backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Hội chứng Rotator cuff

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 27/08/2020

    Hội chứng Rotator cuff

    Hội chứng Rotator cuff hay còn gọi chấn thương gân cơ chóp xoay vai là chấn thương vai rất phổ biến. Khớp vai gồm chỏm không cố định và ổ khớp di chuyển, được điều khiển bởi một nhóm nhỏ gồm bốn cơ được gọi là chóp xoay.

    Cơ dưới vai, cơ trên mỏm gai, cơ dưới mỏm gai và cơ tròn nhỏ là nhóm cơ xoay vai nhỏ giúp ổn định và kiểm soát vận động vai trên xương bả vai.

    Các cơ xoay chóp chịu trách nhiệm xoay vai và tạo thành một còng bao quanh đầu trên xương cánh tay (chóp vai).

    Hội chứng Rotator cuff là gì?

    mức độ phổ biến của hội chứng rotator cuff
    Cấu trúc vai

    Hội chứng Rotator Cuff đề cập đến những tình trạng xảy ra ở nhóm cơ gân chóp xoay, phổ biến nhất là rách cơ. Điều này sẽ khiến người bệnh không thể xoay vai và nâng đồ vật dễ dàng.

    Rách gân cơ chóp xoay gồm hai loại:

    • Rách gân cơ một phần: tình trạng sờn hoặc tổn thương một cơ trong nhóm cơ chóp xoay.
    • Rách gân cơ toàn phần: tình trạng tất cả gân chóp xoay bị đứt hoàn toàn khỏi xương.

    Triệu chứng hội chứng Rotator Cuff là gì?

    Không phải tất cả các chấn thương gân cơ chóp xoay đều gây đau. Một số là kết quả của tình trạng thoái hóa, có nghĩa là các gân cơ có thể bị tổn thương trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.

    Các triệu chứng chấn thương Rotator Cuff gồm:

    • Tránh các hoạt động nhất định vì chúng gây đau
    • Khó di chuyển vai như bình thường
    • Khó nằm nghiêng ở bên vai bị tổn thương
    • Đau nhức khi với tay lên cao
    • Đau ở vai, đặc biệt là vào ban đêm
    • Vai yếu dần
    • Khó đưa tay ra sau lưng

    Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng này trong hơn một tuần hoặc mất chức năng ở cánh tay, hãy đến gặp bác sĩ.

    Nguyên nhân gây chấn thương Rotator Cuff là gì?

    Chấn thương gân cơ chóp xoay có thể ở mức độ từ nhẹ đến nặng. 3 nguyên nhân chính gây ra chấn thương bao gồm:

    • Viêm gân
    • Viêm bao hoạt dịch
    • Căng cơ và rách cơ

    Những ai có nguy cơ bị chấn thương Rotator Cuff?

    Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ bị chấn thương gân cơ chóp xoay:

    • Tuổi tác. Khi bạn già đi, nguy cơ chấn thương Rotator Cuff càng tăng. Tình trạng này thường gặp nhất ở những người trên 60 tuổi.
    • Các công việc xây dựng hoặc những hoạt động đòi hỏi vận động cánh tay lặp đi lặp lại có thể làm tổn thương các gân cơ ở khu vực này.
    • Bệnh sử gia đình. Chấn thương Rotator Cuff có thể di truyền cho các thành viên trong gia đình.

    Chẩn đoán hội chứng Rotator Cuff

    chữa đau vai gáy

    Các bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh sử, khám sức khỏe và xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán chấn thương gân cơ chóp xoay. Họ cũng có thể hỏi về tính chất công việc của người bệnh. Những câu hỏi này giúp xác định liệu bệnh nhân có tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa hay không.

    Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra phạm vi chuyển động và sức mạnh của cánh tay. Họ sẽ loại trừ các tình trạng tương tự, chẳng hạn như dây thần kinh bị chèn ép hoặc viêm khớp.

    Các xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như X-quang, có thể xác định bất kỳ tình trạng gai xương nào. Những xương nhỏ này có thể cọ xát với gân chóp xoay và gây đau và viêm.

    Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc siêu âm cũng có thể được sử dụng để kiểm tra các mô mềm, bao gồm cả gân và cơ. Chúng có thể giúp xác định vết rách, cũng như cho biết mức độ lớn và nghiêm trọng của vết thương.

    Những phương pháp giúp điều trị chấn thương Rotator Cuff là gì?

    Thông thường, để điều trị các chấn thương gân cơ chóp xoay, bạn chỉ cần các phương pháp điều trị bảo tồn – chẳng hạn như nghỉ ngơi, chườm đá và vật lý trị liệu. Nếu chấn thương nghiêm trọng, bạn có thể cần phải phẫu thuật.

    Tiêm thuốc

    Nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không làm giảm cơn đau, bác sĩ có thể đề nghị tiêm steroid vào khớp vai, đặc biệt nếu cơn đau ảnh hưởng đến giấc ngủ, hoạt động hàng ngày hoặc quá trình tập vật lý trị liệu. Các thuốc steroid chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn và thận trọng, vì chúng có thể góp phần làm suy yếu gân và làm giảm thành công của phẫu thuật.

    Vật lý trị liệu

    Vật lý trị liệu thường là một trong những phương pháp điều trị đầu tiên mà bác sĩ có thể đề nghị. Các bài tập phù hợp với chấn thương chóp quay sẽ giúp phục hồi sự linh hoạt và sức mạnh cho vai. Vật lý trị liệu cũng là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật gân cơ chóp xoay.

    Phẫu thuật

    Nhiều loại phẫu thuật có thể giúp điều trị chấn thương Rotator Cuff, chẳng hạn như:

    • Nội soi sửa chữa gân. Trong thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật đưa một máy ảnh nhỏ (máy nội soi khớp) và các công cụ qua các vết rạch nhỏ để gắn lại phần gân bị rách vào xương.
    • Phẫu thuật mở sửa chữa gân. Trong một số tình huống, phẩu thuật mở có thể là lựa chọn tốt hơn. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ thực hiện gắn lại gân bị tổn thương vào xương thông qua một vết mổ lớn.
    • Chuyển gân. Nếu phần gân bị rách quá nghiêm trọng, không thể gắn lại vào xương cánh tay, bác sĩ có thể quyết định sử dụng một phần gân gần đó để thay thế.
    • Thay khớp vai. Chấn thương chóp xoay nặng có thể cần phải làm phẫu thuật thay khớp vai tổn thương bằng khớp vai nhân tạo.

    Chấn thương Rotator Cuff có nguy hiểm không?

    Nếu không điều trị, các chấn thương có thể dẫn đến khớp vai không thể cử động vĩnh viễn hoặc yếu đi, và có thể dẫn đến thoái hóa khớp vai tiến triển. Mặc dù không vận động vai là cần thiết để phục hồi, nhưng bạn chỉ nên duy trì trong thời gian ngắn nếu không mô liên kết bao quanh khớp sẽ trở nên dày và căng (vai bị đông cứng).

    Phòng ngừa hội chứng Rotator Cuff

    Nếu bạn có nguy cơ bị chấn thương cơ gân chóp xoay hoặc nếu đã từng bị chấn thương khu vực này, thì các bài tập tăng cường sức mạnh cho vai có thể giúp ngăn ngừa chấn thương trong tương lai.

    Trong trường hợp đau vai, bạn có thể chườm đá để giúp giảm sưng không quá 10 phút mỗi lần. Những biện pháp này cũng có thể giúp ngăn ngừa tái phát chấn thương.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

    Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


    Ngày cập nhật: 27/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo