backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Ung thư tuyến giáp

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Kiến Bình · Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 24/07/2023

Ung thư tuyến giáp

Theo Globocan, mỗi năm có đến hơn 160.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp, khiến bệnh xếp thứ 9 trong số các loại ung thư ảnh hưởng đến nữ giới. Trong khi đó, căn bệnh ác tính này xếp thứ 20 trong các dạng ung thư ở nam với khoảng 50.000 ca bệnh mới mỗi năm.
Thực tế, so với các dạng ung thư khác, ung thư tuyến giáp có tiên lượng tương đối tốt. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi bạn sớm phát hiện và điều trị bệnh. Vậy, làm thế nào để nhận biết căn bệnh này? Đâu là giải pháp điều trị tốt nhất? Mời bạn cùng tìm kiếm câu trả lời qua bài viết dưới đây.

Tìm hiểu chung

Ung thư tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp và bệnh ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp xảy ra khi có sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp. Tuyến giáp nằm ở phía trước và trung tâm vùng cổ, có vai trò tạo ra hormone (T3, T4, TSH) để kiểm soát sự trao đổi chất. Tế bào ở tuyến giáp được gọi là tế bào nang và tế bào cận nang, trong đó:
  • Ung thư bắt nguồn từ tế bào nang gọi là ung thư tuyến giáp thể nhú, ung thư thể nang và ung thư không biệt hóa. Ung thư thể nhú là loại thường gặp nhất, xuất hiện ở những người trẻ. Ung thư thể nang thường xuất hiện ở người già. Ung thư không biệt hóa là loại nguy hiểm nhất, tiến triển nhanh nhất và khó điều trị nhất, do đó thời gian sống còn cũng ngắn nhất.
  • Nếu ung thư bắt đầu từ tế bào cận nang thì gọi là ung thư mô thể tủy. Ung thư thể tủy thường xuất hiện dưới dạng ung thư độc lập hoặc trong gia đình, theo dạng di truyền.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư tuyến giáp là gì?

Các dấu hiệu ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu thường không rõ ràng. Nếu có, dấu hiệu đầu tiên thường là sự xuất hiện của khối u tuyến giáp. Khi ung thư tiến triển, bạn sẽ có các dấu hiệu sau:

  • Một khối u dưới da cổ có thể cảm nhận được
  • Thay đổi giọng nói, bao gồm giọng nói khàn hơn
  • Khó nuốt và thở
  • Đau ở cổ và cổ họng
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ

Đối với dạng ung thư thể nhú, bệnh chỉ được phát hiện khi bác sĩ làm xét nghiệm hình ảnh cho các tình trạng sức khỏe khác hoặc khám sức khỏe.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các triệu chứng, dấu hiệu ung thư tuyến giáp được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp là gì?

Bất kỳ thay đổi bất thường nào trong tế bào tuyến giáp cũng đều có thể góp phần dẫn đến bệnh. Hiện nay chưa rõ lý do chính xác tại sao điều này xảy ra. Tất cả các loại ung thư đều bắt đầu với những thay đổi trong ADN của tế bào. Sự thay đổi trong ADN làm cho quá trình tái tạo các tế bào không kiểm soát được, tạo ra các tế bào tăng trưởng bất thường, từ đó hình thành khối u.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Vì bệnh sẽ gây ảnh hưởng suốt đời dù đã điều trị, bạn nên đi khám nếu có một trong các yếu tố sau đây để kịp thời phát hiện và phòng ngừa, chữa trị, hạn chế ảnh hưởng về sau. Các yếu tố nguy cơ có thể bao gồm:

  • Giới tính: ung thư tuyến giáp thường gặp ở nữ giới hơn nam giới
  • Tiếp xúc với chất phóng xạ có nồng độ cao: bao gồm việc điều trị bức xạ ở đầu, cổ và bụi phóng xạ từ các nguồn như nhà máy điện hạt nhân hoặc thử nghiệm vũ khí
  • Một số hội chứng gen di truyền: có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp bao gồm ung thư tuyến giáp thể tủy trong gia đình, tân sinh đa tuyến nội tiết (hội chứng MEN) và hội chứng ung thư đại tràng di truyền.
  • Béo phì
  • Có các tình trạng tuyến giáp khác (ngoại trừ suy giápcường giáp), chẳng hạn như tuyến giáp bị viêm (viêm tuyến giáp) hoặc bướu cổ.

Biến chứng

Ung thư tuyến giáp có nguy hiểm không?

Mặc dù được điều trị, ung thư vẫn có thể quay trở lại, ngay cả khi bạn đã cắt bỏ tuyến giáp. Điều này có thể xảy ra nếu các tế bào ung thư vi thể lan ra ngoài tuyến giáp trước khi nó được loại bỏ.

Các khối u ở tuyến giáp có thể tái phát trong:

  • Hạch bạch huyết ở cổ
  • Những mô tuyến giáp nhỏ còn sót lại trong quá trình phẫu thuật
  • Các khu vực khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi và xương

Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu định kỳ hoặc xét nghiệm hình ảnh tuyến giáp để kiểm tra các dấu hiệu tái phát ung thư.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế dùng để chẩn đoán ung thư tuyến giáp là gì?

Điều trị ung thư tuyến giáp

Bác sĩ có thể chẩn đoán ung thư tuyến giáp khi tìm thấy khối u ở tuyến giáp trong lúc kiểm tra sức khỏe tổng quát. Để có kết quả chính xác hơn, bác sĩ sẽ yêu cầu lấy tế bào từ khối u bằng phương pháp sinh thiết và quan sát dưới kính hiển vi.

Ngoài ra, các xét nghiệm khác cũng có thể được đề nghị:

  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp
  • Xét nghiệm thyroglobulin và calcitonin, được sử dụng chẩn đoán ung thư tuyến giáp thể tủy
  • Siêu âm tuyến giáp
  • Chụp xạ hình tuyến giáp
  • Kiểm tra mức canxi trong máu
  • Mức độ phốt pho trong máu
  • Nội soi thanh quản

Ung thư tuyến giáp có chữa được không?

Ung thư tuyến giáp có chữa được không? Phương pháp chữa trị sẽ được lựa chọn dựa trên sự phát triển của ung thư, vị trí u cũng như sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Ba phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp chính, bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.

Hầu hết các ung thư tuyến giáp đều được chữa khỏi.

Bạn có thể quan tâm: Ung thư tuyến giáp có chữa được không?

Đối với các khối u nhỏ, nguy cơ di căn là rất thấp, nên bác sĩ có thể chưa điều trị vội mà sẽ theo dõi bệnh chặt chẽ. Họ có thể được yêu cầu làm xét nghiệm máu hoặc siêu âm ở cổ 2 lần mỗi năm.

Ở một số người, ung thư có thể không bao giờ phát triển, do đó không cần điều trị. Đối với các trường hợp khác, khi khối u tiến triển, bác sĩ sẽ bắt đầu điều trị. Các giải pháp phổ biến có thể kể đến như sau:

Phẫu thuật

Hầu hết những người có u tuyến giáp ác tính đều làm phẫu thuật để loại bỏ toàn bộ hoặc một thùy tuyến giáp. Bác sĩ sẽ chỉ định loại phẫu thuật phù hợp dựa vào loại ung thư, kích thước khối u, ung thư đã di căn chưa, kết quả siêu âm toàn bộ tuyến giáp.

Các phương pháp mổ ung thư tuyến giáp gồm:

  • Cắt bỏ tất cả hoặc hầu hết tuyến giáp (cắt tuyến giáp).
  • Cắt bỏ một phần của tuyến giáp (cắt thùy tuyến giáp).
  • Loại bỏ các hạch bạch huyết ở cổ (nạo/vét hạch bạch huyết vùng cổ).

Liệu pháp thay thế hormone giáp trạng

Sau khi cắt tuyến giáp, bạn có thể cần dùng thuốc hormone tuyến giáp levothyroxine suốt đời.

Thuốc này có hai lợi ích: Nó cung cấp hormone bị thiếu mà tuyến giáp thường sản xuất và ngăn chặn việc sản xuất hormone kích thích tuyến giáp (TSH) từ tuyến yên. Nồng độ TSH cao có thể kích thích bất kỳ tế bào ung thư còn lại phát triển.

Liệu pháp Iod phóng xạ

Phương pháp iod phóng xạ thường được sử dụng sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp để tiêu diệt bất kỳ mô tuyến giáp khỏe mạnh xung quanh khu vực khối u, cũng như các vùng ung thư tuyến giáp vi thể không được loại bỏ trong quá trình phẫu thuật. Điều trị bằng iod phóng xạ cũng có thể được sử dụng để điều trị ung thư tuyến giáp tái phát.

Xạ trị ngoài

Liệu pháp xạ trị ngoài có thể được khuyến nghị nếu bạn không thể làm phẫu thuật và ung thư tiếp tục phát triển sau khi điều trị bằng iod phóng xạ. Bác sĩ cũng đề nghị liệu pháp này sau phẫu thuật nếu bạn có nguy cơ tái phát ung thư.

Hóa trị

Hóa trị không được sử dụng phổ biến trong điều trị dạng ung thư này, nhưng đôi khi nó được khuyên dùng cho những người bị ung thư tuyến giáp không biệt hóa (anaplastic). Lúc này, người bệnh có thể cần kết hợp với xạ trị.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích tập trung vào những bất thường cụ thể có trong tế bào ung thư. Bằng cách ngăn chặn những bất thường này, phương pháp điều trị bằng thuốc có thể khiến các tế bào ung thư chết hoặc ngừng phát triển.

Tiên lượng

Ung thư tuyến giáp sống được bao lâu?

Tiên lượng sống phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như loại và giai đoạn ung thư được chẩn đoán, tuổi tác và tình hình sức khỏe của bệnh nhân, khả năng đáp ứng với điều trị. Theo một số liệu thống kê trung bình tại Anh, tỷ lệ sống sót cho bệnh ung thư tuyến giáp là:

  • Hơn 90% trường hợp có thể sống sót trong ít nhất 1 năm sau khi chẩn đoán.
  • Gần 85% bệnh nhân sống sót sau ung thư tuyến giáp trong ít nhất 5 năm.
  • Khoảng 85% bệnh nhân sống sót sau ung thư trong 10 năm hoặc hơn sau khi chẩn đoán.

Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để biết ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu sống được bao lâu hay ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 sống được bao lâu trong trường hợp cụ thể của bản thân nhé!

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa ung thư tuyến giáp?

Những thói quen giúp hạn chế diễn tiến của ung thư tuyến giáp

Bạn nên nhớ rằng càng sớm phát hiện ung thư thì bạn càng có nhiều cơ hội chữa lành. Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh, cần hạn chế sự lan rộng của khối ung thư để việc chữa trị dễ dàng hơn. Những thói quen sinh hoạt sau sẽ giúp hạn chế diễn tiến của bệnh, bao gồm:

  • Liên hệ với bác sĩ nếu bạn cảm thấy có bướu ở cổ hay khàn giọng
  • Tìm một bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm trong việc phẫu thuật tuyến giáp
  • Uống thuốc theo đơn kê của bác sĩ

Trong trường hợp thuốc quá mạnh hoặc quá yếu đối với cơ thể, các triệu chứng sau có thể xảy ra:

  • Liều thuốc quá mạnh: run tay, tiêu chảy, đổ mồ hôi hay hồi hộp
  • Liều thuốc quá yếu: xuất hiện các triệu chứng cảm lạnh, bị khàn giọng hoặc bị táo bón

Ngoài ra, bạn có thể tham gia khám tầm soát ung thư tuyến giáp để có thể gia tăng cơ hội tránh được bệnh này. Phòng bệnh luôn luôn hơn chữa bệnh. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Trần Kiến Bình

Ung thư - Ung bướu · BV Ung Bướu TP. Cần Thơ


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 24/07/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo