backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Viêm cơ tim

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 22/05/2023

Viêm cơ tim

Viêm cơ tim tuy hiếm gặp nhưng lại là một bệnh lý tim mạch cực kỳ nghiêm trọng. Tình trạng này có thể làm cơ tim suy yếu cấp tính, khiến tim bơm máu khó khăn hơn. Đôi khi, cơ tim bị viêm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng.

Khi biết được viêm cơ tim là gì, triệu chứng ra sao, mức độ nguy hiểm của bệnh và cách điều trị, bạn sẽ chủ động hơn trong việc đối phó với bệnh lý này.

Tìm hiểu chung

Viêm cơ tim là bệnh gì?

Viêm cơ tim là tình trạng cơ tim bị viêm và tổn thương mất cấu trúc lẫn chức năng. Điều này có thể làm suy yếu cơ tim, khiến tim khó bơm máu hơn.

Viêm cơ tim được phân chia thành các loại chính là:

  • Cấp tính: triệu chứng phát triển đột ngột và có thể tiến triển nhanh chóng, thường do virus
  • Mạn tính: triệu chứng kéo dài trên 2 tuần hoặc có nhiều đợt cấp tính đến rồi đi liên tục trong thời gian dài, thường do rối loạn tự miễn dịch
  • Lympho: hiếm gặp, thường phải nhập viện điều trị gấp, do các tế bào bạch cầu lympho xâm nhập và gây viêm cơ tim. Tình trạng này có thể xảy ra sau nhiễm virus.

Ngoài ra còn các dạng viêm cơ tim hiếm gặp bao gồm: viêm cơ tim tế bào khổng lồ, viêm cơ tim thể tối cấp, viêm cơ tim tăng bạch cầu ái toan.

Đại dịch Covid – 19 gần đây cũng đã ghi nhận những ca đầu tiên có tổn thương viêm cơ tim. Con số ước tính là 7% số ca bệnh nhiễm virus SARS-CoV 2 có rối loạn chức năng tim mạch. Dù tỉ lệ không nhiều nhưng mức độ nguy hiểm và khả năng tử vong do viêm cơ tim ở bệnh nhân Covid lại vô cùng khó kiểm soát.

Viêm cơ tim có nguy hiểm không?

Thông thường, bệnh viêm cơ tim có thể khỏi hoàn toàn mà không để lại biến chứng lâu dài nào. Tuy nhiên, viêm cơ tim nghiêm trọng có thể làm tổn thương cơ tim vĩnh viễn.

Các biến chứng có thể xảy ra sau viêm cơ tim bao gồm:

  • Suy tim. Nếu không được điều trị, cơ tim có thể mất chức năng và không thể bơm máu tốt. Trong những trường hợp nghiêm trọng, suy tim cấp liên quan đến viêm cơ tim có thể cần cấy ghép thiết bị hỗ trợ tâm thất hoặc ghép tim.
  • Nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Khi cơ tim suy yếu và bơm máu kém, máu ứ đọng trong tim có thể gây hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông này ngăn chặn một trong các động mạch vành nuôi cơ tim sẽ gây ra cơn nhồi máu cơ tim. Nếu cục máu đông này di chuyển đến động mạch cảnh (đưa máu lên não) và làm tắc mạch cảnh sẽ gây ra đột quỵ.
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều (loạn nhịp tim). Tổn thương cơ tim có thể thay đổi nhịp đập của tim. Một số rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như rối loạn nhịp thất, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
  • Đột tử do tim. Một số rối loạn nhịp tim nghiêm trọng có thể khiến tim ngừng đập đột ngột, gây tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức.

nguyên nhân viêm cơ tim

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm cơ tim là gì?

Các triệu chứng viêm cơ tim thường gặp bao gồm:

  • Đau ngực
  • Tim đập nhanh hoặc bất thường
  • Khó thở khi hoạt động hoặc trong lúc nghỉ ngơi
  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Sưng phù ở chân
  • Choáng váng, cảm giác như sắp ngất xỉu
  • Các triệu chứng giống cúm như nhức đầu, đau nhức cơ thể, đau khớp, sốt hoặc đau họng.

Đôi khi, các dấu hiệu viêm cơ tim rất giống với cơn nhồi máu cơ tim. Vì vậy, nếu bạn bị đau ngực và khó thở không rõ nguyên nhân, hãy gọi cấp cứu hoặc ngay lập tức đến cơ sở y tế gần nhất.

Triệu chứng viêm cơ tim ở trẻ em có thể bao gồm:

  • Khó thở
  • Đau ngực
  • Ngất xỉu
  • Sốt
  • Thở nhanh
  • Nhịp tim nhanh hoặc không đều.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên gặp bác sĩ nếu có bất cứ triệu chứng nào của viêm cơ tim, đặc biệt là đau ngực và khó thở.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra viêm cơ tim là gì?

Thông thường, không tìm thấy nguyên nhân gây viêm cơ tim là gì.

Nguyên nhân tiềm ẩn gây ra viêm bao gồm nhiễm trùng, phơi nhiễm chất phóng xạ và tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc một tình trạng nào đó gây ra phản ứng viêm toàn thân. Cụ thể như sau:

  • Nhiễm virus bao gồm virus gây cảm lạnh thông thường, Covid – 19, viêm gan B và C, parvovirus, herpes simplex, virus gây nhiễm trùng tiêu hóa, virus Epstein-Barr gây bệnh bạch cầu đơn nhân, rubella, HIV – AIDS.
  • Nhiễm khuẩn, gồm liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, vi khuẩn gây bệnh bạch hầu và vi khuẩn gây bệnh Lyme
  • Ký sinh trùng như Toxoplasma và ký sinh trùng đơn bào Trypanosoma cruzi
  • Nấm men (candida), nấm mốc (aspergillus) và histoplasma (thường có trong phân chim) có thể gây viêm cơ tim, đặc biệt là ở người có hệ miễn dịch yếu
  • Thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng sinh penicillin và sulfonamide, một số thuốc chống động kinh và cocain
  • Ngộ độc khí CO hoặc chất bức xạ
  • Các bệnh viêm toàn thân khác như Lupus ban đỏ hệ thống, u hạt Wegener, viêm động mạch tế bào khổng lồ và viêm động mạch Takayasu.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm cơ tim?

chẩn đoán viêm cơ tim

Viêm cơ tim rất khó chẩn đoán do triệu chứng bệnh không đặc hiệu và xuất hiện khá trễ sau khi cơ tim bị viêm và suy giảm chức năng. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh và các triệu chứng của bạn, đồng thời có thể thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu
  • X-quang ngực
  • Điện tâm đồ (ECG)
  • Siêu âm tim 
  • MRI tim hoặc sinh thiết có thể được chỉ định trong một số trường hợp.

Viêm cơ tim có tự khỏi không?

Hầu hết các trường hợp viêm cơ tim nhẹ đều tự khỏi. Các trường hợp khác hồi phục trong vòng vài tháng điều trị. Đôi khi tình trạng viêm có thể tái phát và gây triệu chứng đau ngực hoặc khó thở.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm cơ tim?

Trong các trường hợp phải điều trị, nếu xác định được nguyên nhân cơ bản gây viêm cơ tim, bác sĩ sẽ giải quyết chúng. Bên cạnh đó, họ có thể kê đơn một số loại thuốc sau tùy vào triệu chứng, loại viêm cơ tim và mức độ nghiêm trọng của nó:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) / thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARB): Hạ huyết áp và giúp tái tạo cơ tim sau viêm cơ tim.
  • Thuốc chẹn beta: Cải thiện rối loạn nhịp tim và giúp tái tạo cơ tim.
  • Thuốc lợi tiểu: Giúp loại bỏ chất lỏng dư thừa trong cơ thể do tim bơm máu kém.
  • Corticosteroid: Giảm viêm trong cơ thể, dùng điều trị các nguyên nhân cụ thể của viêm cơ tim.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, một số bệnh nhân cần được cấy máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim. Nếu chức năng tim không cải thiện và tiếp tục gây suy tim nặng, bác sĩ sẽ xem xét việc ghép tim.

Bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bạn thay đổi lối sống để tránh tạo thêm gánh nặng cho cơ tim, thường bao gồm ăn nhạt và giảm chất lỏng nạp vào.

Phòng ngừa

Cách phòng ngừa viêm cơ tim nào hiệu quả?

viêm cơ tim và covid 19

Không có biện pháp phòng ngừa viêm cơ tim trực tiếp. Tuy nhiên, những lưu ý dưới đây có thể giúp bạn ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm nguy cơ mắc phải bệnh lý này.

  • Tránh xa những người có triệu chứng cúm hoặc bệnh hô hấp khác cho đến khi họ bình phục. Nếu bạn có các triệu chứng của nhiễm vi-rút, hãy cố gắng tránh tiếp xúc với người khác.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc chất diệt khuẩn.
  • Giảm nguy cơ bị nhiễm trùng cơ tim liên quan đến HIV bằng cách thực hành tình dục an toàn và không sử dụng ma túy bất hợp pháp.
  • Tiêm phòng đầy đủ, bao gồm cả những vắc-xin bảo vệ chống lại COVID-19, cúm và rubella. Dù vắc-xin COVID-19 có thể tiềm ẩn tác dụng phụ gây viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim nhưng rất hiếm. Rủi ro này rất nhỏ so với lợi ích mà vắc xin Covid mang lại.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 22/05/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo