backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Tắc ruột là bệnh gì? Những điều bạn cần biết để ngăn ngừa biến chứng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 30/11/2022

Tắc ruột là bệnh gì? Những điều bạn cần biết để ngăn ngừa biến chứng

Tắc ruột khiến cho các chất di chuyển trong ruột bị ứ đọng, tắc nghẽn lại thành một khối. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể khiến cho máu không cung cấp đến ruột và gây chết mô. Điều này có khả năng dẫn đến thủng ruột, nhiễm trùng khoang bụng, đe đọa tính mạng.

Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ tổng hợp những thông tin giúp bạn hiểu rõ triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị tắc ruột như thế nào?

Tìm hiểu chung

Tắc ruột là gì?

Tắc ruột là tình trạng các chất trong ruột không di chuyển, bị ứ đọng lại một chỗ, có thể ở bất cứ vị trí nào từ ruột non đến ruột già. Dựa vào nguyên nhân có thể phân chia thành:

  • Tắc ruột cơ học: sự tắc nghẽn xảy ra do nguyên nhân thực thể, thường là dính ruột, ung thư đại tràng, lồng ruột (hay gặp ở trẻ em), thoát vị, xoắn ruột…
  • Tắc ruột cơ năng: liên quan đến tổn thương thần kinh và giảm nhu động ruột trong khi không có vấn đề thực thể nào. Loại tắc nghẽn này thường xảy ra sau khi phẫu thuật ổ bụng.

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng tắc ruột là gì?

Đau bụng

Các triệu chứng tắc ruột thường thấy gồm:

  • Đau, co thắt dạ dày
  • Đầy bụng, sưng bụng
  • Cảm giác khó chịu ở bụng
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Táo bón hoặc đi ngoài phân lỏng từng ít một
  • Đầy hơi, chướng bụng, căng tức bụng
  • Mất cảm giác ngon miệng, thèm ăn

Nếu bạn gặp phải các dấu hiệu tắc ruột trên, nhất là sau khi trải qua phẫu thuật, hãy đến ngay bệnh viện để kiểm tra. Sự tắc nghẽn này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân tắc ruột là gì?

Các nguyên nhân tắc ruột được phân chia thành 2 nhóm là:

Tắc do tác nhân cơ học (thực thể)

  • Dính ruột hay có các mô sẹo hình thành sau khi phẫu thuật
  • Tắc nghẽn do vật thể lạ như bã thức ăn, búi tóc, búi giun…
  • Sỏi mật (hiếm gặp)
  • Thoát vị bẹn
  • Khối phân bị nén chặt trong đường ruột
  • Lồng ruột
  • Khối u chặn đường ruột hoặc đè vào ruột (như u sau phúc mạc, u mạc treo, u nang buồng trứng…)
  • Xoắn ruột
  • Ung thư đại tràng
  • Bệnh viêm ruột, như bệnh Crohn
  • Viêm túi thừa

Bệnh tắc ruột cơ năng do các vấn đề liên quan đến thần kinh và khả năng co bóp của cơ

  • Thường xảy ra sau phẫu thuật do ảnh hưởng của thuốc làm chậm nhu động ruột, liệt ruột
  • Bệnh Parkinson, ảnh hưởng đến các cơ và dây thần kinh ở ruột
  • Nhiễm trùng ruột

Trường hợp này, ruột không thực sự bị tắc nghẽn mà chính xác là chúng không co bóp nhịp nhàng như bình thường. Từ đó, thức ăn di chuyển chậm hoặc không được đẩy đi qua đường tiêu hóa dưới và gây tắc.

Một số thuốc có thể dẫn đến bệnh tắc ruột do liệt ruột gồm:

Các yếu tố nguy cơ khiến bạn bị tắc ruột

Một số yếu tố có thể làm tăng khả năng bị tắc ruột bao gồm:

  • Tuổi cao
  • Các bệnh đường tiêu hóa, như bệnh viêm ruột hay viêm túi thừa
  • Mất cân bằng điện giải
  • Chấn thương ruột
  • Giảm cân quá nhanh
  • Bệnh động mạch ngoại biên
  • Nhiễm trùng máu
  • Phẫu thuật vùng bụng hoặc vùng chậu
  • Có khối u ác tính (ung thư) ở bụng

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán bị tắc ruột

điều trị tắc ruột

Trước hết, bác sĩ sẽ thăm khám vùng bụng và hỏi về các triệu chứng bạn đang gặp phải. Đồng thời, họ cũng xem xét bệnh sử và các thuốc bạn đang dùng. Khi nghi ngờ bệnh tắc ruột, một số xét nghiệm chẩn đoán hình sẽ giúp hỗ trợ đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp xác định được vị trí các đoạn ruột bất thường, chẳng hạn như đang bị tắc nghẽn, tích tụ khí, phình to hay nhìn thấy bất thường thực thể. Các xét nghiệm thường dùng gồm:

Đối với trẻ em bị lồng ruột, việc bơm thuốc cản quang barium có thể khắc phục được tình trạng này và không cần điều trị thêm sau đó.

Phương pháp chữa tắc ruột

Mỗi trường hợp sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tắc nghẽn. Bạn có khi chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng thuốc hoặc có trường hợp cần phải phẫu thuật.

Nhập viện để điều trị và ổn định tình trạng đường ruột

Quá trình điều trị tắc ruột tại bệnh viện có thể như sau:

  • Truyền dịch qua tĩnh mạch ở tay để phòng ngừa mất nước
  • Đặt ống thông qua đường mũi – dạ dày để hút không khí và các chất tích tụ trong ruột ra ngoài, giảm bớt sưng bụng
  • Đưa một ống thông vào bàng quang để dẫn lưu nước tiểu và lấy mẫu đi xét nghiệm
  • Sử dụng thuốc giảm đau để giảm nhẹ các triệu chứng

Điều trị các nguyên nhân gây tắc nghẽn cơ học

Nếu bạn bị tắc ruột do các bệnh lý khác gây ra như lồng ruột, dính ruột, khối u chèn ép…, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp điều trị phù hợp để giúp đường tiêu hóa dưới trở lại như bình thường.

Trường hợp tình trạng tắc nghẽn xảy ra do nhu động ruột giảm vì tác dụng của một số thuốc điều trị hay sau khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng này thêm 1–2 ngày tại bệnh viện. Tắc do liệt ruột có thể tự khỏi và trong thời gian đó, thức ăn thường được cung cấp qua đường mũi hoặc tĩnh mạch để ngăn ngừa suy dinh dưỡng.

Khi tình trạng liệt ruột không tự cải thiện, bác sĩ có thể kê một số thuốc tăng cường co bóp cơ trơn để tăng nhu động ruột. Hiếm khi người bệnh cần phải phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột.

Phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị không hoặc ít xâm lấn không giải quyết được tình trạng tắc nghẽn hoặc tắc ruột quá nghiêm trọng, người bệnh sẽ cần phải trải qua phẫu thuật.

Bác sĩ phẫu thuật có thể loại bỏ những tác nhân gây tắc nghẽn ống tiêu hóa, chỉnh sửa đoạn tắc nghẽn hoặc cắt bỏ một phần ruột đã hỏng. Tuy vậy, những người bệnh cao tuổi hay ung thư đại tràng có thể không thực hiện phẫu thuật được. Thay vào đó, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp đặt stent trong lòng ruột để giữ chúng luôn mở và cho các chất đi qua dễ dàng hơn.

Một số trường hợp, người bệnh bị cắt bỏ toàn bộ phần ruột. Khi đó, bác sĩ cũng phải cắt bỏ vòi trứng. Cuối cùng, trong ổ bụng sẽ có một lỗ hở, được gọi là hậu môn nhân tạo để cho phân đi thẳng từ đường tiêu hóa vào trong một cái túi chứa.

Biến chứng

Bệnh tắc ruột có nguy hiểm không?

Tình trạng này khi không được chẩn đoán và điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa tính mạng, bao gồm:

  • Hoại tử tế bào mô ruột
  • Nhiễm trùng lan rộng, có thể dẫn đến tử vong

Nhìn chung, bạn không nên chủ quan với tình trạng tắc ruột. Khi có các triệu chứng bất thường liên quan đến tiêu hóa, lời khuyên là bạn nên sớm đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 30/11/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo