backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Hội chứng Zollinger-Ellison gây loét dạ dày và tá tràng: Điều bạn cần biết

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 31/05/2022

Hội chứng Zollinger-Ellison gây loét dạ dày và tá tràng: Điều bạn cần biết

Hội chứng Zollinger-Ellison là một chứng rối loạn tiêu hóa hiếm gặp. Bạn có thể hiểu đơn giản là khi mắc hội chứng này, dạ dày sẽ tiết nhiều axit dư thừa nên có thể gây loét dạ dày và tá tràng. Zollinger-Ellison có thể được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Trường hợp không điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ tổng hợp thông tin chi tiết hơn về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và điều trị hội chứng Zollinger-Ellison để bạn tham khảo.

Tìm hiểu chung

Hội chứng Zollinger-Ellison là gì?

Hội chứng Zollinger-Ellison là một căn bệnh của hệ tiêu hóa. Những người có hội chứng Zollinger-Ellison có các khối u được gọi là u tiết gastrin trong tuyến tụy và tá tràng (phần đầu tiên của ruột non). Các u tiết gastrin, gây ra bởi hội chứng, tiết ra hormone gastrin. Do gastrin tạo ra axit dạ dày quá nhiều, bệnh nhân hội chứng Zollinger-Ellison cũng có thể phát triển loét dạ dày và tá tràng.

Mức độ phổ biến của hội chứng Zollinger-Ellison

Hội chứng Zollinger-Ellison rất hiếm gặp. Bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong đời, nhưng mọi người thường được chẩn đoán ở độ tuổi từ 20 đến 50. Vui lòng thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng Zollinger-Ellison là gì?

triệu chứng hội chứng zollinger ellison

Các triệu chứng phổ biến của hội chứng Zollinger-Ellison bao gồm:

  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Nóng rát, đau, dấm dứt hoặc khó chịu ở bụng trên
  • Trào ngược axit và ợ nóng
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Chảy máu trong đường tiêu hóa (dấu hiệu đặc trưng phân đen/ hắc ín hoặc có lẫn máu)
  • Giảm cân ngoài ý muốn
  • Giảm thèm ăn

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:

  • Đau dai dẳng, nóng rát, đau âm ỉ ở vùng bụng trên
  • Tức ngực, khó thở
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Đau khi nuốt
  • Có dấu hiệu chảy máu trong đường tiêu hóa
  • Suy nhược, tầm nhìn mờ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra hội chứng Zollinger-Ellison?

Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng Zollinger-Ellison vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, chuỗi sự kiện xảy ra trong hội chứng Zollinger-Ellison khá rõ ràng. Hội chứng bắt đầu khi một hoặc nhiều khối u (u tiết gastrin) hình thành trong tuyến tụy, tá tràng hoặc các hạch bạch huyết tiếp giáp với tuyến tụy.

Tuyến tụy nằm phía sau và bên dưới dạ dày. Tuyến tụy tạo ra các enzyme cần thiết giúp tiêu hóa thức ăn. Tuyến tụy cũng sản xuất một số hormone bao gồm insulin, một loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Dịch tiêu hóa từ tuyến tụy, gan và túi mật sẽ được hòa trộn ở tá tràng. Đây là nơi tiêu hóa đạt đến đỉnh điểm của nó.

Các khối u xảy ra trong hội chứng Zollinger-Ellison được tạo thành từ các tế bào tiết ra lượng lớn gastrin, khiến cho dạ dày sản xuất quá nhiều axit. Các axit tiết ra quá mức dẫn đến loét dạ dày tá tràng và đôi khi gây ra tiêu chảy.

Hội chứng Zollinger-Ellison cũng có thể do tình trạng di truyền được gọi là đa nội tiết loại 1 (MEN 1). Những người có MEN 1 cũng có khối u ở tuyến cận giáp và có các khối u trong tuyến yên.

Khoảng 25% những người bị u tiết gastrin như là một phần của tình trạng bệnh đa nội tiết loại 1 (MEN 1). Họ cũng có thể có các khối u trong tuyến tụy và các cơ quan khác.

Nguy cơ mắc phải hội chứng Zollinger-Ellison

chẩn đoán hội chứng zollinger ellison

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Zollinger-Ellison?

Nếu bạn có người thân ruột thịt như anh chị em ruột hoặc cha mẹ mắc bệnh có bệnh đa nội tiết loại 1 (MEN 1), nhiều khả năng bạn sẽ mắc hội chứng Zollinger-Ellison.

Chẩn đoán & Điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng Zollinger-Ellison?

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có hội chứng Zollinger-Ellison, họ sẽ thực hiện xét nghiệm máu để tìm nồng độ cao của gastrin (hormone được tiết ra bởi u tiết gastrin). Họ cũng có thể thực hiện các xét nghiệm để đo lường lượng axit dạ dày mà cơ thể sản xuất.

Bác sĩ có thể kiểm tra xem bạn có bị loét không bằng cách thực hiện nội soi. Thủ thuật này được thực hiện với một ống mềm, linh hoạt (ống nội soi) để quan sát bên trong thực quản, dạ dày và tá tràng. Điều này thường được thực hiện cùng với siêu âm nội soi để tìm khối u.

Một máy quét CAT với loại tia X đặc biệt cung cấp hình ảnh mặt cắt ngang của cơ thể, cũng có thể được thực hiện để xác định vị trí các khối u tiết gastrin. Mặc dù với những xét nghiệm này, các u tiết gastrin vẫn có thể khó tìm.

Những phương pháp nào dùng để điều trị hội chứng Zollinger-Ellison?

Hội chứng Zollinger-Ellison được điều trị bằng cách giảm lượng axit dạ dày tạo ra. Thuốc ức chế bơm proton thường được kê toa. Những loại thuốc loại này là lansoprazole (Prevacid), omeprazole (Prilosec, Zegerid), pantoprazole (Protonix), dexlansoprazole (Dexilant), esomeprazole (Nexium) và rabeprazole (Aciphex), kiềm chế sự sản xuất axit dạ dày và giúp làm lành vết loét.

Các bác sĩ cũng có thể kê toa các loại thuốc chẹn H2, như cimetidin (Tagamet), famotidine (Pepcid) và ranitidine (Zantac). Tuy nhiên, những loại thuốc này không hoạt động tốt trong việc giảm axit dạ dày.

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật để xử lý loét dạ dày tá tràng hoặc để loại bỏ các u tiết gastrin. Khoảng 50% bệnh nhân được phẫu thuật có thể chữa khỏi. Đối với các khối u ác tính, bức xạ và hóa trị có thể được yêu cầu.

Có thể bạn quan tâm:  Những loại thuốc chữa viêm loét dạ dày tốt nhất hiện nay 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 31/05/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo