backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Sốt không rõ nguyên nhân

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Ngày cập nhật: 17/07/2023

Sốt không rõ nguyên nhân

Sốt không rõ nguyên nhân là triệu chứng của hơn 200 tình trạng bệnh lý khác nhau. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Sốt không rõ nguyên nhân là gì?

Sốt không rõ nguyên nhân là tình trạng nhiệt độ cơ thể đo được từ 38,3°C trở lên, kéo dài hơn 3 tuần nhưng nguyên nhân không phải là do các bệnh lý thoáng qua gây ra. Sốt tái phát thường xuyên hoặc ngắt quãng mà không rõ nguyên nhân. Mặc dù hầu hết người lớn có thể chịu được nhiệt độ tăng tạm thời mà không gặp vấn đề gì, nhưng ngay cả sốt nhẹ cũng có thể khiến nhịp thở và nhịp tim tăng lên ở người lớn mắc các bệnh lý nền kèm theo như vấn đề về tim hoặc phổi.

Phân loại

Sốt không rõ nguyên nhân hiện được phân thành 4 loại khác nhau:

  • Sốt không rõ nguyên nhân cổ điển: Sốt kéo dài hơn 3 tuần mà không xác định được nguyên nhân sau 3 ngày nhập viện đánh giá hoặc hơn 3 lần khám ngoại trú.
  • Sốt không rõ nguyên nhân liên quan đến bệnh nhân nằm viện: Sốt xảy ra ở bệnh nhân nhập viện được chăm sóc cấp tính và không có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc ủ bệnh khi nhập viện.
  • Sốt do suy giảm miễn dịch: Sốt ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch nếu chẩn đoán vẫn không chắc chắn sau 3 ngày thực hiện các đánh giá thích hợp, bao gồm nuôi cấy âm tính sau 48 giờ.
  • Sốt chưa rõ nguyên nhân liên quan đến HIV: Sốt kéo dài hơn 3 tuần ở bệnh nhân ngoại trú được xác định nhiễm HIV hoặc hơn 3 ngày ở bệnh nhân nội trú được xác định nhiễm HIV, nếu chẩn đoán vẫn không chắc chắn sau khi thực hiện các đánh giá thích hợp.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng sốt không rõ nguyên nhân là gì?

triệu chứng sốt không rõ nguyên nhân

Sốt không rõ nguyên nhân có thể kèm theo các triệu chứng khác giúp bác sĩ xác định nguyên nhân cơ bản.

Triệu chứng điển hình của sốt bao gồm:

  • Nhiệt độ vượt quá 38°C ở trẻ sơ sinh hoặc 37,5°C ở trẻ em và người lớn
  • Đổ mồ hôi
  • Ớn lạnh
  • Nhức đầu

Các triệu chứng khác thường đi kèm với sốt bao gồm:

  • Đau nhức toàn thân
  • Yếu
  • Đau họng
  • Mệt mỏi
  • Ho
  • Xoang tắc nghẽn
  • Thở nhanh
  • Tim đập loạn nhịp
  • Cứng cổ và/hoặc đau đầu dai dẳng
  • Huyết áp thấp
  • Các đốm đỏ phẳng trên bề mặt da được gọi là đốm xuất huyết cho thấy xuất huyết dưới da.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây sốt không rõ nguyên nhân?

sốt không rõ nguyên nhân ở người lớn

Ở trẻ em, nhiễm trùng là nguyên nhân của gần một nửa số ca sốt chưa rõ nguyên nhân. Trong khi đó, sốt không rõ nguyên nhân ở người lớn thì chỉ khoảng 16% là do nhiễm trùng . Ngoài ra, trong gần một nửa số trường hợp liên quan đến người lớn, không thể xác định chính xác nguyên nhân.

Có 4 nguyên nhân chính khiến bạn tự nhiên sốt không rõ nguyên nhân bao gồm:

  • Nhiễm trùng: bệnh lao, bạch cầu đơn nhân, bệnh Lyme, sốt mèo cào, viêm nội tâm mạc và những bệnh khác
  • Các chứng viêm: bệnh Crohn, lupus, viêm khớp dạng thấp, bệnh viêm ruột và các chứng viêm khác
  • Khối u ác tính: U lympho, bệnh bạch cầu, ung thư biểu mô tuyến tụy, các bệnh ung thư khác
  • Các nguyên nhân khác: lạm dụng ma túy, lạm dụng thuốc, cường giáp, viêm gan.

Các cơn sốt kéo dài không rõ nguyên nhân hoặc tái phát không liên tục có khả năng chỉ ra một nguyên nhân không nhiễm trùng. Nếu nguyên nhân nhiễm trùng thì có xu hướng gây sốt kéo dài trong bốn ngày hoặc ít hơn. Gần như tất cả các bệnh truyền nhiễm đều có thể gây sốt ở người lớn khỏe mạnh, nhưng nguyên nhân có khả năng nhất gây ra loại sốt này là nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng đường hô hấp (trên hoặc dưới), nhiễm trùng da và UTI (nhiễm trùng đường tiết niệu).

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến sốt không rõ nguyên nhân bao gồm:

  • Tiếp xúc với người hoặc côn trùng mang mầm bệnh truyền nhiễm, đó là lý do tại sao bệnh nhân sẽ được hỏi về bất kỳ chuyến du lịch nào gần đây đến các khu vực trên thế giới có bệnh truyền nhiễm phổ biến.
  • Tuổi tác và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân
  • Sử dụng một số thủ thuật y tế
  • Một số nghề nghiệp, chẳng hạn như, công nhân trong các nhà máy đóng gói thịt có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gọi là bệnh brucella cao hơn nhiều so với những người còn lại.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán sốt không rõ nguyên nhân?

Bệnh nhân sẽ được yêu cầu làm một số xét nghiệm lâm sàng để tìm ra loại bệnh. Đôi khi, chẩn đoán sốt không rõ nguyên nhân cũng có thể dẫn đến một tình trạng khác.

Trong một số trường hợp, phương pháp chờ đợi và quan sát thường được sử dụng cho các cơn sốt ngắn hạn không kèm theo bất kỳ triệu chứng cấp nào. Khi một cơn sốt kéo dài đủ lâu để được phân loại là sốt không rõ nguyên nhân, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân cơ bản.

Tư vấn

Bác sĩ có thể hỏi bạn:

  • Có đi du lịch nước ngoài gần đây không?
  • Có bất kỳ tình trạng nào như tiểu đường, ung thư, HIV hoặc rối loạn van tim có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng không?
  • Có tiếp xúc với bất kỳ ai đã bị nhiễm trùng không?
  • Có bất kỳ bệnh tự miễn nào như bệnh gút, lupus hoặc ung thư khiến họ dễ bị nhiễm trùng không?
  • Có tiêm thuốc bất hợp pháp không?
  • Có tiếp xúc với động vật bao gồm cả vật nuôi không?
  • Có bất kỳ thay đổi nào trong môi trường hàng ngày của bạn không?
  • Tiền sử gia đình có bao gồm bất kỳ nguyên nhân di truyền nào có thể gây sốt không?

Xét nghiệm máu và khám sức khỏe

Bác sĩ cũng có thể làm xét nghiệm máu để kiểm tra một số tình trạng nhất định, bao gồm các tình trạng tự miễn có thể không có nhiều triệu chứng rõ ràng. Họ sẽ kiểm tra da kỹ để tìm các dấu hiệu sưng, phát ban hoặc vàng da.

Công thức máu toàn bộ sẽ cho biết liệu có sự gia tăng số lượng bạch cầu hay không vì điều đó cho thấy rằng nhiễm trùng đang gây ra tình trạng sốt không rõ nguyên nhân.

Nếu xét nghiệm máu hoặc khám thực thể có bất kỳ chỉ số dương tính nào, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm thêm trước khi xác nhận chẩn đoán.

Các xét nghiệm vi sinh

Máu, nước tiểu và cấy đờm có thể được sử dụng để kiểm tra các nguyên nhân như vi khuẩn và nấm. Các xét nghiệm đặc biệt cũng có thể kiểm tra các bệnh nhiễm trùng không điển hình do vi khuẩn, nấm hoặc virus.

Các xét nghiệm hình ảnh

Điện tâm đồ có thể được sử dụng để đánh giá tim nếu bác sĩ nghe thấy tiếng thổi ở tim hoặc nghi ngờ viêm nội tâm mạc, đây là nhiễm trùng một trong các van tim. Chụp X-quang ngực có thể được sử dụng để kiểm tra phổi.

Những phương pháp nào dùng để điều trị sốt không rõ nguyên nhân?

điều trị sốt không rõ nguyên nhân

Vì bản thân sốt không phải là bệnh mà là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang cố gắng tự bảo vệ mình khỏi nhiễm trùng nên không nhất thiết phải điều trị sốt đơn thuần, nhưng việc hạ nhiệt độ sẽ khiến hầu hết bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Bệnh nhân mắc chứng mất trí nhớ hoặc các vấn đề về tim hoặc phổi được coi là có nguy cơ cao phát triển các biến chứng nguy hiểm, vì vậy họ nên được điều trị kịp thời nếu bị sốt.

Các phương pháp điều trị bao gồm: không điều trị gì cả (vì khoảng 20% ​​các cơn sốt không rõ nguồn gốc tự khỏi mà không cần chẩn đoán/điều trị) đến các loại thuốc đơn giản để hạ nhiệt độ cơ thể; hiệu quả nhất trong số các loại thuốc hạ sốt không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen và naproxen.

Nếu bệnh nhân sốt quá cao, sử dụng chăn làm mát và bình xịt phun sương, chườm mát có thể được sử dụng để giúp cho bệnh nhân được thoải mái.

Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) và thuốc kháng histamin cũng có thể được sử dụng để điều trị bệnh khi không tìm ra nguyên nhân cơ bản. Ở nhiều người, những loại thuốc này có thể giúp giảm sốt.

Những người bị sốt do suy giảm miễn dịch có thể được điều trị bằng kháng sinh phổ rộng. Những loại này nhắm vào các loại vi khuẩn hay gây bệnh nhất. Nhiễm trùng là nguyên nhân gây ra 20-40% tất cả các loại sốt không rõ nguyên nhân.

Ở những người bị sốt liên quan đến HIV, điều trị tập trung vào chữa HIV bằng thuốc kháng virus. Sau đó, bác sĩ có thể điều trị thêm bất kỳ triệu chứng hoặc biến chứng liên quan nào.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp bạn phòng ngừa sốt không rõ nguyên nhân?

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với sốt không rõ nguyên nhân:

  • Uống nhiều nước. Sốt có thể gây mất nước và thiếu nước, vì vậy bạn nên uống nước, nước trái cây hoặc nước súp. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, bạn cho trẻ sử dụng dung dịch bù nước. Những dung dịch này chứa nước và muối theo tỷ lệ cân đối để bổ sung chất lỏng và các chất điện giải.
  • Nghỉ ngơi. Bạn cần nghỉ ngơi để phục hồi vì hoạt động có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể.
  • Giữ cơ thể thoáng mát. Mặc quần áo nhẹ, giữ nhiệt độ trong phòng mát và đắp chăn mỏng khi ngủ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Ngày cập nhật: 17/07/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo