backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Top 10 nguyên nhân xì mũi, hỉ mũi ra máu và cách khắc phục triệt để

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKII Vũ Hải Long · Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 27/11/2023

Top 10 nguyên nhân xì mũi, hỉ mũi ra máu và cách khắc phục triệt để

Việc xì mũi hoặc hỉ mũi ra máu thường liên quan đến tình trạng tổn thương của những mao mạch nhỏ trong niêm mạc mũi do thời tiết hanh khô, do thói quen ngoáy mũi… Do đó, hầu hết các trường hợp thấy máu xuất hiện trong dịch nhầy mũi đều không quá nghiêm trọng. Mặc dù vậy, đôi khi tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý quan trọng mà bạn không nên xem nhẹ.

Trong bài viết này, Hello Bacsi đề cập tới một hiện tượng của cơ thể mang tính “phổ thông đại chúng” trong đời sống thường ngày, đó là “xì mũi ra máu”, không đề cập sâu tới vấn đề “chảy máu mũi” – một phạm trù lớn hơn và phức tạp hơn rất nhiều. Chảy máu mũi “thực sự” là một cấp cứu trong chuyên khoa tai mũi họng vì tình trạng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Hỉ mũi ra máu chỉ là mức độ nhẹ nhất của tình trạng này mà thôi.

Xì mũi ra máu là như thế nào, có triệu chứng gì?

1. Xì mũi ra máu là như thế nào?

Nếu có một ít máu lẫn trong dịch mũi sẽ khiến bạn hỉ mũi hoặc xì mũi ra máu. Bất cứ ai cũng có thể bị xì mũi ra máu ít nhất một lần trong đời, nhất là những người thường xuyên bị viêm mũi, sổ mũi.

2. Triệu chứng xì mũi ra máu

Đi kèm với dấu hiệu nước mũi có máu hoặc gỉ mũi có máu có thể có những triệu chứng sau:

  • Khô và kích ứng mũi
  • Nghẹt mũi
  • Hắt xì
  • Chảy mũi

Những triệu chứng này có thể xuất hiện trước khi thấy có máu trong dịch mũi, chứng tỏ niêm mạc mũi đang bị kích ứng do thời tiết hanh khô hoặc đang bị viêm.

Top 10 nguyên nhân gây xì mũi ra máu phổ biến 

Xì mũi ra máu do thời tiết khô lạnh

Nhiều người thường thắc mắc hỉ mũi ra máu là bệnh gì hay do đâu hay hỉ mũi ra máu có sao không? Thực tế có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn hỉ mũi ra máu hay gỉ mũi có máu. 

Theo các chuyên gia, một vài mao mạch nhỏ trong mũi bị vỡ gây rỉ máu lẫn vào trong dịch nhầy mũi hay khi bạn ngoáy mũi và nhận ra gỉ mũi có máu. Thường hay bị vỡ nhất là các mao mạch trong điểm hội tụ ở phía dưới ngoài của vách ngăn. Chảy máu ở đây là chảy máu ở “điểm mạch”, gọi nôm na là chảy máu cam. Có nhiều nguyên nhân làm tổn thương mao mạch (tức những mạch máu nhỏ như tơ nhện) trong mũi, ví dụ như:

1. Thời tiết khô lạnh

Không khí trong thời tiết lạnh, hanh có độ ẩm rất thấp. Vì thế, dịch tiết sinh lí của niêm mạc mũi dễ bay hơi, làm cho mũi bị khô. Các mao mạch do thiếu độ ẩm bảo vệ sẽ trở nên rất “giòn” và dễ vỡ. Hơn nữa, mảng dịch tiết trên niêm mạc bị khô nứt, cong vênh sẽ xé rách những mao mạch nằm dính ngay dưới nó, gây chảy máu.

Tình trạng khô mũi kéo dài còn làm chậm quá trình phục hồi của các mạch máu bị vỡ và có thể dẫn đến nhiễm trùng. Điều này khiến nhầy mũi xì ra thường xuyên có máu.

2. Thói quen ngoáy mũi

Hành động ngoáy mũi có thể trở thành thói quen ở một số trẻ nhỏ, thậm chí, cả ở người lớn. Hành vi này dễ làm tổn thương các mao mạch ở phần trước của hốc mũi. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng xì mũi ra máu.

3. Hỉ mũi ra máu do dị vật trong mũi 

Bị hỉ mũi ra máu tươi là do đâu? Theo các chuyên gia sức khỏe, việc hỉ mũi ra máu tương thường là do dị vật trong mũi, một nguyên nhân rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Vì chúng chưa ý thức được sự nguy hiểm nên thường hay tự nhét hoặc nhét cho nhau những vật thể nhỏ nằm trong tầm với vào lỗ mũi. Đa phần chỉ được phát hiện khi đưa bé đi khám vì thấy có nghẹt mũi, nước mũi có máu (hay dịch mũi có máu) và mủ ở một bên mũi.

4. Thuốc xịt mũi 

nguyên nhân xì mũi ra máu

Đa phần nguyên nhân gây hỉ mũi có máu do sử dụng không đúng cách thuốc xịt mũi có corticoid. Lẽ ra, thuốc phải được xịt hướng ra thành phía ngoài chứ không phải xịt vô vách ngăn trong mũi. Nếu xịt vô vách ngăn, thuốc sẽ làm mỏng niêm mạc, tổn thương mao mạch dẫn tới chảy máu. Đó là lí do mà bác sĩ thường dặn bệnh nhân rằng nên dùng tay trái để xịt mũi bên phải và ngược lại. Hơn nữa, đầu của bình xịt cũng có thể “chọc” vào mũi, gây tổn thương do vô ý hay bị va chạm khi đang xịt mũi

5. Viêm mũi: Nguyên nhân hỉ mũi ra máu

Mỗi khi hỉ mũi ra máu là triệu chứng gì, hỉ mũi ra máu có sao không? Theo các chuyên gia sức khỏe, việc bạn hỉ mũi ra máu rất có thể là do viêm mũi. Khi mũi đang viêm, niêm mạc bị phù nề, sung huyết. Các mao mạch bị giãn ra và trở nên yếu ớt, dễ bị vỡ. Cho nên, những động tác như cố xì mũi hoặc hắt hơi mạnh có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn, gây hỉ mũi ra máu đông. Bạn có thể bị viêm mũi do cảm lạnh thông thường, do cúm, do dị ứng, do nhiễm khuẩn mũi, viêm xoang.

6. Do dị hình cấu trúc trong mũi

Hỉ mũi ra máu là bệnh gì? Theo các chuyên gia, tình trạng lệch vách ngăn, thủng vách ngăn, gai xương vách ngăn có thể gây xì mũi ra máu. Lý do là niêm mạc trên vùng “nhô ra” nhiều nhất sẽ bị luồng khí khi hít thở va chạm nhiều, làm chúng khô và mỏng đi. Theo đó, mao mạch bị ảnh hưởng và vỡ khiến bạn hay hỉ mũi ra máu hay hắt xì ra máu. 

7. Xì mũi ra máu do chấn thương hoặc phẫu thuật ở mũi

Nguyên nhân khiến người lớn hỉ mũi ra máu tươi là do đâu? Câu trả lời là có thể do chấn thương hoặc phẫu thuật ở mũi! Bởi bất kỳ một chấn thương hoặc can thiệp phẫu thuật nào vào mũi cũng có thể gây bật máu khi bạn xì mũi hoặc hắt hơi quá mạnh.

8. Tiếp xúc trực tiếp với hóa chất

nguyên nhân xì mũi ra máu

Các mao mạch trong mũi có thể bị tổn thương do sử dụng các loại bột hít như cocaine hoặc hít phải hơi các hóa chất như amoniac, khiến bạn bị sổ mũi ra máu.

9. Xì mũi ra máu do thuốc uống

Việc dung các loại thuốc chống đông máu như aspirin, warfarin… làm giảm chức năng tự bảo vệ của mao mạch khi tổn thương, do đó, có thể dẫn đến chảy máu khi xì mũi mạnh.

10. Khối u trong mũi

Mặc dù không phổ biến, nhưng dịch nhầy mũi có máu hay hỉ mũi ra máu tươi có thể liên quan đến khối u trong mũi. Các triệu chứng gợi ý khác khi có khối u trong mũi bao gồm:

  • Đau quanh hốc mắt
  • Nghẹt mũi tăng dần
  • Giảm khứu giác

Trong trường hợp này, dù là khối u lành tính hay ác tính, bác sĩ sẽ là người tư vấn và lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho bạn.

Hỉ mũi ra máu: Khi nào nên gặp bác sĩ?

Hỉ mũi ra máu có sao không? Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Thời gian chảy máu mũi kéo dài
  • Chảy máu thường tái lại khi xì mũi
  • Hỉ mũi ra máu kèm theo sốt
  • Nhức đầu quanh hoặc sâu trong hốc mắt, ù tai
  • Sưng lồi hoặc có quầng thâm rõ quanh mắt
  • Mắt tăng nhạy cảm với ánh sáng, liệt vận nhãn, song thị
  • Đau sau gáy, nổi hạch cổ
  • Mệt mỏi, khó chịu tăng dần
  • Nôn mửa kéo dài không rõ nguyên nhân

Bác sĩ sẽ thăm khám kỹ lưỡng để loại trừ những bệnh về máu, những bệnh về khối u…

Làm gì khi bị xì mũi ra máu?

Điều trị tình trạng xì mũi ra máu như thế nào?

1. Biện pháp chẩn đoán hỉ mũi ra máu

Khám toàn diện và điều tra bệnh sử là việc đầu tiên cần làm để có thể tìm ra bệnh lý gây nên tình trạng dịch nhầy mũi hay nước mũi có máu. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể lấy mẫu dịch nhầy để làm một số xét nghiệm chuyên sâu.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn chụp CT mũi xoang, nội soi mũi xoang, siêu âm vùng cổ… nhằm loại trừ hoặc xác định bệnh.

2. Điều trị xì mũi ra máu

Mục đích của việc chữa trị là cầm máu, đồng thời chữa lành nguyên nhân khiến dịch xì mũi ra máu. Với các nguyên nhân thông thường thì có thể điều trị tại chỗ ở mũi như: làm cho mũi ẩm lại bằng cách bơm xịt hoặc nhỏ nước muối sinh lý, bôi mỡ kháng sinh vào vùng tổn thương, lấy dị vật mũi… Điều trị toàn thân: điều trị cảm lạnh, cảm cúm, dị ứng, viêm nhiễm mũi xoang. 

Nếu chảy máu cam, tức chảy máu ở điểm mạch thì có thể áp dụng các biện pháp tại nhà sau: Ngồi cúi đầu ra trước, thở bằng miệng, lấy ngón trỏ và ngón cái bóp ép 2 cánh mũi lại với nhau, mục đích là tạo một áp lực ép lên chỗ chảy máu ở điểm mạch trên vách ngăn mũi. Cứ giữ như vậy trong 10 tới 15 phút rồi từ từ bỏ tay ra. Thông thường, máu sẽ ngưng chảy. Nếu còn thấy rỉ máu, làm lại một lần nữa tương tự. Nếu không cầm máu được, bạn cần đến bệnh viện ngay. 

Lưu ý

Tránh làm động tác ngửa cổ ra sau để máu không chảy xuống họng. Nếu nuốt máu vào sẽ không theo dõi được lượng máu chảy và sẽ gây nôn. Cần bình tĩnh, thả lỏng người và thở bằng miệng chậm rãi.

Ngoài những nguyên nhân thông thường, xì mũi ra máu hay hỉ mũi ra máu do mắc những bệnh nghiêm trọng hơn như khối u mũi xoang, u vòm họng hoặc các bệnh lý toàn thân khác thì bác sĩ sẽ có các phương pháp xác định chẩn đoán và tiến hành điều trị phù hợp.

Phòng ngừa xì mũi ra máu như thế nào?

xì mũi ra máu: cách phòng ngừa

Để phòng ngừa tình trạng hỉ mũi ra máu, bạn nên:

  • Có thói quen vệ sinh mũi hàng ngày, tránh hít phải khói bụi cũng như hơi hóa chất độc hại.
  • Không nên cắt tỉa lông mũi quá nhiều vì sẽ làm mất “hàng rào” tự nhiên ngăn gió bụi.
  • Hãy sử dụng nước muối sinh lý để bơm xịt, rửa và làm ẩm mũi khi mũi bị khô.
  • Tránh dùng tay ngoáy mũi
  • Tránh hỉ mũi quá mạnh
  • Bạn nên uống đủ nước
  • Tạo thêm độ ẩm cho không khí bằng cách đặt chậu nước hoặc máy phun sương trong phòng
  • Tăng sức đề kháng để tránh bị cảm mạo
  • Hãy tuân thủ điều trị khi mắc các bệnh về mũi xoang
  • Đối với trẻ nhỏ, không nên để những vật tròn nhỏ như khuy áo, viên bi, hạt cườm, pin cúc áo… trong tầm với của trẻ. Nếu thấy trẻ quấy khóc, một bên mũi chảy dịch lẫn mủ máu thì nên đưa bé tới bác sĩ để lấy dị vật nếu có.

Cuối cùng, khi thấy băn khoăn điều gì đó, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để có giải pháp tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKII Vũ Hải Long

Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 27/11/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo