backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Ung thư biểu mô tế bào vảy

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Ngày cập nhật: 17/11/2022

Ung thư biểu mô tế bào vảy

Ung thư biểu mô tế bào vảy da là một dạng ung thư da phổ biến. Bệnh gây ra nhiều vấn đề khác nhau trên da. Nhận biết các dấu hiệu của bệnh sẽ giúp bạn phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bạn đã biết về dấu hiệu ung thư biểu mô tế bào vảy ra? Nếu chưa, hãy cùng tìm hiểu ngay.

Tìm hiểu chung

Ung thư biểu mô tế bào vảy (carcinoma vảy) là gì?

Ung thư biểu mô tế bào vảy là một dạng ung thư da phổ biến, xảy ra khi các tế bào vảy tăng trưởng mất kiểm soát. Đây là các tế bào tạo nên lớp giữa và lớp ngoài của da.

Tế bào vảy có mặt ở khắp nơi trên da nên ung thư da tế bào vảy cũng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu có sự hiện diện của tế bào này.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư biểu mô tế bào vảy là gì?

Dấu hiệu ung thư biểu mô tế bào vảy

Hình ảnh ung thư tế bào vảy

Ung thư biểu mô vảy trên da thường xuất hiện nhiều nhất ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như da đầu, mu bàn tay, tai hoặc môi.

Các triệu chứng phổ biến của loại ung thư này là:

  • Một nốt đỏ, chắc
  • Một mảng tróc vảy, phẳng và đau
  • Một mảng đau mới nổi lên trên một vết sẹo hoặc vết loét
  • Một mảng thô ráp, có vảy ở trên môi, có thể phát triển thành một vết loét hở
  • Một vết loét màu đỏ, đau hoặc thô ráp bên trong miệng
  • Một mảng màu đỏ, nổi lên giống như mụn cóc trên hoặc trong hậu môn hoặc bộ phận sinh dục.
  • Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

    Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn có một nốt đau hoặc vảy không lành trong khoảng hai tháng hoặc một miếng da phẳng có vảy không biến mất.

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân nào gây ra ung thư biểu mô tế bào vảy là gì?

    Ung thư biểu mô tế bào vảy của da xảy ra khi các tế bào vảy mỏng và phẳng ở lớp ngoài của da phát triển các đột biến trong ADN của chúng.

    Thông thường, các tế bào mới sẽ đẩy các tế bào cũ về phía bề mặt da. Lúc này, các tế bào cũ chết đi và tróc ra. Tuy nhiên, các đột biến sẽ phá vỡ mô hình có trật tự này, khiến các tế bào phát triển ngoài tầm kiểm soát dẫn đến ung thư. Vậy, nguyên nhân gây quá sản biểu mô vảy là gì?

    Nguyên nhân gây ung thư biểu mô tế bào vảy

    Phần lớn các tổn thương ADN trên tế bào da là kết quả từ bức xạ tia cực tím (UV) có trong ánh sáng mặt trời, đèn làm rám da và giường tắm nắng.

    Bên cạnh đó, các yếu tố khác có thể góp phần gây ung thư da như tiếp xúc với các hóa chất độc hại hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu.

    Những yếu tố làm tăng nguy cơ quá sản biểu mô vảy là gì?

    Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư biểu mô tế bào vảy như:

    • Da sáng màu. Bất cứ ai cũng có thể bị ung thư biểu mô tế bào vảy của da. Tuy nhiên, người có ít sắc tố (melanin) trong da làm giảm khả năng bảo vệ da trước những tổn thương do tia UV.
    • Màu tóc và màu mắt sáng. Nếu có tóc vàng hoặc đỏ, mắt sáng màu và dễ bị tàn nhang hoặc cháy nắng, bạn có nhiều khả năng phát triển ung thư da hơn người có làn da sẫm màu.
    • Phơi nắng quá mức. Tiếp xúc với ánh sáng tia cực tím từ mặt trời làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy của da. Dành nhiều thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đặc biệt nếu không che chắn da bằng quần áo hoặc sử dụng kem chống nắng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
    • Sử dụng giường tắm nắng. Những người sử dụng giường tắm nắng trong nhà sẽ có nguy cơ cao bị ung thư biểu mô tế bào vảy của da.
    • Có tiền sử bị cháy nắng. Nếu bạn có một hoặc nhiều vết phồng rộp do cháy nắng lúc còn nhỏ thì có nhiều nguy cơ cao phát triển thành ung thư biểu mô vảy khi trưởng thành. Cháy nắng ở tuổi trưởng thành cũng là một yếu tố nguy cơ.
    • Từng có những tổn thương tiền ung thư da. Nếu có một tổn thương tiền ung thư da như dày sừng quang hóa hay bệnh Bowen, thì bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
    • Có tiền sử bị ung thư da. Nếu bạn đã bị ung thư biểu mô tế bào vảy một lần, bệnh có nhiều khả năng tái phát một lần nữa.
    • Hệ miễn dịch suy yếu. Người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư da, bao gồm những người mắc bệnh bạch cầu hoặc ung thư hạch bạch huyết và những người dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch như những người trải qua cấy ghép nội tạng.
    • Rối loạn di truyền hiếm gặp. Những người bị bệnh khô da nhiễm hắc sắc tố, cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng mặt trời sẽ có nguy cơ cao phát triển ung thư da.

    Chẩn đoán & điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào vảy?

    Các xét nghiệm và thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào vảy của da bao gồm:

    • Khám sức khỏe. Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi về bệnh sử và kiểm tra da của bạn để tìm kiếm các dấu hiệu ung thư biểu mô tế bào vảy của da.
    • Lấy một mẫu mô để thử nghiệm. Để chẩn đoán xác định bệnh, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ vùng da nghi ngờ tổn thương (sinh thiết). Loại sinh thiết da được thực hiện tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi người. Các mô sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra.

    Những phương pháp nào dùng để điều trị carcinoma vảy?

    Điều trị ung thư biểu mô tế bào vảy

    Ung thư biểu mô tế bào vảy thường được điều trị bằng tiểu phẫu, có thể được thực hiện ngay tại phòng khám hoặc bệnh viện. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của ung thư, bác sĩ có thể chọn các kỹ thuật sau đây để loại bỏ chúng:

    Phương pháp điều trị ung thư da nhỏ

    Nếu khối u rất nhỏ và ít có nguy cơ lây lan, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng các phương pháp điều trị ít xâm lấn cho bạn, bao gồm:

    • Curret và đốt điện (C và D): Việc điều trị bằng phương pháp C và D thường áp dụng cho các trường hợp ung thư nhỏ và rất nông trên da. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ loại bỏ phần bề mặt của khối u bằng dụng cụ nạo và sau đó cắt bỏ phần gốc của chúng bằng kim điện.
    • Liệu pháp laser: Một chùm ánh sáng cường độ cao sẽ được chiếu vào khối u để giúp tiêu diệt chúng mà không gây tổn thương các mô xung quanh.
    • Phẫu thuật lạnh: Các tế bào ung thư sẽ được đông lạnh bằng nitơ lỏng. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ nạo để loại bỏ phần bề mặt khối u.
    • Liệu pháp quang đông: Liệu pháp này kết hợp thuốc cảm quang và ánh sáng để điều trị ung thư ở bề mặt da.

    Phương pháp điều trị ung thư da lan rộng

    • Cắt bỏ đơn giản: Bác sĩ sẽ cắt bỏ các mô ung thư và một ít da khỏe mạnh xung quanh nó
    • Phẫu thuật Mohs: Bác sĩ sẽ loại bỏ từng lớp da bị tổn thương và sau đó kiểm tra da đã cắt dưới kính hiển vi cho đến khi không còn tế bào bất thường nào nữa.
    • Xạ trị: Xạ trị sử dụng chùm tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị đôi khi được sử dụng sau phẫu thuật nếu nguy cơ tái phát ung thư cao. Đây cũng là lựa chọn cho các bệnh nhân không thể phẫu thuật.

    Phương pháp điều trị ung thư da di căn

    Khi ung thư biểu mô tế bào vảy di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, bác sĩ thường sẽ khuyến nghị dùng thuốc để điều trị:

    • Hóa trị: Phương pháp hóa trị sử dụng các loại thuốc mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư. Nếu ung thư lan đến hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác, bác sĩ có thể sử dụng hóa trị kết hợp với phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như thuốc nhắm mục tiêu hoặc xạ trị.
    • Điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu: Các thuốc này nhắm vào những mục tiêu cụ thể trên tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn một số điểm trên tế bào, thuốc có thể tiêu diệt chúng.
    • Liệu pháp miễn dịch: Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị bằng thuốc giúp củng cố hệ thống miễn dịch để chống lại ung thư.

    Phòng ngừa

    Những biện pháp nào giúp phòng ngừa ung thư biểu mô tế bào vảy?

    Lối sống và một số phương pháp sau có thể giúp bạn ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào vảy:

    • Tránh ánh nắng mặt trời trong thời gian giữa ngày (từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều)
    • Thoa kem chống nắng thường xuyên. Sử dụng kem chống nắng phổ rộng với SPF ít nhất là 30. Bạn nên bôi kem chống nắng nhiều lần và bôi lại sau mỗi hai giờ hoặc bôi thường xuyên hơn nếu bạn đang bơi lội hoặc đổ nhiều mồ hôi. Sử dụng một lượng lớn kem chống nắng trên tất cả các vùng da tiếp xúc với ánh sáng kể cả dái tai, lưng bàn tay và cổ.
    • Mặc quần chống nắng. Che chắn da bằng quần áo dệt khít, tối màu, che cả tay và chân, đội mũ rộng vành sẽ giúp bảo vệ da tốt hơn.
    • Tránh giường tắm nắng. Giường làm rám da phát ra tia UV và có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư da.
    • Kiểm tra da thường xuyên và báo cáo các thay đổi với bác sĩ. Kiểm tra da thường xuyên để phát hiện sớm các khối u mới trên da hoặc các thay đổi của nốt ruồi, tàn nhang, u cục và vết bớt. Kiểm tra mặt, cổ, tai và da đầu qua gương. Kiểm tra ngực và thân người, các đầu và mặt dưới của cánh tay và bàn tay. Kiểm tra cả hai mặt trước và mặt sau của chân và bàn chân, bao gồm lòng bàn chân và các khe giữa các ngón chân. Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra bộ phận sinh dục và khe mông.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Ban biên tập Hello Bacsi


    Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Ngày cập nhật: 17/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo