backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 29/03/2021

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tìm hiểu chung

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh là bệnh gì?

Viêm da tiết bã gây ra các vảy nhờn, màu vàng hay mảng tróc như gàu trên da đầu của trẻ. Bệnh này rất phổ biến ở trẻ nhỏ và dễ điều trị. Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh không phải là triệu chứng của một loại bệnh hoặc do chăm sóc vệ sinh cho trẻ không tốt.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh?

Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm da tiết bã ở trẻ là:

  • Các mảng tróc hoặc vảy dày trên da đầu.
  • Da đầu khô hoặc nhờn, bị bao phủ bởi các mảng gàu trắng và vàng.
  • Mảng da bong ra.
  • Có thể ửng đỏ.

Các vảy tương tự có thể thấy ở tai, lông mày, mũi và vùng bẹn.

Viêm da tiết bã phổ biến ở trẻ sơ sinh và thường không gây ngứa. Viêm da tiết bã là một thuật ngữ thông dụng của bệnh viêm da tiết bã nhờn ở trẻ sơ sinh. Đôi khi bị nhầm với các bệnh về da khác như chàm sơ sinh. Điểm khác biệt cơ bản giữa hai bệnh này là chàm gây ngứa rất nhiều.

Ngoài ra, con bạn cũng có thể xuất hiện các triệu chứng khác không được đề cập. Vì vậy, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ nếu rơi vào những trường hợp sau đây:

  • Bạn đã thử nhiều cách điều trị tại nhà nhưng không thành công.
  • Các mảng gàu lan ra mặt và người của trẻ.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm da tiết bã?

Nguyên nhân gây bệnh viêm da tiết bã chưa được xác định cụ thể. Một yếu tố góp phần gây bệnh này có thể là do các hormone được truyền từ mẹ sang con trước khi sinh. Những hormone này có thể làm tăng sản xuất dầu (bã nhờn) trong tuyến dầu và nang lông.

Một yếu tố khác có thể là do nấm men có tên malassezia phát triển trong bã nhờn cùng với vi khuẩn. Một số trường hợp bôi thuốc chống nấm như ketoconazole cho trẻ bị viêm da tiết bã thường có hiệu quả. Điều này cho thấy nấm men là một yếu tố góp phần gây bệnh. Tuy nhiên, viêm da tiết bã không lây nhiễm và không phải do vệ sinh kém.

Nguy cơ mắc phải

Mức độ phổ biến của viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Viêm da tiết bã cực kì phổ biến ở trẻ. Bệnh thường xuất hiện trong hai tháng đầu sau khi sinh và tự khỏi trong vòng vài tuần hay vài tháng. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm da tiết bã ở trẻ?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:

  • Sản xuất bã nhờn quá mức bởi các tuyến dầu ở da đầu.
  • Vi khuẩn và nấm (một loại men có tên malassezia) phát triển trong bã nhờn.
  • Hormone truyền từ mẹ sang bé trước khi sinh gây kích thích các tuyến dầu ở trẻ.
  • Sự không dung nạp một số thức  ăn nhất định (ví dụ như gluten, các sản phẩm từ sữa), dị ứng thông thường hoặc những  thay đổi trong không khí có thể dẫn đến kích ứng và viêm da tiết bã.
  • Lịch sử gia đình bị dị ứng da, chẳng hạn như chàm, có thể làm tăng nguy cơ bị viêm da tiết bã ở trẻ. Dạng bệnh viêm da nhũ nhi này có thể làm tăng khả năng phát triển các loại viêm da tiết bã nhờn khác (như gàu) khi lớn.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kĩ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh viêm da tiết nhờn ở trẻ?

Chẩn đoán viêm da tiết bã hoàn toàn dựa trên triệu chứng lâm sàng. Các đặc điểm của bệnh là các mảng gàu nhờn màu trắng hoặc vàng trên da đầu trẻ sơ sinh, không ngứa, không gây chảy mủ hay rỉ nước – trừ khi bị bội nhiễm. Viêm da tiết bã ở trẻ chủ yếu xảy ra trên vùng da đầu. Tuy vậy, đôi khi có thể thấy ở vùng mặt, cổ, tai hoặc các nếp gấp da. Da có thể ửng đỏ dưới lớp vảy. Đôi khi có rụng tóc cùng với tróc vảy, nhưng tóc luôn mọc trở lại. Trẻ thường khỏe mạnh và phát triển bình thường.

Nếu viêm da tiết nhờn bị bội nhiễm, da xung quanh sẽ bị sưng tấy và đỏ (dấu hiệu của phản ứng viêm)

Mụn nước hoặc mụn mủ có thể hình thành, các vết thương chảy mủ có thể thấy ở gần những chỗ có vảy.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm da tiết bã ở trẻ?

Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh thông thường không cần điều trị y tế. Nó sẽ tự khỏi trong vòng vài tháng. Trong thời gian chờ đợi, gội đầu mỗi ngày một lần bằng dầu gội dành cho trẻ sơ sinh và chải nhẹ da bằng bàn chải mềm để vảy tróc ra từ từ.

Nếu việc gội đầu thường xuyên không hiệu quả, hãy hỏi bác sĩ. Bác sĩ có thể đề nghị một loại dầu gội dành cho người lớn, ví dụ như một loại thuốc chứa 2% thuốc ketoconazole kháng nấm. Đảm bảo rằng dầu gội đầu không bị dính vào mắt bé, vì nó có thể gây kích ứng. Kem hydrocortisone đôi khi cần để giúp giảm viêm và sưng tấy đỏ.

Không sử dụng kem cortisone hoặc kem chống nấm khi chưa thảo luận với bác sĩ. Bởi vì một số sản phẩm này có thể độc hại khi được hấp thụ qua da của trẻ. Dầu gội đầu trị gàu có chứa a-xít salicylic không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ sơ sinh vì chúng có thể được hấp thụ qua da.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Nhẹ nhàng xoa da đầu em bé bằng ngón tay hoặc khăn lau để vảy tróc nhẹ ra, đừng cọ xát mạnh.
  • Gội đầu cho bé mỗi ngày một lần bằng dầu gội dành cho trẻ nhỏ. Làm vảy tróc ra nhẹ bằng một cái bàn chải lông mềm trước khi xả nước cho sạch dầu gội.
  • Nếu vảy không dễ bong, hãy xoa dầu ăn hoặc vài giọt dầu khoáng lên da đầu trẻ. Để vảy ngâm trong dầu vài phút, hoặc vài giờ nếu cần thiết. Sau đó, chải và gội đầu cho bé như thường lệ. Nếu bạn không gội sạch dầu trong tóc bé, viêm da tiết dầu có thể nặng hơn.
  • Một khi các vảy đã biến mất, hãy gội đầu cho bé vài ngày một lần bằng dầu gội để ngăn ngừa vảy tích tụ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 29/03/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo