backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Xuất huyết não là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Hồ Văn Hùng · Thần kinh · Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 18/07/2023

Xuất huyết não là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Người bệnh xuất huyết não khi không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những thương tổn vĩnh viễn, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Đây là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm những thông tin cơ bản xoay quanh tình trạng này.

Xuất huyết não là gì?

Xuất huyết não, hay thường được gọi là chảy máu não (tiếng Anh: brain bleeding/intracranial hemorrhage) được hiểu là tình trạng bị chảy máu ở trong não. Tuy nhiên, đối với các bác sĩ thần kinh, việc hiểu như vậy còn quá chung chung. Họ sẽ mô tả tình trạng xuất huyết não bằng cách xác định vị trí chảy máu cụ thể trong não.

Theo đó, có hai khu vực chính có thể xảy ra xuất huyết não: (1) Xuất huyết màng não – chảy máu não xảy ra trong hộp sọ nhưng bên ngoài mô não; hoặc (2) Xuất huyết bên trong nhu mô não – chảy máu bên trong mô não.

Xuất huyết màng não (xuất huyết dưới nhện)

Ở trong xương sọ, có 3 lớp màng để bao bọc và bảo vệ các nhu mô não, theo thứ tự từ ngoài vào trong là màng cứng, màng nhện và màng mềm. Tình trạng chảy máu có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào giữa các màng não:

  • Xuất huyết ngoài màng cứng: chảy máu xảy ra giữa xương sọ và lớp màng cứng.
  • Xuất huyết dưới màng cứng: chảy máu xảy ra giữa màng cứng và màng nhện.
  • Xuất huyết dưới màng nhện: chảy máu xảy ra giữa màng nhện và màng mềm.

Xuất huyết bên trong nhu mô não

Dạng này phổ biến gấp hai lần xuất huyết màng não. Ở bên trong nhu mô não có thể xảy ra hai loại xuất huyết:

  • Xuất huyết trong nhu mô não: tình trạng chảy máu xảy ra ở các thùy não, các nhân nền, thân não hay tiểu não. Tình trạng này mới thực sự được gọi là xuất huyết não.
  • Xuất huyết não thất: tình trạng chảy máu xảy ra trong các não thất – những khoang trong não có nhiệm vụ sản xuất, dẫn lưu dịch não tủy.

Nguyên nhân xuất huyết não

Xuất huyết não có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân:

  • Bị u não.
  • Huyết khối các xoang tĩnh mạch não.
  • Có khối u đè lên các mô não gây chảy máu trong não.
  • Các mảng amyloid tích tụ trong các thành động mạch não (thoái hóa mạch máu não dạng bột).
  • Vỡ túi phình mạch máu não (vị trí thành mạch bị yếu và phình ra thành một túi nhỏ chứa đầy máu).
  • Chấn thương đầu, có thể do té ngã, tai nạn giao thông, tai nạn thể thao hoặc chịu tác động lực vào đầu.
  • Rối loạn quá trình đông máu hoặc điều trị bằng liệu pháp chống đông máu (uống thuốc chống đông máu).
  • Dị dạng động tĩnh mạch não (có những đoạn nối trực tiếp bất thường giữa các động mạch và tĩnh mạch ở não).
  • Hút thuốc, nghiện rượu nặng hoặc sử dụng các chất kích thích khác như cocain khiến cho thành mạch máu yếu đi.
  • Tăng huyết áp vì có khả năng làm tổn thương thành mạch máu hay khiến mạch máu bị rò rỉ hoặc vỡ, đây là nguyên nhân gây xuất huyết não không do chấn thương thường gặp nhất.
  • Các vấn đề liên quan đến mang thai và sinh nở, bao gồm sản giật, bệnh mạch máu sau sinh hoặc xuất huyết não thất ở trẻ sơ sinh.
  • Các vấn đề liên quan đến sự hình thành collagen bất thường bên trong thành mạch máu có thể làm cho thành mạch yếu đi và dễ vỡ.

Dấu hiệu nhận biết xuất huyết não

Tùy vào vị trí bị xuất huyết trên não bộ mà người bệnh có các triệu chứng xuất huyết não tương ứng. Thông thường, các biểu hiện hay gặp là:

  • Co giật.
  • Đau đầu.
  • Khó nuốt.
  • Lú lẫn, không tỉnh táo.
  • Buồn nôn và nôn mửa.
  • Mất ý thức hoặc hôn mê.
  • Mất thị lực hoặc nhìn mờ.
  • Chóng mặt, choáng váng.
  • Gáy cứng, nhạy cảm với ánh sáng.
  • Nói khó hoặc phát âm không rõ ràng.
  • Đột ngột liệt nửa người hoặc méo miệng.
  • Khó đọc, viết hay hiểu những gì người khác nói.
  • Mất khả năng thăng bằng và phối hợp vận động.
  • Khó thở và nhịp tim bất thường (thường thấy ở những người bị xuất huyết ở thân não).
  • Đột ngột cảm thấy tê bì cơ mặt, tê cánh tay hay chân, đặc biệt là chỉ xảy ra ở một bên cơ thể.

Dấu hiệu xuất huyết não nhẹ và nặng:

Những trường hợp xuất huyết não nhẹ thường chỉ biểu hiện những triệu chứng như giảm khả năng giao tiếp, không tỉnh táo, rối loạn ý thức và lú lẫn. Những dấu hiệu như co cứng toàn thân, co giật, nôn mửa, sốt thậm chí là hôn mê sâu được xếp vào nhóm bệnh xuất huyết não nặng.

Khi bạn nhận thấy người thân có bất kỳ triệu chứng kỳ lạ nào nghi ngờ là dấu hiệu xuất huyết não, hãy gọi điện thoại ngay đến số 115 hoặc đưa họ đến bệnh viện gần nhất.

Đây là một tình trạng y tế khẩn cấp, đòi hỏi được can thiệp điều trị ngay lập tức. Dù không thường gặp bằng đột quỵ do thiếu máu não nhưng đột quỵ do xuất huyết gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn.

Biến chứng chảy máu não bạn cần lưu ý

Khi bị chảy máu não, một số bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Nhưng một số người sẽ sống với các biến chứng trong thời gian dài. Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm đột quỵ, mất chức năng não, co giật hoặc tác dụng phụ của thuốc hoặc phương pháp điều trị. Tử vong có thể xảy ra và có thể diễn tiến nhanh chóng kể cả khi có can thiệp y tế kịp thời.

Phương pháp chẩn đoán và điều trị xuất huyết não

Phương pháp chẩn đoán xuất huyết não là gì?

Ban đầu, bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng mà bạn đang gặp phải để xác định sơ bộ tình hình.

Tuy nhiên, một số người bệnh xuất huyết não nhưng không biểu hiện bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào khiến cho việc chẩn đoán gặp khó khăn. Để xác định được vị trí chảy máu trong não, bác sĩ cần thực hiện một số xét nghiệm, chẳng hạn như:

Ngoài ra, một số xét nghiệm bổ sung khác có thể được thực hiện để chẩn đoán xuất huyết não, bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Xét nghiệm công thức máu toàn phần.
  • Điện não đồ, chụp X-quang ngực hay chọc dò tủy sống.

chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não

Điều trị tình trạng chảy máu trong não

Bất kỳ loại xuất huyết nào xảy ra trong hộp sọ hay não bộ đều là tình trạng cần được cấp cứu. Nếu bạn hoặc người thân bị chấn thương đầu hoặc có các dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ là xuất huyết não, hãy đến ngay bệnh viện gần nhất hoặc gọi đến 115.

Các nhân viên y tế sẽ chuyển bạn đến khu vực cấp cứu và xác định nguyên nhân gây chảy máu rồi tiến hành điều trị. Nếu bệnh nhân đã bị đột quỵ cũng phải làm bước xác định nguyên nhân, xem do xuất huyết hay do cục máu đông để đưa ra phương án phù hợp.

Điều trị y khoa kịp thời sẽ hạn chế tổn thương cho các tế bào não, tăng khả năng phục hồi sau xuất huyết. Đôi khi, bác sĩ sẽ đề nghị làm phẫu thuật nếu:

  • Máu tụ nhiều bên trong não cần phải được dẫn lưu ra ngoài ngay lập tức để giảm bớt áp lực nội sọ.
  • Phình động mạch não có thể chưa vỡ nhưng cần được can thiệp, gia cố lại thành mạch để ngăn ngừa chảy máu trong tương lai
  • Có dị dạng động tĩnh mạch cần được loại bỏ.
Không phải trường hợp nào người bệnh xuất huyết não cũng cần được phẫu thuật. Bác sĩ sẽ xem xét kích thước, nguyên nhân, vị trí xuất huyết, cũng như vài yếu tố khác trước khi đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể:

  • Sử dụng thuốc hạ áp để kiểm soát huyết áp.
  • Dùng thuốc trị động kinh để kiểm soát cơn co giật.
  • Dùng một số loại thuốc khác để kiểm soát những triệu chứng khác, như thuốc giảm đau giúp giảm bớt đau đầu, thuốc làm mềm phân để tránh bị táo bón.
  • Truyền chất dinh dưỡng và bù nước qua tĩnh mạch khi cần thiết, có khi sử dụng ống nuôi thông đến dạ dày nếu bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt.

Quá trình hồi phục ở người bị chảy máu não

Khi được điều trị sớm và đúng cách, hầu hết người bệnh đều phục hồi tốt sau khi bị xuất huyết não. Việc phục hồi chức năng não bộ giúp người bệnh trở lại với cuộc sống bình thường. Các phương pháp giúp hỗ trợ quá trình này gồm:

  • Vật lý trị liệu
  • Trị liệu ngôn ngữ
  • Thay đổi lối sống để hạn chế nguy cơ bị xuất huyết trong tương lai.

Xem thêm: Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xuất huyết não khi về nhà

Kiểm soát bệnh xuất huyết não bằng cách nào?

Bạn có thể giảm bớt nguy cơ bị xuất huyết não bằng cách:

  • Kiểm soát huyết áp luôn ổn định.
  • Giảm nồng độ cholesterol trong máu.
  • Hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Giảm cân nếu đang thừa cân, béo phì.
  • Tập luyện thể dục thường xuyên, đều đặn.
  • Kiểm soát tốt lượng đường trong máu nếu mắc bệnh đái tháo đường.
  • Thay đổi lối sống lành mạnh hơn đế giảm thiểu tai biến mạch máu não.
  • Mang đồ bảo hộ nếu tham gia vào các hoạt động thể chất có nguy cơ gây chấn thương, tránh để chấn thương đến vùng đầu.

Những người từng bị xuất huyết não hay đột quỵ sẽ tăng thêm 25% khả năng bị lại tình trạng đó trong tương lai. Do đó, bạn cần chú ý chăm sóc sức khỏe thật tốt và thực hiện các biện pháp bảo vệ não bộ.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Hồ Văn Hùng

Thần kinh · Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 18/07/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo