backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Ung thư mô mỡ có nguy hiểm không?

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 19/03/2021

Ung thư mô mỡ có nguy hiểm không?

Ung thư mô mỡ là một dạng ung thư mô mềm hiếm gặp có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân nếu không được điều trị kịp thời. Cũng như các loại ung thư khác, ung thư mỡ có thể khu trú hoặc di căn sang các khu vực khác trong cơ thể.  

Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu về bệnh ung thư mô mỡ, triệu chứng cũng như những phương pháp điều trị căn bệnh này trong bài viết dưới đây nhé!

Tìm hiểu chung

Ung thư mô mỡ là bệnh gì?

Ung thư mô mỡ hay ung thư mỡ là loại ung thư hình thành trong các tế bào mỡ và được xếp vào loại ung thư mô mềm. Loại ung thư này có thể phát triển trong các tế bào mỡ ở bất kỳ phần nào của cơ thể, nhưng thường gặp ở chân, tay hoặc bụng. Ung thư mỡ có nhiều loại khác nhau. Một số loại phát triển chậm và các tế bào chỉ khu trú trong một khu vực nhất định. Một số loại khác lại tăng trưởng rất nhanh và có thể lan rộng sang các khu vực khác.

Ung thư mô mỡ có phổ biến không?

Đây là một bệnh hiếm gặp, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, người lớn tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bạn có thể thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư mô mỡ?

Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư mỡ thay đổi tùy theo bộ phận bị ảnh hưởng.

Ung thư mô mỡ hình thành ở tay và chân có thể gây ra:

  • Một khối u ngày càng to dưới da
  • Đau
  • Sưng
  • Các chi bị tổn thương trở nên yếu dần

Ung thư mô mỡ hình thành ở bụng có thể gây ra:

  • Đau bụng
  • Sưng đau hoặc tê ở khu vực xung quanh cục u
  • Cảm thấy chóng no khi ăn
  • Táo bón
  • Phân đen hoặc có máu trong phân
  • Nôn ra máu
  • Bụng cảm thấy to hơn

Triệu chứng ung thư mô mỡ

Bạn có thể gặp phải các triệu chứng khác không được đề cập đến của bệnh. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nêu trên hoặc có câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ung thư mô mỡ là gì?

Nguyên nhân gây ung thư mô mỡ chưa được biết rõ. Các bác sĩ biết rằng tình trạng này hình thành khi một tế bào mỡ phát triển lỗi (đột biến) trong mã di truyền của nó. Các đột biến này làm tế bào nhân lên nhanh chóng và sống lâu hơn bình thường. Những tế bào bất thường sẽ tích lũy và hình thành khối u.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc ung thư mô mỡ?

Nguyên nhân gây ung thư mô mỡ

Ung thư mỡ có xu hướng xuất hiện ở những người trong độ tuổi từ 50-65. Ngoài ra, nhiều yếu tố nguy cơ khác có thể góp phần hình thành bệnh lý này như:

  • Một số hội chứng di truyền nhất định như bệnh u sợi thần kinh hoặc hội chứng Li-Fraumeni
  • Tiếp xúc với bức xạ trong khi điều trị các bệnh ung thư khác
  • Tiếp xúc với một số hóa chất
  • Gặp vấn đề với hệ bạch huyết trong cơ thể
  • Tiền sử gia đình có người mắc ung thư mỡ hoặc các loại ung thư mô mềm khác

Chẩn đoán & Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán ung thư mô mỡ?

Bác sĩ có thể làm sinh thiết để kiểm tra xem liệu bạn có bị ung thư mỡ hay không. Sinh thiết được thực hiện bằng cách phẫu thuật hoặc nội soi để lấy một phần mô mỡ nghi ngờ. Sau đó, họ sẽ kiểm tra mẫu mô sinh thiết dưới kính hiển vi để tìm kiếm các tế bào ung thư. Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm thêm để đánh giá sự tiến triển và mức độ di căn của bệnh. Các xét nghiệm này có thể bao gồm X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc siêu âm.

Những phương pháp dùng để điều trị ung thư mô mỡ?

Điều trị ung thư mô mỡ

Một số phương pháp có thể được sử dụng để điều trị loại ung thư này, bao gồm:

  • Phẫu thuật: Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ tất cả các tế bào ung thư. Bất cứ khi nào có thể, phẫu thuật viên sẽ cắt bỏ toàn bộ khối u của bạn. Nếu ung thư di căn sang các cơ quan khác, việc cắt bỏ toàn bộ khối u có thể khó thực hiện. Khi đó, bác sĩ có thể đề nghị tiến hành các phương pháp điều trị thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật.
  • Xạ trị: Xạ trị sử dụng chùm tia năng lượng cao như tia X và proton để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể được dùng sau phẫu thuật để giết các tế bào ung thư còn lại. Đôi khi, phương pháp này cũng được thực hiện trước khi phẫu thuật nhằm thu nhỏ khối u, giúp phẫu thuật cắt bỏ khối u được dễ dàng hơn.
  • Hóa trị: Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Không phải tất cả các loại ung thư mô mỡ đều nhạy cảm với thuốc hóa trị. Bác sĩ sẽ phân tích cẩn thận các tế bào ung thư của bạn để xác định xem liệu thuốc có tác dụng hay không. Hóa trị có thể được sử dụng sau phẫu thuật để giết các tế bào ung thư còn sót lại hoặc trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u. Phương pháp này đôi khi được kết hợp với xạ trị.
  • Các thử nghiệm lâm sàng: Thử nghiệm lâm sàng cung cấp cơ hội để bạn thử các phương pháp điều trị mới nhất. Hãy hỏi bác sĩ xem liệu bạn có đủ điều kiện để tham gia các thử nghiệm lâm sàng hay không.

Tiên lượng của ung thư mô mỡ là gì?

Ung thư mỡ sẽ đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Các tế bào ung thư cũng có thể di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể và gây ảnh hưởng đến chức năng của chúng.

Ngay cả sau khi điều trị, ung thư vẫn có thể trở lại. Vì vậy, bạn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bạn sẽ phải tiến hành các xét nghiệm để xem liệu tình trạng ung thư có tái phát hay không. Nếu bạn thấy bất kỳ cục u nào dưới da hoặc ở những vị trí khác trên cơ thể, hãy báo ngay với bác sĩ.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý ung thư mô mỡ?

Hiện tại, chưa có cách phòng tránh ung thư mô mỡ hiệu quả. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn ngừa tình trạng này bằng cách:

  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ có thể hình thành ung thư
  • Tầm soát và kiểm tra ung thư thường xuyên nếu bạn gặp phải các hội chứng di truyền hoặc các vấn đề với hệ bạch huyết.

Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 19/03/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo