backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Hội chứng trái tim tan vỡ là gì? Vì sao bạn lại mắc bệnh?

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 20/05/2022

Hội chứng trái tim tan vỡ là gì? Vì sao bạn lại mắc bệnh?

Tìm hiểu chung

Hội chứng trái tim tan vỡ là gì?

Hội chứng trái tim tan vỡ là tình trạng bệnh tim tạm thời, thường xảy ra do những tình huống căng thẳng như mất người thân. Tình trạng này cũng có thể được gây ra bởi bệnh tật hoặc phẫu thuật nghiêm trọng. Những người bị hiện tượng trái tim tan vỡ có thể bị đau ngực đột ngột hoặc nghĩ rằng họ bị nhồi máu cơ tim.

Hội chứng trái tim tan vỡ xảy ra do sự gián đoạn tạm thời về chức năng bơm máu bình thường tại một vùng tim. Phần còn lại của tim vẫn hoạt động bình thường hoặc có các cơn co thắt mạnh hơn. Hội chứng trái tim tan vỡ có thể do phản ứng của tim với sự gia tăng các kích thích tố căng thẳng.

Bệnh trái tim tan vỡ cũng được gọi là bệnh lý cơ tim takotsubo, hội chứng phình đỉnh tim hoặc bệnh cơ tim do căng thẳng. Các triệu chứng trái tim tan vỡ có thể điều trị được và tình trạng này thường tự thay đổi trong vài ngày hoặc vài tuần.

Mức độ phổ biến của hội chứng trái tim tan vỡ là gì?

Hội chứng trái tim tan vỡ là một tình trạng hiếm gặp, chỉ ảnh hưởng đến khoảng 2% những người bị bệnh tim. Hầu hết những người trải qua các giai đoạn của bệnh cơ tim căng thẳng là phụ nữ từ 50 tuổi trở lên. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Hội chứng trái tim tan vỡ khác với cơn đau tim như thế nào?

Các cơn đau tim thường do tắc nghẽn hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn của động mạch tim. Sự tắc nghẽn này là do cục máu đông hình thành tại vị trí thu hẹp bởi tích tụ mỡ (xơ vữa động mạch) trong thành động mạch. Ngược lại, đối với hội chứng trái tim tan vỡ, các động mạch tim không bị tắc nghẽn, mặc dù lưu lượng máu trong động mạch của tim có thể bị giảm.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng trái tim tan vỡ là gì?

Các triệu chứng thường gặp của hội chứng trái tim tan vỡ là:

  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Hụt hơi
  • Đổ mồ hôi
  • Chóng mặt.

Bất kỳ cơn đau ngực kéo dài hay dai dẳng nào đều có thể là dấu hiệu của cơn đau tim, vì vậy bạn cần cẩn trọng và đi khám ngay để được kiểm tra và điều trị.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn đang bị đau ngực, nhịp tim rất nhanh hoặc bất thường hay khó thở sau một sự kiện căng thẳng, hãy gọi cấp cứu ngay.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hội chứng trái tim tan vỡ là gì?

triệu chứng trái tim tan vỡ

Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng trái tim tan vỡ không rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng sự gia tăng các kích thích tố căng thẳng như adrenaline, có thể tạm thời làm tổn thương tim của một số người. Tình trạng co thắt tạm thời các động mạch lớn hay nhỏ của tim cũng góp phần gây ra vấn đề này.

Hội chứng trái tim tan vỡ thường xảy ra sau sự cố về thể chất hoặc cảm xúc mãnh liệt. Một số tác nhân gây ra hội chứng này là:

  • Tin tức về cái chết bất ngờ của một người thân
  • Chẩn đoán về một bệnh hiểm nghèo
  • Bị lạm dụng
  • Mất hoặc thắng rất nhiều tiền
  • Tranh cãi gay gắt
  • Một bữa tiệc bất ngờ
  • Trình diễn trước công chúng
  • Mất việc
  • Ly hôn
  • Căng thẳng thể chất như cơn hen suyễn, tai nạn xe hơi hoặc phẫu thuật lớn.

Một số loại thuốc có thể gây ra hội chứng trái tim tan vỡ (hiếm gặp) do làm gia tăng các kích thích tố căng thẳng, bao gồm:

  • Epinephrine được sử dụng để điều trị các phản ứng dị ứng nặng hoặc cơn suyễn nặng.
  • Duloxetine, một loại thuốc dùng để điều trị các vấn đề về thần kinh ở những người bị tiểu đường hoặc điều trị trầm cảm.
  • Venlafaxine điều trị trầm cảm.
  • Levothyroxine, một loại thuốc được kê toa cho những người có tuyến giáp không hoạt động đúng cách.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng trái tim tan vỡ là gì?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này như:

  • Giới tính. Hội chứng này ảnh hưởng đến phụ nữ thường xuyên hơn nam giới.
  • Tuổi. Phần lớn những người bị hội chứng tan vỡ trái tim đều lớn hơn 50 tuổi.
  • Có tiền sử bị bệnh thần kinh. Những người bị rối loạn thần kinh như chấn thương đầu hoặc rối loạn co giật (động kinh) có nguy cơ bị hội chứng trái tim tan vỡ nhiều hơn.
  • Đã hoặc đang có một rối loạn tâm thần. Nếu đã mắc rối loạn như lo âu hoặc trầm cảm, bạn có thể có nguy cơ cao bị hội chứng trái tim tan vỡ.

Các biến chứng

Hội chứng trái tim tan vỡ có nguy hiểm không?

Hiếm khi, hội chứng trái tim tan vỡ có thể gây tử vong. Tuy nhiên, hầu hết những người bị hội chứng trái tim tan vỡ đều nhanh chóng hồi phục và không có tác dụng lâu dài.

Các biến chứng khác có thể xảy ra của hội chứng trái tim tan vỡ bao gồm:

  • Chất lỏng vào phổi (phù phổi)
  • Huyết áp thấp (hạ huyết áp)
  • Nhịp tim
  • không đều (loạn nhịp tim)
  • Suy timCục máu đông hình thành trong tim do cơ tim bị suy yếu

Hội chứng trái tim tan vỡ có thể xảy ra một lần nữa sau một sự kiện căng thẳng khác. Tuy nhiên, tỷ lệ điều này xảy ra là thấp.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán hội chứng trái tim tan vỡ?

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị hội chứng trái tim tan vỡ, họ sẽ thăm khám và làm các xét nghiệm sau đây để chẩn đoán:

  • Bệnh sử cá nhân và khám sức khỏe. Ngoài việc khám thực thể, bác sĩ cần biết về bệnh sử của bạn, đặc biệt là bạn đã từng có các triệu chứng bệnh tim hay chưa. Những người bị trái tim vỡ thường không có bất kỳ triệu chứng bệnh tim nào trước khi được chẩn đoán mắc bệnh. Ngoài ra, bác sĩ cần biết bạn có trải qua bất kỳ căng thẳng lớn gần đây như mất người thân không.
  • Điện tâm đồ (ECG). ECG ghi lại những tín hiệu điện này và có thể giúp bác sĩ phát hiện những bất thường về nhịp tim và cấu trúc tim.
  • Siêu âm tim. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu siêu âm để xem tim có bị phình to hay hình dạng bất thường – những dấu hiệu của trái tim bị vỡ hay không.
  • Xét nghiệm máu. Hầu hết những người bị vỡ tim đều có lượng enzyme trong máu tăng lên. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu nhằm kiểm tra các enzyme này để giúp chẩn đoán hội chứng.
  • X-quang ngực. Bác sĩ có thể chụp X-quang ngực để xem tim có bị phình to hay có hình dạng điển hình của hội chứng trái tim tan vỡ hoặc để xem liệu có bất kỳ vấn đề nào trong phổi có thể gây ra các triệu chứng của bạn hay không.
  • Chụp cộng hưởng từ tim (MRI). Từ trường tạo ra hình ảnh chi tiết giúp bác sĩ đánh giá tim.
  • Chụp mạch vành. Thủ thuật này giúp bác sĩ quan sát chi tiết bên trong các mạch máu.

Do hội chứng trái tim tan vỡ thường giống các dấu hiệu và triệu chứng của một cơn đau tim, nên bác sĩ thường nhanh chóng cho chụp mạch vành để loại trừ đau tim. Những người bị bệnh trái tim tan vỡ thường không bị tắc nghẽn mạch máu, nhưng những người bị đau tim thường có tắc nghẽn nhìn thấy trên chụp mạch.

Một khi chắc chắn bạn không bị đau tim, bác sĩ sẽ kiểm tra dấu hiệu và triệu chứng của bạn có phải do hội chứng trái tim tan vỡ gây ra hay không.

Những phương pháp điều trị hội chứng trái tim tan vỡ là gì?

điều trị hội chứng trái tim tan vỡ

Không có cách điều trị tiêu chuẩn cho hội chứng này, bệnh được điều trị tương tự như điều trị cơn đau tim cho đến khi có chẩn đoán rõ ràng. Hầu hết mọi người ở lại bệnh viện cho đến khi hồi phục.

Nhiều người bị hội chứng trái tim tan vỡ hồi phục hoàn toàn trong vòng một tháng hoặc lâu hơn. Bạn có thể sẽ cần phải siêu âm tim khác trong khoảng 4 đến 6 tuần sau khi bạn có các triệu chứng đầu tiên để chắc chắn rằng tim của bạn đã hồi phục.

Thuốc men

Một khi chắc chắn rằng hội chứng trái tim tan vỡ là nguyên nhân của các triệu chứng, các loại thuốc có thể được kê đơn để giảm căng thẳng cho tim và ngăn ngừa các cuộc tấn công tiếp theo. Thuốc có thể bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE)
  • Thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II (ARB)
  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc lợi tiểu
  • Thuốc làm loãng máu nếu có cục máu đông.

Nhiều bệnh nhân hồi phục hoàn toàn trong vòng một tháng hoặc lâu hơn. Bạn nên tham khảo bác sĩ thời gian bạn cần tiếp tục dùng các loại thuốc này khi đã hồi phục, đa phần có thể dừng thuốc trong vòng 3-6 tháng.

Phẫu thuật hoặc các thủ tục khác

Các thủ thuật thường được sử dụng để điều trị đau tim như nong mạch vành và đặt stent mạch vành hoặc thậm chí phẫu thuật đều không hữu ích trong điều trị hội chứng trái tim tan vỡ. Những thủ thuật này được sử dụng để điều trị các động mạch bị tắc nghẽn, đây không phải là nguyên nhân gây ra hội chứng. Tuy nhiên, chụp động mạch vành có thể được sử dụng để chẩn đoán nguyên nhân gây đau ngực.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa hội chứng trái tim tan vỡ?

Bạn có thể bị hội chứng này nếu đã từng mắc bệnh một lần trước đây. Không có trị liệu nào được chứng minh có thể ngăn ngừa các đợt mới. Nhiều bác sĩ khuyên người bệnh nên điều trị lâu dài bằng thuốc chẹn beta hoặc các loại thuốc tương tự để ngăn chặn tác hại tiềm tàng của các hormone gây căng thẳng trên tim.

Một số người bị căng thẳng mãn tính có thể tăng nguy cơ mắc hội chứng trái tim tan vỡ. Thực hiện các bước để quản lý căng thẳng cảm xúc có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giúp ngăn ngừa hội chứng trái tim tan vỡ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 20/05/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo