backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Ung thư tuyến nước bọt

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Kiến Bình · Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Hoàng Hiệp · Ngày cập nhật: 10/04/2023

Ung thư tuyến nước bọt

Ung thư tuyến nước bọt dường như còn là một căn bệnh xa lạ với nhiều người. Cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Ung thư tuyến nước bọt là gì?

Ung thư tuyến nước bọt là sự phát triển của các tế bào bất thường (khối u) bắt đầu trong các tuyến nước bọt. Các khối u tuyến nước bọt rất hiếm.

Các tuyến nước bọt tạo ra nước bọt, hỗ trợ tiêu hóa, giữ ẩm cho miệng và hỗ trợ răng khỏe mạnh. Bạn có ba cặp tuyến nước bọt chính ở dưới và sau hàm – mang tai, dưới lưỡi và dưới hàm. Nhiều tuyến nước bọt nhỏ khác nằm trong môi, bên trong má, khắp miệng và cổ họng của bạn gọi là các tuyến nước bọt phụ.

Các khối u tuyến nước bọt có thể bắt đầu ở bất kỳ tuyến nước bọt nào. Hầu hết u tuyến nước bọt là lành tính, nhưng đôi khi chúng có thể là ung thư. Hầu hết các khối u tuyến nước bọt xảy ra ở tuyến mang tai (khoảng 80% các trường hợp).

Các loại u tuyến nước bọt

Các bác sĩ phân loại khối u tuyến nước bọt dựa trên loại tế bào liên quan đến khối u. Biết loại khối u tuyến nước bọt mà bạn mắc phải sẽ giúp bác sĩ xác định lựa chọn điều trị nào là tốt nhất.

Các loại khối u tuyến nước bọt (lành tính) bao gồm:

  • U tuyến đa hình
  • U tuyến tế bào đáy
  • U tuyến ống
  • Ung thư biểu mô
  • Khối u warthin

Các loại khối u tuyến nước bọt ung thư (ác tính) bao gồm:

  • Ung thư biểu mô tế bào acinic
  • Ung thư biểu mô tuyến
  • Ung thư biểu mô nang Adeno
  • Khối u hỗn hợp ác tính
  • Ung thư biểu mô tuyến mức độ thấp đa hình
  • Ung thư biểu mô ống nước bọt
  • Ung thư biểu mô tế bào vảy

ung thư tuyến nước bọt

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư tuyến nước bọt là gì?

Các triệu chứng phổ biến của ung thư tuyến nước bọt là:

  • Một khối u hoặc sưng trên, gần hàm, ở cổ hoặc miệng hoặc vùng mang tai
  • Tê một phần khuôn mặt
  • Yếu cơ một bên mặt
  • Đau dai dẳng ở vùng tuyến nước bọt
  • Khó nuốt
  • Khó há to miệng
  • Méo miệng
  • Chảy máu miệng.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Khối u hoặc vùng sưng gần vùng tuyến nước bọt là dấu hiệu thường gặp nhất của khối u tuyến nước bọt nhưng không có nghĩa là bạn bị ung thư. Hầu hết các trường hợp u tuyến nước bọt là lành tính. Nhiều trường hợp lành tính khác gây ra sưng tuyến nước bọt như là nhiễm trùng hay sỏi trong tuyến nước bọt.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra bệnh ung thư tuyến nước bọt?

Các khối u tuyến nước bọt rất hiếm. Bác sĩ không rõ nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến nước bọt là gì. Họ chỉ biết rằng bệnh ung thư tuyến nước bọt xảy ra khi có đột biến ADN ở các tế bào tuyến nước bọt. Các đột biến này làm cho tế bào tăng trưởng và phân chia nhanh chóng. Các tế bào đột biến tiếp tục sống trong khi các tế bào khác sẽ chết, sau đó chúng tích tụ và hình thành khối u có thể xâm lấn các mô xung quanh. Các tế bào ung thư có thể tách rời ra và di căn xa đến các nơi khác trong cơ thể.

triệu chứng ung thư tuyến nước bọt

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến nước bọt?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến nước bọt như là:

  • Lớn tuổi. Mặc dù các khối u tuyến nước bọt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng chúng thường xảy ra ở người lớn tuổi từ 55 tuổi trở lên.
  • Tiếp xúc với phóng xạ. Phóng xạ dùng để điều trị ung thư đầu và cổ làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư tuyến nước bọt
  • Môi trường làm việc tiếp xúc với chất độc. Người làm việc trong môi trường tiếp xúc với chất độc có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư tuyến nước bọt. Các nghề nghiệp liên quan đến bệnh ung thư tuyến nước bọt bao gồm công nghiệp cao su, khai khoáng amiăng hay hàn chì
  • Nhiễm virus. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số loại ung thư tuyến nước bọt hiếm gặp có thể xảy ra phổ biến hơn ở những người bị nhiễm một số loại vi-rút, như vi-rút Epstein-Barr và vi- rút u nhú ở người (HPV). Tuy nhiên, những bệnh nhiễm trùng này không gây ung thư tuyến nước bọt.
  • Hút thuốc lá. Hút thuốc hoặc sử dụng rượu thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh ung thư tuyến nước bọt?

Các xét nghiệm và thủ thuật được dùng để chẩn đoán bệnh ung thư tuyến nước bọt bao gồm:

  • Khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ khám các khối sưng vùng hàm, cổ và họng
  • Chẩn đoán hình ảnh. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể giúp bác sĩ xác định kích thước và vị trí ung thư tuyến nước bọt
  • Sinh thiết. Bác sĩ có thể đề nghị làm sinh thiết để xét nghiệm. Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sẽ đưa kim vào trong vùng nghi ngờ bị ung thư và hút tế bào. Các khối u tuyến nước bọt sẽ được phân tích tại phòng xét nghiệm sau khi phẫu thuật để chẩn đoán.

Sau khi bạn được chẩn đoán mắc ung thư, bác sĩ sẽ xác định ung thư giai đoạn mấy và xác định cách điều trị phù hợp.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh ung thư tuyến nước bọt?

điều trị ung thư tuyến nước bọt

Điều trị bệnh ung thư tuyến nước bọt phụ thuộc vào loại, kích thước và giai đoạn bệnh cũng như tình trạng và mong muốn của bạn. Điều trị bệnh ung thư tuyến nước bọt thường là phẫu thuật có hoặc không kèm xạ trị.

Phẫu thuật

Phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến nước bọt bao gồm:

  • Cắt bỏ phần tuyến nước bọt bị ảnh hưởng. Nếu khối u nhỏ và nằm ở vị trí dễ tiếp cận thì bác sĩ có thể cắt bỏ khối u và một phần nhỏ mô lành xung quanh nó;
  • Cắt toàn bộ tuyến nước bọt. Nếu khối u to, bác sĩ có thể sẽ cắt toàn bộ tuyến nước bọt. Nếu khối u xâm lấn vào các cấu trúc lân cận như là các dây thần kinh mặt, các ống tuyến kết nối với tuyến nước bọt, các xương mặt và da thì những cấu trúc này có thể bị cắt bỏ;
  • Nạo hạch cổ. Nếu có bằng chứng cho thấy ung thư đã lan đến các hạch cổ, bác sĩ có thể sẽ cắt hết hạch cổ (nạo hạch);
  • Phẫu thuật tái tạo. Nếu xương, da hoặc thần kinh bị cắt bỏ trong khi phẫu thuật, những cấu trúc này có thể cần phải được tái tạo. Trong quá trình phẫu thuật tái tạo, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ sẽ chỉnh sửa để cải thiện chức năng nhai, nuốt, nói và thở sau phẫu thuật. Bạn có thể cần phải ghép da, mô hoặc thần kinh từ các bộ phận khác của cơ thể để tái tạo vùng miệng, họng hoặc hàm.

Phẫu thuật tuyến nước bọt có thể khó bởi vì nhiều dây thần kinh quan trọng nằm ở trong và xung quanh các tuyến, ví dụ như dây thần kinh mặt điều khiển các hoạt động của mặt chạy ngay qua tuyến mang tai. Cắt bỏ các khối u xâm lấn các dây thần kinh quan trọng thì sẽ làm tổn thương các dây thần kinh, dẫn đến liệt mặt một phần. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cẩn thận bảo tồn các dây thần kinh này nếu có thể. Trong vài trường hợp, các dây thần kinh bị cắt này được tái tạo bằng các dây thần kinh từ nơi khác của cơ thể.

Các phương pháp điều trị khác

  • Xạ trị. Xạ trị dùng tia có bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Trong quá trình xạ trị, bạn sẽ nằm trên một thiết bị và máy xạ sẽ di chuyển, phát ra tia năng lượng cao vào các vị trí đặc hiệu trên cơ thể. Xạ trị có thể được sử dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Nếu không thể phẫu thuật được bởi vì khối u quá lớn hoặc nằm ở vị trí quá nhiều nguy cơ khi cắt thì xạ trị có thể dùng để điều trị bệnh ung thư tuyến nước bọt.
  • Hóa trị. Hóa trị là dùng hóa chất để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị là phương pháp điều trị bệnh ung thư tuyến nước bọt khi đã tiến triển đến mức di căn khắp nơi trong cơ thể. Hiện tại, hóa trị không phải là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho bệnh này.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh ung thư tuyến nước bọt?

Những người trải qua xạ trị vùng đầu và cổ thường bị khô miệng. Khô miệng có thể gây khó chịu, dẫn đến nhiễm trùng thường xuyên trong miệng, sâu răng, các vấn đề về răng, khó ăn, khó nuốt và nói. Bạn có thể làm giảm khô miệng và các biến chứng nếu:

  • Đánh răng nhiều lần mỗi ngày. Bạn hãy sử dụng bàn chải lông mịn để chải răng nhẹ nhàng nhiều lần mỗi ngày và báo cho bác sĩ nếu miệng trở nên quá nhạy cảm ngay cả khi đánh răng nhẹ nhàng.
  • Súc miệng bằng nước muối ấm sau bữa ăn. Bạn pha dung dịch nước ấm và muối, sau đó súc miệng bằng dung dịch này sau mỗi bữa ăn.
  • Giữ ẩm miệng bằng nước hoặc kẹo không đường. Bạn hãy uống nước đầy đủ để giữ ẩm miệng, nhai kẹo cao su hoặc kẹo không đường để kích thích miệng tiết nước bọt.
  • Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có tính axit hoặc nhiều gia vị. Bạn hãy chọn thực phẩm và đồ uống không gây kích ứng miệng.
  • Tránh sử dụng đồ uống có chứa cafein và cồn
  • Chọn thực phẩm ẩm. Bạn hãy tránh các loại thực phẩm khô và làm ẩm thực phẩm khô với nước sốt, nước thịt, nước dùng, bơ hoặc sữa khi ăn.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Kiến Bình

Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Hoàng Hiệp · Ngày cập nhật: 10/04/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo