backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Hở van động mạch chủ

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 22/05/2023

Hở van động mạch chủ

Hở van động mạch chủ thường có nguyên nhân là do thoái hóa van, xảy ra phổ biến nhất trong độ tuổi từ trên 60. Bệnh lý này có thể gây ra các triệu chứng rầm rộ nhưng thường âm thầm tiến triển trong nhiều năm. Một khi tình trạng này nghiêm trọng và kém đáp ứng với điều trị bằng thuốc đơn thuần, người bệnh cần được phẫu thuật sửa chữa thay van tim.

Vậy hở van động mạch chủ là gì, triệu chứng nhận biết ra sao, bệnh có nguy hiểm không và hướng điều trị trong từng giai đoạn như thế nào? Cùng tìm hiểu nhé!

Tìm hiểu chung

Hở van động mạch chủ là bệnh gì?

Van động mạch chủ là bộ máy van nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ. Từ tâm thất trái, máu giàu oxy sẽ được tim đẩy vào lòng động mạch chủ để đi đến các cơ quan trong cơ thể.

Hở van động mạch chủ là hiện tượng van động mạch chủ không đóng chặt mỗi khi tim giãn ra do nhận máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất trong thời kỳ tâm trương. Thay vì máu giàu oxy sẽ được đẩy hết ra khỏi buồng thất trái vào động mạch chủ, đi vào vòng tuần hoàn chung, thì lại bị rò rỉ một phần trở lại thất trái do van động mạch chủ đóng không kín. Vì phải chứa và co bóp để tống đi nhiều máu hơn bình thường qua từng nhịp tim nên buồng tâm thất trái phải biến đổi. Ban đầu thành thất trái sẽ dày hơn nhằm tạo lực bóp mạnh hơn nhưng theo thời gian sẽ bị giãn ra. Hệ quả là chức năng co bóp của tim bị hạn chế và người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng suy tim.

Hở van động mạch chủ có thể tiến triển đột ngột với các triệu chứng rầm rộ hoặc tiến triển từ từ trong nhiều năm.

Hở van động mạch chủ có nguy hiểm không?

Để đối phó với lượng máu bị rò rỉ ngược về tâm thất trái, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn. Thành tâm thất dày lên và sau đó giãn dần khiến tim hoạt động kém hiệu quả, cuối cùng có thể dẫn đến:

Triệu chứng và dấu hiệu

triệu chứng hở van động mạch chủ

Những dấu hiệu và triệu chứng của hở van động mạch chủ là gì?

Hầu hết trường hợp bệnh tiến triển khá chậm. Người bệnh hở van động mạch chủ nhẹ sẽ không có triệu chứng nào.

Tuy nhiên, khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, các triệu chứng hở van tim có thể sẽ xuất hiện như:

  • Đau ngực, khó chịu vùng ngực hoặc tức ngực, thường tăng lên khi tập thể dục hay gắng sức
  • Choáng váng, ngất xỉu
  • Huyết áp thấp
  • Tim đập nhanh hoặc loạn nhịp
  • Khó thở khi hoạt động thể chất, khi nằm xuống hoặc khi cố gắng ngủ
  • Sưng phù nề ở mắt cá chân và bàn chân
  • Mệt mỏi và suy nhược, nhất là khi mức độ hoạt động thể chất tăng lên.

Hở van động mạch chủ cấp tính đột ngột gây ra các triệu chứng:

  • Đau ngực
  • Ho khan
  • Tim đập nhanh
  • Khó thở khi hoạt động thể chất và cả khi nghỉ ngơi
  • Rối loạn huyết động

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám ngay lập tức nếu nghi ngờ có dấu hiệu hở van động mạch chủ kể trên.

Đôi khi những dấu hiệu đầu tiên của bệnh này có liên quan đến suy tim. Bạn cũng nên đi khám sớm khi cảm thấy mệt mỏi không thuyên giảm khi nghỉ ngơi, khó thở, sưng mắt cá chân và bàn chân.

hở van động mạch chủ khi nào đi khám

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hở van động mạch chủ là gì?

Hở van động mạch chủ cấp tính thường xảy ra bởi nhiễm trùng van trong bệnh lý viêm nội tâm mạc nhiễm trùng. Bên cạnh đó, bất kể tình trạng nào khiến van động mạch chủ bị hư hại cũng có thể là nguyên nhân của hở van động mạch chủ, bao gồm:

  • Bệnh van tim bẩm sinh: Một số người được sinh ra với van động mạch chủ chỉ có hai lá van hoặc bị dính hai lá van vào nhau thay vì có ba lá van riêng biệt như bình thường. Một số trường hợp hiếm gặp khác là van động mạch chủ chỉ có một lá van hoặc có tới bốn lá. Những dị tật tim bẩm sinh này khiến người bệnh có nguy cơ bị hở van động mạch chủ vào một thời điểm nào đó trong đời. Nếu từng có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh van tim bẩm sinh thì nguy cơ của một người cũng tăng lên.
  • Hẹp van động mạch chủ: Khi bạn già đi, cặn canxi có thể tích tụ trên van động mạch chủ và khiến các lá van thoái hóa trở nên cứng và dần dần hẹp lại. Hẹp động mạch chủ cũng có thể ngăn chặn các lá van đóng lại đúng cách. Từ đó, tâm thất trái phải tăng lực co bóp để tống máu qua lỗ van hẹp. Lâu ngày, buồng thất trái sẽ dãn ra và kéo theo giãn vòng van, làm hở van động mạch chủ thứ phát.
  • Viêm nội tâm mạc: Tình trạng đe dọa tính mạng này thường do nhiễm trùng, có thể làm tổn thương van động mạch chủ cấp tính.
  • Sốt thấp khớp: Đây là biến chứng sau viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn. Bệnh lý này có thể làm cho van động mạch chủ trở nên cứng và hẹp, gây rò rỉ máu. Tình trạng này còn được gọi là bệnh thấp tim.
  • Những bệnh lý khác: Một số tình trạng hiếm gặp khác có thể làm giãn động mạch chủ và van động mạch chủ, dẫn đến hở van, bao gồm hội chứng Marfan, bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
  • Rách hoặc chấn thương động mạch chủ: Chấn thương vùng ngực hoặc phình tách động mạch chủ có thể gây ra rò rỉ máu qua van động mạch chủ khi đóng không kín.

Tuy nhiên, có một số người bị hở van động mạch chủ mà không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào trước đó.

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc hở van động mạch chủ?

Một số yếu tố khiến bạn dễ bị hở van động mạch chủ hơn bao gồm:

  • Tuổi cao
  • Từng nhiễm liên cầu khuẩn, giang mai
  • Huyết áp cao.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh hở van động mạch chủ?

chẩn đoán hở van động mạch chủ

Để chẩn đoán hở van động mạch chủ, bác sĩ sẽ khám sức khỏe, khai thác triệu chứng cùng tiền sử bệnh của bạn và gia đình.

Bác sĩ có thể nghe thấy tiếng thổi van tim khi nghe tim bằng ống nghe. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu một số xét nghiệm để chẩn đoán hở van động mạch chủ và xác định nguyên nhân, bao gồm:

  • Siêu âm tim: Sử dụng các sóng âm thanh tạo ra hình ảnh trái tim của bạn đang chuyển động trên màn hình máy tính. Xét nghiệm này nhằm xem xét kỹ tình trạng của van động mạch chủ và động mạch chủ. Từ đây, bác sĩ có thể xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của hở van; và xem liệu bạn có mắc thêm các tổn thương trên van tim khác hay không. Ngoài siêu âm tim thông thường, người bệnh cũng có thể được chỉ định thực hiện siêu âm tim 3D hoặc siêu âm tim qua thực quản (dùng một camera nhỏ gắn vào đầu ống rồi luồn qua miệng đến đoạn thực quản nằm sát tim).
  • Điện tâm đồ: Dùng các điện cực đặt trên da ngực, đo hoạt động điện của tim. Điện tâm đồ có thể phát hiện các buồng tim phì đại, rối loạn nhịp tim và một số vấn đề tim khác.
  • X-quang ngực: Cho biết tim hoặc động mạch chủ của bạn có bị phì đại không, phổi có đang hoạt động bình thường hay không.
  • Bài kiểm tra gắng sức: Bạn sẽ hoạt động thể chất đạt mức độ quy định và bác sĩ quan sát xem có xuất hiện dấu hiệu hở van động mạch chủ hay không, mức độ nghiêm trọng đến đâu. Nếu bạn không thể vận động, bác sĩ sẽ dùng các loại thuốc tăng co bóp khiến tim phải làm việc nhiều hơn để đạt mục tiêu đánh giá.
  • MRI tim: Chụp cộng hưởng từ tạo ra hình ảnh chi tiết về tim, bao gồm cả động mạch chủ và van động mạch chủ.
  • Thông tim: thường không dùng trong chẩn đoán hở van động mạch chủ, nhưng có thể được thực hiện nếu các xét nghiệm khác không thể giúp bác sĩ xác định bệnh hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các bác sĩ cũng có thể thông tim trước khi phẫu thuật thay van để xem liệu có tắc nghẽn trong động mạch vành hay không, nhằm khắc phục đồng thời tại thời điểm phẫu thuật. Thông tim sử dụng một ống mỏng luồn qua mạch máu từ bẹn đến mạch vành. Thuốc cản quang được đưa vào ống thông để hiển thị rõ hình ảnh của các mạch máu trên X-quang. Bác sĩ sẽ có hình ảnh chi tiết về các động mạch tim và hoạt động của tim. Cách thức này cũng giúp đo áp suất bên trong buồng tim.

Những phương pháp nào dùng để điều trị hở van động mạch chủ?

Điều trị hở van động mạch chủ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguy cơ tiến triển của bệnh. Mục tiêu là làm giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.

Nếu triệu chứng hở van động mạch chủ nhẹ hoặc không có triệu chứng, bác sĩ có thể theo dõi định kỳ và đề nghị thay đổi lối sống phù hợp.

Thuốc

Thuốc có thể được chỉ định để giảm huyết áp.

Phẫu thuật hoặc các thủ thuật

Nếu hở van cấp tính hoặc mạn tính nặng, bạn có thể cần phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế van động mạch chủ. Tuy nhiên, một số người cần phẫu thuật dù bệnh không nghiêm trọng hoặc không có triệu chứng.

Quyết định phẫu thuật sẽ tùy thuộc vào triệu chứng, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và liệu có cần phẫu thuật để điều trị một vấn đề về tim đồng thời khác hay không. Nếu bạn cần một cuộc phẫu thuật tim khác, các bác sĩ có thể sửa chữa/thay van động mạch chủ cùng lúc.

Các lựa chọn phẫu thuật hở van động mạch chủ bao gồm:

  • Sửa chữa: Để sửa chữa van động mạch chủ, bác sĩ có thể tách các van bị dính, định hình lại van, loại bỏ van thừa hoặc vá các lỗ trên van để van có thể đóng chặt.
  • Thay van động mạch chủ: Bác sĩ sẽ loại bỏ van bị hỏng và thay thế bằng van cơ học hoặc van sinh học (làm từ mô của bò, lợn hoặc người). Đôi khi, van động mạch chủ được thay bằng van động mạch phổi của chính bạn (van tự thân), còn van động mạch phổi được thay thế bằng van tim tương ứng từ người hiến tặng. Những người mang van cơ học buộc phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời để ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông. Dùng van sinh học thì không cần uống thuốc chống đông, nhưng van sẽ bị thoái hóa sau một thời gian và bạn cần phẫu thuật lại để thay thế chúng. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về lợi ích và rủi ro của từng loại van để chọn loại tốt nhất.

điều trị hở van động mạch chủ

Phòng ngừa

Phòng ngừa bệnh hở van động mạch chủ tiến triển bằng cách nào?

Nếu bạn có bất kỳ bệnh tim mạch nào, hãy đi khám bác sĩ thường xuyên để theo dõi, đảm bảo luôn kiểm soát tốt bệnh lý mắc phải.

Ngoài ra, hãy thực hiện các bước để ngăn ngừa các tình trạng có thể làm tăng nặng hở van động mạch chủ, bao gồm:

  • Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim: Ăn nhiều trái cây và rau quả, các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo, thịt gia cầm, cá và các loại ngũ cốc nguyên hạt. Tránh chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, ăn nhạt và ít đường.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, bác sĩ có thể khuyên bạn nên giảm cân. Hãy duy trì cân nặng vừa phải theo chỉ số BMI.
  • Hoạt động thể chất thường xuyên: Đặt mục tiêu 30 phút hoạt động thể chất mỗi ngày, chẳng hạn như đi bộ nhanh. Hãy hỏi bác sĩ của bạn để được hướng dẫn trước khi bắt đầu tập thể dục.
  • Quản lý căng thẳng: Thông qua các hoạt động thư giãn, thiền, tập thể dục và dành thời gian cho gia đình, bạn bè.
  • Tránh khói thuốc lá và bỏ thuốc (nếu đang hút).
  • Kiểm soát huyết áp cao: Nếu bạn đang dùng thuốc huyết áp, hãy dùng đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Thông thường, bệnh nhân mắc hở van động mạch chủ cấp tính sẽ có các bệnh phức tạp cùng tồn tại như viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn hoặc bóc tách động mạch chủ nên tiên lượng xấu, hầu như phải phẫu thuật. Trong khi đó, hở van động mạch chủ nhẹ mạn tính thường do thoái hóa không triệu chứng lại có tiến triển tốt nếu được điều trị tích cực. Một khi bệnh đã gây ra triệu chứng thì sẽ tiến triển nhanh chóng, có thể dẫn tới suy tim, phù phổi cấp và đột tử và cũng thường được phẫu thuật sớm.

Nhìn chung, hở van động mạch chủ là tình trạng nguy hiểm, bạn không nên chủ quan mà cần thăm khám sớm và tuân thủ điều trị. Đây là chìa khóa giúp bạn kiểm soát hiệu quả tình trạng hở van động mạch chủ nói riêng, các bệnh lý tim mạch nói chung.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 22/05/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo