backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Vết nhện cắn có nguy hiểm không, xử lý thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 28/03/2023

Vết nhện cắn có nguy hiểm không, xử lý thế nào?

Bị nhện cắn có sao không hay vết nhện cắn có độc không, có bị làm sao không hay nhện nhà cắn có sao không… là những thắc mắc rất thường gặp. 

Nếu đang có những thắc mắc kể trên, bạn đừng bỏ lỡ những thông tin được Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau!

Vết nhện cắn là tình trạng gì?

Nhện thường vô hại và không cắn trừ khi bị đe dọa nhưng nhiều người vẫn sợ chúng. Vết cắn của nhện có thể gây đỏ, đau và sưng, đôi khi có thể gây dị ứng. Nhiều vết cắn và vết loét da khác có thể gây ra triệu chứng mẩn đỏ, đau và sưng tấy. Do đó, trừ khi bạn thực sự nhìn thấy một con nhện cắn bạn sẽ rất khó để chắc chắn rằng vết thương của bạn là do nhện gây ra.

Thực tế, nếu bạn không nhìn thấy nhện cắn thì các vết sưng, cắn, phát ban, mẩn đỏ có thể do nguyên nhân khác, từ các loại côn trùng đến nổi mụn, u nang hoặc bị nhiễm trùng da bởi một số loại vi khuẩn như liên cầu khuẩn hoặc MRSA.

Trên thế giới, hầu hết trong số 40.000 loài nhện đều có độc. Tuy nhiên chỉ có một số loài nhện có răng nanh đủ dài để xuyên qua da người và nọc độc đủ mạnh để làm tổn thương con người. Trong số này có nhện góa phụ, với khoảng 30 loài và nhện ẩn dật với hơn 140 loài trên toàn thế giới. Người bị nhện cắn, các ảnh hưởng toàn thân nghiêm trọng thường xảy ra nhất với các vết cắn từ:

  • Nhện nâu: Các loài nhện màu nâu như nhện violin, nhện ẩn dật nâu, nhện nâu (Loxosceles sp)

  • Nhện góa phụ: Góa phụ đen (Latrodectus sp), góa phụ nâu (L. geometricus)

Hiện, chỉ một vài loại nọc nhện được nghiên cứu, chẳng hạn như:

  • Nọc của nhện nâu và một số nhện nhà có chứa các thành phần gây hoại tử

  • Nhện góa phụ: Có các thành phần gây độc thần kinh

Theo các chuyên gia sphingomyelinase D là thành phần protein được nghi ngờ là chịu trách nhiệm cho hầu hết các hiện tượng phá hủy mô và xuất huyết gây ra vết cắn của nhện nâu. Bên cạnh đó, các nhà khoa học phỏng đoán thành phần độc nhất của nọc độc nhện góa phụ có lẽ là một peptide, alpha-latrotoxin, ảnh hưởng đến sự truyền dẫn thần kinh cơ.

Vết nhện cắn: Những triệu chứng thường gặp

triệu chứng vết nhện cắn Thông thường, vết cắn của nhện trông giống như bất kỳ vết cắn nào của bất kỳ loài côn trùng nào khác, vết cắn sẽ bị sưng đỏ, viêm, đôi khi ngứa hoặc đau, đôi khi chẳng gây ra triệu chứng gì đáng chú ý.

Theo các chuyên gia, nhiều vết loét da trông giống nhau nhưng có nguyên nhân khác, chẳng hạn như nhiễm trùng do vi khuẩn.

Vết cắn của một số loài nhện, chẳng hạn như nhện góa phụ và nhện ẩn dật nâu (recluse spiders), có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng.

  • Các dấu hiệu và triệu chứng khi bị nhện góa phụ cắn có thể bao gồm:
    • Đỏ, đau và sưng: Bạn có thể bị đau và sưng xung quanh vết cắn, có thể lan ra bụng, lưng hoặc ngực.
    • Chuột rút: Bạn có thể bị cứng bụng hoặc chuột rút nghiêm trọng, đôi khi bị nhầm với viêm ruột thừa hoặc vỡ ruột thừa.
    • Buồn nôn, nôn, run hoặc đổ mồ hôi: Bạn có thể bị buồn nôn, nôn, run hoặc đổ mồ hôi một mình hoặc kết hợp.
    • Các triệu chứng có thể kéo dài từ 1 đến 3 ngày.
  • Trường hợp bị nhện ẩn dật cắn, bạn có thể gặp các triệu chứng như:
    • Cơn đau tăng dần trong 8 giờ đầu sau khi bị cắn
    • Sốt, ớn lạnh và đau nhức cơ thể
    • Vết cắn với phần trung tâm nhợt nhạt chuyển sang màu xanh đậm hoặc tím với vòng đỏ xung quanh
    • Vết cắn phát triển thành vết loét hở (loét) với vùng da xung quanh bị chết

Bị nhện cắn: Khi nào đi khám?

Theo các chuyên gia, bạn hãy đi khám ngay lập tức nếu:

  • Bạn bị một con nhện nguy hiểm, chẳng hạn như góa phụ hoặc nhện ẩn dật cắn.
  • Bạn không chắc liệu vết cắn có phải là do một con nhện nguy hiểm gây ra hay không.
  • Bạn bị đau dữ dội, đau quặn bụng hoặc vết thương quanh vết cắn có xu hướng lan rộng hơn.
  • Bạn đang gặp vấn đề về thở hoặc nuốt (khó thở, khó nuốt).
  • Khu vực vết loét có vết đỏ hoặc vệt đỏ lan rộng.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Những yếu tố nào khiến bạn có nguy cơ bị nhện cắn?

nguyên nhân vết nhện cắn

Các triệu chứng nghiêm trọng do nhện cắn xảy ra do nọc độc mà nhện tiêm vào qua vết cắn. Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng phụ thuộc vào loại nhện, lượng nọc độc được tiêm và mức độ nhạy cảm của cơ thể bạn với nọc độc.

Các yếu tố rủi ro

Các yếu tố nguy cơ bị nhện cắn bao gồm sống ở những khu vực có nhện sinh sống và làm xáo trộn môi trường sống tự nhiên của chúng. Nhện góa phụ và nhện ẩn dật thích khí hậu ấm áp và những nơi khô ráo, tối tăm.

Môi trường sống của nhện góa phụ

Nhện góa phụ có thể được tìm thấy trên khắp Hoa Kỳ, ngoại trừ Alaska và phổ biến hơn ở vùng nông thôn miền Nam. Chúng cũng được tìm thấy ở châu Âu. Nhện góa phụ hoạt động tích cực hơn trong những tháng có thời tiết ấm hơn và thích sống ở:

  • Nhà kho
  • Nhà để xe
  • Chậu và thiết bị làm vườn không sử dụng
  • Đống củi
  • Tủ quần áo và tủ đồ trong thời tiết lạnh.

Môi trường sống của nhện ẩn dật

Nhện ẩn dật được tìm thấy phổ biến nhất ở nửa phía Nam của Hoa Kỳ và Nam Mỹ, nơi chúng được gọi là nhện nâu. Những con nhện này được đặt tên như vậy vì chúng thích ẩn náu ở những khu vực yên tĩnh. Chúng hoạt động tích cực nhất trong những tháng khi mà thời tiết ấm hơn. Trong nhà, chúng thích sống:

  • Trong tầng hầm và gác xép bừa bộn
  • Đằng sau giá sách và tủ quần áo
  • Trong tủ ít sử dụng
  • Đôi khi chúng ẩn nấp trong khăn trải giường và quần áo, gây ra nhiều vết cắn vào sáng sớm.
  • Bên ngoài, chúng tìm kiếm những nơi khô ráo, tối tăm, yên tĩnh, chẳng hạn như dưới những tảng đá hoặc gốc cây.

Vết nhện cắn có thể gây ra những biến chứng gì, cách sơ cứu và điều trị thế nào?

Biến chứng

Hiếm khi vết cắn của nhện góa phụ hoặc nhện ẩn dật gây chết người, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Vết thương nặng do nhện ẩn dật có thể mất hàng tuần hoặc hàng tháng để chữa lành và để lại sẹo lớn.

Cách sơ cứu và điều trị khi bị nhện cắn

sơ cứu vết nhện cắn

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bác sĩ khám kỹ vết thương. Nếu bạn thấy được loại côn trùng cắn sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán đúng triệu chứng, điều này đặc biệt quan trọng nếu vết cắn đó do nhện độc gây ra.

Sau khi bị nhện cắn, bạn cần:

  • Không chạm hay xoa bóp vùng bị cắn. Nếu nhện có nọc độc, bạn nên tránh nó để không lây lan nọc
  • Không nên hút nọc độc ra bằng miệng.
  • Không nên tham gia vào bất kỳ hoạt động thể chất nào sau khi bị cắn
  • Dùng xà phòng và nước rửa vết thương, che vết thương bằng gạc ướt hoặc khăn sạch có đá, điều này giúp giảm đau và sưng.
  • Nếu vết cắn trên cánh tay hoặc chân, hãy nâng tay/chân bị cắn lên cao
  • Để giảm đau, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau không cần kê đơn như acetaminophen (Tylenol® hay các biệt dược khác), ibuprofen (Advil®, Motrin IB®) hoặc một thuốc kháng histamin (Benadryl®, Chlor-Trimeton®). Tuyệt đối tránh chườm ấm lên vết cắn. Nguyên nhân là bởi trong trường hợp nhện phát ra nọc độc gây hoại tử, sức nóng có thể khiến tình trạng hoại tử trở nên nặng hơn.
  • Tránh các loại kem bôi chứa steroid.

Sau khi làm các bước sơ cứu trên, bạn cần đi khám ngay nếu có một trong các triệu chứng nguy hiểm đã nêu ở trên

Bác sĩ có thể đề nghị tiêm vaccine chống uốn ván nếu bạn chưa tiêm trong 5 năm qua. Bạn có thể cần thuốc kháng sinh nếu vết cắn bị nhiễm trùng.

Thực tế là không có cách điều trị chung cho tất cả các vết cắn, việc điều trị tùy thuộc vào loại nhện và mức độ nghiêm trọng của vết thương. Điều trị bao gồm việc xem xét các triệu chứng xuất hiện. Nếu bạn có dấu hiệu của nhịp tim nhanh thì có thể sử dụng thuốc trợ tim. Nếu bạn bị hoại tử thì phải dùng các thuốc chống hoại tử lan rộng.

Trường hợp nghiêm trọng cần giám định y khoa. Trong một số ca, bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh nhân trong bệnh viện.

Trong trường hợp hiếm, đặc biệt khi vết cắn gây hoại tử hoặc tình trạng xấu đi nhanh chóng, bạn cần phẫu thuật.

Các biện pháp giúp phòng ngừa nhện cắn

phòng ngừa nhện cắn

Nhện thường chỉ cắn để tự vệ, khi bị bị bạn chạm hay đè vào. Do đó, để ngăn bị nhện cắn, bạn hãy:

  • Tìm hiểu những con nhện nguy hiểm trông như thế nào và môi trường sống ưa thích của chúng và tránh xa chúng.
  • Mặc áo sơ mi dài tay, đội mũ, bỏ quần dài vào trong tất, đeo găng tay và đi ủng khi khi dọn dẹp nhà kho, nhà để xe, tầng hầm, gác xép, nơi chứa củi…
  • Kiểm tra và rũ bỏ găng tay, ủng và quần áo làm vườn thật cẩn thận trước khi sử dụng.
  • Sử dụng thuốc chống côn trùng, chẳng hạn như DEET và làm theo đúng hướng dẫn trên bao bì.
  • Để ngăn côn trùng và nhện xâm nhập vào nhà, bạn cần lắp các tấm lưới chống muỗi trên cửa sổ và cửa ra vào, bịt kín các vết nứt nơi nhện có thể chui vào và sử dụng thuốc diệt côn trùng an toàn trong nhà.
  • Giảm các mảnh vụn hoặc loại bỏ các đống đá hoặc gỗ ở khu vực xung quanh nhà và tránh chất củi sát vào tường nhà.
  • Hãy chắc chắn rằng giường không bị đẩy vào sát tường và chỉ có chân giường chạm sàn. Không cất đồ đạc dưới gầm giường và không để drap trải giường chạm lên sàn nhà.
  • Loại bỏ nhện và mạng nhện khỏi không gian sống.
  • Nếu phát hiện một con nhện đang bám trên người bạn, hãy dùng tay búng nó ra thay vì đập nó.
  • Khi vệ sinh chuồng cho nhện tarantula (nếu bạn có nuôi chúng), hãy đeo găng tay, khẩu trang phẫu thuật và kính bảo vệ mắt.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 28/03/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo