backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Viêm giáp (Viêm tuyến giáp): Bạn biết gì về tình trạng này?

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 22/08/2022

Viêm giáp (Viêm tuyến giáp): Bạn biết gì về tình trạng này?

Viêm giáp là tình trạng phản ứng viêm xảy ra tại tuyến giáp. Việc tuyến giáp bị viêm sẽ gây ra một loạt các nhóm triệu chứng liên quan. Hầu hết các loại viêm tuyến giáp thường dẫn đến cường giáp hoặc suy giáp. 

Tuyến giáp là một tuyến có hình cánh bướm nằm ở phía trước cổ tiết ra nhiều loại hormone giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất… Các hormone này cũng đóng một vai trò quan trọng trong phản ứng thể chất và cảm xúc của bạn, chẳng hạn như sợ hãi, phấn khích và vui vẻ.

Bệnh viêm giáp (viêm tuyến giáp) là gì?

Viêm giáp (viêm tuyến giáp) là tình trạng viêm (sưng) tuyến giáp. Đây là một tuyến nhỏ ở dưới cổ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát quá trình chuyển hóa. Viêm có thể dẫn đến tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc giảm hoạt động (suy giáp).

Loại phổ biến nhất của viêm giáp là chứng viêm giáp Hashimoto. Các dạng viêm giáp khác như viêm giáp bán cấp và viêm giáp thầm lặng cũng có thể dẫn đến cường giáp. Viêm giáp hậu sản cũng có thể xảy ra ở phụ nữ vừa mới sinh.

Viêm giáp có thể dẫn đến cả hai triệu chứng tuyến giáp hoạt động quá mức và giảm hoạt động tùy thuộc vào giai đoạn của nó.

Vậy những ai thường mắc phải bệnh viêm giáp (bệnh viêm tuyến giáp)? Theo các chuyên gia sức khỏe bệnh có thể xảy ra với mọi người ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở nữ giới nhiều hơn nam giới. Phụ nữ mắc chứng này nhiều hơn nam giới gấp 10 lần.

>>> Có thể bạn quan tâm: Bệnh suy giáp nên ăn gì và không nên ăn gì?

Những dấu hiệu và triệu chứng viêm giáp (viêm tuyến giáp) 

Triệu chứng bệnh viêm tuyến giáp phụ thuộc vào loại viêm giáp và độ nặng của bệnh. Các triệu chứng phổ biến ở giai đoạn sớm là tuyến giáp sưng to, đôi khi đau và cảm giác bị căng, khô mắt và khô miệng. Có loại viêm giáp không đau.

Các triệu chứng của viêm giáp cũng có thể khá giống với triệu chứng của cường giáp. Bao gồm sụt cân, thèm ăn nhiều, tiêu chảy, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, nhịp tim nhanh, lo âu, nhạy cảm với cái nóng và run.

Ngoài ra, ở một giai đoạn của viêm giáp sẽ xuất hiện các triệu chứng của bệnh suy giáp. Triệu chứng có thể là tăng cân nhưng chán ăn, táo bón, mệt mỏi, trầm cảm, nhạy cảm với lạnh và yếu mệt.

Thực tế, người bị viêm giáp có thể có các triệu chứng khác không được đề cập ở trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Vì tuyến giáp có vai trò kiểm soát quá trình chuyển hóa nên viêm giáp sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày của bạn. Nên gọi bác sĩ nếu bạn:

  • Đang mang thai, đang nuôi con bằng sữa mẹ hoặc muốn mang thai.
  • Bị đau ngực, tim đập nhanh sau khi bắt đầu trị liệu bằng hormone giáp.
  • Sốt cao hay mắc bệnh nặng.
  • Dị ứng với thuốc.
  • Cảm thấy mệt mỏi dù đã điều trị được vài tuần.

Nguyên nhân gây ra viêm giáp (viêm tuyến giáp) là gì? Những ai có nguy cơ? 

Nguyên nhân gây ra viêm giáp (viêm tuyến giáp) là gì?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm giáp, nguyên nhân thường gặp nhất là do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tế bào tuyến giáp. Hiện các nhà khoa học không rõ vì sao hệ miễn dịch lại tấn công các tế bào tuyến giáp. Một số nhà khoa học cho rằng vi khuẩn hoặc virus có thể kích hoạt đáp ứng này, trong khi số khác tin rằng có thể liên quan đến khiếm khuyết gene. Kết quả có thể dẫn đến lượng hormone tăng cao (cường giáp), theo sau là đợt sụt giảm hormone (suy giáp).

Nguy cơ mắc bệnh

Bạn có từng thắc mắc những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm giáp (viêm tuyến giáp)? Theo các chuyên gia sức khỏe, có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm giáp, bao gồm:

  • Giới tính: nữ dễ bị viêm giáp Hashimoto hơn so với nam giới.
  • Tuổi tác: bệnh viêm giáp Hashimoto có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên.
  • Di truyền: nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu trong gia đình có người bị bệnh lý tuyến giáp hoặc các bệnh tự miễn khác.
  • Bệnh tự miễn khác: viêm khớp dạng thấp, tiểu đường tuýp 1, lupus ban đỏ toàn thân.

Bệnh viêm giáp được điều trị như thế nào?

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm giáp (viêm tuyến giáp)?

Thuốc điều trị viêm tuyến giáp là gì? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây:

Những người được điều trị bằng hormone tuyến giáp có thể sẽ cần điều trị suốt đời.

Những người mắc bệnh Hashimoto sẽ dùng levothyroxine (hormone tuyến giáp) để thay thế nội tiết tố bị thiếu. Viêm giáp thầm lặng và viêm giáp bán cấp có thể biến mất mà không cần điều trị hoặc có thể cần thuốc kháng viêm. Các thuốc này bao gồm thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc prednisone để giảm đau. Thuốc ức chế beta ví dụ như propranolol hoặc atenolol có thể được dùng để điều hòa nhịp tim nhanh.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm giáp (viêm tuyến giáp)?

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, khám thực thể và đề nghị xét nghiệm máu. Các xét nghiệm này sẽ đo nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và kháng thể kháng giáp. Một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đặc biệt gọi là đo độ hấp thụ iốt phóng xạ (RAIU) cũng có thể được thực hiện.

  • Xét nghiệm hormone: xét nghiệm máu có thể định lượng hormone được sản xuất bởi tuyến giáp và tuyến yên. Nếu suy giáp, lượng hormone giáp thấp nhưng lượng TSH cùng thời điểm lại cao do tuyến yên cố gắng kích thích tuyến giáp sản xuất nhiều hormone hơn nữa.
  • Xét nghiệm kháng thể: bởi vì bệnh Hashimoto là một bệnh tự miễn nên nguyên nhân có thể liên quan đến việc tạo các kháng thể bất thường. Xác nghiệm máu có thể xác nhận sự hiện diện của kháng thể kháng peroxidase tuyến giáp, một hormone được tìm thấy bình thường trong tuyến giáp, đóng vai trò quan trọng trong sự sản xuất hormone giáp.
  • Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

    Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm giáp (viêm tuyến giáp)? Theo các chuyên gia sức khỏe, viêm giáp có thể được hạn chế nếu bạn:

    • Khám sức khỏe thường xuyên. Viêm giáp thay đổi theo thời gian và bạn thường thay đổi từ trạng thái cường giáp sang suy giáp.
    • Tìm hiểu về loại viêm giáp bạn mắc phải. Tìm hiểu xem bạn đang bị cường giáp hay suy giáp để điều chỉnh phong cách sống và chế độ ăn cho phù hợp.
    • Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 22/08/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo