để kiểm tra xem có bất kỳ tế bào máu bất thường nào không.

    Phòng xét nghiệm nhận mẫu tủy rồi tiến hành các thí nghiệm nhằm kiểm tra tủy xương này có khả năng tạo ra những tế bào máu khỏe mạnh hay không. Nếu không, kết quả xét nghiệm có thể chỉ ra nguyên nhân bắt nguồn từ đâu: nhiễm trùng, viêm tủy xương hoặc tệ hơn là ung thư.

    Để biết thêm về sinh thiết tủy xương cũng như quá trình của nó, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé.

    Vì sao bạn cần thực hiện sinh thiết tủy xương?

    Bác sĩ có thể yêu cầu tiến hành sinh thiết tủy xương cho người bệnh nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy hàm lượng tiểu cầu, hồng cầu hay bạch cầu trong cơ thể họ quá cao hoặc quá thấp. Thủ thuật sinh thiết sẽ giúp xác định nguyên nhân của những hiện tượng bất thường này, bao gồm:

    • Thiếu máu: số lượng hồng cầu thấp hơn mức quy định
    • Bệnh về tủy xương, chẳng hạn như xơ hóa tủy nguyên phát hoặc hội chứng rối loạn sinh tủy
    • Bệnh về máu, ví dụ như giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu hoặc đa hồng cầu
    • Ung thư tủy xương hoặc máu, chẳng hạn như Leukeamia hoặc u lympho
    • Hemochromatosis, một rối loạn di truyền do cơ thể hấp thụ quá nhiều chất sắt từ chế độ ăn uống
    • Nhiễm trùng hoặc sốt không rõ nguyên nhân

    Những bệnh lý cũng như triệu chứng trên đây có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất tế bào máu và hàm lượng của chúng trong cơ thể con người.

    Sinh thiết tủy xương cũng có thể được yêu cầu thực hiện nhằm kiểm soát bệnh trạng, xác định giai đoạn ung thư và giám sát hiệu quả của quá trình điều trị.

    Rủi ro của sinh thiết tủy xương

    sinh thiết tủy xương

    Tất cả các thủ thuật y tế đều mang lại một số rủi ro. Tuy nhiên, các biến chứng từ xét nghiệm sinh thiết tủy xương là vô cùng hiếm. Hiệp hội huyết học Anh phát hiện ra rằng không đến 1% người thực hiện sinh thiết tủy xương gặp triệu chứng tác dụng phụ. Biến chứng chủ yếu của thủ thuật này là xuất huyết hoặc chảy máu không ngừng tại khu vực lấy tủy.

    Một số biến chứng khác đã được ghi nhận, bao gồm:

    • Dị ứng với thuốc gây mê
    • Nhiễm trùng
    • Cơn đau dai dẳng tại vùng thực hiện sinh thiết

    Hãy trò chuyện cùng bác sĩ trước khi bắt đầu sinh thiết tủy sinh, nhất là khi bạn phải dùng thuốc để duy trì tình trạng sức khỏe.

    Chuẩn bị cho sinh thiết tủy xương

    Thảo luận cùng chuyên gia về những mối quan tâm liên quan đến sinh thiết tủy xương là một trong những bước đầu tiên để chuẩn bị sẵn sàng cho thủ thuật này. Bạn nên tham vấn với bác sĩ về tất cả những điều dưới đây:

    • Những loại thuốc cũng như thực phẩm chức năng bạn đang dùng
    • Bệnh sử cá nhân, đặc biệt là nếu bạn có tiền sử bị rối loạn chảy máu
    • Dị ứng hoặc quá nhạy cảm với băng gạc, thuốc gây mê hay các hoạt chất khác
    • Đang hoặc có thể mang thai trong thời gian tới
    • Có nhu cầu sử dụng thuốc làm giảm bớt lo lắng về quá trình sinh thiết

    Bạn nên dẫn theo một người đi cùng khi thực hiện sinh thiết tủy xương, đặc biệt là khi bạn dùng thuốc an thần như một biện pháp để thư giãn sau khi sinh thiết. Ngoài ra, nghỉ ngơi tốt vào đêm hôm trước và đến sớm hơn giờ hẹn 10 phút cũng có thể giúp bạn cảm thấy bớt căng thẳng hơn trước khi tiến hành thủ thuật này.

    Hãy tuân theo tất cả hướng dẫn của bác sĩ trước khi tiến hành sinh thiết tủy xương. Bác sĩ có thể yêu cầu ngưng sử dụng một số loại thuốc mà bạn đang dùng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bạn không được tự ngưng dùng thuốc, trừ khi bác sĩ hướng dẫn bạn làm như vậy.

    Sẵn sàng đối phó với các cơn đau

    Quá trình sinh thiết tủy xương có thể gây đau cho người bệnh. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng các cơn đau từ sinh thiết chỉ xảy ra trong khoảng thời gian đầu với cường độ thấp. Một số nghiên cứu cho thấy cơn đau có liên quan đến thời gian và độ khó khi tiến hành sinh thiết tủy xương. Nếu người thực hiện là một bác sĩ với kinh nghiệm lâu năm và có khả năng hoàn thành thủ thuật trong vòng 10 phút, bạn có thể chịu đựng cơn đau ít hơn.

    Một yếu tố khác liên quan đến các cơn đau là sự lo lắng của người bệnh trước khi làm sinh thiết tủy xương.

    Quá trình sinh thiết tủy xương

    Trước khi sinh thiết, người bệnh sẽ được kiểm tra nhịp tim và huyết áp. Sau đó, bác sĩ sẽ thoa thuốc gây tê cục bộ lên da – khu vực sinh thiết sẽ được thực hiện. Sinh thiết tủy xương thường được lấy từ xương chậu hoặc xương ngực.

    Người bệnh tiếp đó được tiêm thuốc gây mê. Ở bước tiếp theo, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ để kim có thể dễ dàng đi qua lớp da, tiếp cận khu vực xương. Kim tiêm đi vào xương và thu thập tủy đỏ. Tuy nhiên, nó sẽ không đến gần vùng tủy sống. Người bệnh có thể cảm thấy đau âm ỉ hoặc khó chịu khi kim tiếp xúc với xương, dù họ đã được tiêm thuốc gây mê và tê.

    Sau khi hoàn thành xong thủ thuật, bác sĩ sẽ cầm máu và băng vết thương lại. Nếu ban đầu sử dụng thuốc gây tê tại chỗ, người bệnh có thể rời bệnh viện sau khi lấy sinh thiết xong khoảng 15 phút.

    Sau khi sinh thiết tủy xương

    Các cơn đau từ sinh thiết sẽ giảm dần và biến mất sau khoảng một tuần. Người bệnh có thể sử dụng những loại thuốc giảm đau không cần toa như ibuprofen hoặc acetaminophen để đối phó với chúng trong thời gian này. Bên cạnh đó, khu vực lấy sinh thiết cần được chăm sóc và giữ khô ráo ít nhất 24 giờ kể từ khi hoàn thành thủ thuật.

    Người bệnh cần hạn chế các hoạt động dùng sức để tránh bung chỉ chỗ vết thương. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu những triệu chứng sau xảy ra:

    • Chảy máu không ngừng
    • Cơn đau có xu hướng tăng
    • Sưng tấy chỗ lấy sinh thiết
    • Sốt

    Ý nghĩa của kết quả sinh thiết tủy xương

    Phòng xét nghiệm sẽ trả kết quả sinh thiết sau ba tuần. Mục đích chính của xét nghiệm này là kiểm tra tủy xương có hoạt động tốt hay không. Nếu không, kết quả xét nghiệm cũng chỉ ra nguyên nhân.

    Nếu bạn mắc phải một loại ung thư nào đó, chẳng hạn như ung thư hạch, sinh thiết tủy xương giúp xác định giai đoạn ung thư bằng cách kiểm tra xem liệu mầm mống ung thư đã vào đến khu vực tủy xương hay chưa.

    Kết quả bất thường có thể là do ung thư, nhiễm trùng hoặc những bệnh lý khác liên quan đến tủy xương. Bác sĩ có thể cần yêu cầu người bệnh tham gia thêm các xét nghiệm khác để xác nhận chẩn đoán. Sau đó, họ sẽ thảo luận về kết quả và đưa ra lựa chọn điều trị nếu cần cho người bệnh.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 13/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo