backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Vảy nến da đầu

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Thu Trang · Ngày cập nhật: 11/05/2020

Tìm hiểu chung  

Vảy nến da đầu là bệnh gì?

Bệnh vẩy nến là một rối loạn da có thể xảy ra bất cứ nơi nào trên da và da đầu là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện từng mảng vảy hay nhiều hơn, thậm chí có thể ảnh hưởng đến toàn bộ da đầu và cũng có thể lây lan đến trán, phía sau cổ hoặc tai.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh vảy nến da đầu là gì?

Các triệu chứng phổ biến của bệnh vẩy nến da đầu bao gồm:

  • Da đầu có vảy, ban đỏ, các mảng da thô ráp, gập ghềnh;
  • Vảy bạc, trắng;
  • Bong gàu;
  • Da đầu khô;
  • Ngứa;
  • Cảm giác nóng hoặc đau nhức;
  • Rụng tóc.

Bệnh vẩy nến da không gây ra rụng tóc, nhưng nếu bạn gãi mạnh và nhiều tại những chỗ có vảy, phương pháp điều trị nghiêm khắc và bị căng thẳng có thể dẫn đến rụng tóc tạm thời. May mắn thay, mái tóc sẽ thường mọc trở lại sau khi da bạn đã hết bệnh.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu hay đau từ vùng da đầu, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Vảy nến da đầu có thể bị nhiễm trùng với triệu chứng bao gồm viêm sưng, da đầu có mủ chốc và đôi khi sưng hạch bạch huyết. Khi gặp triệu chứng này, bạn cần gặp bác sĩ ngay.

Nguyên nhân gây bệnh  

Nguyên nhân nào gây ra bệnh vảy nến da đầu?

Các bác sĩ tin rằng bệnh vảy nến gây ra bởi rối loạn trong hệ thống miễn dịch, khiến các tế bào da phát triển quá nhanh và tạo ra các mảng da dư thừa. Bệnh vảy nến xảy ra khi hệ thống miễn dịch gửi tín hiệu lỗi đến các tế bào da và khiến chúng trưởng thành quá nhanh. Các tế bào mới hình thành trong ngày thay vì vài tuần và cơ thể không đào thải được các tế bào da thừa, làm chúng chồng chất lên nhau, dẫn đến các mảng da vảy đặc trưng của vẩy nến hình thành.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh vảy nến da đầu?

Vảy nến da đầu là tình trạng rất phổ biển và ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến da đầu?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến da đầu, chẳng hạn như:

  • Bệnh sử gia đình: có lẽ yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với vẩy nến là bệnh sử gia đình. Nếu bạn có bố hoặc mẹ mắc bệnh vẩy nến sẽ có nguy cơ bị bệnh này và cả bố mẹ đều mắc bệnh vẩy thì nguy cơ sẽ tăng gấp đôi;
  • Nhiễm vi khuẩn hoặc virus: những người nhiễm HIV có nhiều khả năng mắc bệnh vẩy nến hơn những người khỏe mạnh. Trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm trùng tái phát, đặc biệt là viêm họng do liên cầu, cũng có nguy cơ cao;
  • Căng thẳng: stress có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, mức độ căng thẳng cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến;
  • Béo phì, thừa cân: làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẩy nến. Mảng vảy các loại bệnh vẩy nến thường phát triển ở nếp gấp da thừa;
  • Hút thuốc: thuốc lá không chỉ làm tăng nguy cơ mắc vẩy nến mà còn làm bệnh nghiêm trọng hơn. Hút thuốc cũng đóng vai trò trong việc phát triển ban đầu của bệnh.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy  tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh vảy nến da đầu?

Trong hầu hết các trường hợp, chẩn đoán bệnh vẩy nến khá đơn giản, bao gồm các phương pháp sau:

  • Khám sức khỏe và bệnh sử: bác sĩ thường có thể chẩn đoán bệnh vẩy nến bằng cách kiểm tra bệnh sử và làn da, da đầu và móng tay;
  • Sinh thiết da: bác sĩ có thể lấy một mẫu da nhỏ quan sát dưới kính hiển vi để xác định chính xác bệnh vẩy nến và loại trừ các rối loạn khác. Sinh thiết da thường có thể được thực hiện tại phòng khám sau khi gây tê cục bộ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh vảy nến da đầu?

Các phương pháp điều trị bệnh vẩy nến nhằm mục đích:

  • Dừng tình trạng phát triển quá mức các tế bào da, làm giảm sự hình thành viêm và mảng bám;
  • Hủy bỏ vảy và vụn da.

Phương pháp điều trị bệnh vảy nến có thể được chia thành ba loại chính: thuốc bôi, liệu pháp ánh sáng và các thuốc dùng toàn thân.

Phương pháp điều trị tại chỗ được sử dụng riêng, gồm các loại kem và thuốc mỡ dùng cho làn da. Các loại thuốc này có hiệu quả điều trị bệnh vẩy nến mức độ từ nhẹ đến trung bình. Khi bệnh nặng hơn, bạn có thể kết hợp thêm với thuốc uống hoặc liệu pháp ánh sáng.

Phương pháp điều trị bệnh vẩy nến bằng thuốc bôi bao gồm:

  • Corticoid bôi: những loại thuốc chống viêm mạnh thường hay được kê đơn để điều trị bệnh vẩy nến mức độ từ nhẹ đến trung bình. Chúng làm chậm chu kỳ tế bào bằng cách ức chế hệ thống miễn dịch, làm giảm viêm và ngứa. Corticoide tại chỗ có phạm vi điều trị rộng, từ nhẹ đến rất mạnh. Thuốc mỡ corticoid thường dùng cho khu vực nhạy cảm, chẳng hạn như mặt hoặc nếp gấp da và để xử lý các mảng da thô, vảy. Bác sĩ có thể kê toa thuốc mỡ corticoid mạnh hơn cho khu vực da nhỏ, mảng bám dai dẳng trên bàn tay hoặc bàn chân hay khi phương pháp điều trị khác thất bại. Thuốc tạo bọt và xà phòng có corticoid cũng được dùng để điều trị bệnh vẩy nến mảng trên da đầu. Việc sử dụng lâu dài hoặc lạm dụng corticoid mạnh có thể gây mỏng da và phản tác dụng. Để giảm thiểu tác dụng phụ và dùng thuốc hiệu quả, bạn thường chỉ sử dụng corticoid tại chỗ trong cơn cấp tính và ngưng ngay khi đã kiểm soát được bệnh;
  • Liệu pháp vitamin D: những dạng tổng hợp vitamin D làm các tế bào da chậm tăng trưởng. Calcipotriene (Dovonex®) là một loại kem hoặc dung dịch kê đơn chứa một chất tương tự vitamin D có thể được sử dụng để điều trị bệnh vẩy nến nhẹ hoặc kết hợp với các thuốc bôi khác hay đèn chiếu. Tuy nhiên, điều trị này có thể gây kích ứng da. Calcitriol (Rocaltrol®) mặc dù tốn kém và ít hiệu quả ít hơn, nhưng không gây nhiều khó chịu như calcipotriene;
  • Anthralin: cơ chế của thuốc này là làm DNA trong các tế bào da hoạt động bình thường. Anthralin cũng có thể loại bỏ các mô, làm cho da mượt mà hơn. Tuy nhiên, anthralin có thể gây kích ứng da và gây bẩn hầu như bất cứ những nơi thuốc bám vào bao gồm da, quần áo, bàn và giường ngủ. Vì lý do đó, các bác sĩ thường khuyên bạn nên bôi thuốc trong thời gian ngắn rồi rửa sạch;
  • Retinoids bôi: thường được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và da bị sạm do nắng, nhưng thuốc tazarotene (Tazorac®, Avage®) đã được nghiên cứu đặc biệt để điều trị bệnh vẩy nến. Giống như các dẫn xuất của vitamin A khác, thuốc này làm DNA trong các tế bào da hoạt động bình thường và giảm viêm. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là kích ứng da, tăng độ nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, vì vậy bạn nên dùng kem chống nắng trong khi sử dụng thuốc. Mặc dù, nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh thấp hơn nhiều so với dạng uống, nhưng thuốc tazarotene không được khuyến cáo với người đang mang thai hoặc cho con bú;
  • Thuốc ức chế calcineurin: các thuốc ức chế calcineurin – tacrolimus (Prograf®) và pimecrolimus (Elidel®) – chỉ được dùng để điều trị viêm da dị ứng, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra chúng có hiệu quả trong điều trị bệnh vẩy nến. Các chất ức chế calcineurin có cơ chế phá vỡ hoạt hóa của tế bào T, dẫn đến giảm viêm và tích tụ mảng bám. Bạn không sử dụng các chất ức chế calcineurin vì có thể gây ung thư da và bệnh bạch cầu. Các thuốc này đặc biệt hữu ích với những vùng da mỏng như vùng mắt, nơi mà các loại kem steroid hoặc retinoids gây khó chịu hoặc có thể ảnh hưởng không tốt;
  • Axit salicylic: là thuốc không kê đơn, axit salicylic thúc đẩy quá trình bong tróc các tế bào da chết và làm giảm tỉ lệ tạo ra mảng da mới. Đôi khi, bạn có thể kết hợp với các thuốc khác, như corticosteroid hoặc nhựa than để tăng tính hiệu quả. axit salicylic có sẵn trong dầu gội thuốc và các phương pháp điều trị bệnh vẩy nến da;
  • Nhựa than: sản phẩm phụ trong sản xuất các sản phẩm dầu mỏ và than đá. Nhựa than có lẽ là phương pháp điều trị vảy nến lâu đời nhất giúp giảm quá trình tạo vảy, ngứa và viêm. Các chuyên gia vẫn chưa biết cơ chế chính xác của nhựa than. Chất này có ít tác dụng phụ, nhưng lại gây bẩn quần áo, giường và có mùi mạnh. Nhựa than có trong dầu gội đầu, kem và các loại thuốc bôi. Việc điều trị này không được khuyến cáo cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
  • Kem dưỡng ẩm: loại kem này không chữa lành bệnh vẩy nến, nhưng có thể làm giảm ngứa và tình trạng lan rộng của vảy nến, dưỡng ẩm cho da. Kem dưỡng ẩm dạng thuốc mỡ thường có hiệu quả hơn so với các loại kem nhẹ và nước thơm;
  • Liệu pháp ánh sáng (đèn chiếu): phương pháp điều trị bệnh vẩy nến này sử dụng ánh sáng cực tím tự nhiên hoặc nhân tạo. Hình thức đơn giản và dễ dàng nhất của quang trị liệu là phơi nắng nhưng bạn phải kiểm soát thời gian. Các hình thức khác của liệu pháp ánh sáng bao gồm sử dụng các tia cực tím A nhân tạo (UVA) hoặc tia cực tím B (UVB), có thể kết hợp với các loại thuốc;
  • Liệu pháp Goeckerman: là phương pháp kết hợp điều trị UVB và xử lý nhựa than đá. Hai phương pháp điều trị kết hợp với nhau hiệu quả hơn từng phương pháp đơn lẻ vì nhựa than đá làm cho da dễ tiếp thu ánh sáng UVB hơn. Điều trị này từng cần phải nằm viện 3 tuần nhưng hiện tại có thể chỉ cần thực hiện tại phòng khám;
  • Photochemotherapy hoặc psoralen kết hợp với tia cực tím A (PUVA): photochemotherapy liên quan đến việc dùng thuốc ánh sáng nhạy cảm (psoralen) trước khi da tiếp xúc với ánh sáng UVA. UVA thâm nhập sâu vào da hơn ánh sáng UVB và psoralen làm cho da nhạy hơn với tia UVA. Bạn cần điều trị liên tục để cải thiện làn da. Phương pháp này thường được sử dụng cho các trường hợp bệnh vẩy nến nặng. Đối với phương pháp này, bạn cần được điều trị khoảng 2-3 lần một tuần, trong vài tuần. Tác dụng phụ ngắn hạn bao gồm buồn nôn, nhức đầu, nóng rát và ngứa. Tác dụng phụ lâu dài bao gồm da khô và nhăn, tàn nhang và tăng nguy cơ ung thư da, trong đó có khối u ác tính, dạng nguy hiểm nhất của ung thư da. Vì điều trị này làm da nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời, nên điều quan trọng là bạn cần tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc dùng kem chống nắng với SPF ít nhất là 30. Để bảo vệ đôi mắt, bạn cần đeo kính râm;
  • Excimer laser: đây là hình thức trị liệu ánh sáng được sử dụng cho bệnh vẩy nến mức độ từ nhẹ đến trung bình. Phương pháp này chỉ tác động trên vùng da có liên quan và da khỏe mạnh xung quanh không bị tổn hại. Số lần điều trị bằng excimer laser ít hơn so với phương pháp ánh sáng truyền thống do dùng tia UVB mạnh và tập trung. Các tác dụng phụ gồm đỏ và phồng rộp da;
  • Thuốc uống hoặc tiêm: nếu bạn mắc bệnh vẩy nến nặng hoặc các loại điều trị không có hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc uống hoặc tiêm. Vì các tác dụng phụ nghiêm trọng, một số loại thuốc chỉ dùng một thời gian ngắn và xen kẽ với các hình thức điều trị khác;
  • Retinoids: liên quan đến vitamin A, nhóm thuốc này làm giảm quá trình sản xuất các tế bào da nếu bạn có bệnh vẩy nến nặng mà không đáp ứng với liệu pháp khác. Tuy nhiên, các dấu hiệu thường trở lại sau khi ngưng điều trị. Các tác dụng phụ có thể bao gồm viêm môi và rụng tóc. Retinoids như acitretin (Soriatane®) có thể gây ra dị tật bẩm sinh nặng ở thai nhi, vì vậy phụ nữ phải tránh mang thai ít nhất ba năm sau khi uống thuốc;
  • Methotrexate: thuốc này giúp trị bệnh vẩy nến bằng cách giảm sản xuất các tế bào da và ngăn chặn viêm. Thuốc cũng có thể làm chậm tiến triển của bệnh viêm khớp do vảy nến ở một số người. Methotrexate thường dung nạp tốt ở liều thấp nhưng có thể gây đau bụng, chán ăn và mệt mỏi. Khi sử dụng trong thời gian dài, thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm tổn thương gan nghiêm trọng và giảm sản xuất các tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu;
  • Cyclosporine: thuốc làm ức chế hệ miễn dịch tương tự như methotrexate. Cũng như các thuốc ức chế miễn dịch khác, cyclosporin làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và mắc các bệnh khác, bao gồm ung thư. Bạn cũng dễ mắc các vấn đề về thận và huyết áp cao, nếu dùng thuốc với liều lượng cao hơn và điều trị lâu dài;
  • Thuốc làm thay đổi hệ thống miễn dịch (sinh học): một số loại thuốc miễn dịch được chấp thuận để điều trị bệnh vẩy nến, bao gồm etanercept (Enbrel®), infliximab (Remicade®), adalimumab (Humira®) và ustekinumab (Stelara®). Những thuốc này dùng qua đường truyền tĩnh mạch, tiêm bắp hoặc tiêm dưới da và cho những người không đáp ứng với điều trị truyền thống hoặc mắc viêm khớp tự miễn. Cơ chế hoạt động của thuốc này là ngăn chặn sự tương tác giữa các tế bào của hệ miễn dịch. Mặc dù các thuốc này có nguồn gốc tự nhiên, bạn vẫn cần sử dụng một cách cẩn trọng vì chúng có tác động mạnh mẽ đến hệ thống miễn dịch và khiến bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng. Đặc biệt, người dùng các phương pháp điều trị này phải được loại trừ bệnh lao;
  • Các thuốc khác: thioguanine và hydroxyurea (Droxia®, Hydrea®)được dùng trong trường hợp bạn không dùng các loại thuốc khác;
  • Thuốc thực nghiệm: một số loại thuốc mới đang được nghiên cứu có tiềm năng cải thiện bệnh vẩy nến. Một số phương pháp điều trị đang được xem xét bao gồm chất chủ vận thụ thể adenosine; chống interleukin-17, chống interleukin-12/23 và các chất chống interleukin-17; ức chế Janus kinase (JAK) và chất ức chế phosphodiesterase 4.

Mặc dù các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị dựa vào phân loại, mức độ nghiêm trọng của bệnh vẩy nến và các vùng da ảnh hưởng, các phương pháp truyền thống thường bắt đầu với các phương pháp điều trị nhẹ nhàng nhất – kem bôi và liệu pháp ánh sáng tia cực tím (đèn chiếu) – sau đó chỉ dùng các phương pháp mạnh hơn nếu cần thiết. Mục đích của phương pháp truyền thống là tìm ra cách hiệu quả nhất làm chậm chu kỳ tế bào với tác dụng phụ ít nhất có thể.

Việc điều trị hiệu quả các bệnh vẩy nến thường cần nhiều thời gian và nỗ lực. Vảy nến thường phức tạp và khó dự đoán, đôi khi bệnh có thể cải thiện hoặc trầm trọng tùy từng lúc. Ảnh hưởng của phương pháp điều trị bệnh vảy nến cũng không thể đoán trước vì mỗi người đáp ứng điều trị không giống nhau. Một phương pháp có khi tốt cho người này nhưng có thể không có hiệu quả cho người khác. Làn da cũng có thể kháng với phương pháp điều trị khác nhau theo thời gian. Bạn cũng cần lưu ý là các phương pháp điều trị bệnh vẩy nến mạnh nhất thường có tác dụng phụ nghiêm trọng.

Bạn hãy tham khảo với bác sĩ về các lựa chọn điều trị, đặc biệt nếu tình trạng bệnh không cải thiện sau khi sử dụng phương pháp điều trị cụ thể hoặc gặp các tác dụng phụ khó chịu. Bác sĩ sẽ điều chỉnh các phương pháp thích hợp nhất cho cơ thể.

Chế độ sinh hoạt phù hợp  

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh vảy nến da đầu?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Tắm hàng ngày giúp loại bỏ vảy và làm dịu da viêm. Thêm dầu tắm, bột yến mạch keo vào nước. Bạn cần tránh nước nóng và xà phòng có tính kiềm mạnh vì sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Bạn nên sử dụng xà phòng nhẹ và nước ấm đã thêm các loại dầu và chất béo;
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm cho làn da sau khi tắm, sau đó bạn bôi thuốc mỡ ngay trên chất dưỡng ẩm trong khi làn da vẫn còn ẩm. Đối với da khô, bạn nên dùng dầu vì chúng bám vào da mạnh hơn các loại kem hoặc thuốc nước, làm tăng hiệu quả ngăn ngừa nước bốc hơi từ làn da. Trong thời tiết lạnh, khô, bạn nên bôi kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày;
  • Phơi nắng với ánh sáng mặt trời trong thời gian ngắn có thể cải thiện đáng kể các tổn thương da, nhưng quá nhiều ánh nắng mặt trời sẽ làm bệnh trầm trọng thêm và tăng nguy cơ ung thư da. Trước khi bắt đầu tắm nắng, bạn hãy hỏi bác sĩ về cách sử dụng ánh sáng mặt trời tự nhiên để điều trị vảy nến. Bạn cũng chắc chắn làn da không bị ảnh hưởng với kem chống nắng với SPF ít nhất là 30. Bạn nên bôi nhiều kem chống nắng và bôi lại sau mỗi hai giờ hoặc thường xuyên hơn nếu bạn đang bơi hoặc đổ mồ hôi;
  • Tránh tác nhân gây nên bệnh vẩy nến. Bạn cần tìm hiểu những nguyên nhân gây ra hoặc làm trầm trọng bệnh vẩy nến và thực hiện các bước để ngăn chặn bệnh. Nhiễm trùng, tổn thương da, căng thẳng, hút thuốc lá và phơi nắng gắt có thể làm bệnh vẩy nến trầm trọng thêm;
  • Tránh uống rượu vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị bệnh vẩy nến.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Thu Trang · Ngày cập nhật: 11/05/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo