backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Gãy sống mũi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 27/07/2021

Gãy sống mũi

Gãy sống mũi là tình trạng như thế nào? Gãy sống mũi có đau không và phải làm sao khi bị gãy sống mũi? Mời bạn cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp cho những thắc mắc này trong bài viết ngay sau đây nhé!

Tìm hiểu chung

Gãy sống mũi là gì?

Gãy sống mũi là tình trạng gãy xương mũi. Trong hầu hết trường hợp, tình trạng gãy xương mũi cũng làm tổn thương sụn mũi và vách ngăn mũi.

Vì mũi nằm ở vị trí trung tâm của khuôn mặt và dễ chịu tác động từ các lực bên ngoài, như tai nạn hoặc ẩu đả, nên sống mũi dễ bị tổn thương, thậm chí là gãy. 

Đối với tình trạng gãy xương nhẹ, bạn có thể sưng nhẹ và chảy máu mũi trong thời gian ngắn. Ngược lại, với gãy xương nghiêm trọng, mũi sẽ bị biến dạng rõ ràng hoặc xương mũi lệch ra khỏi vị trí ban đầu ngay sau khi va chạm. Bạn cũng có thể chảy rất nhiều máu, tắc lỗ mũi hoặc có vấn đề với luồng lưu thông không khí do lệch vách ngăn mũi

Nhìn chung, trẻ em thường ít có nguy cơ bị gãy sống mũi hơn người lớn do xương của trẻ linh hoạt hơn và ít giòn. Tuy nhiên, tình trạng gãy mũi ở trẻ em có khả năng gây biến dạng lâu hoặc khiến trẻ khó thở.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng gãy sống mũi là gì?

triệu chứng gãy sống mũi

Các dấu hiệu gãy sống mũi bao gồm:

  • Bầm tím, sưng và đau quanh mũi
  • Chảy máu cam
  • Mũi biến dạng, xoắn hoặc vẹo
  • Khó thở ở một hoặc cả hai bên mũi
  • Lệch vách ngăn
  • Vùng da dưới mắt đổi màu như vết thâm.

Gãy sống mũi có đau không? Ngay cả khi mũi chỉ bị thương nhẹ, khu vực này có thể sưng lên và gây đau đáng kể trong vòng 1-2 giờ sau khi bị va đập mạnh vào mũi.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu có các triệu chứng sau:

  • Mũi biến dạng sau chấn thương
  • Tình trạng sưng không giảm sau 3 ngày
  • Thuốc giảm đau không có tác dụng
  • Bạn vẫn cảm thấy khó thở bằng mũi sau khi hết sưng
  • Bạn bị chảy máu cam thường xuyên
  • Sốt cao (hoặc bạn cảm thấy nóng và run)
  • Bạn có một vết cắt lớn trên khuôn mặt.

Gọi cấp cứu ngay nếu bạn có các triệu chứng sau:

  • Tình trạng chảy máu mũi sẽ không dừng lại
  • Một vết thương hở lớn trên mũi 
  • Dịch trong như nước chảy ra từ mũi – đây có thể là dấu hiệu của chấn thương đầu nghiêm trọng
  • Nhức đầu dữ dội kèm mờ mắt hoặc nhìn đôi
  • Đau mắt
  • Đau hoặc cứng cổ – kèm cảm giác tê hoặc ngứa ran ở cánh tay
  • Cục máu đông ở vách ngăn, gây đau, sưng hoặc tắc thở
  • Các triệu chứng khác của chấn thương đầu nghiêm trọng, chẳng hạn như ngất xỉu hoặc khó nói.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây gãy sống mũi?

Một lực tác động bất ngờ đến mũi là nguyên nhân phổ biến nhất gây gãy sống mũi. Gãy mũi thường xảy ra cùng với các chấn thương mặt hoặc cổ. Nguyên nhân phổ biến gây gãy sống mũi bao gồm:

  • Va vào tường
  • Té ngã
  • Bị đánh vào mũi trong một môn thể thao tiếp xúc
  • Tai nạn giao thông
  • Bị đấm hoặc đá vào mũi
  • Bị va đập mạnh vào mũi

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị gãy sống mũi?

nguyên nhân gây gãy sống mũi

Tai nạn có thể xảy ra với bất cứ ai, vì vậy mọi người đều có nguy cơ bị gãy mũi. Tuy nhiên, một số hoạt động có thể làm tăng nguy cơ gãy xương mũi.

Những người tham gia vào hầu hết các môn thể thao tiếp xúc có nguy cơ bị gãy mũi, như:

  • Bóng rổ
  • Quyền anh
  • Bóng đá
  • Võ thuật
  • Bóng đá

Các hoạt động khác cũng có thể khiến bạn gặp rủi ro bao gồm:

  • Tham gia giao thông không có bảo hộ (mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn…)
  • Lái xe đạp địa hình
  • Trượt ván

Ngoài ra, người lớn tuổi và trẻ nhỏ cũng có nguy cơ gãy sống mũi cao hơn vì họ dễ bị té ngã.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp bạn chẩn đoán gãy sống mũi?

Bác sĩ thường chẩn đoán gãy sống mũi bằng cách thực hiện kiểm tra thể chất. Nếu bạn bị đau nhiều, họ có thể cho dùng thuốc gây tê cục bộ để làm tê mũi trước khi kiểm tra thể chất. Bác sĩ có thể ấn nhẹ vào bên ngoài mũi và các vùng xung quanh mũi. Họ có thể nhìn vào bên trong đường mũi của bạn để kiểm tra tắc nghẽn và các dấu hiệu khác của xương gãy.

Nếu chấn thương mũi có vẻ nghiêm trọng hoặc đi kèm với các chấn thương mặt khác, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang hoặc CT để xác định mức độ thiệt hại cho mũi và khuôn mặt. Bác sĩ có thể đề nghị chụp cắt lớp vi tính (CT) nếu mức độ nghiêm trọng của chấn thương khiến việc khám sức khỏe tổng thể không thể thực hiện được hoặc nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có thể có các chấn thương khác.

Những phương pháp nào giúp điều trị gãy sống mũi?

điều trị gãy sống mũi

Gãy sống mũi phải làm sao? Tùy thuộc vào các triệu chứng, bạn có thể cần điều trị y tế ngay lập tức hoặc có thể tự sơ cứu tại nhà và sau đó mới đến gặp bác sĩ.

Sơ cứu tại nhà

Nếu bạn không có triệu chứng cần điều trị y tế ngay lập tức, một số biện pháp có thể giúp bạn sơ cứu vết thương tại nhà như:

  • Nếu bị chảy máu mũi, bạn hãy ngồi xuống và nghiêng người ra phía trước, đồng thời thở bằng miệng. Bằng cách này, máu sẽ không chảy xuống cổ họng.
  • Nếu bạn không chảy máu, hãy ngước đầu cao để giảm đau nhói.
  • Để giảm sưng, bạn hãy chườm lạnh vào mũi trong 15-20 phút, 3-4 lần một ngày.
  • Dùng acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin) để giảm đau.

Sau khi sơ cứu, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được đánh giá đầy đủ mức độ chấn thương. Mọi người thường không nhận ra tất cả các tổn thương nhỏ trên mặt khi bị chấn thương. Do đó, đến gặp bác sĩ sớm để kiểm tra vách ngăn mũi có lệch hay tích tụ máu hay không. Ngoài ra, việc sửa mũi bị gãy sẽ dễ dàng hơn nếu điều trị trong vòng 1-2 tuần sau chấn thương. 

Điều trị y tế

Nếu tình trạng gãy xương mũi của bạn nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị sau:

  • Dùng gạc y tế và nẹp để băng mũi
  • Chỉ định thuốc giảm đau và kháng sinh
  • Thực hiện phẫu thuật nắn xương kín: trong đó bác sĩ sẽ gây tê cục bộ và nắn lại xương mũi
  • Phẫu thuật định hình mũi
  • Phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn đây là một phẫu thuật để sửa chữa vách ngăn mũi 

Phẫu thuật nắn xương kín, định hình mũi và chỉnh hình vách ngăn thường được thực hiện sau 3-10 ngày chấn thương. Lúc này, tình trạng sưng đã giảm.

Đối với các tình trạng gãy xương nhẹ không có sai lệch, bạn không cần phải làm các phẫu thuật trên. Tuy nhiên, bác sĩ cần đánh giá chấn thương để xác định phương pháp điều trị nào là phù hợp. Chấn thương từ trung bình đến nặng có thể phải được phẫu thuật.

Bác sĩ sẽ yêu cầu làm phẫu thuật trong vòng 14 ngày sau chấn thương. Cơn đau và khó chịu từ phẫu thuật sẽ bắt đầu giảm trong vòng 72 giờ sau khi làm thủ thuật.

Biến chứng

Gãy sống mũi có thể gây nên những biến chứng gì?

Các biến chứng hoặc chấn thương liên quan đến gãy sống mũi có thể bao gồm:

  • Vách ngăn bị lệch. Gãy mũi có thể gây ra lệch vách ngăn. Đây là một tình trạng xảy ra khi bức tường mỏng phân chia hai bên mũi (vách ngăn mũi) bị di lệch, gây thu hẹp đường mũi. Các loại thuốc, chẳng hạn như thuốc thông mũi và thuốc kháng histamine, có thể giúp kiểm soát vách ngăn lệch, nhưng cần phải phẫu thuật để điều chỉnh tình trạng này.
  • Tụ máu vách ngăn. Đôi khi, các vũng máu đông lại hình thành trong mũi bị vỡ, tạo ra một tình trạng gọi là tụ máu vách ngăn. Tụ máu vách ngăn có thể làm tắc một hoặc cả hai lỗ mũi. Tụ máu vách ngăn cần phải phẫu thuật dẫn lưu nhanh chóng để ngăn ngừa tổn thương sụn.
  • Gãy sụn. Nếu gãy xương do một cú đánh mạnh, chẳng hạn như do tai nạn ô tô, bạn cũng có thể bị gãy sụn. Nếu chấn thương của bạn đủ nghiêm trọng để đảm bảo điều trị phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật nên giải quyết cả chấn thương xương và sụn của bạn.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào phòng ngừa gãy sống mũi?

Một số biện pháp có thể giúp bạn phòng ngừa gãy sống mũi như:

  • Mang giày có lực bám tốt để chống ngã.
  • Khi tham gia các môn thể thao tiếp xúc, bạn cần mặc đồ bảo vệ mặt để tránh chấn thương cho mũi.
  • Đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, điều khiển xe máy, trượt ván.
  • Đeo dây an toàn khi ngồi trong ô tô.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 27/07/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo