backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Rung nhĩ (Rung tâm nhĩ)

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 29/05/2023

Rung nhĩ (Rung tâm nhĩ)

Rung nhĩ hay rung tâm nhĩ là một tình trạng rối loạn nhịp tim rất thường gặp trong cộng đồng. Khi dân số càng lớn tuổi, tỷ lệ mắc phải bệnh lý này càng cao, gây ra nhiều biến cố tim mạch do tình trạng thuyên tắc. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Rung nhĩ (rung tâm nhĩ) là gì?

Rung tâm nhĩ hay rung nhĩ (A-fib) là một loại rối loạn nhịp tim rất thường gặp. Bệnh có thể dẫn đến nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim, làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim và các biến chứng liên quan đến tim mạch khác.

Trong cơn rung nhĩ, tầng trên của tim (tâm nhĩ) đập hỗn loạn và không đều, không đồng bộ với các tầng dưới (tâm thất) của tim.

Các cơn rung nhĩ có thể đột ngột xuất hiện và biến mất hoặc kéo dài dai dẳng. Mặc dù bản thân rung tâm nhĩ thường không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng đây là một tình trạng y tế nghiêm trọng cần được điều trị thích hợp lâu dài để ngăn ngừa đột quỵ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rung nhĩ (rung tâm nhĩ) là gì?

triệu chứng rung tâm nhĩ

Đối với nhiều người, rung tâm nhĩ có thể không gây ra triệu chứng gì để chủ động phát hiện bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các triệu chứng của rung nhĩ bao gồm:

  • Cảm thấy tim đập nhanh bất thường (đánh trống ngực)
  • Nhịp tim quá nhanh
  • Khó thở
  • Đau tức ngực
  • Chóng mặt
  • Ngất xỉu
  • Cảm thấy mệt mỏi và không thể vận động.

Rung tâm nhĩ có thể bao gồm:

  • Thỉnh thoảng (Rung nhĩ kịch phát). Các triệu chứng đến và biến mất, thường kéo dài trong vài phút đến hàng giờ. Đôi khi các triệu chứng xảy ra kéo dài cả tuần và các đợt có thể xảy ra lặp đi lặp lại. Các triệu chứng có thể tự biến mất mà không cần can thiệp gì.
  • Kéo dài. Với loại rung nhĩ này, tình trạng loạn nhịp tim không tự trở lại bình thường. Nếu một người có các triệu chứng kéo dài thì có thể cần sử dụng phương pháp kiểm soát tần số, nhịp tim hoặc điều trị bằng thuốc để khôi phục và duy trì nhịp tim về nhịp xoang bình thường.
  • Lâu năm. Đây là loại rung nhĩ liên tục và kéo dài hơn 12 tháng.
  • Dài hạn. Trong loại rung nhĩ này, tình trạng nhịp tim không đều được bác sĩ xác định là khó có thể phục hồi. Lúc này, dùng thuốc hằng ngày là cần thiết để kiểm soát nhịp tim và ngăn ngừa cục máu đông.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của rung tâm nhĩ, hãy hẹn gặp bác sĩ để nhanh chóng được đo điện tim.

Nếu bạn bị đau ngực, hãy tìm sự trợ giúp y tế ngay lập tức. Đau ngực có thể là bạn đang bị đau tim do nhồi máu cơ tim.

Trong trường hợp bạn đang điều trị bệnh rung tâm nhĩ, hãy liên hệ với bác sĩ ngay nếu bạn gặp các tác dụng phụ của thuốc.

Nguyên nhân

nguyên nhân rung tâm nhĩ

Trái tim có bốn ngăn: hai ngăn trên (tâm nhĩ) và hai ngăn dưới (tâm thất). Trong buồng trên bên phải của tim (tâm nhĩ phải), một nhóm tế bào tập trung có khả năng phát nhịp được gọi là nút xoang. Nút xoang là ổ phát nhịp và điều hòa nhịp tim tự nhiên của tim bằng cách tạo ra tín hiệu bắt đầu mỗi nhịp tim. Từ đó, thông qua các đường dẫn truyền điện học từ tầng nhĩ xuống tầng thất, nguyên quả tim sẽ co bóp đồng bộ, bơm máu đi vào tuần hoàn chung của cơ thể một cách hiệu quả.

Theo nhịp tim đều đặn:

  • Tín hiệu đi từ nút xoang qua hai buồng tim trên (tâm nhĩ).
  • Tín hiệu đi qua một con đường giữa buồng trên và buồng dưới được gọi là nút nhĩ thất (AV).
  • Tín hiệu điện học kích thích các tế bào cơ tim một cách đồng bộ, khiến tim bạn co bóp, đưa máu đi đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể bạn.

Trong rung nhĩ, các tín hiệu trong các buồng trên của tim (tâm nhĩ) rất hỗn loạn. Kết quả là các xung động từ nhĩ không thống nhất. Chỉ có một tín hiệu điện mạnh nhất từ nhĩ sau đó sẽ được dẫn truyền xuống nút AV để tiếp tục truyền đến các buồng tim dưới (tâm thất). Điều này sẽ gây ra tình trạng nhịp tim nhanh và không đều.

Nhịp co bóp của thất trong rung nhĩ có thể dao động từ 100 đến 175 nhịp một phút. Trong khi đó, phạm vi nhịp tim trung bình của một người khỏe mạnh dao động trong khoảng từ 60 đến 100 nhịp một phút.

Nguyên nhân gây rung nhĩ (rung tâm nhĩ) là gì?

Các vấn đề với cấu trúc của tim là nguyên nhân gây rung nhĩ phổ biến nhất. Các nguyên nhân rung nhĩ bao gồm:

  • Bệnh động mạch vành
  • Nhồi máu cơ tim
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Các vấn đề về van tim
  • Huyết áp cao
  • Bệnh lý phổi mạn tính
  • Căng thẳng về thể chất do phẫu thuật, viêm phổi hoặc các bệnh khác
  • Phẫu thuật tim trước đây
  • Có vấn đề với nút xoang của tim (hội chứng xoang bệnh)
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ
  • Bệnh tuyến giáp như tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) và các bệnh mất cân bằng chuyển hóa khác
  • Sử dụng các chất kích thích, bao gồm một số loại thuốc, caffeine, thuốc lá và rượu
  • Nhiễm virus

Tuy nhiên, trong cộng đồng, một số lượng lớn những người có thể bị rung nhĩ mà không có vấn đề về tim hoặc tổn thương tim, chỉ được phát hiện tình cờ khi đo điện tim hay nhập viện do biến chứng thuyên tắc, cụ thể là do đột quỵ nhồi máu não.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị rung nhĩ (rung tâm nhĩ)?

Những điều có thể làm tăng nguy cơ rung nhĩ (A-fib) bao gồm:

  • Tuổi tác. Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ càng cao.
  • Bệnh tim. Bất kỳ ai bị bệnh tim, chẳng hạn như các vấn đề về van tim, bệnh tim bẩm sinh, suy tim sung huyết, bệnh mạch vành hoặc có tiền sử đau tim hoặc phẫu thuật tim đều có nguy cơ cao bị rung nhĩ.
  • Huyết áp cao. Huyết áp cao, đặc biệt nếu không được kiểm soát tốt bằng cách thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc, có thể làm tăng nguy cơ rung nhĩ.
  • Bệnh tuyến giáp. Ở một số người, các vấn đề về tuyến giáp có thể gây ra các vấn đề về nhịp tim (loạn nhịp tim), bao gồm cả rung nhĩ.
  • Các tình trạng sức khỏe mãn tính khác. Những người mắc một số bệnh mãn tính như tiểu đường, hội chứng chuyển hóa, bệnh thận mãn tính, bệnh phổi hoặc ngưng thở khi ngủ có nguy cơ cao bị rung nhĩ.
  • Uống rượu. Đối với một số người, uống rượu có thể gây ra cơn rung tâm nhĩ. Uống rượu quá mức càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Béo phì. Những người bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh rung nhĩ cao hơn.
  • Tiền sử bệnh gia đình. Gia đình có người bị rung nhĩ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Biến chứng

Rung tâm nhĩ có nguy hiểm không?

Cục máu đông là một biến chứng nguy hiểm của rung tâm nhĩ có thể dẫn đến đột quỵ cấp.

Trong bệnh rung nhĩ, nhịp tim hỗn loạn, tim co bóp không hiệu quả có thể khiến máu ứ trệ lại trong buồng trên của tim (tâm nhĩ) và hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông ở buồng trên bên trái (tâm nhĩ trái) thoát ra và xuống buồng thất, được tống ra ngoài thì có thể di chuyển đến não và gây đột quỵ.

Nguy cơ đột quỵ do rung nhĩ tăng lên khi bạn lớn tuổi. Các tình trạng sức khỏe khác cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ do rung nhĩ, bao gồm:

  • Huyết áp cao
  • Bệnh tiểu đường
  • Suy tim
  • Một số bệnh van tim
  • Từng mắc phải bệnh tim mạch do xơ vữa trước đó

Lúc này, thuốc làm loãng máu thường được kê đơn để ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông và đột quỵ ở những người bị rung nhĩ.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán rung nhĩ (rung tâm nhĩ)?

Một số người hoàn toàn không biết rằng họ bị rung tâm nhĩ do không cảm nhận bất kỳ triệu chứng nào. Bệnh lý này thường chỉ có thể được phát hiện khi bác sĩ nghe tim bằng ống nghe cùng với bắt mạch trong khi khám sức khỏe vì những lý do khác.

Bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm sau đây để chẩn đoán rung nhĩ:

  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG)
  • Đo điện tâm đồ Holter: cách thức tương tự như đo điện tâm đồ thông thường nhưng trong thời gian dài hơn, có thể 24 đến 48 giờ.

Những phương pháp nào dùng để điều trị rung nhĩ (rung tâm nhĩ)?

điều trị rung tâm nhĩ

Mục tiêu của điều trị bao gồm: chuyển nhịp về nhịp xoang, kiểm soát tần số tim và ngăn ngừa cục máu đông có thể dẫn đến đột quỵ. Điều trị rung nhĩ có thể bao gồm thuốc và liệu pháp thiết lập lại nhịp tim bằng điện học hay phẫu thuật.

Thuốc

Bạn có thể được kê đơn thuốc để kiểm soát nhịp tim đập nhanh và khôi phục lại nhịp tim bình thường. Thuốc cũng được kê đơn để ngăn ngừa cục máu đông.

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị rung tâm nhĩ bao gồm:

  • Thuốc chẹn beta. Những loại thuốc này có thể giúp làm chậm nhịp tim khi nghỉ ngơi và trong khi hoạt động.
  • Thuốc chặn kênh canxi. Những loại thuốc này kiểm soát nhịp tim nhưng có thể cần phải tránh đối với những người bị suy tim hoặc huyết áp thấp.
  • Digoxin. Thuốc này có thể kiểm soát nhịp tim thay thế khi thuốc chẹn kênh canxi hoặc thuốc chẹn beta là chống chỉ định.
  • Thuốc chống loạn nhịp tim. Những loại thuốc này được sử dụng để duy trì nhịp tim ở nhịp xoang bình thường mà không chỉ để kiểm soát tần số tim. Tuy nhiên, loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ hơn các loại thuốc kiểm soát nhịp tim, nên thường được sử dụng ít hơn.
  • Thuốc làm loãng máu. Để giảm nguy cơ đột quỵ hoặc tổn thương các cơ quan khác do cục máu đông gây ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu). Thuốc làm loãng máu bao gồm warfarin, apixaban, dabigatran, edoxaban và rivaroxaban. Nếu bạn dùng warfarin, bạn sẽ cần phải xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi tác dụng của thuốc.

Liệu pháp thiết lập lại nhịp tim

Nếu các triệu chứng rung nhĩ gây khó chịu hoặc nếu đây là cơn đầu tiên của rung nhĩ được ghi nhận, bác sĩ có thể cố gắng thiết lập lại nhịp tim (nhịp xoang) bằng cách sử dụng một thủ thuật gọi là chuyển nhịp tim.

Chúng có thể bao gồm:

  • Sốc điện. Phương pháp này để thiết lập lại nhịp tim được thực hiện bằng cách sốc điện đến tim thông qua miếng dán (điện cực) đặt trên ngực.
  • Thuốc chống loạn nhịp. Thuốc được đưa qua đường truyền tĩnh mạch hoặc đường uống để thiết lập lại nhịp tim.

Phẫu thuật

Nếu tình trạng rung nhĩ không thuyên giảm khi dùng thuốc hoặc các liệu pháp khác, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

  • Phẫu thuật Maze. Bác sĩ sử dụng nhiệt (năng lượng tần số vô tuyến) hoặc áp lạnh hoặc dao mổ để tạo ra mô sẹo như mê cung trong các buồng trên của tim nhằm phần nào ngăn chặn các tín hiệu điện bất thường và khôi phục nhịp tim bình thường. Nếu dùng dao mổ để tạo mô hình sẹo, phẫu thuật tim hở là điều kiện cần thiết. Đây là phương pháp điều trị rung nhĩ được lựa chọn ở những người cần phẫu thuật tim khác kèm theo, chẳng hạn như phẫu thuật bắc cầu động mạch vành hoặc sửa chữa/thay van tim.
  • Cắt bỏ nút nhĩ thất (AV). Năng lượng nhiệt hoặc lạnh được áp dụng cho mô tim tại nút nhĩ thất để phá hủy kết nối tín hiệu điện giữa tầng nhĩ và tầng thất. Sau khi cắt bỏ nút nhĩ thất, người bệnh cần đặt máy tạo nhịp tim suốt đời.
  • Phẫu thuật đóng tiểu nhĩ trái. Nếu bệnh nhân không thể dùng thuốc làm loãng máu, bác sĩ có thể đề nghị thủ thuật đặt ống thông để bịt kín một túi nhỏ (phần phụ) trong buồng tim phía trên bên trái, gọi là tiểu nhĩ trái – nơi hình thành hầu hết các cục máu đông liên quan đến rung nhĩ. Phẫu thuật đóng tiểu nhĩ trái là một lựa chọn đi kèm cho các bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật tim khác..

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh rung nhĩ (rung tâm nhĩ)?

Lựa chọn lối sống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và có thể ngăn ngừa rung nhĩ. Dưới đây là một số lời khuyên cơ bản để bảo vệ và duy trì sức khỏe tim mạch:

  • Ăn một chế độ ăn uống bổ dưỡng, lành mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng hợp lý
  • Đừng hút thuốc
  • Tránh hoặc hạn chế rượu và caffein
  • Kiểm soát căng thẳng, vì căng thẳng và tức giận dữ dội có thể gây ra các vấn đề về nhịp tim
  • Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, đồng thời kiểm tra nồng độ máu thường xuyên.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất. Dù có triệu chứng hay chưa, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 đến 12 tháng, bao gồm đo điện tim, là điều cần làm để có thể phát hiện sớm rung nhĩ cũng như bảo vệ sức khỏe toàn diện nói chung.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 29/05/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo