backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

6

Hỏi bác sĩ
Lưu

Các giai đoạn dậy thì: Sự thay đổi cơ thể của bé khi đến tuổi dậy thì

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 30/11/2023

    Các giai đoạn dậy thì: Sự thay đổi cơ thể của bé khi đến tuổi dậy thì

    Kinh nguyệt không đều, mụn trứng cá, vòng 1 tăng nhanh… là những vấn đề thường thấy ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên, nếu không thật sự hiểu thì trẻ sẽ đối mặt với vô vàn sự hoang mang và lúng túng. 

    Bước vào độ tuổi dậy thì, những thay đổi về tâm sinh lý khiến con bạn vô cùng lo lắng. Bé bắt đầu có những rung động đầu đời hoặc có cảm giác với bạn khác giới. Vậy bố mẹ nên đồng hành cùng con như thế nào để trẻ dễ dàng vượt giai đoạn “ẩm ương” này và dậy thì thành công?

    Bài viết sau Hello Bacsi sẽ giúp bạn có thêm một vài thông tin về tuổi dậy thì như tuổi dậy thì là gì, làm thế nào để dậy thì thành công, độ tuổi dậy thì là bao nhiêu…

    Tuổi dậy thì là gì? Độ tuổi dậy thì của nữ và nam

    Dậy thì là khoảng thời gian trẻ bắt đầu trưởng thành về mặt tình dục với đặc trưng là những thay đổi về tâm sinh lý, hoàn thiện khả năng sinh sản và đặc điểm giới tính thứ cấp (dấu hiệu trưởng thành, chẳng hạn như sự tăng trưởng lông mu).

    Mỗi trẻ sẽ dậy thì ở những độ tuổi khác nhau. Độ tuổi dậy thì của nữ thường là từ 10 đến 14, còn độ tuổi dậy thì của nam là từ 12 – 16 tuổi. Ngày nay, dậy thì sớm ở bé gái trở nên phổ biến hơn trước, nguyên nhân có thể do ảnh hưởng môi trường và dinh dưỡng.

    Dấu hiệu của tuổi dậy thì

    tuổi dậy thì

    Dấu hiệu dậy thì ở nữ

    Con gái tuổi dậy thì như thế nào? Tuổi dậy thì ở nữ có đặc điểm gì? Dấu hiệu dậy thì ở bé gái rõ nét nhất là ngực bắt đầu phát triển. Đầu vú to ra và mềm, một bên vú bắt đầu phát triển trước một vài tháng so với bên còn lại. Lông mu bắt đầu xuất hiện cùng lông trên chân và cánh tay.

    • Vòng 1 phát triển và trở nên đầy đặn hơn.
    • Kinh nguyệt xuất hiện lần đầu tiên trong khoảng hai năm sau khi bắt đầu dấu hiệu dậy thì đầu tiên.
    • Lông mu trở nên thô và xoăn.
    • Xuất hiện lông ở vùng dưới cánh tay và một số bộ phận khác như ria mép.
    • Đổ mồ hiều, xuất hiện mùi cơ thể.
    • Xuất hiện mụn trứng cá.
    • Âm đạo bắt đầu tiết dịch màu trắng, ẩm ướt và nhạy cảm hơn bình thường.
    • Chiều cao tăng nhanh, bé gái có thể tăng từ 5 – 7,5cm trong 1 – 2 năm.
    • Thay đổi vóc dáng, tăng cân, mỡ xuất hiện nhiều dọc trên cánh tay, đùi và lưng; hông tròn và vòng eo dần bị thu hẹp.

    Tuổi dậy thì ở nữ kéo dài bao lâu? Tuổi dậy thì ở nữ thường kéo dài khoảng 4 năm. Sau thời gian này, dấu hiệu dậy thì thành công ở nữ là vòng 1 đầy đặn, lông mu lan ra đùi trong, bộ phận sinh dục phát triển đầy đủ, ngừng phát triển chiều cao.

    >> Bạn có thể tham khảo: Nguyên nhân mất ngủ ở tuổi dậy thì là gì? Mẹo giúp trẻ cải thiện giấc ngủ

    5 sai lầm tuổi dậy thì khiến bạn gái không thể phát triển chiều cao tối đa

    Dấu hiệu dậy thì ở nam

    Dấu hiệu tuổi dậy thì ở nam thường là tinh hoàn lớn hơn trước, da bìu bắt đầu mỏng và đỏ lên. Lông mu bắt đầu xuất hiện tại gốc dương vật. Ngoài ra, biểu hiện dậy thì ở bé trai còn có:

    • Dương vật và tinh hoàn phát triển, bìu dần dần trở nên tối màu hơn
    • Lông mu trở nên dày và xoăn
    • Lông nách bắt đầu phát triển
    • Đổ mồ hôi nhiều, xuất hiện mùi cơ thể
    • Ngực sưng nhẹ, điều này là bình thường và không giống tình trạng vú to ở đàn ông
    • Xuất tinh không kiểm soát khi ngủ
    • Giọng “vỡ” và trầm hơn.
    • Mụn trứng cá xuất hiện
    • Cơ thể tăng trưởng mạnh mẽ, chiều cao trung bình tăng 7-8cm một năm và cơ bắp phát triển

    Sau 4 năm bước, dấu hiệu dậy thì thành công ở nam thường là bộ phận sinh dục trưởng thành như người lớn và lông mu đã lan rộng đến bên trong đùi, râu bắt đầu phát triển, chiều cao phát triển chậm dần và ngừng phát triển hoàn toàn vào khoảng 16 tuổi (nhưng cơ bắp vẫn tiếp tục phát triển). Hầu hết nam giới sẽ hoàn toàn trưởng thành năm 18 tuổi.

    “Hé lộ” cách dậy thì thành công với vòng 1 đầy đặn, chiều cao tối ưu

    giúp con vượt qua tuổi dậy thì

    Làm sao để dậy thì thành công? Đây không chỉ là băn khoăn của trẻ mà còn nỗi đau đầu của các bậc cha mẹ. Nuôi dạy con là một trách nhiệm lớn lao và cũng là thử thách vô cùng gian nan, đặc biệt khi con bạn bước vào tuổi dậy thì.

    Để giúp con dậy thì công cũng như phát triển tốt nhất trong giai đoạn này, ngoài việc làm bạn với con để sớm giải đáp các thắc mắc tuổi dậy thì ở nam và nữ thì bạn nên lưu tâm đến một số vấn đề sau:

    • Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là tình trạng rất thường gặp do nồng độ hormone chưa ổn định. Trung bình, lần có kinh thứ hai sẽ đến sau lần có kinh đầu khoảng 35 đến 40 ngày. Tuy nhiên, nếu 3 tháng không có kinh nguyệt ở tuổi dậy thì bạn cần đưa trẻ đi khám.
    • Mụn trứng cá ở tuổi dậy thì có thể khiến con mất tự tin. Cách trị mụn trứng cá tuổi dậy thì thường là bạn có thể cho trẻ sử dụng các sản phẩm trị mụn không kê đơn với các thành phần như axit axetic, lưu huỳnh, benzoyl peroxide, axit salicylic. Còn nếu bị nặng, bạn có thể cho trẻ đi khám và uống thuốc theo toa bác sĩ.
    • Trị lông nách tuổi dậy thì như thế nào cũng là vấn đề được nhiều người tìm kiếm bởi ở độ tuổi này, “vi-ô-lông” bắt đầu oanh tạc, gây mất thẩm mỹ. Bạn có thể hướng dẫn trẻ dùng dao cạo, nhíp, kem, tẩy lông hoặc các cách trị lông nách tự nhiên.
    • Cách làm tăng vòng 1 tuổi dậy thì, làm thế nào để tăng vòng 1, cách để ngực phát triển tuổi dậy thì cũng là điều được nhiều bạn nữ quan tâm. Bí quyết để tăng vòng 1 tuổi dậy thì hiệu quả là ăn nhiều thực phẩm giàu phytoestrogen hoặc estrogen thực vật như hạt điều, thì là, gạo lứt, hạt vừng, cà rốt, yến mạch, dưa chuột… Ngoài ra, khi con gái ở tuổi dậy thì, bạn cũng có thể thử hướng dẫn trẻ massage ngực và chọn áo ngực cũng như đồ lót cho bé gái tuổi dậy thì phù hợp.

    >>> Bạn có thể tham khảo: Hỏi đáp Bác sĩ: Vệ sinh vùng kín đúng cách ở tuổi dậy thì như thế nào cho đúng?

    Ngoài ra, cách để dậy thì thành công và phát triển chiều cao tối đa ở tuổi dậy thì là trẻ sẽ có cần có thực đơn tuổi dậy thì cân bằng, khoa học với các thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng.

    Đồng thời, ba mẹ cũng khuyến khích con tập các bộ môn thể thao giúp tăng chiều cao tuổi dậy thì như yoga, bóng rổ…. Bạn cũng cần chú ý nhắc nhở trẻ uống đủ nước, nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ giấc, tránh dùng điện thoại, máy tính và tivi vào buổi tối.

    Tâm lý tuổi dậy thì ở nữ và nam cũng có nhiều thay đổi. Là cha mẹ, bạn nên hướng con theo hướng suy nghĩ trưởng thành, tham gia vào việc xây dựng và gìn giữ những quy tắc trong gia đình cũng như trò chuyện về các vấn đề hiện tại.

    Đồng thời, đồng hành cùng trẻ tìm ra các cách để giải quyết vấn đề, thảo luận những tình huống có thể xảy đến, giáo dục giới tính tuổi dậy thì cho theo hướng tự nhiên và cởi mở nhất. Và quan trọng nhất vẫn là để trẻ luôn được yêu thương và chia sẻ từ cha mẹ.

    Dậy thì sớm và dậy thì muộn: Những điều bạn cần lưu tâm

    yếu tố ảnh hưởng đến tuổi dậy thì

    Dậy thì sớm

    Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ dậy thì sớm, chẳng hạn như:

    • Giới tính: bé gái có nhiều khả năng dậy thì sớm hơn bé trai
    • Béo phì: Nếu con bạn thừa cân nhiều, bé có nguy cơ dậy thì sớm cao
    • Hormone giới tính: tiếp xúc với estrogen hay testosterone qua kem, thuốc mỡ hoặc các chất khác có chứa hormone sinh dục (như thuốc người lớn, chế độ ăn uống) có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ
    • Mắc một số bệnh: dậy thì sớm có thể là biến chứng của hội chứng McCune-Albright hay còn gọi là tăng sản thượng thận bẩm sinh – bệnh liên quan đến sản xuất bất thường các kích thích tố nam (androgen). Trong trường hợp hiếm, dậy thì sớm cũng có thể do suy giáp gây ra
    • Bức xạ trị liệu lên hệ thống thần kinh trung ương: việc xạ trị cho các khối u, ung thư máu hoặc các can thiệp tương tự có thể làm tăng nguy cơ dậy thì sớm.

    Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái sẽ có những biểu hiện đặc trưng là ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, có kinh nguyệt, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài.

    Dậy thì sớm ở bé trai sẽ có các dấu hiệu như tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, nổi mụn trứng cá, giọng trầm đi. Chiều cao, cân nặng tăng nhanh là biểu hiện dậy thì sớm ở trẻ được ghi nhận ở cả hai giới.

    >>> Bạn có thể tham khảo: Dấu hiệu kết thúc tuổi dậy thì nữ: Nhận biết sớm để giúp trẻ phát triển tốt nhất

    Để xác định tình trạng dậy thì sớm, bác sĩ sẽ kiểm tra:

    • Sự tăng trưởng lông mu và ngực ở bé gái
    • Sự gia tăng kích thước tinh hoàn và dương vật, sự phát triển của lông mu ở bé trai

    Bác sĩ sẽ so sánh với thang điểm Tanner, thang điểm 5 để đo mức độ phát triển dậy thì ở trẻ. Sau khi khám sức khỏe đầy đủ và phân tích bệnh sử, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm sau:

    • Xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ kích thích tố
    • Xét nghiệm nồng độ gonadotropin-releasing hormone agonist (GnRH), để xác định nguyên nhân dậy thì sớm
    • Đo nồng độ 17-hydroxy progesterone trong máu để kiểm tra tăng sản thượng thận bẩm sinh
    • Xét nghiệm X-quang đo “tuổi xương” để xác định tốc độ phát triển của xương

    Bác sĩ cũng có thể sử dụng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để loại trừ nguyên nhân khối u hoặc những bất thường ở bộ phận khác:

    • Siêu âm để kiểm tra các tuyến sinh dục. Siêu âm không gây đau đớn và hiển thị hình ảnh các mạch máu và mô, cho phép bác sĩ giám sát cơ quan và lưu lượng máu trong thời gian thực.
    • Chụp cộng hưởng từ (MRI) để quét não và tuyến yên bằng thiết bị chiếu hình ảnh chi tiết các cơ quan và cấu trúc cơ thể.

    Dậy thì muộn

    Bé trai và bé gái đều xảy ra tình trạng dậy thì muộn. Yếu tố làm tăng nguy cơ dậy thì muộn, bao gồm:

    • Bất thường tuyến yên bẩm sinh
    • Đột biến gen
    • Rối loạn nhiễm sắc thể
    • Bệnh giảm khứu giác
    • Rối loạn ăn uống
    • Bệnh hệ thống mạn tính
    • Suy dinh dưỡng
    • Tập thể dục quá mức
    • Mắc phải những bất thường tuyến sinh dục bẩm sinh.

    Làm thế nào để chẩn đoán tình trạng dậy thì muộn?

    Để chẩn đoán dậy thì muộn, bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm sau:

    • Xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone
    • Xét nghiệm đo mức độ đáp ứng của tuyến yên với GnRH
    • Chụp MRI não và tuyến yên.

    Những thay đổi tâm lý của tuổi dậy thì

    Rất nhiều bậc cha mẹ chủ quan với sự thay đổi tâm lý của trẻ ở tuổi dậy thì. Điều này là vô cùng nguy hiểm, bởi không nắm bắt tâm lý trẻ khi dậy thì kịp thời có thể để lại những hệ lụy ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

    Dưới đây là một số sự thay đổi tâm lý của trẻ ở tuổi dậy thì:

    Tính độc lập

    Có thể trước đây bé là người dựa dẫm vào cha mẹ, ở tuổi dậy thì trẻ thể hiện tính tự chủ trong suy nghĩ và hành động. Trẻ muốn được tham gia ý kiến và đưa ra các quyết định trong các vấn đề của mình. Tính độc lập của trẻ cũng tùy thuộc vào từng giai đoạn, ví dụ ở độ tuổi từ 10 đến 13 tuổi trẻ bắt đầu có xu hướng tách khỏi cha mẹ, ít tham gia các hoạt động cùng cha mẹ, miễn cưỡng chấp nhận lời khuyên của cha mẹ. Và ở giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi những mâu thuẫn của trẻ với cha mẹ ngày càng gay gắt và lên đến đỉnh điểm do ngày càng ít quan tâm đến gia đình và muốn giành nhiều thời gian với bạn bè hơn. Còn từ 17 đến 19 tuổi, lúc này trẻ có ý thức trở lại những giá trị lời khuyên của cha mẹ, tôn trọng hiểu biết hơn với những kinh nghiệm của cha mẹ truyền thụ lại.

    Quan tâm đến hình ảnh cơ thể

    Điều này thường xảy ở hầu hết trẻ em khi đến tuổi dậy thì, vì ở tuổi dậy thì trẻ tò mò với những thay đổi trên cơ thể mình, muốn tìm hiểu cấu tạo cơ thể, sự khác biệt giới tính và bắt đầu có nhu cầu làm đẹp theo từng giai đoạn tuổi khác nhau. Từ 10 đến 13 tuổi trẻ bắt đầu quan tâm đến bản thân và những thay đổi trong quá trình dậy thì. Dễ lo lắng, buồn rầu về những nhược điểm của cơ thể hoặc hay so sánh mình với những bạn cùng trang lứa.

    Quan hệ với bạn bè

    Mở rộng quan hệ xã hội, chơi theo nhóm bạn và chịu ảnh hưởng của nhóm bạn cùng chơi. Thay đổi cần chú ý nhất trong quan hệ bạn bè đó là giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi trẻ bắt đầu chơi với những nhóm bạn khác giới, bắt đầu có quan hệ lãng mạn, hẹn hò và thử nghiệm tình dục.

    Thay đổi về nhận thức

    Đây là giai đoạn tích lũy nhanh về các kinh nghiệm, kỹ năng sống và khả năng tư duy, phân tích những tình huống ngày một phát triển. Ví dụ như khả năng nhận thức được cảm xúc của bản thân với những người khác, chỉ số thông minh và sáng tạo tăng nhanh trong giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi. Đặc biệt đề cao giá trị bản thân nên dễ dẫn đến hành vi, nguy cơ tự tử, trầm cảm, nghiện thuốc…

    Với tất cả những thay đổi về mặt tâm lý trên cho thấy  ở giai đoạn này mỗi người mẹ ngoài trách nhiệm chăm sóc, bảo ban… thì cần là một người bạn của con, nắm bắt thay đổi về tâm lý của con từ đó để chia sẻ, đồng cảm và hướng những suy nghĩ của con sao cho tích cực nhất.

    Ở tuổi dậy thì, khi nào bạn cần đưa trẻ đi khám?

    Bạn nên đưa trẻ đi khám nếu có các dấu hiệu sau:

    • Chậm phát triển thể chất và giới tính, ví dụ như chưa có dấu hiệu dậy thì dù đã 14 tuổi
    • Thay đổi thói quen ăn uống và cân nặng
    • Rối loạn hình ảnh cơ thể bản thân, ví dụ như bé gái luôn nghĩ mình thừa cân mặc dù rất gầy. Đây có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn ăn uống
    • Các dấu hiệu về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, thất thần cảm xúc, hiếu chiến, không muốn đi học, ở lại lớp
    • Sử dụng ma túy, thuốc phiện, rượu bia, thuốc lá.

    Ở những trẻ dậy thì sớm, không phải lúc nào cũng cần điều trị, đặc biệt nếu tình trạng này chỉ hơi sớm so với bình thường. Mục tiêu điều trị dậy thì sớm là ngăn chặn hormone sinh dục sản xuất quá sớm nhằm ngăn chặn tăng trưởng sớm quá mức dẫn đến tầm vóc nhỏ ở tuổi trưởng thành, các thay đổi cảm xúc, vấn đề xã hội và ham muốn tình dục (đặc biệt là ở các bé trai).

    >>> Bạn có thể tham khảo: Bổ sung canxi cho trẻ dậy thì đúng cách để trẻ cao lớn, xương chắc khỏe

    Nếu dậy thì sớm là do bệnh, bác sĩ thường điều trị bệnh đó để ngăn chặn dậy thì sớm. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho trẻ dùng thuốc để điều trị nếu nguyên nhân do thần kinh trung ương.Nếu dậy thì chậm, phương pháp điều trị sẽ thay đổi theo nguồn gốc của vấn đề, bao gồm:
    • Ở nam giới, dùng testosterol dạng tiêm, miếng dán hoặc gel
    • Ở nữ giới, estrogen và/hoặc progesterone uống hay miếng dán

    Tốt hơn hết, bạn nên để con được trò chuyện riêng tư với bác sĩ. Điều này giúp trẻ có cơ hội đưa ra những câu hỏi mà trẻ cảm thấy không thoải mái khi hỏi bố mẹ. Ngoài khám sức khỏe thể chất, bố mẹ cũng nên đưa con đến gặp nha sĩ để khám sức khỏe răng miệng hàng năm.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 30/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo