backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nứt kẽ hậu môn là gì? Những điều bạn cần biết để điều trị hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 20/12/2022

    Nứt kẽ hậu môn là gì? Những điều bạn cần biết để điều trị hiệu quả

    Nứt hậu môn, hay còn gọi là nứt kẽ hậu môn. Đây là tình trạng thường gặp ở những người bị táo bón. Làm sao để nhận biết bạn bị nứt kẽ hậu môn? 

    Thực chất, bị nứt hậu môn có thể gây đau và chảy máu trong hoặc sau khi bạn đi đại tiện. Vậy nứt hậu môn là gì? Làm thế nào để điều trị nứt hậu môn đúng cách? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

    Bệnh nứt hậu môn là gì? Nứt hậu môn bao lâu thì lành?

    Vết nứt hậu môn (nứt kẽ hậu môn) là một vết cắt nhỏ hoặc rách ở niêm mạc hậu môn. Các vết nứt trên da gây ra đau dữ dội và có thể chảy máu đỏ tươi trong và sau khi đi tiêu. Đôi khi, vết nứt có thể đủ sâu để lộ các mô cơ bên dưới.

    Thực tế, nứt hậu môn thường là một tình trạng nghiêm trọng. Nó có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai ở mọi lứa tuổi, và thường thấy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì đây là nhóm tuổi dễ bị táo bón nhất.

    Trong hầu hết các trường hợp, vết nứt sẽ tự lành trong vòng 4-6 tuần. Trong trường hợp vết nứt kéo dài hơn 8 tuần, bạn sẽ mắc nứt hậu môn mãn tính.

    Các triệu chứng nứt kẽ hậu môn là gì?

    Các triệu chứng nứt hậu môn bao gồm:

    • Đau, đôi khi có thể nghiêm trọng, trong khi đi tiêu
    • Đau sau khi đi tiêu có thể kéo dài đến vài giờ
    • Máu đỏ tươi trên phân hoặc giấy vệ sinh sau khi đi tiêu
    • Một vết nứt có thể nhìn thấy ở vùng da xung quanh hậu môn
    • Một cục u nhỏ hoặc mụn thịt trên da gần vết nứt hậu môn

    Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?

    Gặp bác sĩ nếu bạn bị đau khi đi tiêu hoặc thấy có máu trên phân hay giấy vệ sinh sau khi đi tiêu.

    Nguyên nhân gây nứt hậu môn

    táo bón

    Nguyên nhân phổ biến nhất khiến hậu môn bị nứt là do tổn thương niêm mạc hậu môn hoặc ống hậu môn, phần cuối của ruột già.

    Hầu hết các trường hợp xảy ra ở những người bị táo bón, khi phân cứng hoặc lớn làm rách niêm mạc ống hậu môn.

    Các nguyên nhân có thể khác có thể gây nứt kẽ hậu môn như:

    • Tiêu chảy kéo dài
    • Bệnh viêm ruột (IBD), chẳng hạn như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng
    • Mang thai và sinh nở
    • Đôi khi, nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI), chẳng hạn như giang mai hoặc herpes, có thể lây nhiễm và làm hỏng ống hậu môn
    • Cơ hậu môn co thắt chặt chẽ khác thường, có thể làm tăng áp lực trong ống hậu môn, làm cho nó dễ bị rách hơn

    Trong nhiều trường hợp, bác sĩ không thể xác định nguyên nhân rõ ràng gây bệnh.

    Chẩn đoán nứt kẽ hậu môn

    Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng và các đặc điểm của cơn đau. Họ cũng có thể hỏi về thói quen đi vệ sinh của bạn.

    Bác sĩ thường sẽ có thể nhìn thấy vết nứt bằng cách quan sát trực tiếp.

    Ngoài ra, họ cũng có thể yêu cầu thủ thuật này gọi là khám trực tràng bằng ngón tay. Trong đó, bác sĩ sẽ đưa ngón tay đeo găng và được bôi trơn vào hậu môn để cảm nhận sự bất thường. Tuy nhiên, phương pháp này thường không được sử dụng để chẩn đoán vết nứt hậu môn vì có thể gây đau.

    Nếu nghi ngờ các vấn đề nghiêm trọng gây ra vết nứt, bác sĩ có thể kiểm tra hậu môn của bạn kỹ hơn bằng cách dùng thuốc gây mê để giảm đau.

    Đôi khi, bác sĩ sẽ đề nghị đo áp lực cơ thắt hậu môn đối với các vết nứt không đáp ứng với các phương pháp điều trị đơn giản.

    Nứt hậu môn điều trị như thế nào?

    Sử dụng thuốc

    Hầu hết các vết nứt hậu môn không cần điều trị chuyên sâu. Một số biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp thúc đẩy chữa bệnh và giảm các triệu chứng khó chịu. Bạn có thể điều trị nứt hậu môn tại nhà bằng cách:

    • Sử dụng thuốc làm mềm phân không kê đơn
    • Uống nhiều nước
    • Bổ sung chất xơ và ăn nhiều thực phẩm nhiều chất xơ, như trái cây và rau củ
    • Tắm ngồi để thư giãn các cơ hậu môn, giảm kích ứng và tăng lưu lượng máu đến vùng hậu môn
    • Bôi thuốc mỡ nitroglycerin để thúc đẩy lưu lượng máu đến khu vực hoặc kem hydrocortison để giúp chống viêm. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
    Trị nứt kẽ hậu môn bằng cách dùng thuốc giảm đau tại chỗ, chẳng hạn như lidocaine, để giảm bớt sự khó chịu

    Nếu các triệu chứng của bạn không giảm bớt trong vòng hai tuần điều trị, hãy đến gặp bác sĩ để được đánh giá thêm. Bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác và đề nghị các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như dùng thuốc mỡ hoặc tiêm botox.

    Nếu tình trạng của bạn không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt cơ thắt hậu môn.

    Bạn cũng cần lưu ý rằng không phải tất cả các vết nứt hậu môn là dấu hiệu của chế độ ăn ít chất xơ và táo bón. Chúng có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe tiềm ần.

    Nứt hậu môn có nguy hiểm không?

    Tình trạng này có thể dẫn đến:

    • Vết thương không thể chữa lành. Nếu vết nứt không lành trong vòng 8 tuần, bạn có thể bị nứt hậu môn mãn tính và cần điều trị thêm.
    • Tái phát vết nứt. Một khi đã bị nứt hậu môn, bạn có xu hướng sẽ tái phát tình trạng này.
    • Vết nứt kéo dài đến các cơ xung quanh. Trong một số trướng hợp, vết nứt có thể kéo dài vào vòng cơ co thắt hậu môn, làm cho vết nứt khó lành hơn. Điều này có thể khiến bạn khó chịu và phải cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật để giảm đau và sửa chữa hoặc loại bỏ vết nứt.

    Phòng ngừa nứt hậu môn

    Thực tế, không thể phòng ngừa tình trạng nứt này, nhưng bạn có thể giảm thiểu rủi ro mắc bệnh bằng cách:

    • Luôn giữ cho vùng hậu môn khô
    • Làm sạch vùng hậu môn nhẹ nhàng bằng xà phòng nhẹ và nước ấm
    • Uống nhiều nước, ăn thực phẩm nhiều chất xơ và tập thể dục thường xuyên để tránh táo bón
    • Điều trị tiêu chảy ngay lập tức
    • Thường xuyên thay tã cho trẻ sơ sinh

    Nứt kẽ hậu môn khá phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này bạn cần phát triển, duy trì các thói quen lành mạnh. Nếu không thể làm dịu cơn đau do nứt hậu môn, bạn nên đi khám để được bác sĩ hỗ trợ điều trị.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 20/12/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo