backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Trĩ nội có huyết khối

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 13/01/2020

Trĩ nội có huyết khối

Tìm hiểu chung

Bệnh trĩ nội có huyết khối là gì?

Bệnh trĩ xảy ra khi các đám rối tĩnh mạch quanh hậu môn giãn quá mức. Hầu như mọi người đều bị trĩ, nhưng thường không có vấn đề gì nếu búi trĩ không sưng lên. Khi trĩ sưng, bạn có thể bị ngứa và đau quanh hậu môn, khiến cho quá trình nhu động ruột không thoải mái.

Trĩ nội có huyết khối là khi cục máu đông hình thành bên trong búi trĩ. Tình trạng này không nguy hiểm, nhưng nó có thể khiến người bệnh đau đớn.

Triệu chứng bệnh

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh trĩ nội có huyết khối là gì?

Bệnh trĩ nội có huyết khối có thể khiến người bệnh rất đau khi đi bộ, ngồi hoặc đi vệ sinh.

Các triệu chứng khác của bệnh trĩ nội có huyết khối gồm:

  • Ngứa xung quanh hậu môn
  • Đi ngoài ra máu
  • Sưng hoặc có cục u quanh hậu môn
  • Nếu bị sốt cùng với đau và sưng quanh hậu môn, bạn có thể bị áp xe.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây bệnh trĩ nội có huyết khối?

Bạn có thể bị trĩ khi áp lực máu ở tĩnh mạch búi trĩ tăng lên. Nguyên nhân của áp lực này bao gồm:

  • Dùng quá nhiều sức khi bạn đi tiêu, đặc biệt nếu bạn bị táo bón
  • Bệnh tiêu chảy
  • Nhu động ruột không đều
  • Mang thai: áp lực từ thai nhi lên tĩnh mạch hoặc áp lực trong quá trình sinh nở
  • Ngồi trong khoảng thời gian dài

Tuy nhiên, một số trường hợp bác sĩ vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây trĩ nội có huyết khối.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ nội có huyết khối?

Thực tế, bệnh trĩ là tình trạng rất phổ biến. Cứ 4 người sẽ có 3 người mắc trĩ một lần trong đời. Một số yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cao bị bệnh trĩ như:

  • Táo bón do không ăn đủ chất xơ hoặc do mắc một tình trạng sức khỏe
  • Đang mang thai
  • Ngồi trong thời gian dài, ít vận động
  • Người lớn tuổi vì lão hóa có thể làm suy yếu các mô giữ trĩ

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh trĩ nội có huyết khối?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bị đau hoặc ngứa quanh hậu môn hoặc nếu bạn bị chảy máu khi đi tiêu. Chảy máu cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh ung thư đường tiêu hóa (GI), do đó bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và bệnh sử của bạn. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ có thể đưa một ngón tay được đeo găng và bôi trơn vào trực tràng của bạn để cảm nhận bất kỳ cục u hoặc tăng trưởng nào.

Nếu bạn có dấu hiệu hoặc nguy cơ bị ung thư ruột già, bạn có thể cần một số xét nghiệm hình ảnh sau để bác sĩ quan sát rõ hơn ruột già:

  • Nội soi đại tràng sigma: Bác sĩ chèn một thiết bị nội soi đại tràng chuyên dụng vào cơ thể bạn để quan sát rõ hơn phần dưới của đại tràng. Xét nghiệm này cho phép bác sĩ tìm kiếm sự tăng trưởng tiền ung thư (polyp) và các thay đổi khác trong đại tràng.
  • Nội soi đại tràng: Bác sĩ sử dụng thiết bị nội soi để quan sát toàn bộ chiều dài của đại tràng.

Những phương pháp nào giúp điều trị trĩ nội có huyết khối?

Phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh trĩ có huyết khối là phẫu thuật cắt bỏ huyết khối. Đối với thủ thuật này, bạn sẽ được gây mê trong lúc bác sĩ sẽ cắt bỏ huyết khối trong trĩ và dẫn lưu máu.

Phương pháp này có thể mang lại hiệu quả nhất nếu được thực hiện một vài ngày sau khi cục máu đông phát triển trong búi trĩ.

Nếu phẫu thuật cắt bỏ huyết khối không hiệu quả, có thể phải phẫu thuật. Có một loạt các lựa chọn phẫu thuật có sẵn, bao gồm:

  • Cắt trĩ: Đây là một phẫu thuật để loại bỏ búi trĩ, bao gồm các mạch máu và cục máu đông. Phương pháp này xâm lấn hơn các phương pháp khác, vì vậy chỉ được thực hiện trong trường hợp nghiêm trọng.
  • Thắt trĩ bằng vòng cao su: Bác sĩ sẽ thắt đáy búi trĩ bằng một cao su để cắt đứt dòng máu chảy đến búi trĩ và khiến nó co lại trong khoảng vài tuần.
  • Cắt trĩ bằng kẹp: Còn được gọi là cắt trĩ bằng phương pháp Longo hay PPH. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng một kẹp tròn chuyên dụng để loại bỏ các búi trĩ có vấn đề.

Ngoài ra, một số biện pháp tại nhà có thể giúp bạn giảm đau và khó chịu do trĩ gây ra:

  • Kem bôi trĩ: bạn có thể dùng kem bôi trĩ không kê đơn có thể giúp giảm triệu chứng bệnh.
  • Thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp bạn giảm bớt đau và khó chịu do búi trĩ gây ra.
  • Tắm ngồi: bạn ngâm khu vực bị ảnh hưởng trong nước ấm nhiều lần trong ngày và nhẹ nhàng lau khô để giúp giảm triệu chứng.
  • Chườm một miếng gạc lạnh hoặc túi nước đá vào vùng bị ảnh hưởng có thể làm giảm đau và viêm.
  • Witch hazel (nước cây phỉ): nước cây phỉ có thể làm giảm ngứa và đau ở khu vực bị ảnh hưởng.
  • Sử dụng khăn lau: bạn có thể sử dụng khăn ướt để lau hậu môn thay vì giấy vệ sinh để làm giảm ma sát và ít gây kích ứng ở khu vực bị ảnh hưởng.
  • Nha đam: nha đam có đặc tính chống viêm do đó có thể làm giảm viêm ở khu vực bị ảnh hưởng.
  • Thuốc làm mềm phân: bạn có thể sử dụng các thuốc làm mềm phân hoặc ăn nhiều chất xơ để điều trị bệnh trĩ tại nhà. Điều này sẽ giúp bạn đi tiêu dễ dàng hơn.
  • Mặc quần áo cotton rộng: mặc quần áo cotton rộng có thể làm giảm kích ứng ở khu vực bị ảnh hưởng và giữ nó luôn khô ráo.

Phòng ngừa trĩ nội có huyết khối

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa trĩ nội có huyết khối?

Thực tế, không phải lúc nào bạn cũng có thể phòng ngừa bệnh trĩ, nhưng một số biện pháp có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, như:

  • Ăn thực phẩm nhiều chất xơ như bông cải xanh, rau củ quả để giúp nhu động ruột hoạt động hiệu quả.
  • Thường xuyên vận động và tránh ngồi lâu hàng giờ.
  • Không nên gắng sức khi đi tiêu nếu bị táo bón. Tốt nhất, bạn hãy dùng thuốc làm mềm phân hoặc đến gặp bác sĩ được điều trị.
  • Uống nhiều nước.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 13/01/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo