backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Viêm thanh khí phế quản cấp

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 11/05/2020

Viêm thanh khí phế quản cấp

Tìm hiểu chung

Viêm thanh khí phế quản cấp là bệnh gì?

Viêm thanh khí phế quản cấp (hay còn được gọi là bệnh Croup) là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp, ảnh hưởng chủ yếu ở trẻ em. Bệnh có thể gây tắc nghẽn hô hấp, khiến trẻ ho dữ dội. Khi mắc bệnh, thanh quản và khí quản sẽ bị kích ứng và sưng lên. Viêm thanh khí phế quản cấp trong thời gian dài có thể gây ra viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn phổi nghiêm trọng.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm thanh khí phế quản cấp là gì?

Viêm thanh khí phế quản cấp có thể gây ra nhiều dấu hiệu và triệu chứng, ho dữ dội chính là dấu hiệu đầu tiên và rõ ràng nhất. Một vài triệu chứng khác có thể bao gồm rát cổ họng, chảy nước mũi hoặc sốt.

Ngoài ra, trẻ có thể bị khàn giọng, ho khan, thở gấp, khi hít thở trẻ có thể tạo ra âm thanh như tiếng rít hay tiếng gió. Các triệu chứng này trở nên rõ ràng hơn lúc trẻ nằm và đặc biệt là vào buổi tối.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Báo với bác sĩ nếu trẻ có các dấu hiệu và triệu chứng của viêm thanh khí phế quản cấp, đặc biệt là:

  • Tạo ra âm thanh như tiếng rít hoặc tiếng gió khi hít thở
  • Chảy nước dãi, khó nuốt
  • Lo âu, cáu kỉnh, mệt mỏi
  • Thở gấp, khó thở
  • Da quanh vùng mũi, miệng và ngón tay bị tím tái hay xám đi.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra viêm thanh khí phế quản cấp?

Thông thường, virus gây ra các bệnh nhiễm trùng như parainfluenza RSV, sởi, adenovirus và cúm đều có thể gây ra viêm thanh khí phế quản cấp. Trẻ có thể nhiễm virus khi hít thở, ngoài ra virus có thể xuất hiện trên đồ chơi của trẻ hoặc bề mặt nơi trẻ chạm tay vào. Dị ứng, hít phải chất gây kích ứng hoặc trào ngược axit dạ dày cũng có thể gây ra viêm thanh khí phế quản cấp.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải viêm thanh khí phế quản cấp?

Bệnh Croup thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bệnh có thể ảnh hưởng đến trẻ 3 tháng tuổi hoặc thiếu niên. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm thanh khí phế quản cấp?

Trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh Croup nếu:

  • Trẻ từ 6 tháng đến 3 năm tuổi. Đặc biệt, số ca mắc bệnh cao nhất nằm trong độ tuổi từ 18 đến 24 tháng tuổi.
  • Trẻ có hệ miễn dịch yếu hoặc có cha mẹ bị hen suyễn, điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm thanh khí phế quản cấp.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm thanh khí phế quản cấp?

Để chẩn đoán bệnh viêm thanh khí phế quản cấp, bác sĩ có thể thực hiện khám lâm sàng và lắng nghe nhịp thở của trẻ. Ngoài ra, bác sĩ có thể cho trẻ thực hiện chụp X-quang để thấy phần sưng viêm ở vùng cổ và dị vật (nếu có) hoặc liệu mủ hoặc máu trong đường thở có gây ra các triệu chứng hay không. Bác sĩ có thể cho trẻ xét nghiệm máu nếu nghi ngờ bệnh nhiễm trùng là do vi khuẩn gây ra.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm thanh khí phế quản cấp?

Phần lớn các trường hợp viêm thanh khí phế quản cấp đều có thể được điều trị tại nhà. Trẻ cần uống nhiều nước để tránh mất nước. Nếu tình trạng bệnh của trẻ không cải thiện sau khoảng 3 đến 5 ngày, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ dùng thuốc để giảm sưng viêm khí quản. Thuốc này có thể được tiêm trực tiếp, uống hoặc dùng ở dạng ống xịt. Đây là thuốc đặc trị, bạn không nên tự ý cho trẻ dùng khi không có chỉ định của bác sĩ.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm thanh khí phế quản cấp?

Để hạn chế tình trạng viêm thanh khí phế quản cấp, bạn nên:

  • Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên vì đây là cách tốt nhất để ngăn chặn sự nhiễm trùng lây lan.
  • Hướng dẫn trẻ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 11/05/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo