backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Bệnh da vảy cá

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh · Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


Ngày cập nhật: 05/05/2023

Bệnh da vảy cá

Bệnh da vảy cá là một tình trạng da liễu khiến da khô, bong tróc, gây khó chịu cho người bệnh. Có ít nhất 20 dạng da vảy cá khác nhau, một số dạng trong số đó là bệnh da vảy cá bẩm sinh, số khác là do các rối loạn hệ thống gây ra.

Vậy bệnh da vảy cá là gì? Đâu là các cách điều trị da vảy cá hiệu quả? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây.

Tìm hiểu chung

Bệnh da vảy cá là gì?

Bệnh da vảy cá thường xuất hiện trong giai đoạn sơ sinh (bệnh vảy cá bẩm sinh), nhưng cũng có thể xuất hiện trong giai đoạn trưởng thành do một số bệnh lý hoặc rối loạn hệ thống (bệnh vảy cá mắc phải).

Ở trẻ nhỏ, biểu hiện ban đầu của bệnh khá mơ hồ, với đặc điểm là da khô, gây nhầm lẫn với bệnh viêm da cơ địa. Khi trẻ lớn hơn, các lớp da khô bắt đầu bong tróc và nứt giống như vảy cá.

Tiên lượng của người mắc bệnh vảy cá phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hầu hết những người có da vảy cá sẽ phải điều trị bệnh suốt đời để kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.

Triệu chứng

Triệu chứng bệnh da vảy cá là gì?

bệnh da vảy cá

Các triệu chứng thường gặp của bệnh vảy cá là:

  • Da khô ngứa
  • Da dày, sần trông khá bẩn, thường dễ nhìn thấy ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.
  • Vảy có màu xám hoặc nâu ở mặt trước chân, dưới cánh tay, da đầu, lưng hoặc bụng. Đối với vảy ở mặt, nó thường xuất hiện ở trán và má.
  • Có các vết nứt ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Trong những trường hợp nghiêm trọng, các vết nứt này có thể đủ sâu để gây nhiễm trùng .
  • Những vết sần sùi trên đùi, mông và cánh tay, thường nhầm lẫn với vết thâm do mụn trứng cá.
  • Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh không thể đổ môi được khiến cơ thể quá nóng.

Một số người có biểu hiện da vảy cá nhẹ khiến họ không biết mình mắc bệnh. Họ cho rằng da ngứa do bị khô và chỉ cần dùng kem dưỡng ẩm để cải thiện tình trạng này.

Thực tế, bệnh da vảy cá thường có xu hướng nặng hơn vào thời tiết lạnh và khô. Vào mùa hè, các triệu chứng bệnh thường ít xuất hiện do không khí lúc này ấm và ẩm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh vảy cá là gì?

Bệnh thường có hai dạng chính: bẩm sinh và mắc phải.

Bệnh da vảy cá bẩm sinh

Nguyên nhân gây ra bệnh vảy cá bẩm sinh là do đột biến gen, di truyền từ bố hoặc mẹ của bé. Kiểu gen đột biến và di truyền sẽ phụ thuộc vào loại da vảy cá. Thông thường, ở người trưởng thành, lớp da mới sẽ thay thế lớp da cũ. Tuy nhiên, với người mắc bệnh vảy cá, gen đột biến sẽ làm thay đổi chu kỳ này, khiến:

  • Lớp da mới phát triển nhanh hơn trước khi lớp da cũ chết và bong ra.
  • Lớp da mới phát triển bình thường, nhưng lớp da cũ lại lâu chết và bong ra.
  • Lớp da cũ chết và bong ra nhanh hơn trước khi lớp da mới phát triển.

Bệnh vảy cá mắc phải

Ở người mắc dạng này, nguyên nhân gây bệnh có thể do:

  • Một số rối loạn hệ thống: bệnh phong, suy giáp, u lympho, AIDS, đa u tủy
  • Một số loại thuốc: axit nicotinic, triparanol, butyrophenones

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh da vảy cá?

Việc chẩn đoán bệnh vảy cá thường thực hiện bằng khám trực quan.

Bác sĩ sẽ hỏi bạn bệnh sử gia đình về bệnh ngoài da, độ tuổi lần đầu tiên gặp phải các triệu chứng và các rối loạn da khác.

Bạn cũng nên nói cho họ biết vị trí các mảng da khô xuất hiện để giúp cho việc theo dõi và điều trị hiệu quả.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể làm các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu hoặc sinh thiết da để loại trừ các tình trạng da khác như bệnh vẩy nến, vảy phấn hồng, hoặc các bệnh lý tự miễn khác,…

Các cách điều trị bệnh da vảy cá

điều tri bệnh da vảy cá

Hiện chưa có cách chữa khỏi da vảy cá, việc điều trị chỉ giúp làm giảm các triệu chứng khô, ngứa da cũng như nứt da để tránh nhiễm trùng.

Các bác sĩ da liễu có thể chỉ định một số phương pháp điều trị dưỡng ẩm da phù hợp (chất làm mềm da) ở dạng kem, thuốc mỡ, lotion hoặc dầu tắm. Bạn nên:

  • Thoa chất làm mềm lên da ướt để giữ độ ẩm – lý tưởng là vài phút sau khi tắm
  • Sử dụng đá bọt nhẹ nhàng chà xát da ướt để loại bỏ một số da dày
  • Chải tóc đã gội sạch để loại bỏ vảy trên da đầu

Các sản phẩm tẩy tế bào chết hoặc dưỡng ẩm hữu ích khác bao gồm các sản phẩm có chứa urea 5%-10%, glycerin, propylene glycol, axit lactic và các axit alpha hydroxy khác.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các sản phẩm chứa axit salicylic với nồng độ thấp để tẩy tế bào chết da định kỳ.

Đối với nhiễm trùng da, bác sĩ có thể kê kháng sinh hoặc thuốc sát trùng để điều trị bệnh.

Bệnh da vảy cá có nguy hiểm không?

Các biến chứng liên quan đến bệnh da vảy cá bao gồm:

  • Nhiễm trùng da
  • Trẻ em mắc bệnh này có thể có nguy cơ cao hơn mắc bệnh chàm, hen suyễn, viêm mũi dị ứng theo mùa và nổi mề đay.
  • Bệnh vảy cá có thể gây mất nước, phồng rộp, cơ thể quá nóng, mất calo nhanh chóng và dị ứng da.
  • Ngoài ra, người bệnh có thể bị ảnh hưởng tâm lý do tự ti vẻ ngoài của làn da.
  • Chế độ sinh hoạt phù hợp

    Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn kiểm soát bệnh da vảy cá?

    Tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của da vảy cá, người bệnh có thể sẽ thấy khó khăn khi phải sống chung với bệnh. Tuy nhiên, các mẹo tự chăm sóc sau đây có thể giúp bạn kiểm soát bệnh, cải thiện sức khỏe và tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn:

    • Tắm để tăng thêm độ ẩm cho da và giúp loại bỏ vảy trước khi thoa thuốc bôi.
    • Giữ môi trường nơi ở mát mẻ. Điều này có thể giúp ích cho một số người không chịu được nóng, giảm tiết mồ hôi hoặc ngứa nhiều.
    • Sử dụng máy tạo độ ẩm có thể giúp giữ độ ẩm trong không khí và giữ cho da không bị khô nhiều.
    • Mặc quần áo rộng làm từ các chất liệu như bông, có thể ít gây kích ứng da.
    • Sử dụng bột giặt dành cho da nhạy cảm không chứa nhiều thuốc nhuộm hoặc hương liệu

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

    Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


    Ngày cập nhật: 05/05/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo