backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Rối loạn ngưng thở khi ngủ

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 12/04/2021

Rối loạn ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là rối loạn giấc ngủ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim…

Trong bài viết sau, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và ngăn ngừa căn bệnh này nhé.

Tìm hiểu chung

Rối loạn ngưng thở khi ngủ là bệnh gì?

Rối loạn ngưng thở khi ngủ là tình trạng dừng thở hoặc thở thoi thóp trong thời gian ngắn (khoảng 10 đến 30 giây), xảy ra nhiều lần trong khi ngủ. Những cơn ngưng thở tạm thời này khiến chất lượng giấc ngủ của người bệnh bị giảm sút, ảnh hưởng đến việc cung cấp oxy cho cơ thể, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Rối loạn ngưng thở khi ngủ có 3 loại chính, bao gồm:

  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: Xảy ra do tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường hô hấp trên trong khi ngủ. Đây là loại ngưng thở khi ngủ phổ biến nhất.
  • Ngưng thở khi ngủ trung ương: Xảy ra khi não không gửi tín hiệu thích hợp đến các cơ điều khiển nhịp thở
  • Ngưng thở khi ngủ hỗn hợp: Người bệnh bị cả chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và chứng ngưng thở khi ngủ trung ương.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn ngưng thở khi ngủ?

Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm:

  • Ngủ ngáy, đặc biệt ngáy to khi nằm ngửa
  • Khô miệng khi tỉnh dậy vào buổi sáng
  • Thở thoi thóp khi ngủ
  • Khó duy trì giấc ngủ sâu
  • Mệt mỏi, nhức đầu và khó tập trung vào ban ngày
  • Buồn ngủ trong ngày dù ngủ đủ
  • Trầm cảm hoặc cáu kỉnh.

Một số các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Triệu chứng ngưng thở khi ngủ

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Ngoài ra, bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như:

  • Thấy cổ họng đau, rát lúc thức dậy
  • Đau đầu và mệt mỏi sau khi ngủ
  • Tỉnh giấc do khó thở hoặc không thở được
  • Bị mất ngủ.

Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ngưng thở khi ngủ là gì?

Tùy từng loại ngưng thở khi ngủ mà nguyên nhân gây bệnh sẽ khác nhau.

Rối loạn ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Chứng ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn xảy ra khi các cơ phía sau cổ họng (bao gồm vòm miệng, lưỡi gà, amidan và lưỡi) giãn ra nhiều hơn bình thường, làm thu hẹp hoặc đóng hoàn toàn đường thở. Nếu không được nhận oxy lâu hơn 20 giây, não sẽ nhanh chóng đánh thức bạn để bạn thở lại bình thường. Giấc ngủ bị gián đoạn nhiều lần sẽ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ vào ngày hôm sau.

Ngưng thở khi ngủ trung ương

Loại rối loạn này xảy ra khi não của bạn không thể truyền tín hiệu đến các cơ điều khiển nhịp thở của bạn. Điều này có thể khiến bạn thức giấc với tình trạng khó thở, gặp khó khăn để đi vào giấc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ sâu.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải rối loạn ngưng thở khi ngủ?

Rối loạn ngưng thở có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, nhưng phổ biến hơn ở đàn ông trung niên hoặc lớn tuổi. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ?

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn ngưng thở khi ngủ bao gồm:

  • Thừa cân, do chất béo tích tụ xung quanh dễ cản trở hô hấp
  • Mắc các bệnh lý khác như tiểu đường, cao huyết áp, suy tim sung huyết, Parkinson…
  • Di tật: Cổ họng hẹp, amidan hoặc vòm họng to làm chặn đường thở
  • Nghẹt mũi mãn tính
  • Di truyền: nếu bạn có người thân bị ngưng thở khi ngủ, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc phải rối loạn ngưng thở khi ngủ
  • Hút thuốc, sử dụng rượu.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán rối loạn ngưng thở khi ngủ?

Bác sĩ có thể đưa ra đánh giá dựa trên các triệu chứng cũng như tiền sử bệnh của bạn. Bác sĩ cũng sẽ khám phổi, tim, mũi và cổ họng của bạn để chẩn đoán bệnh.

Bạn có thể được giới thiệu đến một trung tâm điều trị rối loạn giấc ngủ. Tại đây, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm kiểm tra chuyên sâu, đo hoạt động của não, nhịp thở, nồng độ oxy và nhịp tim khi ngủ để đưa ra kết luận về tình trạng mắc phải.

Những phương pháp nào dùng để điều trị rối loạn ngưng thở khi ngủ?

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị rối loạn ngưng thở khi ngủ. Các phương pháp điều trị bác sĩ đưa ra cho bạn chỉ giúp hạn chế đường hô hấp bị hẹp lại, bao gồm:

  • Dùng mặt nạ đặc biệt vào ban đêm (máy CPAP) làm tăng áp lực để giữ cho đường thở không bị hẹp
  • Dùng các thiết bị trợ thở.

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần phẫu thuật để mở rộng đường thở. Bác sĩ sẽ cắt bỏ mô dư làm hẹp đường thở hoặc nới rộng hàm, giúp việc hít thở dễ dàng hơn.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của chứng ngưng thở khi ngủ?

Tập thể dục

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng rối loạn ngưng thở khi ngủ bằng những lưu ý sau đây:

  • Giảm cân nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì để đường thở không bị chèn. Giảm cân cũng có thể cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bạn, đồng thời làm giảm cơn buồn ngủ vào ban ngày.
  • Tập thể dục và vận động thường xuyên để tăng tuần hoàn máu
  • Tránh uống rượu bia, hút thuốc lá
  • Không dùng các loại thuốc an thần và các loại thuốc khác mà không có chỉ định từ bác sĩ
  • Nên nằm ngủ nghiêng về một bên hoặc nằm sấp, tránh lưỡi và vòm miệng đè xuống đường thở
  • Sử dụng thuốc xịt mũi hoặc nước muối để đường mũi không bị tắc nếu bạn bị nghẹt mũi. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ loại thuốc bạn nên dùng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 12/04/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo