backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Sốt

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 30/10/2023

Sốt

Sốt là tình trạng phổ biến đến nỗi hầu như bất kỳ ai cũng gặp phải hằng năm. Sốt nhẹ thường không đáng ngại, nhưng nếu sốt cao từ 39 độ trở lên đều bắt buộc phải điều trị.

Có nhiều nguyên nhân gây sốt, trong đó có những thủ phạm khiến bạn buộc phải dè chừng vì tiềm tàng nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng. Vì vậy, đừng bỏ qua những thông tin về sốt để chủ động ứng phó mỗi khi gặp phải.

Tìm hiểu chung

Sốt là gì?

Sốt là khi có sự tăng nhiệt độ cơ thể tạm thời do phản ứng lại với nhiễm trùng như virus cảm cúm hoặc cảm lạnh, vi khuẩn viêm họng, viêm gây ra do tổn thương mô hoặc bệnh tật…. Nhiệt độ cơ thể chúng ta không bằng nhau ở các thời điểm trong ngày, thường là cao hơn vào buổi chiều. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ vượt quá 38oC, bạn đã bị sốt.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhiệt độ chỉ cần tăng nhẹ cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nghiêm trọng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của sốt là gì?

Ngoài việc tăng thân nhiệt, những triệu chứng sốt thường gặp khác là:

  • Cảm thấy lạnh khi mọi người xung quanh không cảm thấy thế
  • Run, rùng mình
  • Da sờ thấy nóng
  • Đau đầu
  • Đau cơ
  • Chán ăn
  • Mất nước (đi tiểu ít, mắt trũng sâu, không có nước mắt)
  • Mệt mỏi, suy yếu
  • Trầm cảm
  • Khó tập trung
  • Buồn ngủ
  • Đổ mồ hôi

Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh dấu hiệu bị sốt có thể dẫn tới co giật.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Với trẻ nhỏ:

  • Sơ sinh đến 3 tháng tuổi: nhiệt độ trực tràng từ 38 độ trở lên
  • Từ 3 – 6 tháng tuổi: nhiệt độ trực tràng từ 39 độ trở lên, có vẻ cáu kỉnh bất thường, thờ ơ hoặc khó chịu
  • Từ 6 – 24 tháng tuổi: nhiệt độ trực tràng từ 39 độ trở lên, kéo dài hơn một ngày. Bé có kèm theo triệu chứng khác, chẳng hạn như cảm lạnh, ho, tiêu chảy hoặc không.

Khi nào sốt cần gặp bác sĩ

Trẻ em lớn

Nếu trẻ bị sốt nhưng vẫn tỉnh táo, uống được nước và chơi đùa bình thường thì có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, phải gọi bác sĩ nếu:

  • Thờ ơ hoặc cáu kỉnh, nôn mửa liên tục, đau đầu dữ dội hoặc đau bụng hay có bất kỳ triệu chứng nào gây khó chịu đáng kể
  • Bị sốt sau khi ở trong xe hơi hoặc môi trường kín, nóng
  • Sốt kéo dài trên 3 ngày
  • Trẻ bơ phờ, mắt lờ đờ
  • Trẻ có vấn đề về hệ thống miễn dịch hoặc mắc bệnh từ trước.

Với người lớn

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu có các dấu hiệu của sốt sau đây:

  • Sốt trên 39.5oC và không thể hạ sốt bằng thuốc thông thường
  • Cơn sốt kéo dài hơn 48 hoặc 72 giờ đồng hồ
  • Đang mắc phải các tình trạng bệnh nghiêm trọng như vấn đề về tim, tiểu đường hoặc xơ nang
  • Phát ban hoặc có vết bầm tím
  • Các triệu chứng khác như đau họng, đau đầu, ho, nhạy cảm với ánh sáng chói, cổ cứng và đau khi cúi về phía trước, nôn mửa liên tục, khó thở, đau ngực, đau bụng, đau khi đi tiểu, rối loạn tâm thần, co giật.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra sốt?

Sốt là một phản ứng bình thường của cơ thể đối với nhiễm trùng hoặc bệnh. Sốt thường xảy ra do:

  • Cảm cúm, viêm họng, thủy đậu hoặc viêm phổi
  • Phản ứng phụ của một số loại thuốc
  • Tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời
  • Sốc nhiệt
  • Bệnh khớp dạng thấp – trong bệnh xơ nang gây sưng và đau khớp, mô xung quanh khớp và các cơ quan của cơ thể
  • Ngộ độc thực phẩm
  • Rối loạn hormone như bệnh cường giáp
  • Mọc răng ở trẻ nhỏ
  • Có khối u ác tính
  • Sau khi dùng một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc điều trị cao huyết áp hay thuốc chống co giật
  • Sau khi tiêm vắc xin bạch hầu, uốn ván, ho gà, phế cầu hoặc chủng ngừa Covid – 19…

Một số trường hợp dấu hiệu sốt xuất hiện không rõ nguyên nhân, sẽ được kết luận nếu bạn bị sốt trên 3 tuần và sau khi đánh giá toàn diện bác sĩ vẫn không thể tìm được nguyên nhân chính xác.

Nguyên nhân sốt là gì

Những ai thường bị sốt?

Sốt ở người lớn rất phổ biến và được xem như là một phần quan trọng của cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Vì khi thân nhiệt tăng lên, vi khuẩn và virus sẽ khó sống hơn. Sốt cũng kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Bất kì ai cũng có thể bị sốt ở một thời điểm nào đó.

Tuy nhiên, khi nhiệt độ cơ thể tăng lên quá cao có thể gây nguy hiểm cho bạn.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị sốt?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị sốt, chẳng hạn như:

  • Độ tuổi. Trẻ em thường dễ bị sốt vì hệ miễn dịch của trẻ còn yếu. Thông thường, trẻ mẫu giáo và tiểu học thường bị cảm khoảng 10 lần một năm với triệu chứng thường gặp nhất đó là tăng nhiệt độ cơ thể.
  • Sự tiếp xúc. Tiếp xúc với người đang bị bệnh thường xuyên làm tăng nguy cơ bị lây virus, vi khuẩn gây ra sốt.
  • Đồ ăn thức uống. Nước uống và thức ăn không đảm bảo vệ sinh có thể gây nhiễm trùng và sốt.
  • Hệ miễn dịch yếu.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Chẩn đoán và cách hạ sốt nhanh

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán khi bị sốt?

Dấu hiệu bị sốt thường khá rõ ràng và việc chẩn đoán đơn giản chỉ bằng cách đo nhiệt độ cơ thể bệnh nhân. Trẻ em và người lớn bị sốt nếu:

  • Nhiệt độ trong miệng cao hơn 37,7oC
  • Nhiệt độ trực tràng (hậu môn) hơn 38oC
  • Nhiệt độ dưới nách cao hơn 37,2ºC

Khi đo nhiệt độ, bạn cần phải đảm bảo cơ thể đang trong trạng thái nghỉ ngơi vì các hoạt động có thể làm cơ thể nóng lên.

Những phương pháp nào dùng để điều trị sốt?

Cách hạ sốt nhanh nhất trong mọi trường hợp nhiễm vi khuẩn, virus là dùng thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol, ibuprofen hoặc aspirin để làm giảm các triệu chứng khó chịu. Trẻ em và trẻ vị thành niên không nên uống thuốc aspirin vì có thể dẫn đến hội chứng Reye. Bên cạnh đó, nếu nguyên nhân do nhiễm khuẩn như viêm họng, bác sĩ sẽ cho bạn dùng kháng sinh.

Tuy nhiên, thuốc hạ sốt không giúp ích cho những trường hợp bị sốc nhiệt hoặc tập luyện quá sức. Vì thế, nếu bạn bị sốc nhiệt, hãy đến gặp bác sĩ ngay.

Khi sốt, bạn thường bị đổ mồ hôi rất nhiều. Vì vậy, nên bổ sung nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước cũng là cách hạ sốt tại nhà rất quan trọng. Hãy uống nhiều nước hơn, có thể là nước lọc hoặc nước bổ sung chất điện giải như oresol.

Lưu ý rằng thực tế đã chứng minh miếng dán hạ sốt không có hiệu quả.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp bạn ngăn ngừa biểu hiện của sốt?

Một số cách tại nhà sẽ giúp bạn kiểm soát tình trạng này tốt hơn:

  • Giữ vệ sinh tốt có thể làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn và virus phát triển, bao gồm: rửa tay trước, sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Bất kỳ ai khi bị nhiễm trùng cũng nên tránh tiếp xúc với người khác trong một thời gian để hạn chế virus lây lan. Người chăm sóc bệnh nhân nên thường xuyên rửa tay với nước ấm và xà bông.
  • Tránh dùng chung dụng cụ ăn uống với người đang bị sốt.
  • Mặc đồ rộng rãi, thấm hút mồ hôi tốt để nhiệt có thể thoát ra ngoài.
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn trong phòng ngủ có nhiệt độ vừa phải, không quá nóng cũng không quá lạnh.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 30/10/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo