backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Quy trình chụp X-quang là gì? Chụp X quang bao lâu có kết quả?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 11/04/2023

Quy trình chụp X-quang là gì? Chụp X quang bao lâu có kết quả?

Phương pháp chụp X-quang góp phần không nhỏ trong việc chẩn đoán cũng như điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Mặc dù thủ thuật y tế này đã phổ biến từ lâu nhưng thực tế, không phải ai cũng hiểu đúng và đủ về quy trình chụp và những lợi ích mà nó mang lại.

Tìm hiểu chung

Chụp X-quang là gì?

Chụp X-quang là một xét nghiệm hình ảnh nhanh chóng, không gây cảm giác đau, giúp nhìn thấy hình ảnh các cấu trúc bên trong cơ thể bạn, đặc biệt là khung xương.

Khi chùm tia X đi qua cơ thể, chúng được hấp thụ với số lượng khác nhau tùy thuộc vào mật độ của cấu trúc, cơ quan mà tia X đi qua. Những bộ phận có mật độ dày, đặc như xương, kim loại sẽ hiện lên màu trắng trên tấm phim X-quang. Các bộ phận rỗng hoặc chứa đầy không khí không cản trở tia X nên sẽ có màu đen khi nhìn trên phim chụp. Trong khi đó, cơ bắp và chất béo xuất hiện trên kết quả chụp có màu xám.

Đối với một số loại xét nghiệm tia X, bạn có thể được bác sĩ yêu cầu uống chất cản quang, như iod hay bari, để hình ảnh thu được chi tiết và chính xác hơn.

Chụp X-quang để làm gì?

chụp x-quang dùng để làm gì

Bác sĩ có thể chỉ định bạn đi chụp X quang để kiểm tra nhiều bộ phận của cơ thể nhằm giúp chẩn đoán hay xác nhận tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như:

  • Chụp X quang ngực cho thấy tình trạng phổi, dấu hiệu nhiễm trùng, phì đại cơ tim hoặc khối u ở ngực
  • Chụp X quang xương để phát hiện gãy xương, loãng xương, nhiễm trùng hoặc khối u
  • Chụp X quang vú quan sát sự thay đổi trong mô vú như khối u, ung thư vú
  • X quang nha khoa đánh giá răng và hàm
  • X quang hệ tiêu hóa giúp phát hiện tắc ruột, hóc dị vật
  • Sàng lọc tia X theo thời gian thực (soi huỳnh quang) giúp các bác sĩ đặt ống đỡ động mạch hoặc kiểm tra vị trí của dây dẫn; hoặc chụp động mạch; hoặc để hiển thị đường nét cấu trúc của cơ thể (X quang có thuốc cản quang)
  • Chụp cắt lớp vi tính CT cũng là một dạng chụp X-quang, gồm một loạt các tia X chiếu vào một khu vực trên cơ thể để tạo ra hình ảnh 3 chiều (3D).

Rủi ro khi chụp X-quang

Bạn có thể gặp những rủi ro nào khi chụp X-quang?

Tiếp xúc với bức xạ

Một số người lo lắng rằng tia X không an toàn vì có thể gây phơi nhiễm phóng xạ, đột biến tế bào và có thể dẫn đến ung thư. Lượng bức xạ bạn tiếp xúc trong khi chụp X-quang phụ thuộc vào mô hoặc cơ quan được kiểm tra. Độ nhạy cảm với bức xạ còn phụ thuộc vào độ tuổi, chẳng hạn như trẻ em thường nhạy cảm hơn người lớn.

Tuy nhiên, tình trạng phơi nhiễm phóng xạ từ tia X là khá thấp và lợi ích từ hình thức xét nghiệm này vượt xa rủi ro nên bạn không cần quá lo lắng.

Lưu ý, nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ có thể mang thai, hãy nói với bác sĩ trước khi tiến hành hình thức xét nghiệm chẩn đoán này. Có một rủi ro nhỏ là tia X có thể gây dị tật cho thai nhi. Bác sĩ sẽ xem xét một xét nghiệm hình ảnh thay thế khác an toàn hơn, chẳng hạn như siêu âm.

Chất cản quang

Ở một số người, việc tiêm chất cản quang có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Cảm giác nóng hoặc đỏ bừng
  • Cảm thấy vị kim loại trong miệng
  • Mê sảng
  • Buồn nôn
  • Ngứa
  • Nổi mề đay

Các phản ứng phụ nghiêm trọng do chất cản quang hiếm khi xảy ra, bao gồm:

triệu chứng nổi mề đay sau khi chụp x-quang

Quy trình chụp X-quang

Bạn cần chuẩn bị gì trước khi tiến hành chụp X-quang?

Đối với chụp X quang thông thường, người bệnh không cần chuẩn bị gì đặc biệt và vẫn ăn uống bình thường.

Tuy nhiên, nếu bạn chụp có thuốc cản quang, chụp mạch hoặc CT thì có thể phải ngừng ăn uống trong một khoảng thời gian nhất định.

Bạn hãy hỏi chi tiết bác sĩ hoặc y tá để được hướng dẫn cụ thể.

Trang phục khi chụp X-quang

Bạn cần phải cởi bỏ quần áo vị trí cơ thể cần chụp X-quang. Một số bệnh viện sẽ cung cấp áo choàng cho bạn. Bạn cũng có thể được yêu cầu tháo đồ trang sức, kính mắt và bất kỳ vật kim loại nào vì chúng có thể hiển thị trên phim chụp X-quang.

Thuốc cản quang

Một số loại chụp X-quang, bác sĩ sẽ đưa cho bạn thuốc cản quang dạng lỏng giúp làm nổi bật một bộ phận cụ thể của cơ thể trên phim chụp.

Bạn có thể dùng thuốc cản quang đường uống hoặc dạng tiêm hoặc thuốc xổ.

Quá trình chụp X-quang

Quá trình chụp X-quang được thực hiện tại các cơ sở y tế, nơi có thiết bị y tế chuyên dụng để tiến hành. Máy sẽ tạo ra mức phóng xạ an toàn đi qua cơ thể bạn và ghi lại hình ảnh trên một tấm phim chuyên dụng. Bạn không thể cảm nhận được tia X đi qua cơ thể.

Một kỹ thuật viên sẽ hỗ trợ định vị cơ thể bạn để chụp được các vị trí theo yêu cầu của bác sĩ, họ có thể sử dụng gối hoặc bao cát để bạn giữ nguyên tư thế. Trong quá trình chụp X-quang, bạn phải giữ yên tư thế (đôi khi cần nín thở để tránh những chuyển động) tránh làm hình ảnh bị mờ.

Một lần chụp X-quang có thể mất vài phút, thậm chí là vài giờ khi chụp X-quang xương với nhiều các thủ tục liên quan, chẳng hạn như những phương pháp sử dụng chất cản quang.

Khi chụp X-quang cho con nhỏ, bạn nên tìm cách làm cho trẻ giữ nguyên tư thế để tránh việc phải chụp lại nếu chúng cử động liên tục. Bạn có thể được phép ở chung với bé trong quá trình kiểm tra. Khi đó, bạn có thể sẽ được yêu cầu đeo tạp dề chì để bảo vệ khỏi việc tiếp xúc không cần thiết với tia X.

Bạn cần làm gì sau khi chụp X-quang?

Sau khi chụp X-quang, bạn có thể tiếp tục các hoạt động như bình thường. Các xét nghiệm chụp X-quang thường quy thường không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, nếu bạn cần dùng chất cản quang trước khi xét nghiệm, hãy uống nhiều nước để giúp loại bỏ thuốc ra khỏi cơ thể.

Nếu bạn cảm thấy đau, sưng hoặc đỏ tại chỗ tiêm chất cản quang, hãy thông báo ngay cho bác sĩ. Đồng thời, bạn nên hỏi bác sĩ về các dấu hiệu và triệu chứng khác để tự theo dõi sau khi chụp X-quang.

Kết quả

Chụp X quang bao lâu có kết quả?

Kết quả chụp X-quang thường có sau 10–15 phút. Trong trường hợp khẩn cấp, hình chụp X-quang có thể có ngay sau vài phút.

Hình ảnh chụp X-quang sẽ được đưa lại cho bác sĩ để phân tích, đánh giá và đưa ra kết luận rồi giải thích lại cho bạn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 11/04/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo