backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Viêm phúc mạc

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 03/12/2021

Viêm phúc mạc

Tìm hiểu chung

Bệnh viêm phúc mạc là gì?

Phúc mạc là gì? Phúc mạc là một màng mỏng bao quanh thành bụng bên trong và bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng. Vậy, bệnh viêm phúc mạc là gì? Viêm phúc mạc là tình trạng viêm lớp phúc mạc, nguyên nhân thường là do nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn hoặc nấm. Các tạng bị vỡ (thủng) trong bụng hoặc biến chứng của bệnh khác, chẳng hạn như chấn thương bụng cũng có thể gây ra hội chứng viêm phúc mạc.

Viêm phúc mạc được chia thành 2 loại bao gồm:

  • Viêm phúc mạc nguyên phát do vi khuẩn. Đôi khi, viêm phúc mạc phát triển mà không bị vỡ ổ bụng, thường là do một biến chứng của bệnh gan, chẳng hạn như xơ gan, hoặc bệnh thận.
  • Viêm phúc mạc thứ phát. Viêm phúc mạc có thể do vỡ (thủng) trong ổ bụng hoặc là một biến chứng của các tình trạng y tế khác.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm phúc mạc

triệu chứng viêm phúc mạc

Các triệu chứng viêm phúc mạc phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm. Một trong những triệu chứng phổ biến xuất hiện ngay lập tức là chán ăn và buồn nôn. Các dấu hiệu viêm phúc mạc khác bao gồm:

  • Đau bụng liên tục
  • Đầy hơi, đầy bụng
  • Sốt, ớn lạnh
  • Buồn nôn, ói mửa
  • Tiêu chảy
  • Tiểu ít
  • Khát nước nghiêm trọng
  • Táo bón
  • Mệt mỏi.

Nếu bạn đang được thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng), các triệu chứng viêm phúc mạc cũng có thể bao gồm:

  • Dịch thẩm tách có màu đục
  • Các đốm trắng, sợi hoặc cục (fibrin) trong dịch thẩm tách

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Viêm phúc mạc có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Bạn cần cố gắng liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt để được giúp đỡ khi bạn đau bụng dữ dội, căng tức vùng bụng, chướng bụng hoặc cảm giác đầy bụng kèm theo các triệu chứng sau:

  • Sốt
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Khát nước
  • Lượng nước tiểu giảm
  • Táo bón.

Nếu bạn đang được thẩm phân phúc mạc, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu dịch thẩm phân của bạn:

  • Có mây hoặc có màu bất thường
  • Chứa các đốm trắng
  • Chứa các sợi hoặc cục (fibrin)
  • Có mùi bất thường, đặc biệt nếu khu vực xung quanh ống thông bị đỏ hoặc đau.

Nguyên nhân

Nguyên nhân viêm phúc mạc là gì?

Nguyên nhân viêm phúc mạc là do nhiễm trùng. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào niêm mạc bụng của bạn từ một lỗ trên đường tiêu hóa. Điều này có thể xảy ra nếu bạn bị thủng ruột kết hoặc vỡ ruột thừa.

Các nguyên nhân gây viêm phúc mạc bao gồm:

  • Phẫu thuật vùng bụng. Sử dụng ống dẫn thức ăn hoặc thủ thuật rút chất lỏng từ ổ bụng hoặc nội soi vùng bụng có thể gây ra biến chứng viêm phúc mạc.
  • Các thủ thuật y tế, chẳng hạn như thẩm phân phúc mạc (lọc máu qua màng bụng). Đây là một phương pháp điều trị được sử dụng rộng rãi cho những người suy thận. Trong quá trình lọc màng bụng, nhiễm trùng có thể xảy ra.
  • Vỡ ruột thừa, loét dạ dày. Một ruột thừa bị vỡ, loét dạ dày hoặc thủng ruột kết. Bất kỳ tình trạng nào trong số này đều có thể cho phép vi khuẩn xâm nhập vào phúc mạc thông qua một lỗ trên đường tiêu hóa.
  • Viêm tụy. Viêm tụy phức tạp do nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm phúc mạc nếu vi khuẩn lây lan ra ngoài tuyến tụy.
  • Viêm túi thừa. Nhiễm trùng các túi nhỏ, phình ra trong đường tiêu hóa có thể gây viêm phúc mạc nếu một trong các túi bị vỡ, làm tràn chất thải ruột vào khoang bụng.
  • Xơ gan. Xơ gan tiến triển gây ra một lượng lớn chất lỏng tích tụ trong khoang bụng của bạn. Chất lỏng tích tụ đó dễ bị nhiễm vi khuẩn.
  • Chấn thương bụng. Chấn thương vùng bụng có thể gây ra viêm phúc mạc bằng cách cho phép vi khuẩn hoặc hóa chất từ ​​các bộ phận khác của cơ thể xâm nhập vào phúc mạc.

nguyên nhân gây viêm phúc mạc

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phúc mạc?

Có rất nhiều yếu tố làm bạn tăng nguy cơ viêm phúc mạc, chẳng hạn như:

  • Phẫu thuật vùng bụng hoặc lọc máu qua màng bụng
  • Biến chứng từ các bệnh khác như xơ gan, viêm ruột thừa, bệnh Crohn, viêm loét dạ dày, viêm túi thừa và viêm tụy.
  • Từng bị viêm phúc mạc thì nguy cơ tái phát sẽ cao hơn so với người bình thường.

Biến chứng

Biến chứng của viêm phúc mạc

Viêm phúc mạc có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nó có thể gây chết người nếu không được điều trị ngay lập tức.

Viêm phúc mạc có thể làm cho chất lỏng đầy trong ổ bụng. Điều này có thể gây mất nước nghiêm trọng.

Nếu viêm phúc mạc không được điều trị, nhiễm trùng có thể nhanh chóng lây lan khắp cơ thể. Điều này có thể tạo ra phản ứng cực đoan từ hệ thống miễn dịch được gọi là nhiễm trùng huyết.

Nhiễm trùng huyết là một tình trạng diễn biến nhanh và nghiêm trọng. Nó xảy ra khi các hóa chất được đưa vào máu để chống lại nhiễm trùng gây ra sưng (viêm) trên một phần lớn cơ thể của bạn. Điều này có thể làm chậm lưu lượng máu và làm tổn thương các cơ quan.

Nhiễm trùng huyết nặng có thể khiến cơ thể bạn bị sốc, dẫn đến suy nội tạng và tử vong.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm phúc mạc?

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn và khám lâm sàng. Bác sĩ cũng tiến hành một số xét nghiệm để giúp chẩn đoán bệnh viêm phúc mạc:

  • Xét nghiệm máu: Đây là xét nghiệm giúp đo lường số lượng tế bào bạch cầu trong máu. Số lượng tế bào bạch cầu cao là dấu hiệu viêm hoặc nhiễm trùng. Cấy máu có thể giúp xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng hoặc viêm.
  • Xét nghiệm dịch màng bụng: Nếu có dịch tích tụ trong bụng của bạn, bác sĩ của bạn có thể sử dụng một cây kim để lấy một ít dịch và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Nuôi cấy dịch cũng có thể giúp xác định vi khuẩn.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Các xét nghiệm hình ảnh chẳng hạn như chụp CT và X-quang sẽ được thực hiện, để tìm xem có tạng nào bị vỡ hoặc thủng trong bụng hay không.

điều trị viêm phúc mạc

Những phương pháp điều trị viêm phúc mạc

Viêm phúc mạc cần được chăm sóc y tế kịp thời để chống lại nhiễm trùng và điều trị bất kỳ tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào là nguyên nhân gây viêm phúc mạc. Điều trị viêm phúc mạc thường liên quan đến thuốc kháng sinh và trong một số trường hợp sẽ cần phẫu thuật. Nếu không được điều trị, viêm phúc mạc có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng, đe dọa đến tính mạng.

Những phương pháp điều trị viêm phúc mạc có thể bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Thuốc được dùng để chống lại nhiễm trùng và ngăn không cho nó lan rộng. Loại kháng sinh và thời gian sử dụng phụ thuộc vào độ nặng của bệnh và loại viêm phúc mạc.
  • Phẫu thuật: Trong trường hợp viêm phúc mạc do ruột thừa vỡ, thủng dạ dày hoặc ruột, bác sĩ thường khuyên phẫu thuật để loại bỏ các mô bị nhiễm bệnh, đồng thời điều trị các nguyên nhân gây nhiễm trùng và ngăn ngừa các nhiễm trùng lây lan.
  • Các điều trị khác: Tùy thuộc vào các dấu hiệu và triệu chứng, một số phương pháp điều trị có thể được sử dụng trong khi bạn nhập viện, có thể là thuốc giảm đau, truyền dịch tĩnh mạch (IV), thở oxy và trong một số trường hợp có thể truyền máu.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp bạn hạn chế viêm phúc mạc?

Bệnh nhân đang lọc máu qua màng bụng sẽ có nguy cơ viêm phúc mạc cực cao. Những lời khuyên sau đây có thể giúp bạn ngăn ngừa viêm phúc mạc trong quá trình lọc máu:

  • Giữ tay sạch sẽ, vệ sinh kỹ vùng dưới móng tay và giữa các ngón tay của bạn.
  • Làm sạch vùng da xung quanh ống thông bằng chất khử trùng mỗi ngày.
  • Lưu trữ các thiết bị dùng để lọc máu của bạn ở nơi sạch sẽ.
  • Mang khẩu trang y tế trong quá trình lọc máu.

Nếu bạn đã bị viêm phúc mạc trước đây hoặc bị tích tụ dịch màng bụng do một tình trạng bệnh lý như xơ gan, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh để ngăn ngừa viêm phúc mạc. Nếu bạn đang dùng thuốc ức chế bơm proton, bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng dùng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 03/12/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo