backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Nôn khan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 29/04/2019

Nôn khan

Tìm hiểu về nôn khan

Nôn khan là gì?

Nôn khan là cảm giác nôn mửa nhưng không nôn ra bất kì chất nào. Nôn khan xảy ra khi bạn cố gắng để nôn. Lúc này, đường thở sẽ đóng lại khi cơ hoành co lại. Đôi khi, tình trạng buồn nôn đi kèm với nôn khan. Trong một số trường hợp hiếm, bạn có thể nôn khi bị nôn khan.

Những ai có thể bị nôn khan?

Nôn khan là tình trạng cực kỳ phổ biến, có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm chi tiết.

Triệu chứng nôn khan

Triệu chứng nôn khan là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan bao gồm:

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu bạn hoặc người thân của bạn có bất kỳ dấu hiệu sau đây:

  • Nôn khan kéo dài
  • Đau ngực dữ dội
  • Đau bụng nghiêm trọng
  • Chóng mặt hay yếu
  • Nhịp tim tăng
  • Ít đi tiểu
  • Đi tiểu ra máu
  • Phân hoặc nôn có máu
  • Khó thở
  • Đau cơ hoặc yếu cơ

Khi nhận thấy một trong những triệu chứng này hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, bạn vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa của mỗi người khác nhau. Tốt nhất, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Nguyên nhân gây nôn khan

Nguyên nhân nào gây nôn khan?

Trong thời gian bạn bị nôn khan, các cơ hoành sẽ co thắt kết hợp với đường thở đóng. Điều này khiến bạn có cảm giác giống như nôn mửa. Một số tình trạng, thói quen có thể gây ra nôn khan, như:

Tập thể dục

Tập thể dục ở cường độ quá cao có thể khiến cơ hoành co lại, gây nôn khan. Ngoài ra, tập thể dục sau khi ăn no cũng khiến bạn bị tình trạng này. Do đó, bạn nên tránh ăn quá no trước khi tập luyện.

Khi mới bắt đầu một bài thể dục, bạn hãy thử với mức độ nhẹ và tăng dần cường độ tập luyện. Điều này có thể giúp bạn phòng ngừa nôn khan.

Nếu trong quá trình luyện tập, bạn nôn khan hoặc buồn nôn, hãy nghỉ ngơi và uống một lượng nhỏ nước từ từ.

Uống quá nhiều rượu

Uống rượu quá nhiều có thể dẫn đến nôn khan hoặc nôn, do đó bạn nên hạn chế uống rượu. Bạn cũng có thể ăn trong khi uống để tránh nôn khan. Nếu thấy có dấu hiệu nôn khan, hãy ngừng uống rượu ngay, uống nước từ từ và ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) gây ra các triệu chứng ợ nóng, làm thức ăn và axit trào ngược lên khoang miệng và dẫn đến khó chịu trong khi bạn nuốt hoặc thở. Tình trạng này cũng có thể khiến bạn bị nôn khan.

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp kiểm soát các triệu chứng của GERD. Bạn cũng có thể thử thay đổi lối sống, chẳng hạn như chia nhỏ các bữa ăn hoặc tránh các thực phẩm cay hay dầu mỡ.

Thuốc

Một số loại thuốc điều trị lo âu và trầm cảm có thể gây buồn nôn và nôn. Nếu bác sĩ nghi ngờ loại thuốc hiện tại của bạn là nguyên nhân gây nôn khan, họ có thể chỉ định bạn một loại thuốc khác. Bạn không được tự ý thay đổi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Các tình trạng khác có thể dẫn đến nôn khan là:

  • Nhiễm trùng
  • Lo âu
  • Viêm tụy
  • Các vấn đề nghiêm trọng về gan hoặc thận

Để giảm nôn khan, bác sĩ sẽ điều trị các tình trạng sức khỏe trên. Nếu bạn có một trong những điều kiện sức khỏe này và nôn khan, hãy nói chuyện với bác sĩ. Điều quan trọng là bạn phải cho bác sĩ biết tất các triệu chứng bạn mắc phải, cho dù nó không liên quan đến bệnh.

Mang thai

Nôn khan cũng là tình trạng rất phổ biến ở phụ nữ mang thai, tình trạng này còn gọi là ốm nghén. Bạn có thể nôn khan kết hợp với buồn nôn. Ốm nghén và các triệu chứng liên quan có xu hướng giảm bớt trong tam cá nguyệt thứ hai.

Các tình trạng được đề cập ở trên là một số nguyên nhân phổ biến gây nôn khan. Bạn hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để chẩn đoán chính xác.

Nguy cơ bị nôn khan

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị nôn khan?

Một số yếu tố làm bạn tăng nguy cơ bị nôn khan như:

  • Bệnh thoái hóa
  • Hoạt động thể chất cường độ cao
  • Sử dụng một số loại thuốc
  • Uống rượu quá nhiều
  • Mang thai

Điều trị nôn khan

Những biện pháp tại nhà nào có thể giúp bạn điều trị nôn khan?

Nôn khan có thể khiến bạn khó chịu, nhưng phần lớn các trường hợp nôn khan đều kéo dài trong thời gian ngắn và có thể khỏi nhờ các biện pháp tại nhà.

Đối với các trường hợp nôn khan do uống quá nhiều rượu, bạn nên bỏ rượu và uống nhiều nước.

Tuy nhiên, buồn nôn và nôn khan mức độ từ trung bình đến nặng có thể gây mất nước nghiêm trọng và có khả năng làm tổn thương các mô và cơ quan. Các lựa chọn điều trị y tế phổ biến nhất đối với nôn khan nặng là tiêm truyền tĩnh mạch (IV) và thuốc chống buồn nôn (thuốc chống nôn).

Nếu nôn khan liên quan đến một tình trạng sức khỏe cụ thể, bác sĩ sẽ yêu cầu điều trị nguyên nhân cơ bản.

Các biện pháp phổ biến tại nhà giúp điều trị nôn khan từ nhẹ đến trung bình bao gồm:

  • Bổ sung nước. Bạn nên uống một lượng nhỏ, chậm và từng ngụm để giúp bù nước.
  • Bổ sung điện giải. Khi bị nôn, cơ thể bị mất một lượng nước và chất điện giải, vì vậy bạn nên bổ sung các nước có chất điện giải, như Oresol hoặc đồ uống thể thao. Bạn lưu ý chỉ uống nước với một lượng nhỏ và tăng lượng nước từ từ.
  • Thư giãn và nghỉ ngơi. Nếu có thể, bạn có thể nằm với đầu kê cao và thở sâu. Hít thở và thư giãn có thể giúp bạn giảm các triệu chứng nôn khan.
  • Ăn những thực phẩm dễ tiêu. Một số chuyên gia cho rằng các loại thực phẩm đơn giản như cháo, bánh mì, táo, nước soup và chuối giúp dễ tiêu hóa và giảm buồn nôn.
  • Gừng. Từ lâu, mọi người đã dùng gừng và các sản phẩm từ gừng (như kẹo gừng) để giảm buồn nôn. Ngoài ra, gừng cũng là một thành phần phổ biến trong các thuốc chống buồn nôn.
  • Thuốc chống nôn. Các loại thuốc chống buồn nôn không kê đơn có tác dụng ngăn chặn các chất dẫn truyền thần kinh gây ra buồn nôn, nôn khan và nôn. Bạn cần tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng của thuốc.
  • Thuốc kháng axit. Các thuốc kháng axit không kê đơn có chứa các hợp chất, chẳng hạn như canxi cacbonat, magiê và baking soda, giúp trung hòa axit dạ dày.
  • Liệu pháp mùi hương. Một nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra rằng hít tinh dầu gừng hoặc kết hợp gừng và bạc hà, bạc hà và thảo quả có thể làm giảm buồn nôn sau phẫu thuật.

Điều trị nôn khan ở phụ nữ mang thai

Việc điều trị nôn khan trong thai kỳ là hết sức cần thiết để tránh mất nước, suy dinh dưỡng, giảm cân, gây hại cho mẹ bầu và thai nhi.

Các biện pháp điều trị ban đầu thường là bổ sung nước, có một chế độ ăn uống cân bằng hơn và dùng thực phẩm chức năng.

Thay đổi lối sống, chẳng hạn như chia nhỏ bữa ăn trong ngày có thể giúp giảm các triệu chứng.  Bạn cũng nên có một bữa ăn nhẹ giàu protein trước khi đi ngủ để làm giảm buồn nôn và nôn khan khi mang thai.

Đối với những trường hợp nặng hơn, bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc chống buồn nôn và vitamin, bao gồm:

  • Pyridoxin (vitamin B6)
  • Thiamine (vitamin B1)
  • Thuốc kháng histamine
  • Thuốc chẹn dopamine hoặc serotonin

Mặc dù ít được hỗ trợ bởi nghiên cứu khoa học, một số lựa chọn điều trị tự nhiên đã được đề xuất và đôi khi được sử dụng để điều trị buồn nôn, đặc biệt là trong khi mang thai.

Các lựa chọn điều trị thay thế cho buồn nôn bao gồm:

  • Châm cứu
  • Acustimulation, sử dụng dòng điện nhẹ
  • Bấm huyệt

Phòng ngừa nôn khan

Làm thế nào để bạn phòng ngừa nôn khan?

Một số thay đổi lối sống sẽ giúp bạn phòng ngừa nôn khan, chẳng hạn như:

  • Chia nhỏ bữa ăn cả ngày, đặc biệt nếu bạn mang thai
  • Tránh tập thể dục khi no
  • Uống nhiều nước hơn
  • Giảm hoặc cai rượu
  • Tránh uống rượu khi bụng đói
  • Ngủ đủ giấc
  • Quản lý căng thẳng.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 29/04/2019

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo