backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Mất thị lực

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 26/05/2022

Mất thị lực

Mất thị lực có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ví dụ, trẻ sơ sinh có thể bị suy giảm thị lực do mắc bệnh glôcôm bẩm sinh hay đục thủy tinh thể. Những người trung niên có thể giảm thị lực do biến chứng từ bệnh lý khác như đái tháo đường. Đối với người cao tuổi, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ảnh hưởng đến thị lực là thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD).

Mời bạn cùng tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Mất thị lực là gì?

Mất thị lực xảy ra khi một phần của mắt bị tổn thương do bệnh lý hoặc bất thường nào đó khiến tầm nhìn bị suy giảm, giảm khả năng nhìn mọi vật rõ ràng. Tùy theo vấn đề gặp phải, thị lực bị suy giảm theo những cách khác nhau. Mất thị lực có thể xảy ra dần dần theo thời gian hoặc suy giảm thị lực đột ngột. Bạn có thể bị mất thị lực một phần hoặc mất thị lực hoàn toàn (mù lòa).

Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, ngay từ khi mới sinh ra do các bệnh bẩm sinh (như glôcôm bẩm sinh hay đục thủy tinh thể). Ngay cả những người trung niên hay cao tuổi cũng có thể bị suy giảm thị lực một bên mắt do bệnh lý tiềm ẩn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng mất thị lực là gì?

Khi có vấn đề về thị lực, bạn thường sẽ gặp rắc rối với các hoạt động bình thường, chẳng hạn như đọc thư, xem tivi, ký tên, thanh toán hóa đơn hoặc leo cầu thang. Bạn cũng có thể khó nhận ra mọi người và phải nheo mắt nhiều để nhìn rõ mọi thứ.

Mất thị lực có thể được chia làm hai loại là mất thị lực trung tâm và mất thị lực ngoại biên. Tùy vào bệnh mắt đang mắc phải mà phần thị lực bị ảnh hưởng sẽ là trung tâm hay ngoại biên. Tuy nhiên, một số ít trường hợp người bệnh mất cả hai loại thị lực này cùng một lúc.

triệu chứng mất thị lực

Mất thị lực trung tâm

Tình trạng này thường xảy ra do tổn thương điểm vàng nằm ở giữa võng mạc. Khi đó người bệnh thường có cảm giác nhìn bị thiếu chi tiết hay có các điểm mờ ở giữa thị trường nhìn của mắt. Khi tổn thương tiến triển dần, những điểm mờ sẽ chuyển thành các đốm đen hoặc khoảng trống.

Mất thị lực ngoại biên

Thị lực ngoại biên là khả năng nhìn thấy những hình ảnh xung quanh hay các phía mà không cần quay đầu qua lại. Khi thị lực này giảm sút, bạn sẽ cảm thấy những thứ ở trung tâm sáng và rõ ràng hơn so với những hình ảnh xung quanh. Tình trạng này còn được gọi là “tầm nhìn đường hầm” do nó giống với cảm giác khi bạn đi vào trong một đường hầm với tốc độ cao. Đôi khi, người bệnh có thể cảm thấy khó nhìn vào ban đêm hoặc trong môi trường thiếu ánh sáng.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Mất thị lực đột ngột luôn là một trường hợp khẩn cấp, ngay cả khi bạn chưa mất thị lực hoàn toàn. Bạn đừng bao giờ bỏ qua tình trạng mất thị lực, vì nghĩ rằng nó sẽ được cải thiện.

Hãy gọi cho bác sĩ nhãn khoa hoặc đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Hầu hết các dạng mất thị lực nghiêm trọng đều không gây đau đớn, và việc không có cảm giác đau sẽ không làm giảm nhu cầu cấp thiết phải được chăm sóc y tế. Nhiều dạng mất thị lực chỉ cho bạn một khoảng thời gian ngắn để được điều trị thành công.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây mất thị lực?

Thay đổi tầm nhìn, chẳng hạn như khí tập trung nhìn vào các vật thể ở gần, là một phần bình thường của quá trình lão hóa. Ngoài ra, các nguyên nhân chính gây mất thị lực ở những người trên 40 tuổi là:

  • Thoái hóa điểm vàng. Tình trạng này được gây ra bởi những thay đổi trong điểm vàng. Điểm vàng giúp bạn nhìn mọi vật rõ ràng, sắc nét.
  • Bệnh glôcôm (tăng nhãn áp). Bệnh này thường do áp lực cao từ dịch bên trong mắt gây ra.
  • Đục thủy tinh thể. Điều này là do một lớp thủy tinh thể bên trong mắt gây cản trở tầm nhìn.
  • Bệnh võng mạc tiểu đường. Bệnh này ảnh hưởng đến những người mắc đái tháo đường, xảy ra khi lượng đường trong máu cao làm hỏng các mạch máu trong mắt.

Các nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng này bao gồm chấn thương, nhiễm trùng và thay đổi thị lực liên quan đến một số bệnh (như đái tháo đường, tăng huyết áp, đau nửa đầu, đa xơ cứng, viêm mạch…).

Một số ít trường hợp, mất thị lực đột ngột có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như khối u ở não, chấn thương đầu, đột quỵ, cơn đột quỵ thiếu máu thoáng qua.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán mất thị lực?

khám mắt

Người bệnh có thể không nhận ra rằng thị lực của mình đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt khi bệnh tiến triển dần dần. Đôi khi, chính những người thân thiết nhất lại nhận thấy sự thay đổi này.

Hãy đến gặp bác sĩ nếu suy giảm thị lực ngăn bạn thực hiện các hoạt động bình thường. Họ sẽ tìm ra nguyên nhân và đưa ra biện pháp điều trị thích hợp.

Bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng và bệnh sử của bạn và gia đình. Bạn cũng cần cung cấp thông tin chi tiết về bệnh, bao gồm thời gian xuất hiện mất thị lực và kéo dài trong bao lâu. Sau đó, họ sẽ kiểm tra mắt bạn để xác định nguyên nhân. Ngoài ra, sự xuất hiện và biến mất của các cơn đau có thể giúp bác sĩ thu hẹp các nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Nếu bạn chỉ bị mất thị lực trong thời gian rất ngắn, nguyên nhân có thể là do cơn thiếu máu não thoáng qua và chứng đau nửa đầu ở mắt. Bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm xác nhận chẩn đoán, bao gồm:

  • Siêu âm: được thực hiện nếu bác sĩ không nhìn thấy rõ võng mạc trong khi kiểm tra đáy mắt.
  • Chụp MRI có Gadolinium: phương pháp này được dùng cho một số người bị đau mắt, sưng dây thần kinh thị giác và có các triệu chứng khác.
  • Tốc độ máu lắng hay tốc độ lắng hồng cầu (ESR) và xét nghiệm CRP (xét nghiệm máu đo gián tiếp tình trạng viêm trong cơ thể): thường được thực hiện ở những người trên 50 tuổi bị đau đầu.

Những phương pháp nào giúp điều trị mất thị lực?

Thông thường, bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân gây mất thị lực càng nhanh càng tốt, mặc dù điều trị có thể không thể cứu hoặc phục hồi thị lực. Tuy nhiên, điều trị kịp thời có thể làm giảm nguy cơ mất thị lực một bên mắt còn lại.

Có nhiều thiết bị chuyên dụng có thể giúp bạn nhìn thấy khi thị lực dần suy yếu, như kính mắt, kính áp tròng. Đôi khi bác sĩ có thể yêu cầu làm phẫu thuật. Các phương pháp điều chỉnh thị lực bao gồm kính mắt, kính áp tròng, kính nhân tạo vĩnh viễn hoặc phẫu thuật mắt.

Trong một số trường hợp hiếm, tình trạng này không thể điều trị được và khiến bạn bị mù vĩnh viễn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bạn.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp bạn phòng ngừa mất thị lực?

Mất thị lực có thể được ngăn chặn, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ như bạn có thể ngăn ngừa bệnh võng mạc tiểu đường bằng cách ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2. Bạn có thể ngăn ngừa đục thủy tinh thể bằng cách đeo kính râm phân cực khi ở bên ngoài. Tuy nhiên, bạn thường không thể ngăn ngừa mất thị lực liên quan đến tuổi tác.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 26/05/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo